Thứ Hai, 12 tháng 2, 2018

Thư phét (Thư pháp cụ Lý)



----------

Ngày đầu Xuân, người ta hay đi “xin” chữ (thực ra thì phải mua, chứ xưa nay chẳng ai cho không). Các thày đồ tân thời lại được dịp thể hiện những nét chữ như phượng múa rồng bay trên thiệp vàng, giấy đỏ. Lối viết chữ ấy gọi là thư pháp.
Mình là cháu ngoại một cụ đồ, thuở chưa đi học vẫn thấy bà ngoại cất giữ nâng niu những tờ giấy bản có những chữ loằng ngoằng gọi là chữ Nho. Và những tờ giấy hỏng, nếu có chữ Nho, mà bà bảo là “chữ Thánh hiền”, thì phải đem hóa (đốt) chứ không được dùng vào việc linh tinh khác. Kẻo “phải tội”, bà bảo thế.  
Lần đầu tò mò tìm hiểu chữ Nho có lẽ là từ những năm đang học lớp 4 hoặc lớp 5 gì đó. Ấy là những năm giặc Mỹ ném bom miền Bắc, bố mình tái ngũ, làm chính trị viên một tiểu đoàn cao xạ pháo. Cụ mang về nhà cuốn Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi. Mình đọc cả phần phiên âm và lời dịch. Dĩ nhiên chẳng hiểu gì mấy, nhưng khoái và nhớ nhất là câu khai khẩu mắng giặc của cụ Nguyễn Trãi “Bảo cho mày nghịch tặc Phương Chính biết”. Và thường áp dụng câu đó trước khi ra tay đấu kiếm sậy với đám bạn.
Sau này lớn lên thì cũng nho nhoe được một vài chữ. Anh Nguyễn Hữu Định, xếp cơ quan mình, thấy mình “hơi bị nổ” đâm ra cũng “hơi bị nể”.
Một lần, hai anh em đi công tác, có việc vào bọn Tedi South (Phân viện Thiết kế GTVT phía Nam). Tiếp tân mời vào phòng Phó giám đốc. Trong lúc chờ, xem trên tường có bức thư pháp lồng khung kính, mình nói nhỏ với anh Định, có lẽ tay này tên Tâm. Anh Định hỏi sao biết, mình chỉ bức thư pháp treo trên tường, giải thích đó là chữ Tâm, gồm “một vầng trăng khuyết” và “ba sao giữa trời”. Lúc sau, tay kia về, trao nhau danh thiếp xong, quả nhiên nhân bảo như thần bảo. Anh Định nguýt mình một cái thật dài, hơi bị nể. Nhưng mình biết thừa, bố này vẫn cho là mình “ngáp phải ruồi” đây, vì thiên hạ thiếu gì người treo chữ Tâm nhưng lại không phải là Tâm.
Lúc sau, sang làm việc với tay trưởng phòng, lại ngồi chờ một lúc. Trên tường cũng có một bức thư pháp lồng khung kính. Anh Định chẳng bỏ lỡ dịp bóc mẽ mình, bèn hỏi thằng này tên gì. Mình chẳng thèm nghĩ lâu, bảo nó tên Cát. Và giải thích, trên có chữ sĩ (như sĩ trong quân cờ), dưới có chữ khẩu, vậy thì nó là thằng Cát. Vừa nói xong thì Cát về, đưa danh thiếp. Lần này thì anh Định lè lưỡi nhìn mình, mắt lé xẹ, rõ là tâm phục khẩu phục nhé. Lại hơi bị nể, khổ ghê!
Ra về, anh Định nắc nỏm khen hai cái thư pháp Tâm và Cát. Mình bảo, có khó gì, lúc nào rảnh, để em viết cho anh chữ Định thật đẹp, anh treo đâu thì treo. Anh Định âu yếm lườm mình, thật là lễ phép quá đi thôi.
Ít lâu sau, anh Định lại nhắc chuyện thư pháp. Mình bảo theo lệ xưa, anh muốn xin chữ cụ đồ thì phải biện cái lễ, rồi tự tay mua giấy, mài mực, thắp hương, dâng trà, chuốc rượu, hầu quạt…, thì chữ nó mới són ra được. Nay nể anh là xếp mà cũng biết lễ phép, tôi miễn mọi thứ, anh chỉ cần làm một bữa thịnh soạn là xong.
Y lời, chủ nhật ấy, anh Định tổ chức bữa nhậu “thưởng chữ” tại nhà (thực ra tụi mình thỉnh thoảng vẫn nhậu ở nhà anh mà chẳng cần phải lý do hay chữ nghĩa gì). Mình mang theo giấy, bút, mực để viết chữ tặng anh Định.
Mình ngồi xếp bằng, hai đùi rung rung, thong thả cầm ngọn bút lông, sửa sang tỉa tót lại ngòi bút cho gọn rồi tay trái vén tay áo bên phải lên quá khuỷu, dằm ngọn bút vào trong nghiên mực, quệt đi quệt lại cho bớt mực. Rồi giơ bút lên trời múa múa, rồi lại hạ xuống nghiên mực dằm dằm quết quết. Mấy lần như vậy mà vẫn chưa chịu thòi ra chữ. Anh Định và vợ nín thở chờ.
Lại giơ bút lên trời, hỏi: Anh kia, thế nhà anh năm nay bao nhiêu tuổi, được mấy đứa con, có bồ nhí chưa?
Anh Định liếc vợ, rồi đùa lại: Dạ thưa cụ con hơn cụ ba tuổi, một vợ, hai con, đang tìm dì cho các cháu.    
Mình hạ bút, xổ một nét dọc vừa dài vừa đậm, đến cuối hắt nhẹ lên, trông như cái đinh chưa có cái mũ đinh. Xong lại múa múa bút lên trời, rồi phết một nét ngang ở đầu cái đinh. Thế là bây giờ cái đinh đã có mũ (đại khái trông gần giống như chữ J). 
Và giảng: Đây là chữ Đinh, trông nó giống như cái đinh, nghĩa của nó là con trai, trai tráng, đàn ông... Không có cái đinh thì không thể gọi là nam nhi, anh hiểu chửa?
Anh Định: Dạ hiểu.
Mình lại hạ bút vào nghiên mực, xe ngòi bút xong xuôi, rồi lại giơ cao, rồi hạ bút xuống mặt giấy, xoay xoay ngòi bút điểm thêm một dấu chấm thật tròn vào ngay bên dưới cái đinh. 
Lại giảng tiếp: còn đây là dấu nặng, anh hiểu chửa, chữ Đinh mà có dấu nặng thì thành ra chữ Định, đờ inh đinh nặng định, anh hiểu chửa?
Anh Định quát: Hiểu rồi, đù mẹ thằng xỏ lá!

Dĩ nhiên là cuộc nhậu hôm ấy không vì thế kém vui. Vì mình đã chuẩn bị sẵn một bức thư pháp chữ Hán xịn, chữ màu vàng, trang kim, viết trên nền giấy đỏ và lồng khung kính hẳn hoi. Gớm, đây, chữ Định của anh đây. Đây là chữ của cụ Trương Kiến Quốc, nhà ở quận 5, đường Hải Thượng Lãn Ông, họa gia nổi tiếng, người gốc Quảng Đông hẳn hoi nhé.

-----------

   
Chữ Định


3 nhận xét:

  1. Đi một đường thảm sát Mậu Thân Huế đi cô Lí. Bản lĩnh của một DLV chúa là lúc này đới. Ba cái thư pháp thư phiếc lèo phèo ai ke?

    Trả lờiXóa