Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Công nghệ hỏa xa Tàu và chuyện ném đá nước sơn





Mẫu tàu cao tốc Cát Linh - Hà Đông vừa lộ diện, dư luận đã “dậy sóng” chê tơi tả.


Nhân đọc bài “Có phải Trung Quốc cho vay nên phải mua tàu của Trung Quốc?” trên  blog Người đồng bằng , bài do ông Trần Văn Thọ - một chuyên gia kinh tế đang giảng dạy tại đại học Waseda, Tokyo, Nhật -  viết.

Đề cập tới sự kiện “Việt Nam mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc cho tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông”, ông Thọ cho rằng “Trong dự án 13 đoàn tàu nói trên được biết Trung Quốc cho vay vốn và đặt điều kiện phải dùng tiền đó mua tàu của họ. Bộ trưởng Đinh La Thăng bảo rằng nước nào cho vay cũng đặt điều kiện như vậy, chẳng hạn Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng như vậy. Điều này hoàn toàn sai”. 
Và “Trước khi chứng minh nhận định đó là không đúng, ta có thể đặt thêm một câu hỏi nữa: Nếu các nước khác cũng có cùng điều kiện đó, tại sao lại chọn Trung Quốc? Công nghệ của Trung Quốc cao hơn?”.
Tiếp theo, ông Thọ chỉ ra những ưu việt từ nguồn vốn ODA của Nhật và từ đó người đọc sẽ tự đặt ra câu hỏi: Nếu công nghệ của Trung Quốc không cao hơn, tại sao chúng ta không sử dụng ODA và công nghệ Nhật?.
Sự thực thì hiện nay, song song với dự án metro Hà Nội sử dụng nguồn vốn ODA Tàu, thì dự án tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên tại Tp. HCM đang sử dụng vốn ODA của Nhật và Nhật vẫn buộc ta vẫn phải mua tàu của họ. Tôi không đủ thẩm quyền phán xét ông bộ trưởng Thăng nói đúng hay sai, nhưng thực tiễn đang là như ông Thăng nói. Nhật cũng đặt điều kiện như Trung Quốc, và dự án này cũng đội giá như dự án kia (tăng 51% hôm 7-10-2015).
Các đầu tầu toa tầu do Nhật cung cấp đã được trưng bày cách đây nhiều tháng ở Sài Gòn để nhận góp ý, nhìn cũng giống như hàng Trung Quốc đang trưng bày ở Hà Nội thôi. Cái khác là màu sơn đẹp hơn chứ không giống màu sơn đã trở thành thương hiệu của Mai Linh đang bị “dư luận” ném đá tơi tả.
Nhưng đó mới chỉ là những nhận xét đầy cảm tính bề ngoài, còn chất lượng bên trong, là công nghệ thì sao?
Ông Thọ đặt câu hỏi “liệu công nghệ (metro) củaTrung Quốc có cao hơn”? Điều thú vị nằm ở chỗ, là một chuyên gia kinh tế nhưng  ông Thọ không phân tích giá thành mà lại đặt câu hỏi về công nghệ.
Câu hỏi của ông Thọ thực ra cũng chính là câu tôi tự hỏi khi viết entry cong và cớn. Khi đó tôi cũng đánh giá thấp công nghệ đường sắt Trung Quốc (trong đó có metro) và tạm bằng lòng rằng thôi thì  “tiền nào của đó”, vì so thử giá thành metro của Tàu (ở Hà Nội) với metro của Nhật (ở Sài Gòn), thì giá thành tuyến metro Hà Nội thấp hơn.
Cho đến cách đây khoảng hơn tuần lễ, khi xem kênh Địa lý quốc gia (National Geographic Channel) trên TV, tôi mới được “thông não” rằng Trung Quốc đang là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ đường sắt cao tốc.
Hiện nay, Trung Quốc sở hữu 17.000 km đường sắt cao tốc, chiếm hơn 50% tổng chiều dài đường sắt cao tốc của thế giới.
Về tốc độ, tàu thương mại đạt tốc độ cao nhất thế giới hiện nay là tàu đệm từ của Trung Quốc chạy hàng ngày tại Thượng Hải: 431km/h.
Kỷ lục về tốc độ hoạt động tối đa nhanh nhất (MOR) hiện nay là 350 km/h tại tuyến đường sắt Bắc Kinh - Thiên Tân: đi hết 30 phút trên tuyến dài 117km.
Những số liệu trên cho thấy, công nghệ đường sắt của Trung quốc hiện nay (trong đó có metro) không phải dạng vừa đâu.
Vậy mà chỉ cách đây vài năm, đường sắt cao tốc vẫn là thế mạnh truyền thống của người Nhật. Và ngay cả bây giờ, người Nhật vẫn giữ kỷ lục về tốc độ cao nhất, khi tháng 4-2015 vừa rồi họ cho chạy thử một đầu máy đệm từ chạy trên đoạn đường 1,8km hết có 10 giây 8, đạt vận tốc 603 km/h (nhưng chỉ là thử nghiệm). Ngoài ra, lợi thế lớn nhất của công nghệ đường sắt cao tốc Nhật là đã hoạt động an toàn mà không có sự cố lớn nào trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Bất chấp điều đó, hiện trên thế giới có đến hơn 50 nước quan tâm đến công nghệ đường sắt cao tốc của Trung Quốc, và người Nhật vẫn đang mất thị trường xây dựng đường sắt cao tốc vào tay người Tàu.
Tại sao? Tại vì công nghệ tàu cao tốc của người Tàu bây giờ chẳng những không thua người Nhật và các mặt khác thì lại còn vượt trội, nhất là về giá thành. Và nói vòng vo ODA ưu đãi hay đặt điều kiện gì đó như ông Thọ thì cuối cùng cũng nên “quy ra thóc” xem sao, tức là giá thành – đắt hay rẻ.
Không biết các nước dưới đây có lắm chuyên gia kinh tế và chuyên gia “bài Tàu” như ở ta không? Nhưng thay vì chọn Nhật thì họ cứ khăng khăng chọn Trung Quốc làm đường sắt cho họ:
Vài con số thống kê:
Trong năm 2014, tổng số các dự án xây dựng đường sắt cao tốc ở nước ngoài mà các công ty Trung Quốc tham gia là 348 dự án.
Tháng 12-2014, Trung Quốc và Thái Lan đã đạt được thỏa thuận chung về dự án xây dựng 734km đường sắt cao tốc từ Nong Khai tới Bangkok.
Ngày 1-10-2015, Indonesia cho biết sẽ hoàn tất đàm phán với Trung Quốc về dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 150 km nối giữa Jakarta và Bandung.
Chỉ vài ngày trước chuyến thăm của Tập Cận Bình, Mỹ đã dành cho Công ty CRG (Trung Quốc) hợp đồng xây tuyến đường sắt cao tốc 370km nối giữa Las Vegas và Los Angeles. Công ty này cũng là nhà thầu xây tuyến đường sắt cao tốc dài 770 km nối giữa hai thành phố Moscow và Kazan của Nga.
Vậy mới biết người Mỹ họ thực dụng, đấu đá nhau ở đâu thì đấu đá, chứ trên mặt trận kinh tế, cứ có lợi cho họ là họ OK.
Ừ thì thế giới người ta chọn đường sắt cao tốc công nghệ Tàu, kệ người ta. Hiện nay Tàu còn đang ve vãn ta đoạn Hà Nội – Lào Cai, còn việc nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc xuyên Việt (mới được tái khởi động) vẫn đang nghiêng về phía người Nhật kia mà. Ta nghèo thì nghèo thật, nhưng cóc cần rẻ, đi tàu Nhật thiên hạ mới khen là sang hơn Mỹ.
Đó là vì vẫn có những e ngại về mặt “dư luận xã hội” gọi nôm na là “ném đá”, nếu ai đó chọn người Tàu làm đối tác, trong đó hiển nhiên phải kể đến sự “đóng góp”của báo chí và các giáo sư chuyên phán trong vai người định hướng dư luận.
Ngoài ra thì vẫn có một chút lo ngại vu vơ về tính an toàn về kỹ thuật và vận hành thiết bị của Tàu. Và vẫn có những lo ngại chính đáng về việc sẽ phải nhận một lượng lớn lao động Trung Quốc, làm gia tăng những khó khăn về công ăn việc làm cho người lao động trong nước.
Và trên tất cả, là những lo ngại không thể bỏ qua: an ninh quốc phòng. Người Thái, người Indo và người Mỹ họ ở xa, còn ta ở sát vách. “Yêu” nhau hay không “yêu” nhau, cứ rào dậu cho kín là hơn. Đắt cũng phải chịu.
Viết đến đây, thì lòi đuôi kẻ viết entry này cũng thuộc típ “bài Tàu”.
Vâng. Nhưng kính thưa các chuyên gia:
“Bài Tàu” theo kiểu  thoát sư tử đá  hay đua nhau “tương gạch” vào nước sơn của cái đầu máy toa xe metro thì tôi chê.



4 nhận xét:

  1. TQ chỉ có công nghệ ĐẺ là đứng đầu thế giới thôi cô Lý ạ!

    Trả lờiXóa
  2. Nói nghe thông não, bỏ qua chiện lại quả thì như cụ Lý nói vướn đề ở chỗ giá thành chứ không phải công nghệ, "tiền ít mà đòi hít nồn thơm". Công nghệ Tàu dù cho đi ăn cắp đi nữa thì không phải dạng vừa đâu, 100 năm nữa Tàu giâm chân tại chỗ Vịt tiên lên, may ra mới đủ tư cách khen chê công nghệ Tàu. Đơn cử như chiếc xe wave tàu, TQ mang tiếng bán hàng dỏm là do Vịt nhà nhập và ráp hàng toàn hàng trôi nổi, lão mưa một chiếc hàng chính hãng đến nay đã 15 năm, vài bộ phận chất không thua gì xe SH bây giờ.

    Trả lờiXóa
  3. Nghe qua thông số, nghe qua về kỹ thuật và lắp ráp chưa thể hiểu được. cần phải có thời gian để nó vận hành thử. Đó là loại hình gioa thông trên cao, nên cần nhất là tính an toàn chứ không phải đẹp xấu

    Trả lờiXóa
  4. Có bạn cho rằng nếu phải chọn bột vani có độc không
    giữa ôtô giường muối diêm có độc không
    nằm và tàu ăn chuối lúc đói có tốt không
    hỏa thì tốt nhất hãy chọn đi bằng tàu, trên ấy ăn chuối uống sữa có sao không
    có thể ăn chuối với mật ong có sao không
    thoải mái đi lại, ăn chuối luộc có tốt không
    ăn uống, vệ sinh và ngắm cảnh trên các toa - điều bị ghẻ nước chữa như thế nào
    này mình nghĩ rằng cũng chim bay vào nhà báo điềm gì
    đúng nếu đi trên khoảng đường dài. Tuy nhiên, cái phiền toái bạn phải chịu là tiếng ồn của đoàn tàu chạy.
    Vậy nhưng nếu bạn đã chọn phương cách đi tàu thì những kinh nghiệm trong bài viết sau sẽ có ích cho bạn trên cung đường dài

    Trả lờiXóa