Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Nào thì ngoại cảm




Đại tá, tiến sỹ Đỗ Kiên Cường vừa có bài “Lật tẩy trò lừa đảo của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng”  (đăng lại trên Google.tienlang).

Thật ra, nội dung bài viết chưa có cái cóc gì gọi là “lật tẩy” cả mà đúng hơn, nên đặt “tít” lại như Google.tienlang đã sửa: “ Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường thách đố Phan Thị Bích Hằng”.  Xin nhấn mạnh: “thách đố” chứ không phải “lật tẩy”, nếu bà Hằng chấp nhận lời “thách đố” và thua, thì khi đó, mới có thể nói đến chuyện “lật tẩy” ai đó.

Như vậy, chí ít, thì nhà khoa học Đỗ Kiên Cường đã không được “khoa học” lắm trong cách dùng từ.
Động lực làm nên sự tiến bộ của khoa học là vừa kế thừa, lại vừa phải bác bỏ cái cũ. Mà chuyện tâm linh nói chung, chuyện ngoại cảm nói riêng, xưa như trái đất, không phải do cô Bích Hằng hay ông Giác Hải gần đây mới bịa ra. Không những chỉ có ở xứ ta mà xứ Tây cũng có, mà có khi còn “mê muội” hơn ở ta.
Thú thật, nghe Tiến sỹ Đỗ Kiên Cường giải thích về Tâm linh, thì  thà không nghe còn hơn, vì càng nghe càng rối.
Cách đây vào khoảng 30 năm hoặc hơn chút, chuyện ma quỷ, tâm linh, ngoại cảm còn là vấn đề nhạy cảm đối với báo chí. Báo CAND Tp. HCM do Đại tá Công an Huỳnh Bá Thành tổng biên tập là nơi phá lệ đầu tiên, đăng loạt bài về hiện tượng ông Năm Chiến tìm mộ (khoảng 1983).
Khi ấy, số lượng các nhà “ngoại cảm” và phong trào tìm mộ bằng ngoại cảm chưa nhiều như bây giờ, ông Đỗ Kiên Cường cũng mới lấy bằng PTS, tức là tiến sĩ ngày nay.
Lục lại đống tạp chí bán nguyệt san Thế giới mới và Kiến thức ngày nay cách đây khoảng gần ba chục  năm, luôn có một chuyên đề sôi động: Vào ngưỡng cửa thế giới chưa biết, bàn luận chuyện có ma hay không .
+ Người bảo có: là GSTS Nguyễn Hoàng Phương – Đại học tổng hợp Hà Nội (Toán - Lý).
(Hồi đó Thienly được một bạn công an cho một băng cassette thâu âm bài nói chuyện của Giáo sư, dành cho các cán bộ thuộc Bộ Công an, trong đó ông nói một câu: « Các đồng chí không tin chứ gì, khi nào các đồng chí chết thì các đồng chí sẽ biết ». Khán giả cười muốn vỡ cả hội trường).
+ Người bảo không, dứt khoát là không: là ông Đỗ Kiên Cường.
Điều trớ trêu là ông Kiên Cường lại đã hai lần bị « ma » nhát. Chuyện này do chính ông viết trong chuyên mục nói trên, mô tả chi tiết, hai lần, có cả địa chỉ căn nhà đó tại SG.  Ông hãi tới mức không dám ngủ tiếp mà phải chuyển chỗ ngủ ngay trong đêm… Cũng phải nói thật là tôi đã cố gắng tìm lại bài viết này của ông nhưng không thể tìm lại được trong đống tạp chí các loại này.
Thế nhưng đại tá (ba sao) vẫn « kiên cường » bảo rằng không có ma, ông dùng kiến thức lý học, sinh học để chỉ ra rằng đó chính là « bức xạ tồn dư » của con người tồn đọng sau khi chết.
Cả hai ông đều là nhà khoa học, Giáo sư Hoàng Phương tất nhiên nổi tiếng hơn nhiều so với ông Cường. Cả hai ông cùng biết ( thực chất là cùng trải nghiệm) có một « cái gì đó », ở phía bên kia cuộc sống.
“Cái gì đó” là cái gì?
Giáo sư Hoàng Phương  gọi đó là « ma »,  theo kiểu dân gian và Kiên Cường  đại tá thì bảo không phải “ma”, mà là « bức xạ tồn dư» cho nó “khoa học”.
Thế “ma” và “bức xạ tồn dư” thì giống nhau hay khác nhau hả trời ?
Con heo khác con lợn chăng?
Tôi băn khoăn lắm, CACC ạ, có khi khác thật chứ chả phải chơi, vì con heo ăn bắp, còn con lợn ăn ngô kia mà?
Tạm vậy đã.


6 nhận xét:

  1. Lí giải của bác Lý, xem ra, vui, mà lại đi rất trúng vấn đề đấy ! Con lợn quả có khác con heo, nếu căn cứ vào thức ăn của chúng. Không biết tiếng Nam Bộ có câu "Ngu như heo" không ? (nghe về mặt ngữ âm thì hơi vương vướng, nhưng có thể có cách biểu đạt như vậy chăng).


    Bác nhắc đến cái băng của cụ Hoàng Phương, làm tôi nhớ lại chuyện cũ. Đúng là mãi sau này, tới khoảng năm 1996-97-98 gì đó, tôi mới nghe cái băng đó (cat-xét đời cổ). Quả đúng, tôi cũng cười đến vỡ bụng khi nghe câu đó của cụ.

    Trả lờiXóa
  2. Chào bác Giao

    Cái băng của cụ Hoàng Phương tôi có vào khoảng năm 93 đổ lại, chứ không phải cách đây đến 30 năm như trên (tôi) nói.

    Trong băng còn có đoạn hai bố con cụ đứng trước bàn thờ xin ... trúng sổ xố (thử nghiệm), hôm sau trúng thật và số tiền hai bố con trúng được chỉ đủ để ăn phở. Và cụ cũng nói cụ đang được sự trợ giúp thần linh để viết một cuốn sách nào đó trong khi vừa mới thập tử nhất sinh.

    Sau này mới biết đó là cuốn Tích hợp đa văn hóa Đông Tây, dày khoảng 900 trang, chưa in, nhưng đã có bản điện tử. Đọc thử rồi, không hiểu (vì mình không có vốn, chứ không phải do người viết)

    Trong Nam ít nói "ngu như heo" nhưng các bà mẹ hay mắng con: "lỳ như heo".

    Cá nhân tôi cho rằng nói "ngu như heo" là không đúng lắm vì đã có lần tôi chứng kiến heo mẹ dẫn heo con qua đường, tôi là người đi xe máy, dừng lại và con heo mẹ lần lượt lấy mõm đánh vào đít mấy con heo con để thúc chúng sang bên kia đường cho nhanh, tức là tránh cho nhanh để tôi đi qua.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái băng của cụ Hoàng Phương là nó tự đến với tôi, chứ mình không tìm. Một bác đề nghị mình nghe giúp, để cùng nói chuyện về ma ! (hồi đó, bác mang cái băng đến cho tôi vừa gặp nhiều chuyện buồn trong nhà, nên muốn lí giải những cái khó hiểu bằng tâm linh). Duyên có là vậy bác ạ.

      Cuốn sách của thầy Hoàng Phương, tôi cũng có bản in lần đầu tiên (hồi mới ra, giá bán đắt lắm so với đồng tiền còm của sinh viên). Bản thân thầy Phương khi viết sách cũng đồ rằng, chưa chắc có ai hiểu được sách của mình mà ! Vậy nên, bác Lý cứ bình tĩnh nhé.


      Hình như có chữ "Lỳ như heo" thật. Mà câu chuyện thực tế của bác quá hay, nếu có thước phim về cái cảnh đó thì tuyệt !

      Xóa
    2. Tặng các bác đây, tuy không có cảnh mẹ ủn đít con nhưng mẹ luôn che chắn cho con khi qua đường http://www.youtube.com/watch?v=A0KFQZkEHFY

      Xóa
    3. Khà khà khà, bác Khoằm bút tre trẻ chắc biết cái vụ tôi nhầm tên ông Bút Tre bên log DG!

      Còn tôi, khi đứng trước cái cảnh Heo mẹ lùa từng đứa sang bên đường lấy chỗ cho tôi đi, tôi dẹp ngay cái tư tưởng mắng mỏ nhau "ngu như lợn" ! Nay lại được xem cái clip này giống cảnh tôi găp lắm.

      (Nông thôn MN nuôi heo thường thả rông)

      Xóa
    4. Vụ Bút Tre em biết. maˋ bác

      Xóa