Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Bắt quàng làm họ...





Chú Bẩy Lộc đại thúc mình, trong các cuộc nhậu thường bảo “trên có hai ông Sáu, kế tới tao nghe mậy, tao rót là phải uống”.
Hai ông Sáu, thời đó là Sáu Kiệt và Sáu Khải. Kế đến thì là chú chúng mình, thứ Bẩy chứ còn ai? Cãi sao đặng với ông lão tập kết già hàm. Uống.
Một ông làm giám đốc xí nghiệp thuộc Công ty Cấp nước S (hồi ấy chưa thành Tổng), trong bảng chấm lương công nhân, bịa ra cái tên Phan Văn Khái và Võ Văn Kiết, lĩnh lương thợ, bậc 3/7. Chỉ là ngứa mồm tếu táo, không có ác ý, vả lại trong lúc làm bảng lương bảng lậu, ông Xí nghiệp nhớ tới hồi cùng nằm R với hai ông cốp hay chăng? Xưa tôi lính ông, giờ ông lính tôi, cho mượn giải quyết khâu oai chút được không?
Mình cũng "oai" ra phết, nhìn thấy ông Kiệt vài lần chứ bộ, nhưng lần đầu tiên nghe chữ “chú Sáu” là từ mồm anh H, lúc ấy mới từ Giám đốc Công ty PTN lên làm Phó Giám đốc Sở X. Nghe anh H một câu “chú Sáu”, hai câu “chú Sáu”, câu thứ tám vẫn “chú Sáu”, những tưởng “chú Sáu” là ông kẹ nào đó bà con bên vợ nhà anh. Sau ngây ngô hỏi chú Sáu nào vậy anh, anh mới bảo chú Sáu là chú sáu Dân, là ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt đó nghe mậy.
À ồ, tưởng ai, chứ ông Võ Văn Kiệt thì mình biết quá đi chứ. Hồi trước thỉnh thoảng ổng về thăm tỉnh Minh Hải, hay mặc quần soọc áo thun, rặt một màu trắng, tóc cũng trắng, đi đánh tơ nít, đằng sau có mấy ông mặt mũi ngời ngời, hân hoan xách túi xách vợt lụi hụi theo sau. Ừ, chả biết đâu trong đám phò ấy, lại kẻ trước người sau có cả bác Nguyễn Trung với anh Huy Đức cũng nên. Nhờ ông Kiệt mà mấy cái sân bỏ không bẩy tám năm nay lại được phục hồi thành sân đánh "banh quần". Và suy rộng hơn, thì cũng nhờ ông Kiệt, mà cậu Cu Đen, vốn lượm banh chuyên nghiệp ở sân Bạc Liêu, bỗng lên ngôi vô địch giải quần vợt toàn quốc tổ chức tại Bạc Liêu năm nọ, thay cho huyền thoại Võ Văn Bảy đã qua thời oanh liệt. Lần đầu tiên, tỉnh Minh Hải vinh dự có nhà vô địch thể thao. Ờ mà lạ nhe, chuyện Cu Đen lượm banh thành nhà vô địch cứ như bước từ trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng mà ra vậy. Nhưng đó là chuyện thực, chỉ khác anh nhặt banh kia Tóc Đỏ, còn anh lượm banh này thì Cu Đen. Mình quên tên thực của Cu Đen, “sợc” trên mạng cũng không ra, nhớ Cu Đen lên ngôi khoảng 1984, tay vợt Hòa người Hà Nội giải nhì thì phải, ai biết nhắc sửa sai giùm.
Lại biết, cũng nhờ chủ trương của ông Kiệt mà Cimexcol Minh Hải ăn nên làm ra, đóng phần lớn ngân sách cho tỉnh. Ông Dương Văn Ba, mỗi khi về Tỉnh ủy Minh Hải thì các nhân viên hành chánh, văn thư người nọ gọi người kia đổ xô đến chào hỏi. Cũng giống ông Kiệt, ông Ba tính rộng rãi, khảng khái và thương người (và nghe nói cũng là người lắm mưu nhiều mẹo), rút nguyên cọc tiền mới ra phân phát. Được cả tháng lương, kẻ cho, người nhận ai cũng vui vẻ, trừ thằng chầu rìa xa xa là mình. Lúc ấy, chạnh nhớ đến ông Tám Khôi, Giám đốc Công ty lương thực, mỗi khi đến Sở mình chơi thì mọi người lại ý ới gọi nhau vác giấy đến xin... cám. Mình không nuôi heo và cóc biết mặt Tám Khôi nhưng cũng bị chị Gấm, đánh máy của cơ quan giúi cho tờ giấy và thúc vào đít đến xin chữ ký ông Tám, rồi nộp lại cho chị.
Nhưng cũng bắt đầu từ đó, mình biết đến khái niệm “bôi trơn”, do một bạn làm kế toán của Cimexcol giải thích cho. Bạn dạy, việc kinh doanh cũng giống như vận hành một cỗ máy, muốn cho nó chạy tốt, chạy bền, thì phải thường xuyên tra dầu tra mỡ cho các bộ phận. Thế gọi là “bôi trơn”, nước ngoài nó cũng vậy, chả có gì xấu. 
Đến nay, người người đòi “chiết khấu”, nhà nhà hỏi “hoa hồng”. “Bôi” cho lắm vào, "trơn" quá, không kiểm soát được, mới thành ra "giặc", thành ra "quốc nạn", bác Cả mình hô hào dẹp mãi không xong. Hình như trước thời ông Kiệt người ta mới chỉ nói tham ô chứ chưa dùng từ tham nhũng thì phải.
Về chính tích của ông Sáu Kiệt, báo chí và dân mạng đã khen ngợi nhiều nhiều và còn dài dài. Mình hèn, biết đâu nói đó, tuyệt không dám nhắc nhiều đến công lao thành tích chú Sáu, sợ bọn ác khẩu bảo rằng, đèo mẹ, “thấy người sang...bắt quàng làm họ”.
Anh H sau này lên Giám đốc Sở, và suýt lên cao nữa, nhưng rồi bị kỷ luật vì "bôi trơn" chính mình. Nói theo kết luận của Thanh tra thì cái bộ phận mà anh nhiệt tình "bôi trơn" nhất, là chính chị nhà, he he, nên ảnh mất sạch. Mà thôi, lo bò trắng răng, chị H vợ anh đã kịp thành một đại gia đất cát lừng danh trong tỉnh rồi còn gì.
Nhưng vẫn ái ngại cho anh H. Giờ có lúc thấy anh ngồi một mình, miệng cứ lẩm bà lẩm bẩm như đĩ khấn tiên sư... 
Nghe chữ được, chữ mất, loáng thoáng đâu như “chú Sáu..., chú Sáu...chú Sáu”....




12 nhận xét:

  1. Rất thích nghe cụ Lý kể chuyện ngày xưa "cái bộ phận mà anh nhiệt tình "bôi trơn" nhất, là chính chị nhà". Ảnh dưới -: Tuy bị xiềng xích nhưng nhờ bôi trơn nên càng chống càng mạnh. Cụ Lý có nghẹ chiện chị Sáu được bội trơn thế nào hông?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có nghe chứ, nhưng thú thật là Cụ Lý em hổng thấy nên không dám viết ra. Còn người thấy, hẳn phải là những người "nhà", như bác Nguyễn Trung cố vấn hay anh San hô thư ký chẳng hạn.

      Xóa
  2. Mình nói chuyện người, nhất là người quá cố, rất dễ (có cãi được đâu)
    Thử đặt mình vào đó, xem mình làm thế nào, có bôi trơn cho chị Lý hay bà Cạo hơn hay không, rồi nói.
    Ở xứ VỊT, cõi LỪA, lời ONG tiếng VE nhiều vô kể. Có chăm chút, cũng không thoát khỏi kiếp ONG VE
    Không có sự khác biệt, thì nâng bi làm gì !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chú ong ve gì với anh đới. Nâng bi anh làm đéo gì? Anh tọng cho cái "tượng" vào mẹt bây giờ.

      Xóa
    2. Nóng máu, để lòi ra cái đuôi của kiếp lộn gằm rồi sao, chú em !
      Cái tượng đó chú để cho mụ Lý nhà chú, mới xứng

      Xóa
  3. klq, cho em hỏi là cái ảnh ở đâu thế Cụ Lý?

    Trả lờiXóa
  4. Ảnh lấy từ link này http://www.etravelswithetrules.com/china/chapter4/Tongli.Sex.1.jpg

    Theo đó mà đoán, thì Tongli, là khu phố cổ Đồng Lý, thuộc thị xã Ngô Giang, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, nơi có bảo tàng sex với khoảng 3000 hiện vật.

    Trả lờiXóa
  5. Quá hay bác Lý ơi.

    Trước đây tôi cũng định viết một bài về "dấu ấn của chú Sáu", một trong những dấu ấn đó dĩ nhiên là "chú đi tới đâu sân ten-lit mọc tới đó, hehe, và một dấu ấn khác là đám quân sư đang trở cờ vì thất sủng hiện nay ... cùng vài dấu ấn khác. Thế rồi nghĩ tới nghĩ lui lại thôi bác ạ. Mong chú Sáu nghỉ yên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bác Bềnh ghé thăm nom.
      Lý do em viết bài này, là do mới đọc bài lá thư 20 năm của Nguyễn Trung đấy ạ. Ông này đang cố dựng nên một tượng đài mới VVK, có lẽ để thờ chính mình, vì ổng là người chấp bút cho cụ K mà. Vì thế mới có cái ảnh cuối.

      Xóa
  6. "Chú Sáu" để cho bọn lâu la nó mượn danh, bây giờ cái đám suốt ngày kiến nghị, tâm thư, bờ hồ chụp ảnh thấy nhiều đứa nó khoe là từng là "cố vấn" của chú sáu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Công nhận, chú Sáu dễ dãi với cái danh. Ông thì mượn để ép nhậu, ông thì mượn để giải tỏa ẩn ức, ông thì mượn để thăng quan... ông thì mượn để làm ..."phởn động".

      Xóa
  7. Ngồi xó bếp nói chuyện thiên hạ, bịa đặt thông tin vớ vẩn để lừa gạt. Lấy người này ra để nhận họ hàng anh em. Mấy kẻ rảnh quá khi làm những điều vô bổ đó ha

    Trả lờiXóa