Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Hai câu hỏi của nhà văn Nguyễn Văn Thọ




------
Locliec xin trân trọng giới thiệu hai bài viết và cũng là hai câu hỏi lớn của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh Thọ là một người Hà Nội gốc và cũng là một cựu chiến binh thời chống Mỹ, nay sinh sống và làm việc tại Đức. Bài chép về từ blog Giao .

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ và họa sĩ Thành Chương, ảnh do Trần Đăng Khoa chụp


1. Vì sao phải thù hận?


Tôi là người lính từng tham gia chiến tranh, tự nguyện và hết lòng. Nhiệm vụ của người lính; trách nhiệm với đồng đội, đơn vị, tổ quốc; danh dự cá nhân, gia đình đã buộc tôi gắn kết với chiến tranh 12 năm.
Tôi có sự căm thù không? Không! Chúng tôi biết gì người Mỹ mà căm thù họ! Nhưng người Mỹ đã tới.
Khởi đầu của cuộc chiến, Mỹ ném bom miền Bắc và tuyên bố: “Đánh cho Việt Nam quay lại thời đại đồ đá”. Hãy hình dung, khi một con người bị sỉ nhục như thế, nhất là con người ấy yêu quê hương, yêu từng viên đá, gốc cây Hà Nội, sẽ hành xử ra sao nhất là khi anh ta trực tiếp nhìn rõ bom của người Mỹ ném xuống mảnh đất thân yêu, giết chết bao con người chưa một lần gây hấn với họ. Họ, người Mỹ đã ném chiến tranh xuống quê hương của tôi, của em, của ta và của chúng ta, khi Hà Nội là trái tim của cả nước.
Và khi ấy, hỏi ai lại cam tâm ngồi yên. Và chúng tôi đã ra trận chiến đấu với chỉ lòng dũng cảm vô song, bởi nếu không có lòng dũng cảm, sẽ không ai dám chống lại người Mỹ, khi thực sự nhìn chúng bay, rải thảm cái chết...
Chúng tôi phải đánh nhau với súng ống cổ lỗ, từ súng máy 12, 7 ly tới pháo 57, 100 ly, đều là loại súng ống của đại chiến II. Kể cả tận khi trang bị tên lửa thì Sam II cũng là loại tên lửa cổ lỗ. Trong khi đó, người Mỹ dùng tất cả sức mạnh của hải quân của không quân từ B52 tới F, A các loại siêu thanh, đều là phương tiện hiện đại nhất.
Thế hệ chúng tôi đã kế tục truyền thống chống Nguyên Mông của tiền nhân, thay vì thích trên cánh tay, chúng tôi thích hai từ Sát Thát vào tận trái tim từng người ra trận. Lứa Hà Nội khi ấy đều đa số có học, ý thức rất rõ việc chúng tôi đang làm, đang chiến đấu, theo đuổi. Chúng tôi đã đánh hàng trăm trận, bất kể khi người Mỹ với sức mạnh quân sự tưởng như ăn sống nuốt tươi đối thủ trên không và trên biển, trên bộ. Nhưng sự áp đảo của cả đạo quân gồm không quân hải quân, xe tăng và bộ binh trang bị tận răng, no đủ như ở nhà, vẫn không làm chúng tôi run sợ. Mãi tới năm 1971 họ mới nhận ra, khi anh làm nhục một dân tộc, tức là các anh đã khơi dậy một cơn giận dữ bất tận của một dân tộc.
Khi những hòa ước được ký kết, người Mỹ hạn chế và chấm dứt ném bom miền Bắc chúng tôi lại vào Nam chiến đấu. Hỏi tôi có hận thù gì với anh em binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa không? Không! Tôi không có hận thù gì với anh em binh sĩ miền Nam, nhưng tôi không muốn người Mỹ và tất cả binh lính nước ngoài chà đạp lên Tổ quốc tôi. Khi người Mỹ sát cánh với họ chà đạp 60 vạn gót giầy trên quê hương miền Nam, tôi đã một lần nữa vào Nam chiến đấu.
Tôi không có ân oán gì về cá nhân với anh em binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa cả, nhưng chúng tôi, những con người tường các quy luật của chiến tranh, cả sử nước nhà và lịch sử thế giới, ý thức rất rõ và cụ thể từng trận chiến rằng: Chiến tranh chỉ chấm dứt khi có một bên thắng bên thua, vì đất nước Việt Nam không thể chia cắt. Do vậy, tôi và bao người đã chiến đấu cho cánh quân bên chúng tôi - bộ đội miền Bắc, tới giọt máu, tới sức lực cuối cùng, nhằm chiến thắng để chấm dứt chiến tranh chứ không phải giải quyết thù hận. Ngày 30/4/1975, trước khi tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, hàng vạn vạn binh sĩ chúng tôi đều muốn sống, cầu nguyện được là kẻ sống sót cuối cùng sau cuộc chiến; song không ai bảo đảm rằng, họ có thể chắc chắn sẽ còn lại trong trận chiến cuối ấy.
Cho tới hôm nay khi ngồi viết những dòng này tôi nhận ra, cuộc chiến ở Việt Nam đã gây ra một vết thương rất sâu và rất dài cho dân tộc Việt Nam. Hàng triệu người dân đã bỏ mình. Hàng triệu gia đình đã mất cha, mất chồng và mất con trên trận mạc. Cũng do chiến tranh để lại, hàng triệu người đã bỏ nước ra đi, ly tán và mất mát đau khổ trên biển xanh, trong rừng rậm, để lại một vết hận không nhỏ trong một bộ phận không nhỏ những gia đình phía chiến tuyến bên kia. Đó là niềm đau vô cùng lớn không chỉ riêng ai khi họ còn yêu đất nước.
Sự mất mát của thế hệ chúng tôi cả hai bên, sự mất mát của cả dân tộc tới ngày 30/4 khi đất nước yên súng, giang sơn thu về một cõi là sự đòi hỏi tất yếu của lịch sử, của dân tộc nhưng đó cũng đã phải trả với giá quá đắt. Và một câu hỏi luôn luôn làm tôi đau nhức là tại sao cứ phải căm thù khi tất cả đều là nòi giống Việt, khi mà xu hướng chung của nhân loại tiến bộ là hòa bình cho tất cả các dân tộc, cởi bỏ tất cả nỗi niềm và xóa đi đau đớn giận hờn với chính nỗ lực của từng con người chúng ta.
Rồi đây thế hệ chúng tôi cả hai phía sẽ theo quy luật sinh bệnh lão tử, rồi đây đất nước này dành cho và chỉ là cho các thế hệ sau chúng tôi; chúng không liên quan gì tới những hận thù trận mạc bấy nay và cười diễu cha anh nếu còn cố chấp. Vậy lý do gì để con người Việt Nam vẫn chia tách và hận thù về những điều đã qua mà không thực sự chung tay hàn gắn, nếu thực sự yêu thương đất nước và dân tộc này?
Nguyễn Văn Thọ

http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/vi-sao-phai-thu-han-3203302.html

-------


Đỗ xe máy để Thành Chương từ bên kia đường sang, trước cửa báo Nhân Dân, bên kia đường, cửa một nhà sang trọng cao ngất. Nhà có đường hầm đi xuống. Lập tức một tay bảo vệ to con bước ra:
- Đề nghi bác không đỗ xe ở đây, lấy lối lên xuống cho xe vào nhà.
Mình chả nói gì. Dũng Tí nhẹ nhàng , bọn tớ đỗ tí đón người. Đi ngay.
Bảo vệ lừ lừ mắt.
Mình lộn tiết: 
-Vỉa hè của nhà cậu hả? Đường của nhà cậu hả? Tất cả các con đường vỉa hè tụi nhà giầu chiếm hết đều là của nhà tụi chủ cậu hả?
Tay bảo vệ nhìn mình mắt tức lắm. Nhưng có lẽ biết mặt hàng tụi này không vừa nên bỏ đi.
Rồi ba thằng đi. Nghĩ mà buồn. Cái thằng cha ấy cũng là dân áo ngắn, ăn cơm chúa múa tối ngày nghĩ cũng tội. Nó được tụi nhà giầu thuê để làm việc ấy.
Tất cả hầu như nhiều nhà cửa Hà Nội hầu như xưa của nhà nước, tập thể bây giờ đều thuộc về tư bản hết. Quanh Bách hóa tổng hợp, tất cả các cơ sở của Nhà máy, hàng trăm ngôi nhà cơ quan 5 tổng công ty bán buôn, bán lẻ, nhưng nơi thuộc về Sở hữu nhà nước nhà máy, công xưởng nữa, như Nhà máy rượu, Nhà máy dệt mùng 8.3, Cơ khí Trần Hưng Đạo, Trung Quy Mô, Xí nghiệp Xe điện...tất cả những mảnh đất vàng béo bở nhất trong phút chốc chục năm nay đều thuộc về cá nhân, tụi tư bản béo mập. Và trước cửa tất cả các tòa nhà ấy đều có đám anh em lam lũ làm tay sai mẫn cán cho chúng. Không còn chỗ nào thuộc về nhân dân cả.
Như thế còn hơn cả Đức và Pháp cái nền móng đều tan nát hết chỉ còn đỉnh phất phơ lá cờ CNXH - Tư liệu sản xuất, tài sản thuộc về Nhân dân.
Xã hội hình như mất hết cái cũ, nền tảng như nước Pháp, Đức...Nhưng ở Đức, Pháp không thằng nào dám đuổi tao đứng ở đó nếu không có biển cấm đỗ. Và biển cấm đỗ là do quy hoạch giao thông thành phố. Ở hơ, thế tất cả chúng ta bây giờ làm công cho ai, phục vụ ai?
Buồn, buồn mãi, cay đắng. 
Đèo Thành Chương đi phố. Im lặng không nói câu nào...cứ hoai hoải lòng tràn ngập đắng cay, nhớ cả tuổi thanh xuân hai đứa....Nhớ bao năm tháng mình và bao trai Hà Nội dám chết cho một xã hội công bằng cho CNXH. Không bao giờ ân hận vì cả đời sẵn sành chết cho dân tộc này cho Thống nhất đất nước. Còn cho công bằng bác ái ư? Nó ở đâu?
Và tụi béo mập kia chúng nó có tài hơn mình không? Sao tụi nó phắt nhiên giầu thế? Giá như tụi nó giỏi như ông sáng tạo ra mạng, ra quả táo, ra Fb hay ra máy móc mới cho nhân loại thì đã đành. VN chưa có ai như thế cả song tụi nó giàu lắm lắm: Bây giờ khắp mọi nơi chúng nó đều có quyền đuổi mình. 
Vừa rồi lên Yên Bái hỏi dân đen, ai cũng bảo:
- Chả tin các ông nữa. Ông bí thư kia chết rồi. Trời xét, trời phán còn bây giờ đâu cũng Nhà Trà, Quán Trà, đất Trà, vườn Trà Là...Ông em ruột vừa cử giữ chức to nơi nắm nhiều quyền lực tài sản tài nguyên có mảnh đất to vật vã ngay trong thành phố thì chúng tôi tin ai? Ông là cán bộ Trung ương hả? 
- Không, tôi cũng là dân đen?- Mình bảo
- Dân đen sao quan tâm tới Đảng? Không tin!
Ôi cay đắng. Nước mắt ứa ra. Chương hỏi, sao thế? Sao mày khóc? 
-Không, tao khóc đâu.
Cay Đắng!
Xã hội bây giờ của ai? Thuộc về ai?


https://www.facebook.com/tho.nguyenvan.737/posts/10206797288362138

-----



1 nhận xét: