Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

« Phiên tòa kỳ lạ » chả có gì lạ




 -------------------
Ngày 21-5-2018, TAND TP Hà Nội tuyên phạt tù chung thân đối với Phạm Thanh Hải, Tiến sĩ, nguyên là Chủ tịch HĐQT, TGĐ công ty IDT, chủ trang mạng Học làm giàu về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tiền hơn 400 tỷ đồng của 508 bị hại.
Vài tờ báo đã đặt tên cho vụ xử này là  phiên tòa kỳ lạ.   
Nó lạ ở chỗ, trong suốt những ngày diễn ra phiên tòa, nhiều “bị hại” ngồi ở vỉa hè ngoài cổng tòa, ôm những tấm biển ghi dòng chữ: Doanh nhân Phạm Thanh Hải không lừa đảo, chiếm đoạt tiền của chúng tôi; Không hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự; Chúng tôi yêu cầu trả tự do cho doanh nhân Phạm Thanh Hải”…
Các “bị hại” còn lập ra các trang mạng ca tụng bị cáo bằng những lời có cánh, đồng thời kêu gọi mọi người phủ nhận, phản đối kết luận của cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát.
Trong phiên tòa, mỗi khi luật sư trình bày những điều có lợi cho bị cáo, thì ở phía dưới, các bị hại vỗ tay rần rần giống hệt như họ đang dự hội thảo kinh doanh đa cấp vậy.
Và khi bị cáo nói lời sau cùng, có “bị hại” còn khóc hu hu.
Có lạ không?
Chuyện tưởng lạ nhưng hóa ra không lạ.
Là vì:
Tổng số có 2.574 “nhà đầu tư” ký hợp đồng góp 2.725 tỷ đồng cho bị cáo, trong đó chỉ có 508 “nhà” tố bị ông Tiến sĩ lừa chiếm đoạt hơn 400 tỷ đồng nên được gọi là “bị hại”.
Còn lại trên 2.000 “nhà” khác “đấu tranh” đòi trả tự do cho ông Hải.
Những người này cho rằng nếu ông Hải không bị đi tù thì họ, những “nhà đầu tư”, vẫn còn có cơ may đòi lại được tiền, mà tiền ấy thì nào có ít, góp 1 tỷ đồng cho Tiến sĩ Hải thì được nhận ngay lãi suất 40-50%/năm, đồng thời môi giới được một hợp đồng mới lại được nhận nhận ngay 2-10% tiền “kết nối” kia mà. Trước khi bị bắt, thì Tiến sĩ Hải vẫn trả ngay, có nợ ai đâu.
Về mục đích của việc “đấu tranh”, thì một “nhà đầu tư” đã nói toạc ra thế này:
“Mình cũng là một trong hơn 2000 nhà đầu tư với anh Phạm Thanh Hải, cơ quan điều tra thì gọi mình là Nạn Nhân. 
Trong tổng số khoảng 2700 nhà đầu tư có khoảng 2200 quyết tâm bảo vệ anh Hải tới cùng, thậm chí tự bỏ tiền thuê được những luật sư tốt nhất bảo vệ anh ấy. Còn khoảng 500 nhà đầu tư còn lại là những người mới biết anh ấy, và thông qua nhiều lần công an tới trực tiếp nhà riêng của các nhà đầu tư, rồi báo chí thì họ lại nhờ pháp luật lấy lại tiền ..
Điều quan trọng nhất với hơn 2000 NDT lúc này là mong Luật sư sẽ minh oan được cho anh ấy, có một điều chắc chắn rằng PL sẽ không thể kết được tội anh
Còn về vấn đề tiền thì mọi người muốn chờ anh Hải ra để mọi người cùng thống nhất.
Theo 2.000 người này, cho đến trước khi bị bắt, Tiến sĩ Hải vẫn trả lãi. Nhưng điều mà họ không nói ra, là chưa có dự án nào sinh lời, nên tiền ấy ông Hải có được bằng cách lấy của “nhà đầu tư” sau để chi trả cho “nhà đầu tư” trước (ponzi).
Một khi  mô hình góp vốn đa cấp (ponzi) của ông Hải sụp đổ, 508 nạn nhân đến sau bị mất hơn 400 tỷ, họ làm đơn yêu cầu khởi tố với tư cách là những bị hại.
Còn 2.000 người kia (trừ những người bị lôi kéo), họ không thích được gọi là “bị hại” cũng đúng, vì thực tế họ “bị lợi” chứ không bị hại. Chẳng những thế, xét theo một góc độ nào đó họ còn là đồng lõa với bị cáo Hải trong việc lừa đảo 508 người còn lại. 
Một điều “lạ” nữa, do ông Phạm Cương, Luật sư bào chữa cho bị cáo phát hiện ra, và thắc mắc trên facebook, là khi bắt ông Hải, Nhà nước ta đã tống giam một “thiên tài”, một “báu vật quốc gia”?
Ông Cương viết liền 2 kì trên facebook với tiêu đề “Tiến sĩ Phạm Thanh Hải một thiên tài hay tên lừa đảo”, bài viết có đoạn:
Theo các nhà đầu tư thì Hải là một tài năng suất chúng (sic), một con người hết lòng say mê nghiên cứu, sáng tạo với những khát vọng làm giàu chân chính. Bảo vệ Hải là bảo vệ chính tài sản hàng ngàn tỷ đồng với hàng chục các dự án mà họ đã chọn niềm tin gửi gắm vào Tiến sĩ Phạm Thanh Hải 
Tôi thực sự đã bị Hải cuốn hút, trước mặt tôi, với con mắt tinh tường của mình tôi đã nhận thấy: Hải đúng là một thiên tài (tôi không thể diễn giải đúng về con người của Hải mà chỉ biết rằng đây là một thiên tài đất Việt).
Tôi không thể tin được, tại sao một con người tài ba suất chúng (sic), say mê sáng tạo với tư duy đột phá (đi trước thời đại); luôn được bạn bè, anh em và hàng ngàn các nhà đầu tư tin yêu và quý trọng; một báu vật của Quốc gia, lại đang phải khoác trên vai bộ quần áo tù.
Lòng tôi quặn đau, tôi không cầm được nước mắt và cứ thế, tôi nói với Hải trong tiếng nấc đứt đoạn: “Hải đúng là nhân vật kỳ tài, không còn nghi ngờ gì nữa, đất nước VN nghèo khó này đang rất cần những người như chú, tôi thề có trời, đất tôi sẽ đồng hành cùng chú cho đến ngày chú được minh oan”.
Chuyện này cũng không có gì lạ.
Đầu tiên là việc anh Trạng Cương thắc mắc rằng ông Hải có lừa đảo hay không. Nay thì Tòa đã tuyên: Có lừa đảo, và án là chung thân và anh Trạng đã không thể bác lại để bảo vệ thân chủ.
Nhưng thực ra thì chuyện lừa đảo theo kiểu đa cấp của ông Hải đã diễn ra cách đây những 11 năm, tức là từ năm 2007.
Khi ấy, ông Hải là Chủ tịch HĐQT của công ty Sao Việt (Savicom, có địa chỉ tại Trung Hòa - Nhân Chính) đã lập trang web www.gso-media.com núp dưới vỏ bọc thương mại điện tử và kinh doanh theo mạng nhưng thực chất là kinh doanh đa cấp.
Đại khái hình thức “kinh roanh” như sau:
Cứ  với 100 USD góp ban đầu, khi giới thiệu được thêm 3 người vào mạng lưới, bạn sẽ được hưởng hoa hồng 30 USD/người tức là 90 USD. Tiếp theo 3 người ấy mà giới thiệu được 9 người nữa, bạn sẽ được thêm 7 x 9 = 63 USD. Tiếp tục 9 người này sẽ giới thiệu thêm 27 người nữa… Sau 8 tầng như thế bạn sẽ được khoảng 50.000 USD. Con số là cấp số nhân với 4 người trực tiếp là 500.000 USD và 5 người trực tiếp là 2.500.000 USD. 
Để câu khách, ông Hải quảng cáo rằng GSO là công ty thuộc “Tập đoàn” GBS (Global Business Solution)  của Mỹ, mua báo chí làm PR, mở các hội thảo hoành tráng, mời các chuyên gia về thuyết phục thậm chí còn mạo danh cả  VTV1 để quảng cáo.
Thế nhưng người ta đã phát hiện tại địa chỉ “Tập đoàn” GBS (Global Business Solution) lừng danh tại Mỹ mà GSO công bố trên mạng thì lại là trụ sở một Công ty chuyên mua bán khoai tây và rau cải. Báo chí hồi ấy đã đăng và con số nạn nhân của Savi com và ông Hải ước tính lên đến 50.000 người.
Vậy là chuyện ông Hải có lừa đảo hay không thì đã rõ rồi nhé, mà lại là bịp bợm có truyền thống, có thâm niên hẳn hoi nhé!
Tiếp theo ta cần xem Tiến sĩ Hải có phải là “thiên tài”, một “báu vật của quốc gia” hay không?
Được biết, ông Hải là học sinh giỏi đoạt giải Quốc gia, học đại học ở Minxk và có bằng tiến sĩ Toán – Lý ở đó.
Học sinh giỏi Quốc gia thì chả phải là thiên tài, có khi còn phải đi làm thuê cho mấy anh chưa có bằng cử nhân như Bầu Đức. Tiến sĩ thì khá hơn.
Không chắc việc sở hữu cái bằng Tiến sĩ Toán – Lý có giúp ích cho anh Hải trong việc kinh doanh hay không, nhưng một điều chắc chắn, là nó đã giúp cho anh có nhiều thêm cả “nhà đầu tư” lẫn “bị hại”.
Mô hình đầu tư của anh Hải, cần được gọi đích danh là mô hình Ponzi.
Đó là trò vay tiền của người sau để trả nợ người trước với cam kết trả lợi tức cao cho người cho vay và quảng cáo với họ về những tấm gương đã từng nhận được lợi tức cao trước đây để hấp dẫn người cho vay. Người cho vay bị hấp dẫn bởi lợi tức cao lại thậm chí giới thiệu những người cho vay mới hơn. Không hề có nguồn lợi nhuận từ bên ngoài vào để nuôi dưỡng hệ thống nội tại. Vì vậy, cũng gần giống như trò kinh doanh đa cấp (xem thêm), để hệ thống hoạt động thì nó phải tiêu thụ chính năng lượng bản thân nó. 
Mô hình Ponzi  của anh Hải Tiến sĩ thực ra chẳng khác gì mô hình động cơ vĩnh cửu trong môn Vật lý. Động cơ vĩnh cửu là loại động cơ chỉ có trong tưởng tượng, nó có thể tự sinh ra năng lượng và hoạt động mãi mãi mà không cần cung cấp năng lượng từ bên ngoài, ngược lại với nguyên tắc của Định luật Bảo toàn và chuyển hoá năng lượng. Từ năm học lớp 6, trẻ con đã biết động cơ vĩnh cửu chỉ là trò lừa bịp. 
Động cơ vĩnh cửu đơn giản là không thể có, chưa bao giờ có. Anh Hải là Tiến sĩ Toán – Lý không lẽ không biết, vậy thì "thiên tài" với "báu vật" cái quái ?

Và kết cục, chuyện chẳng có gì lạ khi Tòa xử ông Hải một cách sòng phẳng và đích đáng
Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền hơn 400 tỷ đồng của 508 anh kia là đã đủ án chung thân để anh Hải không còn cơ hội vác cái bằng Tiến sĩ hay mang cái danh Thiên tài đi lừa tiếp. 
Còn với 2.000 “nhà đầu tư” "bị lợi" kia thì kệ cha các anh. Khi nào muốn được làm “bị hại” thì chịu khó làm lại cái đơn tố cáo nhé!
----------------



1 nhận xét: