Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Hai nhà “tiên phong” dùng thuật ngữ “quốc ngữ”





-------------- 
Ai là người đầu tiên dùng hai chữ “quốc ngữ” để chỉ chữ Việt ngày nay?
Xin trả lời ngay, cứ theo các tài liệu hiện có trên Internet, thì người đầu tiên dùng hai chữ “quốc ngữ” để gọi thứ chữ dùng để phiên âm tiếng Việt có nguồn gốc Latin như ngày nay ta đang dùng là ông Trương Vĩnh Ký.
Tác giả Phạm Thế Ngũ, trong cuốn Việt Nam văn học sử giản yếu tân biên, (quyển 3, Văn học hiện đại (1862-1945), California: Nxb Đại Nam tái bản không đề năm, tr. 67.) cho biết:
 “Trên Gia Định Báo số 4, ngày 15-4-1867, Pétrus Ký (1837-1898) đã viết một bài khuyến khích việc học thứ chữ mới, trong đó có đoạn như sau:
 “…Thầy Ký dạy học có làm sách mẹo [văn phạm] dạy tiếng Lang Sa [Pháp], có làm ra chữ quốc ngữ [sic] để người ta dễ học. Những người ký lục [thư ký] giỏi cùng siêng năng sẽ lo mà học chữ quốc ngữ vì có hai mươi bốn chữ và viết đặng muôn ngàn chuyện, chữ chi mắc rẻ [khó dễ] cũng viết đặng, không phải như chữ Tàu học già đời mà còn có chữ lạ viết không ra, ở đây có Phủ Tường [Tôn Thọ Tường] đã học đặng chữ quốc ngữ, viết đặng, đọc đặng. Chữ ấy chẳng khó đâu, ra công học một đôi tháng thì thuộc hết…”
Như vậy, theo Phạm Thế Ngũ, thuật ngữ "quốc ngữ" dùng để chỉ “chữ viết của tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin” được ông Pétrus Ký “khai sinh” trên Gia Định Báo ngày 15-4-1867.
Tuy nhiên, chưa rõ trong cuốn sách của Phạm Thế Ngũ có cung cấp bản coppy số Gia Định Báo ngày 15-4-1867 để người đọc kiểm chứng hay không.
Người tiếp theo là một ông Tây, đó là ông Ernest Potteaux ( khá nhiều tài liệu biên sai tên ông thành Poteau). Ông này là thông ngôn hạng nhất thuộc Soái phủ lại bộ thượng thơ Nam Kỳ, cùng thời với Trương Vĩnh Ký. Ernest Potteaux cũng là “tiền bối” của Trương Vĩnh Ký trong việc xuất bản và điều hành tờ Gia Định báo trên cương vị Chánh Tổng tài (ngày nay gọi là Tổng biên tập).  Potteaux giữ nhiệm vụ này trong suốt hơn 4 năm, từ khi Gia định báo ra số đầu tiên (15-4-1865) cho đến 16-9-1869 mới giao lại cho Trương Vĩnh Ký.
Nhân đây cũng phải nói thêm, nhiều tài liệu theo nhau cho rằng tờ Gia Định báo ra đời là do: “Trương Vĩnh Ký yêu cầu lập một tờ báo chữ quốc ngữ khi thống đốc Keguda mời cụ ra làm quan”, đề nghị ấy được nhà cầm quyền chấp thuận nhưng lại cấp phép cho Ernest Potteaux chứ không phải cho họ Trương. Tuy nhiên, trên thực tế không hề có một ông Keguda nào là thống đốc Nam kỳ vào cái thời bấy giờ (tra cứu danh mục thống đốc Nam kì).
Về mặt văn bản còn lưu giữ được đến ngày nay, thì quả là E. Potteaux đã dùng hai chữ “quốc ngữ” để chỉ “chữ viết của tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin” vào năm 1869, trong cuốn Lịch Annam thuộc về sáu tỉnh Nam Kì tuế thứ Kỷ Tị ấn hành năm 1869. Cuốn lịch tiếng Việt này hiện lưu trữ tại thư viện đại học Harvard.
Trang bìa cuốn Lịch Annam thuộc về sáu tỉnh Nam Kì tuế thứ Kỷ Tị ấn hành tại Saigon năm 1869.


 
Tại trang 10 của cuốn sách, E. Potteaux đã dùng hai chữ “quốc ngữ” để chỉ “chữ viết của tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin”.

Điều ngồ ngộ là cũng trong trang 10 nói trên Potteaux ghi rõ: “Trong lịch này có ba thứ chữ, là chữ Langsa, chữ Annam và chữ quốc ngữ”. Chữ Nôm rõ ràng được Potteaux gọi là “chữ Annam”, hiểu theo nghĩa đen thì bản thân Potteaux cũng thừa nhận chữ Nôm đích thực là quốc ngữ của nước Việt Nam thời bấy giờ. Tuy vậy, như đã biết, “chữ Annam” - chữ của nước Nam lại không được Potteaux hay Trương Vĩnh Ký gọi là “chữ quốc ngữ”.
Vào những năm 1867 hay 1869 thì cái “chữ viết của tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin” chỉ có một số rất-rất ít người biết sử dụng. Tại sao Trương Vĩnh Ký và Ernest Potteaux lại  “lớn gan” gọi đó là “chữ quốc ngữ”?
Thực ra, cả Trương Vĩnh Ký và Ernest Potteaux đều thừa biết trong lịch sử tiếng Việt, trước khi có hệ chữ viết sử dụng các mẫu tự Latin, tên gọi “quốc ngữ” (như trong “Bạch Vân quốc ngữ thi tập” của Nguyễn Bỉnh Khiêm) hoặc cách gọi khác là “Quốc âm” (như “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi) đã từng được người Việt dùng để chỉ chữ Nôm, một loại văn tự mượn dạng chữ Hán để ghi âm tiếng Việt cổ, được phát triển vào khoảng thế kỷ XIII và đến thời Trương Vĩnh Ký vẫn còn sử dụng.
Trương Vĩnh Ký và Ernest Potteaux cũng quá hiểu rằng thứ chữ mà họ gọi là “quốc ngữ” vốn do các giáo sĩ phương Tây tạo ra (vào khoảng đầu thế kỷ XVII) chỉ với mục đích duy nhất là để truyền đạo. Trong suốt hơn 200 năm tiếp theo, nó chỉ được sử dụng quanh quẩn trong một phạm vi hẹp là các nhà thờ Thiên chúa giáo hay các xứ đạo. Và chỉ đến tháng 4 năm 1865, khi chính quyền thực dân Pháp ở Nam Kì cho phép ra đời tờ báo đầu tiên “in bằng tiếng Annam thông thường” là tờ Gia Định báo, thì cái “chữ quốc ngữ”, như tên gọi bây giờ, mới chính thức bước chân vào xã hội dân sự Nam Kỳ.
Và phải mất thêm 13 năm nữa để “phổ cập”, dẫu chỉ hạn hẹp trong một số tầng lớp dân chúng Nam Kỳ, thứ chữ “có nguồn gốc Latin” này mới được nhà cầm quyền thực dân chính thức gọi là “chữ quốc ngữ” theo một Nghị định do Thống đốc Nam kỳ là đô đốc hải quân J. Lafont ký ban hành ngày 6-4-1878. Nguyên văn Nghị định theo GS Nguyễn Văn Trung, như sau:
“Xét rằng chữ viết của tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin ngày nay đã khá phổ thông trong các tỉnh Nam kỳ, là thứ chữ dễ học hơn chữ Nho và tiện lợi nhiều so với chữ Nho trong việc làm cho những giao dịch giữa các quan cai trị với dân bản xứ được trực tiếp hơn. Xét rằng việc dùng hợp pháp thứ chữ đó chỉ làm cho dân chúng dễ đồng hóa với chính quyền ta, và vì thế thật là một đường lối chính trị tốt nếu bắt buộc dùng nó trong các giao dịch chính thức. Tuy nhiên, xét rằng một cải cách quan trọng như thế không thể thực hiện được ngay tức khắc, và để thực hiện nó cần có sự cộng tác của những tầng lớp lãnh đạo trong dân chúng. Chiếu đề nghị của quyền giám đốc nội vụ, sau khi hội đồng tư vấn đã được hội ý kiến, nay ra nghị định:
Điều 1: kể từ ngày 1-1-1882 tất cả những văn kiện chính thức, nghị định, quyết định, sắc lệnh, phán quyết, chỉ thị… sẽ được viết, ký và công bố bằng chữ mẫu tự Latin.
Điều 2: kể từ ngày trên, không một tuyển dụng nào được thi hành, không một thăng trật nào được cho phép, trong ngạch phủ, huyện, tổng đối với bất cứ ai không ở trong tình trạng viết được chữ quốc ngữ.”
Như vậy, ít nhất vào trước thời điểm ban hành Nghị định nói trên thì không thể gọi “chữ viết của tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin” “chữ quốc ngữ”, lý do đơn giản là nó chưa được chính quyền thời đó công nhận và thực tế tầm phổ cập cũng chưa đủ rộng để có thể gọi là chữ viết của cả một quốc gia.
Mặt khác, khi Triều đình Huế và Pháp ký Hòa ước Patenôtre vào năm 1884 thì nước Pháp lại được toàn quyền đại diện cho nước Annam trong mọi quan hệ ngoại giao. Như vậy, trong mọi giao thiệp với nước ngoài, thì “quốc ngữ” ở đây chính xác phải là tiếng Pháp và chữ Pháp, chứ không phải “chữ viết của tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin”.
Hơn nữa, như điều 1 của Nghị định 6-4-1878 quy định, kể từ ngày 1-1-1882 thì mới bắt buộc phải sử dụng phổ cập thứ chữ này trong toàn bộ những văn kiện của nhà nước (nhưng cũng chỉ trong phạm vi xứ Nam Kì thuộc địa, còn ở Bắc và Trung thì chữ Hán vẫn được sử dụng trong mọi văn kiện của từ Triều đình trung ương cho đến các công sở địa phương và trong mọi giao dịch dân sự thông thường).
Vậy thì kể cả sau khi thuật ngữ “chữ quốc ngữ” dùng để chỉ “chữ viết của tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin” đã được chính quyền thực dân Pháp chính thức công nhận qua Nghị định ngày 6-4-1878, thì trên thực tế, nước Annam mà đại diện là Triều đình Huế, vẫn cứ sử dụng một thứ “quốc ngữ” khác, đó là chữ Hán. Thậm chí, mãi đến năm 1919, việc học tập và thi cử (kì thi quốc gia như cách nói ngày nay) bằng chữ Hán mới bị bãi bỏ hoàn toàn và thay thế bằng “chữ quốc ngữ”.
Ấy thế mà các vị Trương Vĩnh Ký và Ernest Potteaux đã gọi chữ viết của tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin” là “chữ quốc ngữ” từ những năm 1867 hay 1869. Kiểu gọi bừa bãi như vậy rõ ràng là “áp đặt” “lạm ngôn”, hoàn toàn không “chính danh” và cũng không tương xứng với danh hiệu “học giả” (thậm chí là “bác học”) mà xã hội đã gán cho họ. (Cũng may cho họ là vào thời điểm ấy, nước ta chưa có mạng mẽo và cũng không có nhiều học thật học giả như bây giờ, chứ không thì gạch đá để đâu cho hết?)
Thực ra Trương Vĩnh Ký và Ernest Potteaux hoàn toàn chẳng phải là những nhà “tiên tri”, họ đơn giản chỉ là những kẻ thừa hành được chính quyền thực dân phân công đi tiền trạm trong công cuộc “chinh phục” xứ sở Annam bằng những “con chữ gốc Latin” mà thôi.
Là vì, từ những năm 1864, thống đốc Nam Kì P.M de la Grandière đã từng kỳ vọngTrong chưa đầy một năm, chúng ta sẽ có ít nhất một nghìn thanh niên Annam biết đọc và biết viết ngôn ngữ của họ bằng mẫu tự Latin; nhờ đó chúng ta sẽ tống một cú đánh chết người vào chế độ quan lại, và chúng ta sẽ tự mình gỡ bỏ được lớp văn thân là các kẻ luôn luôn có khuynh hướng gây xáo trộn” (Milton E Osborne – Giáo dục và chữ quốc ngữ – sự phát triển một trật tự mới 1859-1905 - Ngô Bắc dịch)
Và ngay sau khi chiếm toàn bộ Nam kỳ (1867), người Pháp đã nhận ra ngay vai trò lợi hại của thứ chữ Việt có xuất xứ từ nhà thờ này và quyết sử dụng nó như một công cụ cai trị, nhằm xóa sổ tầng lớp văn thân yêu nước Việt Nam. Chính vì vậy người Pháp đã mưu tính để nó trở thành “quốc ngữ” của người Việt. 
Thế nên chả cần phải đợi đến khi thứ “chữ viết An Nam bằng mẫu tự Latin” được chính quyền công nhận hay chí ít, nó phải được phổ cập một cách xứng đáng, phải có những kẻ “tiên phong”, tức là đi trước ông chủ mà gọi thứ chữ này là “chữ quốc ngữ”.


--------


1 nhận xét: