Thế là người
Anh hùng dân tộc, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, đã mãi mãi ra đi, về nơi thế giới
người hiền.
Người đã đi vào lịch sử thế giới như một vị tướng huyền thoại.
Người sống mãi trong lịch sử dân tộc, trong trái tim những người con đất Việt, cùng với lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Hồ Chí Minh.
Viết vài dòng dưới đây, như một nén tâm hương thành kính dâng lên anh linh của Người.
Người đã đi vào lịch sử thế giới như một vị tướng huyền thoại.
Người sống mãi trong lịch sử dân tộc, trong trái tim những người con đất Việt, cùng với lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Hồ Chí Minh.
Viết vài dòng dưới đây, như một nén tâm hương thành kính dâng lên anh linh của Người.
----
Năm 1925,
Võ Nguyên Giáp khi ấy 14 tuổi, thi đỗ vào trường Quốc học Huế với kết quả xuất sắc,
xếp hạng nhì trong tổng số thí sinh trúng tuyển.
Cũng năm ấy,
nhà yêu nước Phan Bội Châu bị bắt ở tô giới quốc tế Thượng Hải, bị nhà nước bảo
hộ Pháp kết án khổ sai chung thân. Dưới áp lực của phong trào yêu nước đấu
tranh đòi ân xá cho cụ diễn ra trên khắp đất nước, toàn quyền Đông dương là
Alexandre Varenne buộc phải giảm án, đưa cụ về quản thúc đến hết đời tại Huế.
Tại đây,
trong suốt 14 năm cuối đời, cụ Phan sống trong một bi
kịch lớn của một chí sĩ trọn đời vì nước, thiết tha cứu nước nhưng “chí lớn
không thành”. Với tâm
trạng bi quan, thất vọng và chán nản vì bị cô lập, cách ly hoàn
toàn với các hoạt động chính trị, có lúc cụ thấy mình chỉ là một "bộ xương
tàn", một cái “xác thừa".
Có lẽ chính cụ cũng không ngờ rằng, những ngày tháng tưởng
như tuyệt vọng ấy của cụ lại không uổng phí chút nào trong dòng chảy lịch sử yêu
nước của dân tộc.
Lịch sử hẳn đã không sắp đặt một cách ngẫu nhiên khi cậu bé
Võ Nguyên Giáp cùng các bạn học Quốc học Huế thường đến thăm cụ vào mỗi chủ
nhật.
Ông Giáp kể lại: “ Cụ thường kể cho chúng tôi điều gì đang
diễn ra trên thế giới. Trên tường, cụ treo chân dung Tôn Dật Tiên, Lê Nin (mà
cụ gọi là Liệt – Ninh) và Đức phật Thích Ca. Bọn trẻ chúng tôi lúc đó rất say
mê đi tìm chân lý”.
Ngọn lửa đã được trao truyền.
Cũng ở Huế, năm 1926, một người bạn cùng trường, lớn hơn
Giáp đôi ba tuổi tên là Hải Triều, đã cho anh mượn một cuốn sách mỏng bọc bên
ngoài bằng cái bìa giả mang chữ Ả - Rập, đó là cuốn “ Bản án chế độ thực dân
Pháp”, lần đầu tiên anh được đọc tác phẩm của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc và
“cuốn sách đã gây cho chúng tôi một lòng căm thù sâu xa như một luồng điện chạy
qua”.
Cũng năm đó, sự kiện cụ Phan Châu Trinh, một chí sĩ yêu nước
khác tạ thế đã làm dấy lên một phong
trào hành động sục sôi trong các trường học, nhất là các trường trung học có
tiếng lúc đó như Trường Bưởi - Hà Nội, Trường Bonnan, Trường kỹ nghệ thực hành
Hải Phòng, Trường trung học Nam Định, Trường Quốc học Huế... Học sinh bãi khóa
đòi để tang nhà ái quốc . Các cuộc bãi khóa ở các trường trung học đã bị chính
quyền thực dân lên án, bắt bớ. Một số học sinh đứng đầu bị đuổi học. Võ Nguyên
Giáp và bạn đồng khóa là Nguyễn Chí Diểu nằm trong số ấy.
Không chịu khuất phục, anh viết một bài báo bằng tiếng Pháp,
công khai chỉ trích viên Hiệu trưởng.
Bài báo có tên “Đả đảo tên bạo chúa trường Quốc học”, được gửi đến cho ông Phan
Văn Trường, chủ bút tờ L’ Annam (Nước
Nam) xuất bản tại Sài Gòn. Bài báo được tờ L’ Annam đăng ngay và Võ Nguyên Giáp
bước chân vào địa hạt báo chí, năm anh 16 tuổi.
Trong những ngày tiếp theo, Võ Nguyên Giáp vẫn ở lại Huế và
tạo lập một thư viện bí mật với các sách báo do các tổ chức cộng sản Pháp gửi
về. Anh cùng Nguyễn Chí Diểu “hy vọng và chờ đợi thời cơ thuận lợi” để được ra
nước ngoài hoạt động. Diểu, lúc này đã gia nhập Tân Việt Cách mạng đảng, một
đảng mang màu sắc mac – xít khá rõ, trong khi Giáp còn đang băn khoăn về hiệu
quả hoạt động của Tân Việt.
Và cuối cùng, anh cũng gia nhập Tân Việt, hoạt động dưới vỏ
bọc giúp việc trong tòa soạn báo Tiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng sáng lập tại Huế. Các bài báo của anh được
viết dưới nhiều bút danh, trong đó có Vân Đình và Hải Thanh.
Trong đợt “khủng bố trắng” của thực dân Pháp năm 1930, Giáp
bị bắt, bị giam tại nhà lao Thừa Phủ cùng với Đặng Thai Mai, giáo sư dạy văn
chương tại trường Quốc học và Nguyễn Thị Quang Thái, một nữ sinh trường Đồng
Khánh, “láng giềng” với Quốc học Huế.
Ra tù, anh được Giám đốc nha Chính trị sở Mật thám Đông
Dương bấy giờ là Louis Marty ngỏ ý muốn
“phục hồi quyền lợi” và “ bảo trợ” để anh tiếp tục học tập tại trường
Trung học Albert Saraut, ngôi trường danh giá nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Có
lẽ mục tiêu mà mật thám Marty hướng tới là vừa “giáo dục lại” vừa ly gián Giáp
với các đồng chí của mình. Tay mật thám lõi đời này không thể ngờ rằng chính y,
với mưu đồ đó, đã góp phần khai tử cho nền thống trị của thực dân Pháp tại Việt
Nam.
Anh Giáp thi đỗ vào trung học Albert Saraut, nơi mà chỉ có 2
người Việt được vào học trong số 1000 người dự tuyển. Một giáo sư đại học Hà
Nội, đảng viên cộng sản Pháp là Marcel Ner cũng đã giúp anh, khi được hỏi về
quá trình đứng đầu các hoạt chống đối của học sinh, Ner đã thay anh xin lỗi vì
lầm tưởng đó là đi theo lý tưởng của cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, có trong
chương trình giảng dạy.
Năm 1934, anh Giáp đỗ Tú tài toàn phần và được mời vào dạy
tại trường Tư thục Thăng Long, do các ông Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai … sáng
lập, đồng thời theo học khoa Luật tại trường Đại học Hà Nội. Vào năm 1938, anh
đỗ đầu môn Kinh tế chính trị tại Đại học HN, khi biết anh là người “có vấn đề” với chính quyền thực dân,
cựu Chánh văn phòng của Paul Doumer là
giáo sư Gaeton Pirou ngỏ ý muốn đưa anh đến Paris và chu cấp cho anh học bất cứ
ngành nào anh muốn. Anh Giáp từ chối và học bổng đặc biệt này được dành cho Vũ
Văn Hiền, sau trở thành một luật gia nổi tiếng.
Tại trường Thăng Long, anh Giáp dạy môn Lịch sử và những học
trò sau này (trong đó có ông Bùi Diễm, cựu đại sứ của Ngô Đình Diệm) kể lại, mê
nhất là nghe anh giảng về lịch sử cách mạng Pháp và lịch sử quân sự. Anh dành
hết thời gian ngoài việc dạy và học để viết báo. Báo Hồn trẻ (tập mới) ra ngày
6/6/1936 được 5 số thì bị chính quyền đình bản. Không nản chí anh Giáp lập ra
tờ báo tiếng Pháp le Travail (Lao động) vào ngày 16/9/1936 do anh làm chủ bút, chỉ
hai tuần sau tòa soạn đã tiếp nhận thêm cộng sự mới là Đặng Xuân Khu, người mới
ra khỏi nhà tù Sơn La và sau đó đầu năm 1937 là Phạm Văn Đồng, vừa từ Côn Đảo
về, cả hai đều bị chính quyền thực dân kết án vì các hoạt động yêu nước.
Từ đó, Võ Nguyên Giáp gia nhập đội ngũ những người cộng sản,
ba cái tên Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp gắn bó với nhau suốt
cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập và thống nhất đất nước.
Ít nhất đã có đến 11 tờ tuần báo mà các ông cho ra mắt tranh
thủ quãng thời gian ngắn ngủi mặt trận Bình dân (Pháp) nắm quyền, ngày
16/4/1937 nhà cầm quyền đóng cửa tờ le Travail, hai ông Trường Chinh và Võ
Nguyên Giáp cùng viết một công trình nghiên cứu hai tập có tên là “Vấn đề dân
cày 1937-1938”.
Năm 1939, ông Giáp trở về Vinh và xin cưới Nguyễn Thị Quang
Thái, hạnh phúc bên nhau của họ chỉ vẻn vẹn chưa đầy 14 tháng, ngày 3/5/1940 họ
chia tay nhau bên đường Cổ Ngư và mãi mãi không bao giờ gặp lại. Ông Giáp, theo
sự phân công trực tiếp của Tổng bí thư Hoàng Văn Thụ, cùng với Phạm văn Đồng
lên đường sang Trung Quốc.
Đầu tháng 6 năm 1940, trên một chiếc thuyền đậu bên bờ sông
Thúy Hồ (Côn Minh, TQ), ông Giáp lần đầu
gặp Nguyễn Ái Quốc mà “tưởng như đã quen nhau từ lâu”, ông nhớ lại: “ Đồng chí
Vương cất tiếng chào và nói: “Chú Đồng không già đi bao nhiêu nhỉ , còn như chú
Giáp thì trông tươi như con gái”.
Ông Giáp được giao nhiệm vụ tổ chức cho một nhóm thanh niên
Cao Bằng vừa chạy sang Trung Quốc tham gia một lớp huấn luyện quân sự để khi
trở lại Cao Bằng họ sẽ là những nòng cốt. Cuối năm 1940, tình hình có nhiều
thay đổi, ông Giáp đi đi về về qua đường biên giới, tuyên truyền đồng bào dân tộc gây dựng cơ sở,
thành lập căn cứ cách mạng giáp biên giới.
Ông không quên lời dăn của Hồ Chí Minh, về công tác tuyên
truyền và chuẩn bị vũ trang: “Người trước, súng sau, có nhân dân là có tất cả”.
Ông Giáp vẫn đi về qua biên giới thực hiện công tác huấn luyện cán bộ và phát
triển phong trào về xuôi, đội xung phong tuyên truyền của ông ban đầu không quá
10 người nay đã phát triển thành mạng lưới cơ sở khắp tỉnh Cao Bằng, rồi lần
lượt Bắc Cạn và Lạng Sơn. Nếu năm 1941 mới chỉ có 1.503 hội viên cứu quốc thì
1943, số hội viên tăng lên 3.096 người. Các lớp huấn luyện chính trị và quân sự
từ 11 lên 26, chưa kể 10 lớp xóa mù chữ cho nhân dân.
Ông Giáp bắt đầu xây các kho chứa lương thực, vũ khí trong
rừng và xây dựng cả xưởng chế tạo địa lôi.
Cuối tháng 7 năm 1944, trong khi Hồ Chí Minh vắng mặt, liên
tỉnh ủy Việt Minh Cao – Bắc – Lạng dự kiến sẽ phát động khởi nghĩa vũ trang vào
khoảng tháng 9/1944. Vừa lúc đó, Hồ Chí Minh về nước, yêu cầu đình chỉ mọi việc
chuẩn bị.
Hồ Chí Minh nói : “Giờ chưa phải là thời cơ… một hành động “non”
sẽ làm hại sự nghiệp chung…, đã đến lúc phải thành lập đội quân vũ trang chủ
lực đầu tiên của Việt Minh, đây là việc hệ trọng. Đoàn thể giao cho chú cáng
đáng. Chú có làm được không?”
Đêm hôm đó, cùng nằm bên cạnh, hai người nói chuyện đến 3
giờ sáng, Hồ Chí Minh gợi ý đặt tên cho đội quân tương lai là Đội quân Giải
Phóng Việt Nam. Ngày hôm sau, Bác lại gọi riêng ông Giáp và nói thêm muốn đưa
phong trào lên cao, thì hoạt động của đội quân lúc này phải coi trọng công tác
chính trị, tuyên truyền giác ngộ quần chúng trên cả việc tác chiến. Vì vậy, tên
của đội quân sẽ là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Vậy là Võ Nguyên Giáp, từ một cậu học trò thường lại thăm cụ
Phan Bội Châu vào những ngày nghỉ, một cựu giáo viên dạy sử, một nhà báo năng
nổ đã đặt chân vào một địa hạt mới và ở địa hạt này, ông đã làm nên những sự
kiện “chấn động địa cầu”. Lúc đó ông mới 33 tuổi.
Ông chọn được 34 người để lập nên đơn vị đầu tiên của đội
quân vũ trang chủ lực của Cách mạng Việt Nam, tiền thân của Quân đội nhân dân
Việt Nam. “Quân đội” ban đầu ấy được trang bị 2 súng lục, 17 súng trường, 14
cạc bin và 1 trung liên.
thôi để cho ổng yên, chết rồi "xóc" làm gì nữa
Trả lờiXóa