Thứ Hai, 11 tháng 12, 2017

“Cải cách” chữ Việt là sự nghiệp của “quần chúng”!



------------------


Như entry trước đã viết, trong lịch sử gần 400 năm của chữ Việt, đã có vài chục lần các bậc  “tiền bối”, cả Tây lẫn ta, đề xuất ý tưởng “cải cách”, riêng chỉ có ông PGS. TS Bùi Hiền là bị “đám quần chúng không hiểu gì cứ ào ào vào ném đá” (lời của TS Đoàn Hương). 
Trong bài viết “Chữ quốc ngữ”, trên tờ Đông Dương tạp chí, số 33, năm  1913, ông Nguyễn Văn Vĩnh từng than: “Mấy năm nay có người bàn cách sửa đổi chữ quốc ngữ cho phải lẽ nhưng chẳng lý nào bằng thói quen của người ta, cho nên tuy đã có nghị định y lối Kuốk-ngữ tân-thứk, mà không ai chịu theo, tân thứk lại mang tiếng oan rằng khéo vẽ vời cho nhiễu sự”.
Dường như từ trước đến giờ, mọi đề xuất cải cách của các học giả, kể cả khi có sự ủng hộ của nhà cầm quyền (như Nghị định về Quốc ngữ tân thức ngày 16-5-1906 mà  ông Nguyễn Văn Vĩnh nhắc tới ở trên) đều không thành công. Mặc dù vậy, chữ viết tiếng Việt vẫn biến đổi dần dần thành ra lối viết như ngày nay.
Tác giả của cái sự biến đổi ấy, không ai khác, chính lại là “đám quần chúng không hiểu gì” kia.
Quý vị “quần chúng” thân mến!
Quý vị “ném đá ào ào”, thậm chí có thể “ỉa vào” đề xuất cải cách của PGS.TS Bùi Hiền, nhưng chính quý vị vẫn đang áp dụng những “cải cách” tương tự.
Thật vậy.
Để có thể rủa xả ai đó trên mạng, chắc chắn là quý vị phải “viết” tiếng Việt thông qua bàn phím chứ không thể dùng cây bút thông thường. Vậy thì một điều không thể tránh được, là quý vị buộc phải biết gõ tiếng Việt theo các quy ước mang tên Telex, VNI, hoặc VIQR, là 3 kiểu gõ tiếng Việt thông dụng nhất hiện nay. Chẳng hạn, nếu chọn kiểu gõ Telex, thì hai chữ “Tiếng Việt”  sẽ được quý vị “viết” thành “Tieengs Vieetj”. Và xin thưa, khi viết như thế, thì quý vị đã “tiếp sức” cho một cuộc “cải cách chữ quốc ngữ” cách đây gần tròn 90 năm đấy ạ, vì đây chính là đề xuất  của học giả Nguyễn Văn Vĩnh vào năm 1928.
Nhưng chẳng những giờ đây quý vị mới “tiếp sức” cho việc cải cách, thực ra trong quá khứ, quý vị đã rất nhiều lần tự ý “cải cách chữ viết” mà không cần phải “đề xuất” với ai đấy ạ.
Quý vị hãy nhớ lại đi, ai cũng như ai, hết thời phải tham gia thi “vở sạch chữ đẹp” thì phải chuyển sang thời viết tháu, viết ngoáy và viết tắt. Đó chính là những “cải cách” đầu đời của chúng ta chứ còn gì nữa, hỡi ôi, thưa các vị “quần chúng” đáng kính?
Chẳng hạn, từ “phát triển” thông dụng sẽ được ghi thành “ptriển”. Viết bớt được những 3 chữ cái, nhưng ai nhìn vào cũng hiểu, vì không đọc là “phát triển” cũng chả thể đọc sang chữ khác.
“Cải cách” tiến thêm một bước, chữ “ptriển” lại được rút gọn thành cái mũi tên trỏ lên trên (↑), mấy chữ “đất nước phát triển” được viết thành “đnước ↑”, thật gọn và tiện lợi. 

Khi chúng ta “cải cách” như thế, các thầy cô và các bậc phụ huynh đáng kính của chúng ta chưa từng có ai đặt câu hỏi CLGT (?) – Ý tôi muốn nói là họ chưa từng đòi hỏi chúng ta Cần Làm Giõ Thêm.
Hết thời viết trên giấy thì sang đến thời @. “Quần chúng” thời @ bắt đầu có nhu cầu “viết” trên các thiết bị như máy nhắn tin, máy tính, hay điện thoại di động, rồi bây giờ là máy tính bảng và điện thoại thông minh. Và chẳng khác gì các vị giáo sư, họ nhanh chóng phát hiện ra những “bất cập”của hệ thống chữ viết hiện tại, không phù hợp với các phương tiện tương tác mới (thay cho giấy trắng bảng đen thời tiền @).

Và thế là “quần chúng” đã tạo ra rất nhiều sự “cải cách chữ viết”, thậm chí đi xa hơn các giáo sư, họ còn còn “cải cách” cả ngôn ngữ nữa cơ, như những ví dụ dưới đây:


CLGT??? (hiểu là Cần làm rõ thêm). 
Sau khi làm rõ thì hóa ra (dòng đầu tiên) là: Vài điều muốn nói



Tao đang độc thân mày ơi. Bị bánh bèo cho "ao" rồi. Buồn quá. Rảnh không thằng quỉ. Ra cà phê Time chém gió chém bão với tao tí coi. 5 phút nữa ngheo ( = nghe không).

Quý vị quần chúng khoan hẵng ra tay “ném đá” các bạn trẻ nhé, cha ông chúng ta đã từng cải cách rất thành công khi sử dụng “ổng”, “bả”, “cổ”, ảnhchỉ”... thay cho “ông ấy” , “bà ấy”, “cô ấy” ..v..v.... và đặc biệt, từ “ngeo” (rõ ràng viết là nge + o nhé) thì thay cho “nghe không” quả là thông minh và hợp lý.


Bạn Dương Đăng Trúc Khuyên, một học sinh nữ của trường THPT Trần Đại Nghĩa (Tp. HCM) sáng tạo ra phần mềm để "dịch". Tên phần mềm v2V có nghĩa là "dịch" tiếng Việt ra tiếng Việt.

Và không chỉ tiếng nói và chữ viết Việt bị “quần chúng” tiến hành “cải cách”, nước ngoài cũng thế, (sưu tầm trên internet):

"Cải cách" của "quần chúng" tiếng Hàn

"Cải cách" của "quần chúng" tiếng Tàu


Và đây là "Cải cách" của cộng đồng "quần chúng" viết tiếng Anh

---------------



7 nhận xét:

  1. Bùi Hiền chứ không phải Vũ Hiền.

    Trả lờiXóa
  2. Bác Lý viết vui ghê ! Mà nên viết rõ luôn là sự nghiệp của cái đám quần chúng chuyên ném đá ấy bác ạ. Và theo đề nghị của bác Lý, chính là sự nghiệp của đám đầu bò !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không sao, hai chữ quần chúng tôi để trong ngoặc kép rồi. (tôi đang quạu mà bác lại vui ghê, lạ nhỉ).

      Xóa
  3. Thật ra, đúng như bài viết, quần chúng thường tự cải tiến chữ viết do tình cảnh phải ghi nhanh cho kịp - nhất là đối với học sinh, sinh viên - lời thầy giảng, hay còn gọi là viết tắt. Mỗi người một cách...Và cũng không ai chú tâm biến nó thành một hệ thống qui luật cả. Nếu muốn thì có thể làm như GS Bùi Hiền thôi.

    Trả lờiXóa
  4. Tiếng Việt ngày nay theo thời gian và biến đổi lịch sử, theo sự phát triển xã hội và tiến bộ của khoa học các nghành nghề - đã và đang phát triển phong phú do nhân dân sáng tạo tự nhiên trong cuộc sống. Hãy để tự nó phát triển như vậy càng ngày càng phong phú thêm mà vẫn giữ nguyên nét đẹp tự nhiên dặc sắc của tiêng Việt. Việc gì phải ép nó theo sáng kiến của riêng ai mà làm xáo trộn cả một dân tộc, vừa tốn kém không biết bao nhiêu công sức và tiền bạc và kéo theo bao nhiêu hệ lụy cho con cháu mai sau.
    Nhiều gia đình dòng tộc cũng tự họ tạo riêng cách viết và cách nói mà chỉ người trong họ mới hiểu mà thôi.
    Ai sáng kiến thì cứ làm, đừng cố ép cả dân tộc theo mình.

    Trả lờiXóa