Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

Chuyện tấm Bản đồ quy hoạch “nhượng địa” Hà nội bị thất lạc




---------- 
Cách đây vài tháng, báo chí và dư luận mạng rộ lên câu chuyện Bản đồ Thủ Thiêm. Bộ bản đồ tỷ lệ 1/5.000 này là cơ sở để cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt ký Quyết định số 367/TTg ngày 4/6/1996 phê duyệt quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm.
Người bảo có Bản đồ ấy, kẻ bảo không có, người nói thất lạc chưa tìm ra, kẻ xấu mồm thì lu loa lên rằng Bản đồ ấy đã bị thủ tiêu.
Dĩ nhiên những người đã từng làm trong nghề quy hoạch thì đều biết chắc chắn một điều là dứt khoát phải có bộ bản đồ ấy. Không có nó, không thể gọi là hồ sơ Quy hoạch, không có nó, các bước tiếp theo (quy hoạch 1/2.000; 1/500) không thể làm được.
Rồi mọi chuyện đã rõ khi ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM thời kỳ đó (1996-2001) còn giữ được đủ bộ gồm 13 tấm bản đồ quy hoạch.
Chuyện “thất lạc” bản đồ quy hoạch không phải chuyện mới. Cách đây hơn 100 năm, Bản đồ quy hoạch “nhượng địa” Hà Nội do người Pháp lập kèm theo Dụ số 576 của vua Đồng Khánh lập ngày thứ 26 tháng thứ tám năm Đồng Khánh thứ ba (mùng 1-10-1888) cũng đã từng bị thất lạc.
Toàn bài dưới đây lấy về từ trang luutru.gov.vn, tác giả là Tiến sĩ Đào Thị Diến – Trung tâm lưu trữ Quốc gia I:

Về sơ đồ đính kèm Dụ số 576 của vua Đồng Khánh lập các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng thành nhượng địa Pháp tháng 10 năm 1888
 ***

Một trong những văn bản pháp lý đầu tiên và quan trọng nhất đối với việc nghiên cứu quá trình chuyển biến về quy hoạch đô thị và diện mạo đô thị Hà Nội thời kỳ đầu Pháp xâm chiếm Hà Nội là Dụ số 567 ngày thứ 26 tháng thứ tám năm Đồng Khánh thứ ba (mùng 1-10-1888).

Bởi vì, văn bản này đã cụ thể hóa điều 18 của Hiệp ước Patenôtre (ngày 6-6-1884) về giới hạn các khu nhượng địa ở các Thành phố Hà Nội, Hải Phòng và  Tourane [Đà Nẵng] bằng các sơ đồ đính kèm.
Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là từng có một thời gian dài trong lịch sử, bản sơ đồ khu nhượng địa ở Hà Nội đã bị mất, không tìm thấy trong tài liệu lưu trữ của cả hai phía (vương triều Huế và chính quyền thuộc địa), thậm chí có lúc còn bị coi là “không có”. Trong giới nghiên cứu về lịch sử Hà Nội thời thuộc địa có ý kiến cho rằng việc “mất” bản sơ đồ nói trên là một trong những lý do, “trong đó không loại trừ những mưu toan có dụng ý”, dẫn đến sự mập mờ, không rõ ràng về khái niệm “Thành phố Hà Nội”, nhất là về những đường biên của nó”(1).      
Để làm sáng tỏ vấn đề này, hãy bắt đầu bằng toàn bộ nội dung Dụ số 567 của vua Đồng Khánh(2):
Ngày 3 tháng mười 1888
ĐẠI VƯƠNG QUỐC AN NAM
            Ngày thứ 26 tháng thứ tám năm Đồng Khánh thứ ba (mùng 1-10-1888).
Căn cứ điều 18 của Hiệp ước ngày 6-6-1884, quyết định rằng những giới hạn của các cảng mở và các vùng nhượng địa Pháp tại Trung và Bắc Kỳ sẽ được xác lập trong các cuộc hội đàm về sau;
            Theo đề xuất của Viện Cơ mật và sau khi nhất trí với Quý Toàn quyền Đông Dương.
TRẪM RA DỤ
            Điều 1. Các vùng đất của các Thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Tourane [Đà Nẵng] được lập thành nhượng địa Pháp và được chuyển giao toàn quyền sở hữu cho Chính quyền Pháp bởi Chính phủ An-nam, bên từ bỏ mọi quyền hạn của mình đối với các vùng đất nói trên.
            Điều 2. Các quyền trước đây đã có đối với các vùng đất này được bảo lưu hoàn toàn, sẽ được Quý Toàn quyền Đông Dương thuộc Pháp quyết định căn cứ theo các quyền mà Trẫm trao cho ông ta vì mục đích này bởi Dụ cùng ngày, văn bản quyết định quyền sở hữu của người Pháp tại Bắc và Trung Kỳ.
            Điều 3. Các vùng đất này sẽ được xác định giới hạn y theo các sơ đồ trong phụ lục; việc cắm mốc xác định diên cách của các khu nhượng địa này sẽ do các đại diện của Quý Toàn quyền Đông Dương và Quan Kinh lược đảm trách; các biên bản về sự vụ này với mô tả chính xác các vùng đất nhượng và giới hạn của chúng sẽ được lưu tại cơ quan lưu trữ của Vương quốc Đại Nam ta và của Quý Phủ Toàn quyền.
 Theo đó thực thi
  Nay Dụ
Huế, ngày 3-10-1888
Toàn quyền Đông Dương
Đã ký: RICHAUD

Như vậy, theo điều 3 của Dụ số 576, các sơ đồ của các vùng đất thuộc các Thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng đã được lập thành nhượng địa Pháp và các biên bản của việc cắm mốc xác định các khu nhượng địa này sẽ được lưu tại cơ quan lưu trữ của vương triều Huế và của chính quyền thuộc địa Pháp.


Bản sao Dụ số 567 ngày thứ 26 tháng thứ tám năm Đồng Khánh thứ ba  (mùng 1-10-1888). Tài liệu Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Vào thời điểm đó, vương triều Huế đã có một tổ chức Lưu trữ khá hoàn hảo và theo quy định của vua Minh Mệnh, “các văn bản ngoại giao, bản đồ nhà nước” không được lưu giữ ở tào Biểu bộ, cơ quan “chuyên làm nhiệm vụ lưu giữ châu bản (các bản tấu, sớ được vua phê bằng bút son và các chiếu, chỉ, dụ… của nhà vua)” mà lại được lưu giữ ở tào Đồ thư, “cơ quan có chức năng như một thư viện”(3). Trải qua nhiều thập kỷ với bao thăng trầm của chiến tranh, vì nhiều lý do nên ngay số lượng châu bản còn lại cũng rất ít. Vì thế, khó có thể biết được số phận của “các văn bản ngoại giao, bản đồ nhà nước” (trong đó có Dụ số 576 của vua Đồng Khánh), một trong những thành phần tư liệu thuộc tào Đồ thư trước đây ra sao.
Về phía Lưu trữ của chính quyền thuộc địa, những tài liệu được lưu ở Phủ Toàn quyền trước khi Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương được thành lập sau này đã được nộp lưu vào Kho Lưu trữ Trung ương tại Hà Nội. Các bản sao từ Dụ số 576 của vua Đồng Khánh (viết bằng chữ Pháp) đã trở thành một trong những thành phần tài liệu của một số phông tài liệu tiếng Pháp của Kho(4).  
Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng, Dụ số 576 của vua Đồng Khánh cùng bản sơ đồ vùng đất thuộc Thành phố Hà Nội đã được lập thành nhượng địa Pháp đính kèm là tài liệu đặc biệt quan trọng, là văn bản pháp lý đầu tiên trong việc xác định địa giới hành chính Thành phố Hà Nội, mở đầu cho quá trình chuyển biến về quy hoạch đô thị và diện mạo đô thị Hà Nội cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Chính vì thế, chỉ nửa tháng sau khi Dụ số 576 của vua Đồng Khánh được Toàn quyền Đông Dương phê chuẩn, chính quyền Thành phố Hà Nội bắt đầu có những động thái đáng chú ý mà việc đầu tiên là đề nghị được tham khảo bản sơ đồ nói trên. Mục đích của việc này, như Công sứ-Đốc lý Hà Nội Tirant viết rõ trong thư số 241 ngày 18-10-1888 gửi Quyền Tổng Trú sứ Trung-Bắc Kỳ là để “phục vụ cho việc giới hạn Thành phố  mở rộng địa hạt Thành phố” của Hội đồng Thành phố Hà Nội, trong thời gian được xác định là “ngay từ bây giờ”, với cách làm được cho là “chắc chắnđể “đưa ra các biện pháp nhằm xây dựng [Hà Nội] thành một thành phố Pháp”(5)
Tuy nhiên, tới thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa tìm thấy thư trả lời của Quyền Tổng Trú sứ Trung-Bắc Kỳ về yêu cầu của Hội đồng Thành phố Hà Nội. Kể từ tháng 10-1888, bản sơ đồ đính kèm Dụ số 576 của vua Đồng Khánh bắt đầu bước vào một hành trình dài lưu lạc, có lúc gần như biến mất trong tài liệu lưu trữ, dường như không có khả năng tìm lại được.
Luận cứ để một vài ý kiến cho rằng chính quyền thuộc địa đã có những “mưu toan có dụng ý, dẫn đến sự mập mờ, không rõ ràng về khái niệm “Thành phố Hà Nội, nhất là về những đường biên của nó”, xét về một khía cạnh nào đó, có thể được coi là có lý khi chúng ta nghiên cứu lá thư số 2095/2066 ngày 30-12-1889 của Thống sứ Bắc Kỳ Brière gửi Công sứ-Đốc lý Hà Nội Charles Landes. Thư có đoạn viết:
Mặc dù không có một sơ đồ nào được đính kèm theo Dụ nói trên, và mặt khác, cũng không có một nghị định nào của người tiền nhiệm quy định về giới hạn địa hạt Thành phố, song cũng như Ngài, tôi cho rằng bức tường thành cũ ở Hà Nội [thành Đại La năm 1749] có thể được coi như giới hạn của khu nhượng địa và theo đó, Thành phố có thể tùy tình hình mà phát triển.
Hơn nữa, tôi cho rằng không cần thiết phải hỏi ý kiến các nhà cầm quyền bản xứ, vì họ vẫn luôn luôn coi bức tường thành cũ như giới hạn Thành phố.
Vì lý do đó, tôi chuẩn y dự thảo nghị định mà Ngài trình tôi với sơ đồ đính kèm. Nghị định này sẽ được đăng vào số đầu tiên của Công báo(6).
Tuy nhiên, để tránh các sự nhầm lẫn trong tương lai, tôi yêu cầu Ngài phải chỉ rõ trên sơ đồ ấn định, cùng với những giới hạn Thành phố cũng như giới hạn khu nhượng địa mà chúng ta đã nhất trí”(7).
Các cuộc tìm kiếm được cho là “có phương pháp” bản sơ đồ đầu tiên xác định vùng đất thuộc Thành phố Hà Nội đã được lập thành nhượng địa Pháp liên tục diễn ra mỗi khi một công sở chuyên môn nào của Thành phố có việc phải động chạm tới vấn đề địa chính, hay khi các tổ chức khoa học và các nhà khoa học cần đến để phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử Hà Nội thời thuộc địa. 
Theo ghi chép ngày 29-8-1936 của Trưởng ban 2 thuộc Phòng 1 gửi cho Trưởng Phòng 1 (Phủ Thống sứ Bắc Kỳ) về “Nhượng địa Pháp ở Hà Nội” (8) thì các cuộc tìm kiếm “có phương pháp” để tìm lại sơ đồ này (nhưng hoàn toàn không có kết quả) đã được thực hiện bởi: 
- Toàn quyền và Phó Toàn quyền (theo thư số 1034 ngày 21-6-1916 của Đốc lý Hà Nội);
- Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (theo thư số 595 ngày 28-6-1916);
- Sở Địa chính Bắc Kỳ (theo công điện số 242 ngày 14-12-1920);
- Tòa Đốc lý Hà Nội (thư số 1034 ngày 21-6-1916 và số 698 ngày 5-11-1924);
- Giám đốc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương (thư số 698 ngày 5-11-1924);
- Triều đình Huế (thư số 135-A ngày 24-11-1924 của Khâm sứ Trung Kỳ).
Điều đáng chú ý, trong phần “Sơ đồ đính kèm Dụ ngày 1-10-1888”, bản ghi chép viết: “Theo Dụ ngày 1-10-1888, khu nhượng địa Pháp ở Hà Nội được giới hạn theo sơ đồ đính kèm. Sơ đồ này có tồn tại không? Có, trả lời của Đốc lý Hà Nội Pasquier tuyên bố rằng bản sơ đồ đích thực đã được trả lại cho ông Le Coz ngày 6-12-1896 bởi Đốc lý Hà Nội Morel tại thời điểm đó (theo thư số 1034 ngày 21-6-1916).
Kết quả cuộc tìm kiếm bản sơ đồ này vào năm 1924 được Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương (cơ quan có trách nhiệm lưu giữ và bảo quản bản sao của Dụ ngày 3-10-1888) thông báo chính thức bằng thư số 698 ngày 5-11-1924 của Giám đốc Paul Boudet gửi Thống sứ Bắc Kỳ ở Hà Nội:
Trả lời thư ngày 30-10 của Ngài, tôi hân hạnh thông báo rằng sơ đồ khu nhượng địa cho Chính phủ Pháp ở Hà Nội đính kèm Dụ ngày 3-10-1888 không còn trong hồ sơ được đánh số tạm I (55) của phông Phủ Toàn quyền Đông Dương.
Tháng 4-1923, theo yêu cầu của Giám đốc Sở Địa chính, các cuộc tìm kiếm cẩn thận, kỹ lưỡng đã được thực hiện tại Hà Nội và Huế, ở Lưu trữ An-nam(9),  nhưng không có kết quả.
Thật vô cùng đáng tiếc vì sơ đồ này với giá trị to lớn như các sơ đồ [khu nhượng địa Pháp] ở Hải Phòng, Đà Nẵng và Sài Gòn, đã bị rút khỏi hồ sơ, không có một dấu hiệu gì có thể tìm lại được”(10).
Việc bản sơ đồ nói trên bị thất lạc đã thu hút sự quan tâm của Toàn quyền Đông Dương, và với tác động của Phủ Toàn quyền, một lần nữa, Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương lại bắt tay vào một cuộc tìm kiếm mới. Kết quả của cuộc tìm kiếm này được Paul Boudet trình lên Toàn quyền bằng thư “Mật” số 440 viết vào tháng 3 (không đề ngày) năm 1933:
Trả lời công điện số 1448-DEA/4B ngày 20-3-1933 về sơ đồ đính kèm Dụ ngày 3-10-1888 lập Hà Nội thành nhượng địa của Pháp, tôi hân hạnh được thông báo với Ngài rằng tài liệu cực kỳ quý báu đó từ lâu đã coi như bị mất.
Bằng thư số 1417-AS ngày 15-6-1916, Toàn quyền Charles đã trả lời Chủ tịch Hội đồng Thành phố Hà Nội rằng không có khả năng tìm lại được sơ đồ này. Ngay cuộc tìm kiếm lần thứ nhất của chúng tôi cũng không mang lại kết quả, như tôi đã cho Ngài Thống sứ Bắc Kỳ biết bằng thư số 698 ngày 5-11-1924.
Sơ đồ mà chúng tôi đã từng tìm kiếm một cách vô ích trong sưu tập nghị định gốc của Toàn quyền Đông Dương (nơi mà đáng lẽ ra nó phải ở) và trong các hồ sơ, đã được chúng tôi tìm thấy trong sưu tập các bản sao đến từ Phủ Thống sứ Bắc Kỳ và được đính kèm một bản sao nghị định của Toàn quyền chuẩn y Dụ [ngày 3-10-1888 của vua Đồng Khánh].
Tính chân thực của nó không gây nên một sự nghi ngờ nào, bởi nó mang, một mặt, chữ ký của Toàn quyền Đông Dương: “Chuẩn y, Toàn quyền Richaud” và chữ ký của Công sứ-Đốc lý Tirant, và mặt khác, dấu chính thức của Kinh lược và chữ ký bằng chữ Hán: “Kinh lược, Nguyễn Hữu Độ”.
Giới hạn của khu nhượng địa được chỉ rõ bởi một đường viền màu tím trên “một bản đồ vùng ngoại ô Hà Nội có tỷ lệ 1/25.000 được in bởi Sở Địa dư” (Giám đốc Sở Địa dư lúc đó là tướng Perrier). Người ta đánh dấu ở đằng sau, góc bên trái bản đồ dòng chữ như sau: “Hà Nội, 1-9-1888, nhân viên chính Perot”, điều đó có vẻ chỉ ra rằng những đường giới hạn đã được chuẩn bị một tháng trước khi Dụ được ký. Ở bên trong đường giới hạn khu nhượng địa, được dán một étiquette màu đỏ mang dòng chữ Hán “Hà Nội tỉnh giới hạn khu nhượng địa”.
Tôi tin có thể thu hút đặc biệt sự chú ý của Ngài về vấn đề này, rằng các giới hạn của khu nhượng địa khác nhau một cách nhạy cảm và rõ ràng là hạn chế rất nhiều so với các giới hạn hiện tại (mốc cắm năm 1889)”(11).
Vào năm 1936, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ lại một lần nữa cho kiểm tra lại sơ đồ khu nhượng địa ở Hà Nội, viết lịch sử sơ lược Thành phố Hà Nội và viết bản tổng hợp quá trình tìm lại bản sơ đồ nói trên nhằm cung cấp cho Kiến trúc sư Cerutti để chuẩn bị cho đợt quy hoạch mới của Thành phố.
Năm 1950, bản sơ đồ nói trên đã cùng tài liệu phông Phủ Toàn quyền Đông Dương và một số phông khác đã được đưa về Pháp trong chiến dịch “hồi hương tài liệu” theo Thỏa ước ký kết giữa chính phủ Bảo Đại và đại diện chính quyền thuộc địa là Léon Pignon.      
 Trong chuyến đi nghiên cứu năm 2013 tại Lưu trữ Hải ngoại Quốc gia Pháp (Archives Nationales d’Outre Mer) ở Aix-en Provence, chúng tôi đã tìm thấy bản sơ đồ nói trên và chụp lại mang về nước với hy vọng có thêm tài liệu nghiên cứu về Thành phố Hà Nội thời thuộc địa.
Bản gốc sơ đồ khu nhượng địa Pháp ở Hà Nội 1888. Tài liệu Lưu trữ Hải ngoại Quốc gia Pháp

Về thực chất, khu nhượng địa ở Hà Nội không được thể hiện trong một bản sơ đồ riêng với những con số cụ thể về diện tích, giới hạn các hướng… mà chỉ được “chỉ rõ bởi một đường viền màu tím trên một bản đồ vùng ngoại ô Hà Nội có tỷ lệ 1/25.000”, bên trong đường giới hạn khu nhượng địađược dán một étiquette màu đỏ mang dòng chữ Hán “Hà Nội tỉnh giới hạn khu nhượng địa”, đúng như mô tả của Paul Boudet trong thư “Mật” số 440 trình lên Toàn quyền Đông Dương viết vào tháng 3 năm 1933. Mặc dù vậy, sơ đồ khu nhượng địa Hà Nội 1888 vẫn có giá trị về mặt pháp lý mà chính quyền thuộc địa Pháp, cụ thể là Tòa Thống sứ Bắc Kỳ và Tòa Đốc lý Hà Nội đã bỏ qua trong quá trình quy hoạch thành phố, nhằm mục đích xây dựng Hà Nội “thành một thành phố Pháp” ngay từ những ngày đầu, làm cơ sở cho việc phát triển Hà Nội thành “Thành phố của Bắc Kỳ”, “Thành phố của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp” trong những giai đoạn sau.  
Chú thích:
1.Nguyên văn từ được dùng trong một số nghiên cứu gần đây về lịch sử Hà Nội thời thuộc địa.
2. Ordonnance Royale N0576 relatif à l’érection en concession française des terrains de Hanoï, Haiphong et Tourane. (văn bản được giới thiệu là bản sao, viết bằng chữ Pháp, chưa được so sánh với bản gốc do chưa tìm thấy bản gốc trong các khối tài liệu Hán-Nôm).
3.PGS. Vương Đình Quyền: “Minh Mệnh-vị Hoàng đế khai sáng nền văn khố triều Nguyễn”, Tạp chí Xưa và Nay, số 7-1995 (trích từ “Lịch sử, lý luận, thực tiễn về lưu trũ và quản trị văn phòng”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015, tr. 171-172)  
4. Trong các phông tài liệu tiếng Pháp của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I có 3 bản sao Dụ ngày 3-10-1888 của vua Đồng Khánh, 2 bản thuộc phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (Fonds de la Résidence supérieure du Tonkin – RST, hs: 78647) và 1 bản thuộc phông Phông Toà Thị chính Hà Nội (Fonds de la Municipalité de Hanoï – TCHN, hs: 144), cả 3 bản đều có nội dung giống nhau. Trong 2 bản có niên đại chính xác “ngày 2 tháng 8 năm Đồng Khánh thứ 3 (1-10-1888)” thuộc phông RST, chúng tôi chọn bản này vì đây là bản duy nhất được viết tay, trình bày đẹp. Bản còn lại ghi niên đại “ngày 2 tháng 8 năm Đồng Khánh thứ 3 (1-10-1888)”. 
5. Phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (Fonds de la Résidence supérieure du Tonkin – RST), hs: 78647 (Délimitation et urbanisme de la Ville de Hanoï 1888-1936).
6. Arrêté du 15 Novembre 1889 du Résident supérieur du Tonkin déterminant la délimitation de la Ville de Hanoï (đăng trên Công báo Đông Dương thộc Pháp - Journal officiel de l’Indochine française ngày 6-1-1890). Theo Nghị định này, địa hạt của Thành phố Hà Nội được ấn định bằng 15 cột mốc có gắn biển đánh số và được thể hiện trên sơ đồ đính kèm. Sơ đồ này hiện nay cũng chưa được tìm thấy trong tài liệu lưu trữ.
7. Xem chú thích số 5.
8. Xem chú thích số 5.
9. Tức tào Biểu bộ. 
10. Xem chú thích số 5. 
11. Xem chú thích số 5. 

1 nhận xét: