Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Tinh hoa khắm lặm




Entry này lấy cảm hứng từ bài viết này và tấm ảnh dưới đây, cũng chép lại từ lóc Người đồng bằng:

Góc từng là nhà vs của hs. Lưu Công Nhân. Ảnh: Lương Cường – iPhone.

Trên ảnh là mấy bác, trong đó có cụ Trần, có anh Lưu..., những người thuộc tầng lớp “tinh hoa”, chụp tại một nhà hàng trên đường XXX. Thôi, xin khai toạc ra cho rồi, đó là số nhà 209 bis Nguyễn Văn Thủ, quận 1, từng là nhà của cố họa sĩ tài danh Lưu Công Nhân, nay con cháu cụ cho nhà hàng Kỳ Đồng 2 (?) thuê lại.
Điều oái oăm là các “tinh hoa” đã cố ý chọn bối cảnh lên hình ở cái góc vốn trước đây là “nhà vệ sinh” của cố họa sĩ. Nhắc lại nhá, “nhà vệ sinh” cơ đấy ạ, tức là nơi cố danh họa đã từng “đại tiện” cơ đấy ạ, thật là tự hào lắm lắm. Cũng may, là các “tinh hoa” mới chỉ chụp hình ở đây, chứ còn ăn tiệc thì hình như đã dọn sang bàn khác, chứ nếu lại rủ nhau để được “ăn”, ngay ở cái chỗ mà cụ Lưu họa sĩ đã từng “ị” thì còn vinh dự nào sánh được!
Chả biết vô tình hay hữu ý, bữa tiệc của các “tinh hoa” diễn ra vào dịp kỷ niệm 8 năm ngày mất của cố họa sĩ Lưu Công Nhân (21-7-2007). Vậy mà “di sản” của danh họa được các “tinh hoa” nhắc tới chỉ là cái “nhà vệ sinh” (ừ thì nhà vệ sinh ở miền Nam không thối như nhà vệ sinh ở miền Bắc), và vẻn vẹn một từ “lương khô”. Các “tinh hoa” khác có thể không biết, nhưng Trần “tinh hoa” – tự nhận bạn thân của cố họa sĩ (?) và Lưu tinh hoa – đích thị quý tử của người, không lẽ lại quên?
Bởi vậy, Lý tôi đây bỗng nhớ lại câu chuyện rùm beng trên báo chí cách đây 8 năm. 
Là vụ cụ Lưu Công Nhân bị mất tranh.
Ngày 18-4-2007, báo Thanh Niên số 108 đăng tin, họa sĩ Lưu Công Nhân, trong lúc về Tp. HCM chữa bệnh, thì tại xưởng vẽ và cũng là nhà riêng tại số 13 bis, đường 3-4 thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, bọn trộm cắp táo tợn đã vào khoắng ít nhất khoảng 140 bức tranh.
Một tuần sau, ngày 25-4-2007, báo Thanh Niên lại tiếp tục đăng tin chi tiết:

Vụ đánh cắp táo bạo 139 bức tranh tại Đà Lạt 

Như chúng tôi đã đưa trên Thanh Niên ngày 18/4, vừa qua gia đình họa sĩ Lưu Công Nhân đã phát hiện một số tranh quý của ông vẽ trong những thập niên 50 - 60 của thế kỷ trước đã bị đánh cắp tại nhà riêng số 13 Bis - đường 3.4, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) - khi ông về TP.HCM chữa bệnh. Đây là một vụ đánh cắp khá táo bạo gây xôn xao dư luận trong giới quan tâm mỹ thuật.

Theo thông tin ban đầu do nhà sưu tập Lưu Quốc Bình, con trai của họa sĩ Lưu Công Nhân cung cấp thì mất khoảng 30 bức tranh. Nhưng đến nay gia đình đã phát hiện con số lớn hơn nhiều: 139 bức. Theo thư của họa sĩ Lưu Công Nhân gửi cho Báo Thanh Niên, đó là "24 bức khổ lớn và 115 bức nhỏ (sơn dầu, ký họa, màu nước) vẽ vịnh Hạ Long". Nhưng chắc chắn "con số vẫn còn thêm vì nhiều bức chưa phát hiện". Giới sưu tập ước lượng giá trị của những bức tranh bị mất trên từ 70 đến 100 ngàn USD.
Họa sĩ Lưu Công Nhân cho biết tranh được phát hiện mất khi người nhà dọn dẹp xưởng vẽ để chuẩn bị cho đạo diễn Lưu Trọng Ninh (từ Hà Nội vào, đang làm phim ở Đà Lạt) đến quay một cuốn phim tư liệu về chân dung ông. Ban đầu người nhà chỉ thấy mất hai bức Thiếu nữ (tranh sơn dầu khổ lớn vẽ từ nguyên mẫu vợ ông những năm 1950). Anh Bình nói: "Bố tôi đặc biệt yêu thích hai bức tranh này, trả bao nhiêu tiền cũng không bán. Ông treo nó trân trọng ở phòng khách. Trước khi về Sài Gòn chữa bệnh ông đã cẩn thận lấy xuống, cho người mang vào kho cất giữ".
Vụ đánh cắp táo bạo 139 bức tranh tại Đà Lạt - ảnh 1
Một số tranh sơn dầu chủ đề Khỏa thân của họa sĩ Lưu Công Nhân đã bị mất. (Ảnh: Tư liệu của nhà sưu tập Lưu Quốc Bình)
Kẻ cắp đã lấy đi ngay hai bức này. Nhưng rồi cả gia đình phát hoảng khi phát hiện ra nhiều bức tranh có giá trị khác cũng mất như Hoa, Chó đá, Thuyền buồm vịnh Hạ Long và đặc biệt là loạt tranh đề tài Khỏa thân chưa một lần triển lãm mà họa sĩ rất tâm đắc. "Xem loạt tranh vẽ khỏa thân của Lưu Công Nhân, tôi rất thích hình khối, đường nét bất ngờ. Nó cho thấy từ những năm 1950 họa sĩ đã có những thể nghiệm mạnh dạn, táo bạo" - nhà sưu tập Lê Thái Sơn nói.
Tiếp tục kiểm kê thì phát hiện thêm 115 bức khổ nhỏ, phác thảo màu nước đủ cỡ về vịnh Hạ Long cũng "không cánh mà bay". Tại sao kẻ cắp có thể tài tình "khoắng" được những bức tranh quý như vậy? Anh Lưu Quốc Bình nhớ lại: "Vào những năm 1998 sức khỏe bố tôi suy yếu. Ông ước muốn thực hiện lại những tập tác phẩm tranh của mình. Tôi là người được giao làm những cuốn sách ấy. Tranh được chọn lọc theo từng thời kỳ mà họa sĩ vẽ". Như vậy kẻ trộm đã dựa trên những vựng tập ấy mà chọn và đánh cắp tranh chăng?
Là một nhà sưu tập, ông Lưu Quốc Bình cho biết chưa từng thấy một vụ đánh cắp nào táo tợn như thế tại nước mình: "Trước đây thỉnh thoảng có kẻ đánh cắp cổ vật quý từ đền chùa, lăng miếu nhưng tranh thì chưa từng!". Vậy thì vụ đánh cắp này báo động chuyển sang lĩnh vực tranh quý chăng? Điều này nghĩ lại cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi giá tranh của những họa sĩ lớn của VN là khá cao. Việc tranh của họa sĩ Lưu Công Nhân bị lấy cắp, anh Bình cho biết: "Chúng tôi sẽ thống kê toàn bộ tranh bị mất, lập biên bản để trình các cơ quan chức năng như công an, phòng A25, Hội Mỹ thuật VN, và Bộ Văn hóa - Thông tin. Cần báo động để các nhà sưu tập, các gallery, những người chơi tranh nghệ thuật trong nước và quốc tế biết rằng tất cả những ai lưu hành loạt tranh trên là buôn bán đồ đánh cắp và vi phạm pháp luật".
Thiết nghĩ, trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc những biện pháp trên là khá tích cực và cần thiết.
Đông Dương

Trong số các tranh bị mất, đặc biệt có hai bức sơn dầu quý giá, là hai bức vẽ bà Phụng, phu nhân họa sĩ, vẽ từ những năm bà Phụng còn trẻ, treo ở trong phòng khách.
Nhưng khổ một nỗi là chỉ một ngày sau, 26-4-2007, thì báo Tuổi trẻ lại đăng tin họa sĩ Lư Công Nhân đã tìm thấy những bức tranh bị mất. Công an, phòng A25, hội Mỹ thuật và bộ Văn hóa chưa kịp vào cuộc.
Đích thân cụ Lưu báo lại là may quá, tìm thấy rồi, thôi cám ơn các chú báo chí, chẳng qua là do cụ “sắp xếp lại”, “cất” rồi “quên” ấy mà.
Dư luận xôn xao, lại càng thêm thắc mắc. Những ngày tháng  ấy, cụ vẫn đang phải ngồi xe lăn và mắc bệnh chân tay run rẩy (parkinson), làm sao cụ có thể “sắp xếp” và “cất” được những bức sơn dầu khổ lớn, có giá trị?
Hóa ra, có “trộm” thật chứ không phải đùa, nhưng bọn “trộm” chưa hề đưa tranh ra khỏi xưởng vẽ của cụ.
Xét kỹ, bọn “ăn trộm” này hẳn phải có đẳng cấp “tinh hoa” vì chúng chọn toàn những bức đẹp, những bức có giá trị để “trộm”, còn những bức chúng “chê xấu”, cho rằng không được giá, thì chúng để lại mà không ngó ngàng gì tới. Hẳn là bọn chúng phải có con mắt nghề nghiệp, hoặc chí ít cũng phải là con nhà nòi, thì mới tinh tường cỡ đó?
Mà cụ Lưu Công Nhân, trời xui đất khiến làm sao, thì lại đang có ý “học tập và làm theo” tấm gương cụ Vương Hồng Sển.
Cụ Vương thì đã dứt khoát không cho quý tử duy nhất của mình là anh Vương Hồng Bảo nhòm ngó đến khối gia tài đồ sộ của mình, trong đó có bộ sưu tập đồ cổ mà cụ từng bỏ tiền, bỏ công sức (dĩ nhiên), bỏ vợ và bỏ cả đời để sưu tầm. Cụ dứt khoát trao toàn bộ bộ sưu tập này cho nhà nước để lập một bảo tàng mang tên Vương Hồng Sển. Anh Bảo con cụ hận lắm, sau chết trong nghèo khó.
Cụ Lưu thì ốm đau dặt dẹo đã hơn chục năm mà mãi không chịu bán tranh cho con cháu được nhờ, hoặc có bán, thì cũng chỉ bán chỉ đủ để riêng cụ tiêu dùng, vào màu, vào vải, vào khung và vào gái, (thưa, gái ở đây là cô người mẫu ấy ạ). Trong khi, với người ngoài, thì thỉnh thoảng cụ lại cho không, chả thèm nhận lại một đồng. Thế mới càng tức!
Trông gương đàn anh là cụ Bùi Xuân Phái mà xem, chết đã bao năm mà con cháu vẫn đang được hưởng lộc. Cụ Bùi vẫn còn tranh bán trên thị trường, ký tên Phái hẳn hoi. Một trong những nhà sản xuất, khéo nhất và hăng hái nhất chính là anh con trai cụ. Thật cũng đáng gọi là một “tinh hoa” trong làng vẽ.
Đã vậy, cụ Lưu lại còn tuyên bố: "Nhân dân từng nuôi tôi, phục vụ cái thằng tôi nghệ sĩ này thì cuối đời, tôi phải có trách nhiệm phục vụ lại họ". Y như cụ Vương, cụ Lưu ước muốn lập một cái nhà trưng bày riêng, để cho mọi người, dẫu chẳng phải “tinh hoa” cũng được xem tranh cụ miễn phí.
Cụ Lưu trả lời phỏng vấn báo TTVH, ngày 31-1-2005, như sau:
-  Ông nghĩ thế nào về chuyện bán mua tranh?
-  Hiện giờ, thỉnh thoảng vẫn có người mua tranh của tôi. Tiền bán tranh đủ cho tôi sống và vẽ tương đối thoải mái. Tôi nghĩ mình vẽ được thì cứ vẽ thật nhiều. Tới đây, tôi sẽ xây một căn nhà rộng rãi năm bảy chục mét vuông ngay phía sau căn nhà tôi đang ở, có nội thất tốt để bày tranh. Bà con ai thích coi thì xin mời đến. Dụng ý của tôi là bày tranh để phục vụ nhân dân. Nhân dân từng nuôi tôi, phục vụ cái thằng nghệ sĩ trong tôi thì cuối đời này, tôi phải có trách nhiệm phục vụ lại họ bằng nghệ thuật - thứ duy nhất mà tôi có.

Cụ Lưu Công Nhân ghé thăm nhà văn Nhật Tuấn, vài tháng trước khi mất (ảnh: Nhật Tuấn) 
Cụ định cho đi hết cả hay sao? Con cháu mất nhờ hay sao? Vậy thì trước sau, phòng tranh của cụ thế nào cũng sẽ bị “trộm viếng”. Không “viếng” thì nó phí đi.
Ba tháng sau vụ “mất trộm”, ngày 21-7-2007 họa sĩ tài hoa Lưu Công Nhân vĩnh viễn nằm lại với xứ sở sương mù, trên mộ chí khắc câu viết cũ của nhà văn Tô Hoài: “Lưu Công Nhân, họa sĩ của kháng chiến và bình yên”.
Tranh của cụ Lưu, lần lượt rủ nhau về Sài Gòn. Bây giờ thì chúng đã thành “lương khô” của Lưu công tử, thỉnh thoảng Lưu công tử bí tiền, lại đem “lương khô” gả cho anh Đỗ Huy Bắc, nhà sưu tầm kiêm nhà buôn rượu. Anh Bắc là con cụ Lê Điền, một người quen cũ của Trần “tinh hoa” như đã được Đèn Cù nhắc đến. À mà theo thói quen, lại phải nhắn cụ Trần là cụ Lê Điền chưa hề giữ chức TBT báo Nhân dân đâu ạ.
Nhà của cụ Lưu, nay đã thành nhà hàng, nơi các “tinh hoa” gặp gỡ nhau, ăn, nhậu và nói. Ở đây, đôi khi, họ cũng nhớ đến cái “nhà vệ sinh” của cụ.
Nhà hàng có món u bò... Ờ ờ, ngoài tranh “nuy”, cụ Lưu xưa nay cũng mê vẽ bò và cũng nổi tiếng về những tranh vẽ bò.
Một buổi cày, sơn dầu, Lưu Công Nhân, vẽ năm 1960, lưu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.


-------
Bonus:
Lại nhớ chuyện cũ.
Khoảng 2003, mình gặp S, vài năm sau này sẽ là “nhà sưu tập” nổi tiếng. S cùng quê, lại cũng từng ở Nam Định, vừa mới xây nhà trong một hẻm lớn gần Cộng Hòa, nhờ mình tới góp ý. Nhà đã xây xong, đang trang trí, còn gì nữa mà góp ý dẫu trong đầu vẫn có một vài “lăn tăn” bởi ngứa nghề ngứa nghiệp. Nhân thấy nhà có nhiều món treo trên tường, từ cầu thang tới phòng khách bèn bàn sang chuyện tranh chuyện tượng. Hóa ra mình và S, kẻ trước người sau đã cùng thọ giáo một thầy là họa sĩ Bùi Ngọc Tư.
Trong câu chuyện, mình bảo hiện nay (2003) thì chỉ có 2 mảng tranh đang “ăn khách”, thứ nhất là tranh của Thành Chương, tranh nào cũng có ông đầu trọc đeo cặp kính tròn ngô ngố, bán rất chạy, bán cả cho hoàng gia Thụy Điển. Và thứ hai, là mảng “ký họa chiến tranh” của các họa sĩ từng tham gia kháng chiến chống Mỹ.
Nhưng Thành Chương thì đắt quá, không đến lượt chú với anh, vả lại cũng đã loãng, không hot được như lúc trước. Hợp túi tiền hơn, là các sưu tập “ký họa chiến tranh”, bút chì, bút sắt, màu nước cũng đang ăn khách. Thuốc đỏ, mực tàu lại càng ăn khách. Không phải do giá trị, mà là do tính lịch sử, và do ký ức. Các ông cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam đang ráo riết lùng mua các bộ sưu tập này giúp cho các bố nghiệp dư cũng như chuyên nghiệp kiếm bộn tiền. Nhưng S phải cẩn thận, vì bây giờ, các bố ấy đang sản xuất ra hàng loạt “ký họa chiến tranh” theo kiểu “hồi ký”, nghĩa là nhớ cảnh xưa mà vẽ lại, vẫn cái xuồng ba lá, cây dừa, cây đước, lại vẫn nón tai bèo, súng AK, mực tàu thuốc đỏ... Không phải là hàng giả. Hàng thật cả, vẫn là ông A, ông B vẽ cả đấy, chỉ có điều ...là vẽ nguội mà thôi.
Mảng thứ ba, rất đáng đồng tiền, anh mách chú, đó là bây giờ chỉ còn tranh của cụ Lưu Công Nhân. Cụ Lưu vẽ “nuy” nổi tiếng từ hồi ở Vĩnh Yên đến Đà Lạt ngày nay, tranh nuy của cụ, lúc càng già vẽ lại càng đẹp. Mà các bậc tiền bối theo nhau đi hết cả, hiện còn mỗi cụ này, phải tranh thủ... Nhưng ác cái, cụ Lưu không chịu bán tranh, lại ở tận Đà Lạt, chứ nếu mua được, thì ăn to, nhất là mai này, khi cụ về đất cùng với cụ thầy là họa sĩ Tô Ngọc Vân...
Nghe mình thuyết lý, S chỉ cười cười. Sau này, S tặng mình một cuốn tạp chí về mỹ thuật có bài nhắc đến “nhà sưu tập L.T.S”, kèm theo lời đề tặng, mới biết mình hố to, dám dạy ... chân dài vén váy. Lúc ấy lại nhắc đến chuyện cụ Lưu vừa mới mất một đống tranh, S lại tủm tỉm cười. Rồi nói thêm, em chơi thân với hai ông B và T, con của cụ, chúng em với bọn báo chí đã bày ra vụ ấy để PR đấy mà.
Khi ấy, S đã bỏ cả chức giám đốc Chi nhánh Sài Gòn của công ty T.A, một công ty chuyên về hóa chất ở Hà Nội. Bỏ vợ, bỏ cả gia sản, S gần như tay trắng ra đi, thuê một căn phòng trên đường Phạm Ngọc Thạch để thỏa đam mê: tranh và tranh.
Năm 2012, 11 giờ đêm 26-7, S đột quỵ, nằm gục ngay trước cửa gallery thuê trên đường Phạm Ngọc Thạch, trong ví còn đâu vài chục ngàn đồng và trong tủ lạnh ở phòng tranh còn những gói mì tôm.
Buổi trưa hôm ấy, S đi đám giỗ cụ Lưu Công Nhân tại nhà anh Lưu Quốc Bình. Cả hai, cụ Lưu Công Nhân và S đều có chung một ngày giỗ.

Ấy là ngày 8-6 âm lịch.








5 nhận xét:

  1. Bài hay. Tôi thích lối viết và đặc biệt nhất là tôi như được sống trong không gian của dĩ vãng. Cho tôi xin nhé. Mà tôi đã chôm rồi.

    Trả lờiXóa
  2. Anh Lý búng bi tinh hoa cứ tưng tưng ý nhở:))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì cũng tập tành nâng bi sự khác biệt ấy mà.

      Xóa
  3. Chỉ lũ bắc kỳ chó mới nghĩ ra cái trò này!!!

    Trả lờiXóa