Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Học giả Nguyễn Văn Vĩnh và kiểu gõ Telex trong tiếng Việt




Cố học giả Nguyễn Văn Vĩnh, người vừa được trao giải Phan Chu Trinh hôm 24/3/2016 mới đây


-----------------
Theo Wiki, kiểu gõ Telex, còn gọi là Quốc ngữ điện tín, có nguồn gốc từ quy ước thể hiện tiếng Việt trên văn bản gửi qua máy telex (máy điện tín), ra đời ở Việt Nam từ những năm 1920-1930.
Vào thời đó, dịch vụ điện tín (“đánh dây thép”) hoạt động dựa trên các thiết bị chế tạo tại nước ngoài với hệ thống chữ cái Latin cơ bản. Do không dùng chữ quốc ngữ của tiếng Việt nên bản tin điện tín không thể biểu thị được các dấu thanh và những chữ riêng của tiếng Việt. Ví dụ khi nhận được dòng tin “NHA MAY CO KHI GIA LAM”, người đọc có thể hiểu thành “Nhà máy cơ khí Gia Lâm” hay “Nhà mày có khỉ già lắm” vì “luận” kiểu nào cũng có lý.
Vấn đề đặt ra là làm cách nào để đọc được chính xác tiếng Việt trên bức điện tín không dấu và chỉ chứa chữ Latin thông thường. Người ta nghĩ ra cách thể hiện các chữ cái đặc biệt của tiếng Việt cùng với dấu thanh bằng cách lặp lại chữ cái gốc hai lần hoặc thêm chữ cái w ngay sau chữ cái gốc (để được chữ cái đặc biệt) và/hoặc thêm vào cuối từ một trong các chữ cái f, r, x, s, j để thể hiện dấu thanh.
Cách thể hiện nói trên ngày nay vẫn được dùng trên các máy tính (computer) có cài kiểu gõ tiếng Việt và được gọi là kiểu gõ Telex hay quy ước Telex. Với quy ước nói trên thì việc “đọc” điện tín (và cả viết) trở nên dễ hơn, tuy vẫn có những bất tiện. Chẳng hạn:

NHAF MAYS COW KHIS GIA LAAM = NHÀ MÁY CƠ KHÍ GIA LÂM

NHAF MAYF COS KHIR GIAF LAWM = NHÀ MÀY CÓ KHỈ GIÀ LẮM

Cũng theo Wiki, dẫn ông Nguyễn Lân Bình, cháu nội ông Vĩnh, thì ông Nguyễn Văn Vĩnh là người đã nghĩ ra cách gõ Telex này.
Tuy nhiên, một bài báo cũ đăng trên tờ báo Khoa Học số 40, ngày 15-2-1933 mà tác giả là ông Lê Văn Mãn, Tú-tài ở làng Yên Dũng, Nghệ An, cho thấy ý tưởng thay thế các dấu bằng những con chữ đầu tiên không phải là do ông Vĩnh, mà do một người tên là Phó Đức Thành đề xuất, và đề xuất này đã ra đời sớm hơn chín năm trước khi ông Vĩnh đề ra kiểu gõ Telex vào năm 1928.
Ông Vĩnh còn đi xa hơn phạm vi "đánh dây thép", bằng cách đề nghị bỏ hẳn các dấu thanh (huyền; sắc; nặng; hỏi; ngã...) trong các sản phẩm ngành in (sách vở, báo chí) để thay bằng thứ gọi là Quôcj Ngưw Moeij . Ông Vĩnh đề xướng kiểu chữ “lạ” này thực ra chưa hẳn đã nhằm mục đích học thuật hay để “cải cách chữ quốc ngữ” mang lại lợi ích cho quốc dân, mà trước tiên, là để phù hợp với các thiết bị in ấn và con chữ (không có 5 thanh dấu huyền; sắc; nặng; hỏi; ngã...) mà ông, bấy giờ, đã hùn vốn (hay mua lại) từ một người Pháp rất nổi tiếng trong nghề in ấn tại Việt Nam bấy giờ là ông F.H. Schneider.
Nhà xuất bản Francois Henri Schneider

Francois Henri Schneider, chủ báo, chủ nhà in, nhà xuất bản. Ông là người sáng lập ra Tạp chí Đông Dương (Revue Indochinoise) và là chủ bút của tờ Tương Lai Bắc Kỳ (L'Avenir du Tonkin). Ngoài ra, ông còn là một nhiếp ảnh gia, và nhà sản xuất bưu thiếp từ các bức ảnh mua bản quyền, ông có nhiều bức ảnh được trưng bày tại Hội chợ Hà Nội 1902.
Bài báo đăng trên tờ Khoa Học số 40, ngày 15-2-1933 còn cho biết thêm, vào năm 1919, khi ông Phó Đức Thành đề xuất thay 5 dấu thanh bằng 5 chữ cái, thì chính ông Vĩnh đã “bác đi”.
Một thông tin đáng lưu ý cũng trên bài báo này là "Lời tòa báo": (vào năm 1933 thì) “... cách đánh giây thép bằng tiếng Việt Nam, hiện đã có hai phép rất tiện, đã có nghị định cho thi hành, một là phép của ông Brien, giám đốc Bưu chính Đông Dương cũ, hai là phép của ông F.H. Schneider là chủ nhân cũ và người sáng lập ra bản quán” (tức báo Khoa học).
Vì vậy, thật khó có thể khẳng định một cách chắc chắn ai mới là tác giả thực thụ của “kiểu gõ Telex” bây giờ. Ông Brien, ông F.H. Schneider, ông Thành hay ông Vĩnh?

Dưới đây xin giới thiệu toàn văn bài báo nói trên, chép lại từ Thư viện báo chí của thư viện quốc gia Việt Nam, (tại đây).






-----------------------------------


1 nhận xét: