Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

Cải cách chữ quốc ngữ, chuyện không có gì phải ầm ĩ



---------------
Đề xuất của PGS TS Bùi Hiền về việc cải cách chữ quốc ngữ đang làm dậy sóng dư luận hoàn toàn không phải là câu chuyện mới và lạ. Để có cái chữ như ta hiện đang viết và đọc hẳn phải có nhiều lần cải cách
Vì, thuở ban sơ, ngài Igesico Văn Tín viết như thế này, bây giờ đố ai đọc hiểu:

Dòng cuối lá thư đề ngày “mươy hay thánh chính D.C.J. ra đờy một nghìn sáu tram nam muoy chinh”, nghĩa là ngày viết thư là ngày “12-9-1659, (sau khi) Đức Chúa Jesu ra đời” .
Như vậy, sau hơn ba thế kỉ, chữ Việt dần được định hình như hiện tại dĩ nhiên phải nhờ vào rất nhiều sự cải tiến và cả cải lùi, và hình như việc ấy không chỉ là việc riêng của các vị giáo sư.
Locliec xin điểm lại các lần “cải cách” đã được ghi nhận trong lịch sử chữ quốc ngữ:
1.     Tây cũng đề nghị cải cách
Năm 1868, Le Grand de la Liraye(1819-1873) tác giả cuốn Dictionnaire élémentaire Annamite-Français (Từ điển cơ sở Việt - Pháp, 1868), đã thay đ bằng d (dức hạnh), d bằng dz (dzanh tiếng) và không dùng s mà thay bằng sh (shay rượu)...
Năm 1886, E. Aymonier, Giám đốc Trường Thuộc Địa, Thành viên của Hội Đồng quản trị Hội Pháp Văn Liên hiệp sau khi phân tích nhiều chỗ bất hợp lí của chữ quốc ngữ, chủ trương nên thay những con chữ phụ âm kép CH, NG, NH, KH, GI, v.v. bằng những con chữ đơn (đặt ra thêm nếu cần) và nên viết bản nguyên âm u trong oa, oai oe, uê, uy, v.v. bằng một chữ riêng, W: WA, WAI, WE, WÊ, WI...
Năm 1902, Hội nghị quốc tế khảo cứu về Viễn-đông, họp tại Hà Nội, trong chương trình có một cuộc thảo luận sôi nổi về đề án cải tiến chữ quốc ngữ của Tiểu ban phiên âm tiếng Việt do Jean Nicholas Chéon (Viện Viễn Đông Bác cổ) đề xuất. Chéon đã đánh giá về chữ quốc ngữ qua từ điển A.de. Rhodes như sau: “Phương pháp ấy thực tế chứa nhiều cái bất thường mà trong một cuộc nghiên cứu ngôn ngữ như thế này sẽ có nguy hại là làm sai lạc kết quả nghiên cứu mà thôi. Vì vậy chúng tôi … phải loại bớt những cái bất thường và kì quái làm cho nó hợp lí”.  Để khắc phục J.N.Chéon đề nghị “dùng K thay cho C, KW thay cho QU; dùng D thay cho Đ và Z thay cho D; dùng J thay cho GI, ẹ thay cho NH,Č thay cho CH; bỏ H trong GH”.
Năm 1906, Hội đồng cải lương học chính Đông Dương do Nordemann làm chủ tịch, lại đề nghị cải cách chữ quốc ngữ. Toàn quyền Pháp tại Đông Dương đã chuẩn y và ban hành Nghị định ngày 16-5-1906 về việc dùng kiểu chữ quốc ngữ cải tiến này trong các sách giáo khoa. Tuy nhiên, đề xuất này cũng bị dư luận “ném đá” kịch liệt. Học giả kiêm linh mục nổi tiếng L. Cadière, trong bài viết “Le question du quốc ngữ” (Những câu hỏi về quốc ngữ) gọi đây là một sự “cải lùi”: “Xét về mặt khoa học cũng như về mặt thực hành và sư phạm, dự án này thật là một cuộc thoái bộ.”
Năm 1910, tác giả Dubois, trong quyển Tiếng Việt và tiếng Pháp lại phân tích rằng thành phần viết bằng IÊ, UÔ, ƯƠ trong iêu, iên, uôi, uôt, ươi, ương, chính là các nguyên âm liền đôi ia, ua, ưa, và những nguyên âm liền đôi này cần phải được viết thành IƠ, UƠ, ƯƠ….  
Từ đó về sau, có lẽ người Pháp cho rằng “chữ quốc ngữ đã được thử thách; không thể nào sửa đổi nó nữa...” nên không còn ai đề nghị cải cách.
Dĩ nhiên là người Việt còn lâu mới chịu.
2.     Những đề nghị cải cách của người Việt
Năm 1919, trên tờ Trung-Bắc tân-văn, tác giả Phó Đức Thành nêu ý kiến nên dùng các con chữ (B, K, L, D, Q) viết sau đuôi chữ, thay thế cho các dấu chỉ giọng (huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng). Ý tưởng này sau này được ông Nguyễn Văn Vĩnh lặp lại vào năm 1928.
Năm 1927, tờ Hà Thành ngọ báo, số 99 ra ngày 30-8 đăng bài Mấy điều cải cách trong lối viết quốc ngữcủa một tác giả có tên Sĩ Tâm:

Năm 1928, học giả kiêm chủ nhà in kiêm chủ báo Trung Bắc Tân Văn là ông Nguyễn Văn Vĩnh, đề xuất lối in chữ “quốc ngữ mới”, gọi là Quôcj Ngưw Moeij, sử dụng một số chữ thay cho các dấu thanh và những chữ như ă, đ, ư…, nhằm mục đích giảm bớt chi phí trong việc phải đúc dấu và các chữ cái riêng không có trong bộ chữ có sẵn của Tây.
Thực ra thì ý tưởng này không do Nguyễn Văn Vĩnh nghĩ ra. Trước đó 9 năm, trên chính tờ Trung Bắc Tân Văn của ông Vĩnh (số 715, ngày 30-7-1919), đề nghị của ông Phó Đức Thành, đã bị chính ông Nguyễn Văn Vĩnh bác đi. (chi tiết xem thêm tại https://locliec.blogspot.com/2016/03/hoc-gia-nguyen-van-vinh-va-kieu-go.html).
Năm 1930, nhà văn Vi Huyền Đắc trong tập Việt-tự  toan làm một cuộc cách mạng thật sự khi đề nghị bỏ hẳn chữ quốc ngữ, đặt ra một lối chữ hoàn toàn mới, với những nét mượn của chữ Hán và chữ Nhật
Năm 1932, tác giả Dương Tự Nguyên, trên tờ Văn-học tạp-chí chủ trương “phủ nhận toàn bộ các dấu” bằng cách dùng những con chữ nguyên âm kép để thay thế cho những con chữ nguyên âm có dấu phụ: dùng AA, EE, OO thay cho Â, Ê, Ô; dùng EA, OU, EU, thay cho Ă, Ơ, Ư; dùng IE, UO, UA, EUO thay cho IÊ, UÔ, UÂ, ƯƠ, ….
Năm 1933, trên tập san Khoa Học, Số 38, ra ngày 15-1 đăng bài Danh từ khoa học và quốc ngữ mới”:

Năm 1939, nhà văn, nhà báo Nguyễn Triệu Luật, trên tạp chí Tao-đàn chủ trương an viết AN, ăn viết ANT, ap viết AP, ăp viết APH…
Năm 1946, một trong những nhiệm vụ cấp bách mà Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra là “diệt giặc dốt”, xóa nạn mù chữ cho 95% đồng bào còn chưa biết chữ thông qua phong trào “Bình dân học vụ”. Đầu năm 1946, báo Cứu Quốc, tờ báo của Tổng bộ Việt Minh đã phát động một cuộc vận động cải tiến chữ quốc ngữ, trong đó nhấn mạnh các yêu cầu rất thiết thực đối với việc sửa đổi: đầu tiên là phải phù hợp với “giới bình dân”, thứ hai, là có ích lợi đối với “việc ấn loát” và thứ ba, là phải thuận tiện trong “trao đổi văn hóa với nước ngoài”.

Có khá nhiều tác giả hưởng ứng cuộc vận động nói trên, chẳng hạn một vị Giám mục là cụ Hồ Ngọc Can, trên báo Tiền Phong số 19, năm 1946 đã có bài viết “Bàn góp về vấn đề cải cách chữ quốc ngữ”:
Hình ảnh Bài báo

Năm 1949, tác giả Trần Văn Được soạn sách “Vần Việt ngữ cải cách” trong đó “hữu” viết thành HUUUZZ, “thường” viết thành THUUOONGW, “nhưỡng” viết thành NHUUOONGZZ…
Năm 1950, nhà nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt là Nguyễn Bạt Tụy (1920-1995), đã xuất bản cuốn sách Chữ và Vần Việt Khoa Học, đề cập đến việc cần thiết phải sửa đổi cách viết chữ quốc ngữ trên nguyên tắc dùng âm vị học để ghi âm tiếng Việt. 
Nguyễn Bạt Tuỵ chủ trương ap phải viết AB, ăp phải viết AP, ac phải viết AG, ăc phải viết AK. Đoạn thơ Chinh phụ ngân như trên được đọc là "Chí làm trai dăm nghìn da ngựa, Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao, Giã nhà đeo bức chiến bào, Thét roi cầu Vị ào-ào gió thu".
Đề nghị của Nguyễn Bạt Tuỵ được các học giả đương thời như Đào Duy Anh, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đình Toàn đánh giá rất cao. Chẳng hạn Nguyễn Hiến Lê nhận định “đây là một công trình khảo cứu rất công phu về ngữ âm Việt, có nhiều sáng kiến và đưa ra nhiều đề nghị hợp lý”. Tuy vậy, dẫu có được ca ngợi, vẫn chẳng có ai chịu viết theo lối cải cách của ông.
Năm 1956, Đại Hội Văn Hoá Toàn Quốc tại Sài Gòn đã lập ra Uỷ Ban Ngôn Ngữ, kiến nghị việc sửa đổi một số cách viết chữ Quốc ngữ.  Nội dung của đề án cải tổ lần này vẫn không tách ra khỏi những đề nghị của Tiểu ban phiên âm tiếng Việt (do Jean Nicholas Chéon đứng đầu) năm1902 và không gây được tiếng vang.
Năm 1960, Giáo sư Hoàng Phê (Viện Ngôn ngữ học – Hà Nội) chủ trương cải tiến chữ quốc ngữ theo hai nguyên tắc chính sau đây:
1- Dựa trên cơ sở nghiên cứu ngữ âm học về tiếng Việt hiện đại mà cải tiến chữ quốc ngữ, làm cho chữ quốc ngữ viết ghi âm tiếng Việt hiện đại được đúng hơn, hợp lí hơn, khoa học hơn.
2- Dựa trên cơ sở chữ quốc ngữ hiện dùng mà cải tiến chữ quốc ngữ từng bước, không đặt vấn đề “cải cách triệt để” chữ viết (thật ra cũng không cần thiết), không xáo trộn nhiều, làm thế nào cho những người đã quen với lối chữ cũ không phải bỡ ngỡ, không phải tốn công học tập lại, và sách vở cũ vẫn tiếp tục dùng được.
GS Hoàng Phê đề nghị bước đầu cần phải: Bỏ H vô lí trong GH và NGH,  dùng F thay PH; D thay Đ; Z thay GI. Viết phụ âm k bằng K trong mọi trường hợp, thay cho C (và nghiên cứu thay cả cho Q), nhất luật viết nguyên âm i bằng I trong mọi trường hợp: đi (học), iêu (thương), iết (kiến), kì (lạ), mĩ (thuật)…
Chỉ dùng Y để viết bán nguyên âm i trong ay và ây, thêm W để viết bán nguyên âm u trong uy: uy, uya, uynh sẽ viết WI, WIA, WINH, và qui sẽ viết KWI , cui sẽ viết KUI...
Cũng trong năm 1960, Hội nghị cải tiến chữ Quốc ngữ tại Hà Nội do Ủy ban Khoa học nhà nước, Viện Văn học tổ chức vào các ngày 21, 28, 30 tháng 9, tổng kết vào ngày 7 tháng 10 và có đến 23 bản tham luận, trong đó có bản bản báo cáo Cải tiến chữ Quốc ngữ của Tổ Ngôn ngữ học Viện Văn học do GS Hoàng Phê chủ trì.
Năm 1995, tác giả Nguyễn Kim Hoạt trên Báo Hà Nội Mới số ra ngày 23-9 đặt vấn đề  “Có nên cải cách chữ Quốc ngữ không?” và đề nghị thay j cho gi và bỏ phụ âm kép gh (ví dụ: ghênh = gênh)”...
Năm 1996, Đại học Tổng hợp Tp.HCM tổ chức Hội nghị Chữ Quốc ngữ và sự phát triển chức năng xã hội của tiếng Việt, GS Cao Xuân Hạo gửi tham luận Mấy nhận xét về chữ Quốc ngữ” nhận định: “Có lẽ chữ Quốc ngữ chỉ nên đổi một điểm duy nhất là bỏ h sau ng (chứ không phải sau g)".
Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 24-6 có đăng ý kiến “Chừng nào mới đổi mới cách viết chữ Quốc ngữ” của ông Bùi Ngọc Sánh (Paris) đề xuất  “Chấp nhận chuẩn hóa để c thay k; k thay kh; q thay qu; z thay d; d thay đ; f thay ph; j thay gi; g thay gh; ng thay ngh; a thay ă; o thay ơ; u thay ư”...
Tóm lại, cả Tây và Ta đều đã có rất nhiều người và rất nhiều lần đề nghị “cải cách” chữ quốc ngữ vì những bất hợp lý của nó trong quá trình nghiên cứu và sử dụng. Nhưng đề xuất thì cứ đề xuất, đánh giá đề xuất ấy là đúng hay sai, là cải tiến hay cải lùi là việc của các nhà chuyên về ngôn ngữ học, mà chuyên ngành này, không may lại là chuyên ngành quá hẹp, rất ít người am hiểu. Nên chả được mấy ai thuộc tầng lớp bình dân ủng hộ.

Bởi vậy, dẫu có là cải tiến hay cải lùi, thì đề xuất của GS TS Bùi Hiền chắc chắn vẫn chưa phải là đề xuất cuối cùng cho công cuộc "cải cách" chữ quốc ngữ. Ông và đề xuất của ông hoàn toàn không đáng bị "dư luận bình dân" “ném đá” dữ dội như hiện nay. 
---------------


1 nhận xét: