Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Chuyện cụ Diệm "trưng cầu dân ý" (2)



(Tiếp theo phần 1)

Vậy là, ngày 4-10-1955, một cuộc họp gồm đại diện của 15 đoàn thể chính trị, tôn giáo, thanh niên, lao động, phụ nữ, lập ra một ủy ban mang tên “Ủy ban Trưng cầu dân ý”, đưa kiến nghị đòi truất phế quốc trưởng Bảo Đại kèm suy tôn cụ Diệm. Hai ngày sau (6-10), cụ Diệm lạch bạch triệu tập một cuộc họp Hội đồng Chính phủ chấp thuận “nguyện vọng” của dân chúng và hai ngày sau nữa (8-10) thì bộ Nội vụ ra tuyên cáo, sẽ tổ chức “trưng cầu dân ý” vào ngày 23/10/1955.
Trong khi ấy thì quốc trưởng Bảo Đại vẫn còn đang mơ màng ở xứ Riviera nước Pháp và nếu chẳng mơ màng thì ngài cũng làm gì có đủ thời giờ và phương tiện để mà phản công cụ Diệm.
Mãi đến ngày 13-10, mười ngày trước khi cuộc “trưng cầu dân ý” bắt đầu, quốc trưởng Bảo đại mới phản ứng một cách chiếu lệ. Từ Cannes (Pháp), ngài tố cáo Diệm “ngăn cản cuộc hiệp thương thống nhất trong hòa bình giữa hai miền”. Ngài khẩn khoản “xin người dân đừng hỗ trợ hoặc khuyến khích những hành vi của chính phủ (Diệm), trái với tình cảm sâu xa của dân tộc Việt Nam và lý tưởng hòa bình”.  Bảo Đại cũng gửi tới các nhà lãnh đạo Pháp, Anh và Hoa Kỳ lời trần tình là ông chẳng có phương tiện nào trong tay để đấu lại với truyền thông Sài Gòn, nơi báo chí bị chính phủ (cụ Diệm) kiểm duyệt gắt gao. Sau chót, ngày 18-10 - 1955, Bảo Đại đưa ra nỗ lực cuối cùng của để vớt vát uy quyền bằng cách tố cáo Diệm dùng cuộc trưng cầu dân ý để chủ trương độc tài cá nhân và tạo nên sự hiềm khích giữa Pháp và Hoa Kỳ, đồng thời ông tuyên bố thu hồi quyết định bổ nhiệm Diệm làm thủ tướng. Đây có lẽ là văn kiện cuối cùng của ông trên cương vị quốc trưởng Quốc gia Việt Nam.
Sài Gòn bấy giờ rầm rộ bước vào chiến dịch cổ động cho sự kiện “trưng cầu dân ý”. Các đài phát thanh chính phủ, thay vì phát những thông tin lạt nhách như thường lệ thì đặc sắc thay, họ lại đọc vè trong suốt nhiều ngày: “Vè vẻ vè ve/ Nghe vè Bảo Đại/ Là quân ăn hại/ Theo gót thực dân...”. Xen giữa vè là nhạc, bản nhạc phổ biến suốt ngày đêm là “Hai ba tháng mười là ngày trưng cầu dân ý/ Bầu cho, bầu cho người nào/ Bầu người chống cộng bài phong/ Hai ba tháng mười là ngày trưng cầu dân ý/ Đứng lên, toàn quốc viết trang sử mới …”
Chiến dịch suy tôn Ngô chí sỹ 
Trong khoảng một tuần trước ngày 23-10-1955, đường phố Sài Gòn và khắp các tỉnh miền Nam rực rỡ với những bích chương, biểu ngữ, tranh đả kích và hình nộm Bảo Đại. Các cơ quan tuyên truyền đã có rất nhiều sáng kiến trong việc “đấu tố” quốc trưởng Bảo Đại và suy tôn cụ Diệm, kể cả việc dùng đến quyền năng của đồng tiền và dụ khị trẻ con. Các học sinh theo học một vài trường công giáo được xe nhà binh (camion) rước tới những nơi đông người, tay cầm hình vua Bảo Đại bị gạch vào ngang mặt, miệng hát khản cả tiếng những bài vè về “quân ăn hại” như đã nói ở trên. Để thù lao cho việc xuống đường chửi bới quốc trưởng Bảo Đại, các thầy cô phát cho mỗi đứa 5 đồng, một món tiền khá lớn đối với trẻ con lúc bấy giờ, gọi là tiền "cụ Diệm thưởng" như ông Đào Văn Bình kể lại.
Dọc đường phố và tại các nơi công cộng, các khẩu hiệu “quảng bá” cho hai phe đối nhau chan chát. Để “ngợi ca” quốc trưởng Bảo Đại thì có các khẩu hiệu: “Bù nhìn Bảo Đại bán nước”; “Bảo Đại nuôi dưỡng sòng bài, đĩ điếm”; “Hãy cảnh giác Bảo Đại gian ác, mê cờ bạc, gái, rượu chè, bơ sữa. Những ai bỏ phiếu cho Bảo Đại là phản bội quốc gia và bóc lột nhân dân”. Trong khi đó, các khẩu hiệu dành cho đối thủ của ông thì: “Dồn phiếu cho chí sĩ Ngô Đình Diệm là xây dựng một xã hội công bằng và hạnh phúc”; “Chào mừng Ngô Chí Sĩ vị cứu tinh của dân tộc. Diệt cộng, truất phế Bảo Đại, bài phong, đả thực là nhiệm vụ công dân của một nước tự do.”
Hình nộm Bảo Đại, tay cầm một bị tiền và gái.
Còn đây là hình ảnh cụ Diệm
Trước ngày bỏ phiếu, lại thêm vài câu vè dễ nhớ được đưa ra để dân chúng mau chóng học thuộc: "Xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ bì”, hay “Phiếu đỏ ta bỏ vô bì/ Phiếu xanh Bảo Đại ta thì vứt đi”.
Rồi thì cũng đến ngày 23-10-1955, các cử tri đi bỏ phiếu với một “tinh thần ... rất là... thể dục”.
Tất cả các công dân trên 18 tuổi có tên trong thống kê dân số mới nhất đều có quyền đi bầu (thống kê trước đó của chính phủ cho biết, tổng số cử tri ghi danh là 5.335.688 người), và thể thức bầu cử là “bỏ phiếu kín”. Các địa điểm bỏ phiếu được thiết lập cho mỗi đơn vị bầu cử là 1000 cử tri/điểm.
Bước chân vào phòng phiếu, cử tri phải xuất trình thẻ căn cước để ghi danh rồi sau đó nhận phiếu bầu và một phong bì kèm theo. Nhân viên điều hành phòng bỏ phiếu sẽ hướng dẫn cử tri tách đôi lá phiếu có in hình hai người mà mình định bầu cử, một bên xanh và một bên đỏ.
Gọi là “bỏ phiếu kín” nhưng không đồng ý ai làm quốc trưởng thì cứ việc vất toẹt phiếu in hình người đó, thẳng xuống đất hoặc vào sọt rác. Phiếu còn lại sẽ được bỏ vào cái phong bì đã được phát sẵn. Trước khi bỏ phong bì vào thùng phiếu, cử tri phải trình phong bì cho nhân viên điều hành phòng phiếu kiểm tra và chấp thuận.
Cho dù qui định quy trình bầu bán bề ngoài có vẻ chặt chẽ là vậy, nhưng lá phiếu “ta thì vất đi” (có màu xanh) sẽ cho thấy cụ Diệm là người chắc chắn đã được Chúa chọn lựa mà không hề cần đến Ban kiểm phiếu.
Phía bên trái, lồng trong khung màu xanh, lạnh lẽo và xui xẻo là hình quốc trưởng Bảo Đại trong bộ quốc phục, béo phị, mặt mũi tối tăm - (cái mặt không chơi được), bên dưới có hàng chữ: “Tôi không truất phế Bảo Đại, và không chấp nhận Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Việt Nam với nhiệm vụ đặt nền móng dân chủ”.
Phía bên phải, lồng trong khung màu đỏ, ấm nồng và may mắn như thần tài, là hình cụ Diệm trong bộ Âu phục, mặt mũi phương phi, tươi cười, sáng sủa thật đáng ngưỡng mộ, bên dưới có hàng chữ “Tôi truất phế Bảo Đại và chấp thuận Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Việt Nam, với nhiệm vụ đặt nền móng dân chủ”.
Thực ra, cái sáng kiến nửa xanh nửa đỏ này cũng lại do trùm CIA tại Việt Nam, là đại tá Edward Lansdale, rỉ tai cho cụ Diệm, nhằm tác động mạnh mẽ tới tâm lý cử tri mà chưa cần xét tới chuyện mê tín hay tập tính. Tuy nhiên, về tấm hình “nhìn mắc ghét” của Bảo Đại thì Lansdale sau này có nói lại rằng ông ta đã yêu cầu cụ Diệm phải dùng một tấm hình đẹp của Bảo Đại để tăng chút giá trị sòng phẳng cho cuộc đấu giữa đôi bên, nhưng có lẽ cụ Diệm thấy rằng tốt nhất là cứ làm ngược lại... cho đảm bảo “chắc ăn”.
Lanseale "xúi" cụ Diệm chọn ảnh này cho Bảo Đại - Nhưng cụ Diệm đâu có dại!
Để giữ thể diện cho cuộc trưng cầu dân ý, tốt nhất là Edward Lansdale nên lánh mặt khi nó xảy ra. Vì vậy, trước khi trở về Hoa Kỳ, với một vẻ hài hước nhưng thực ra lại rất nghiêm túc, ông ta căn dặn cụ Diệm: “Trong lúc tôi vắng mặt, tôi không muốn bỗng nhiên nhận được tin ông đắc cử với tỉ số 99.99 phần trăm số phiếu”.
Edward  Lansdale quả không hổ danh là một trùm tình báo, ít nhất là ở khả năng dự đoán kết quả bầu cử của cụ Diệm. Con số mà y đưa ra so với kết quả kiểm phiếu của cụ Diệm hóa ra chỉ sai lệch có hơn 1%: cụ Diệm đắc cử với số phiếu chiếm tỉ lệ 98.2%, và 1,1% là tỷ lệ số phiếu bầu cho đối thủ và cũng là đại ân nhân của cụ, người bây giờ đã chính thức bị bỏ vào sọt rác.
Đặc biệt, tại Sài Gòn, cụ Diệm được “dân” bầu tới 605.025 lá phiếu trong khi khu vực này chỉ có 450.000 cử tri ghi tên, đạt tỷ lệ “kinh dị” là xấp xỉ 130%. Nói cách khác, cứ 10 người đi bầu, thì có ít nhất là 3 con ma đi theo để bỏ phiếu suy tôn cụ Diệm!
Kết quả mỹ mãn của cuộc "trưng cầu dân ý"
Ba ngày sau, 26-10-1955.
Tại dinh Độc lập, cụ Diệm, tân quốc trưởng đọc bản Tuyên cáo xóa bỏ danh xưng Quốc gia Việt Nam và thành lập nền cộng hòa có tên Việt Nam Cộng hòa. Và trong khi chờ đợi một hiến pháp mới, thì quốc trưởng, đồng thời cũng là thủ tướng chính phủ, sẽ nhận danh hiệu Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.
Như vậy, cuộc trưng cầu dân ý đầy gian lận và khôi hài này đã khai sinh ra thể chế Việt Nam cộng hòa. 
Và cụ Diệm bắt đầu công cuộc thực thi “nhiệm vụ đặt nền móng dân chủ” - cho đến tháng 11-1963, chính những người đã từng tung hô và bỏ phiếu cho cụ "rước cụ" về  nước Chúa, trên chiếc xe bọc thép M113...

Tháng 11-1963, Lá phiếu cuối cùng của người Saigon "bầu" cho cụ Diệm.



1 nhận xét: