Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Người Việt lắm thói hư tật xấu - có phải do thơ Tố Hữu?




(Entry này được viết nhân đọc một vài bài viết trên blog Vương Trí Nhàn. Những bài viết này, như ông Nhàn nói, chưa phải là những phát ngôn đã được cân nhắc kỹ lưỡng mà cũng chưa phải là những bài viết hoàn chỉnh).
-----------
Ông Vương Trí Nhàn là một cây bút Phê bình lý luận văn học nổi tiếng ở ta, tác giả của những cuốn Những kiếp hoa dại, Cánh bướm và đóa hướng dương, Cây bút đời người, Buồn vui đời viết... in và tái bản nhiều lần cách đây đã nhiều năm trước. Những cuốn sách nói trên của ông có lối phê bình khoa học, hiện đại, mà văn phong lại sắc sảo và thẳng thắn. Đọc rất cuốn hút. 
Hiện ông Nhàn thiên về việc Nghiên cứu văn hóa hơn là Phê bình văn học và đặc biệt ưa viết về những thói hư tật xấu của người Việt. Mới đây, ông viết bài Tô Hoài - nhìn từ một khoảng cách gần (*) gây xôn xao trên mạng. Đọc cái đầu đề cứ tưởng ông trở lại làm phê bình văn học mà mừng. Hóa ra không hẳn như vậy.
Lần này ngoài chuyện văn, thì đối tượng hư xấu mà ông Nhàn bàn đến không còn là người Việt chung chung nữa. Nhân vật cụ thể là cố nhà văn Tô Hoài, một cây đại thụ trong nền văn học nước nhà, được ông Nhàn “soi” - “ở khoảng cách gần”.
Khác với những gì đã viết về Tô Hoài trước đây, trong bài viết này, người đọc thấy ông Nhàn tỏ thái độ căm ghét và rất coi thường nhà văn quá cố. Bất kỳ hành động gì, câu nói gì của Tô Hoài (hay của ai đó, nói về Tô Hoài) cũng được ông nghe ngóng và ghi chép từ hồi nảo hồi nào (gọi là “trích sổ tay”), nay có dịp đem ra xăm soi đay nghiến.
Mới đầu, đọc những “ghi chép” kiểu “từ khoảng cách gần” của ông Nhàn thì cũng thích, vì có những tư liệu, thông tin thuộc loại “độc” mà chỉ ông Nhàn mới có. Nhưng đọc nhiều, thì thấy ngài ngại rờn rợn, vì nó "soi" ở tầm "gần quá", khiến ta không khỏi không liên tưởng đến cái chiêu “độc” của một số bạn trẻ hả hê và vô tư công khai trên mạng những clip sex của chính mình, để trả thù việc người mình yêu ... đi lấy chồng hoặc có nhân tình mới.
Nhà thơ Tố Hữu, (nói dè dặt, thì là thơ ông Tố Hữu) cũng thỉnh thoảng được ông Nhàn “chiếu cố” dưới góc độ nghiên cứu văn hóa.
Mới đây, ông Nhàn đăng bài viết Thầy bà như thế này thì làm sao có được một nhà trường đúng nghĩa phải có? (**)– trên blog của ông, viết nhân ngày khai trường năm nay (5-9-2015). Bài này, vốn là bài cũ năm trước nay được đổi tên và đăng lại.
Nói chung, đọc bài viết này của ông Nhàn, thì chẳng có gì phải bàn cãi. Rằng trước đây, thì chỉ những ai học kém mới vào ngành sư phạm. Mà thời các cụ chữ Nho cũng thế, thi đỗ đã ra làm quan rồi, chỉ có ông nào thi trượt (lạc đệ) mới chịu về quê gõ đầu trẻ. Ấy rồi, cũng theo ông Nhàn “từ chỗ bị coi thường, rồi giáo giới rồi cũng đã có sự khôn ngoan cần thiết để tồn tại” cho nên bây giờ “thời nào chẳng phải cho con đi học. Lấy lý do nuôi con ăn học, phụ huynh càng quyết tâm ăn cắp tham nhũng..”
Cái chỗ ông Nhàn suy luận rằng phụ huynh càng quyết tâm ăn cắp tham nhũng lại do thầy bà bị coi thường thì nghe không được xuôi cho lắm, nhưng thôi cứ tạm tin vậy đi. Điều bất ngờ ở đây, là ông Nhàn cho rằng, nguồn cơn việc thầy bà bị coi thường lại là ... do thơ ông Tố Hữu (?). Ông Nhàn lôi ngay hai câu thơ Tố Hữu ra để khảo đả:
“Trong xã hội chiến tranh hôm qua, kiến thức bị coi thường bị khinh bỉ (Thà một cây chông trừ giặc Mỹ -- Hơn ngàn trang sách luận văn chương – Tố Hữu)”. 
Điều rất đáng để ý là việc nhà phê bình văn học nổi tiếng Vương Trí Nhàn lại chép sai thơ Tố Hữu.
Hai câu này vốn nguyên văn là:
Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ
Hơn ngàn trang giấy luận văn chương
Ông Nhàn thừa biết bài thơ này gồm 8 câu, được viết theo thể Đường luật, thế mà ông “nhầm” từ chữ “dẫu” sang  chữ “thà” thì đã hô biến cái luật đăng đối trắc – bằng vốn có và ắt phải có ở hai câu “luận” trong bài thơ của Tố Hữu.
Lại nữa, từ “giấy” mà ra đến “sách” thì còn xa xôi diệu vợi lắm, người trong nghề như ông Nhàn thừa hiểu. Giấy, cho dẫu là giấy luận văn chương thì vẫn có thể là còn là bản nháp, bản thảo và còn phải công phu lắm mới thành ra sách. Mà sách thì đã rõ ràng là tri thức, là kiến thức của nhân loại. Không có sách thì không có tri thức. Một vĩ nhân nào đó đã khẳng định vậy cơ mà.
Cho nên, khi “nhầm” chữ “giấy” ra chữ “sách” thì ông Nhàn mới có thể ung dung kết luận nhà thơ Tố Hữu (hay câu thơ trên của Tố Hữu) thể hiện thái độ coi thường, khinh bỉ kiến thức.
Tiếc rằng ông Nhàn chỉ trích (và lại trích sai) hai câu mà không chịu nói rõ ra, rằng bài thơ này ông Tố Hữu viết để tiễn một người bạn, người đồng chí vào chiến trường (***).
Người đi tiễn (Tố Hữu) có một chút ngậm ngùi “ganh tỵ” với người ra mặt trận, ngàn trang giấy luận văn chương (của mình) lúc này cũng không thiết thực bằng một cây chông của anh (chị) du kích miền Nam. Trên hết, hãy xem đó chỉ là cách nói khiêm hạ của ông nhà thơ, giữa những người bạn với nhau.
Và nếu thật có cái gì đó “bị coi thường, bị khinh bỉ” ở đây thì đó chính là những trang giấy luận văn chương của chính ông Tố Hữu, chứ nào đã đến mức coi thường, khinh bỉ kiến thức như ông Nhàn “nâng quan điểm” (để ý rằng cụm từ mà ông Tố Hữu dùng là "giấy luận văn chương", sang đến ông Nhàn đã thành "kiến thức").
Hơn nữa, như ông Nhàn cho biết, thì các cụ nhà mình, tức là trước khi có Tố Hữu (và thơ Tố Hữu) cũng đã "coi thường, khinh bỉ kiến thức" rồi cơ mà, và ông hoàn toàn có thể chứng minh bằng rất nhiều những câu chuyện tiếu lâm hoặc các câu thơ trào lộng của các cụ, tỷ như “văn chương hạ giới rẻ như bèo” (Tản Đà) hoặc “nhà văn An Nam khổ như chó” (Nguyễn Vỹ) chẳng hạn. Có bí bách gì lắm đâu mà phải cố móc cố ngoéo thơ Tố Hữu vào để đổ vạ như vậy. Vả cứ theo lý lẽ của ông Nhàn thì ta phải suy ra: người "coi thường, khinh bỉ kiến thức" hạng nhất phải là cụ Phan Bội Châu ấy chứ, vì cụ từng bày tỏ quan điểm "lập thân tối hạ thị văn chương". Tối hạ (cực hèn) kia mà.
Ai cũng có thể nhầm lẫn khi trích dẫn, nhưng với người từng ở đỉnh cao Phê bình văn học như ông Nhàn thì nhầm lẫn kiểu này thật khó chấp nhận. Trong khi đó, ngay trên blog của mình, ông Nhàn đã từng "khoe" rằng mình thuộc thơ Tố Hữu ghê lắm, thuộc cả những bài đọc từ những năm 56-57 và không in trong các tập thơ của tác giả.
Chắc là thuộc quá, thuộc đến mức bị thơ Tố Hữu quấn chặt vào đầu, không thoát ra được, nên ông Nhàn mãi nuôi một mối căm hờn với ông Tố Hữu.
Trong bài viết  Vẫn thấy người vợ Nhật trải khăn mùi xoa mời đức ông chồng ngồi xuống nghỉ ở bên đường, (đọc trên blog Giao) ông Nhàn say mê ca tụng đỉnh cao văn hóa mùi xoa lót đít của người Nhật, đối chứng kèm theo, ở cực ngược lại là thói ăn cắp của người Việt.
Chỗ lạ là đang hả hê tố về thói ăn cắp của người Việt, thì ông Nhàn bỗng đột ngột chuyển sang bình thơ Tố Hữu và phán tưng tưng rằng, những người Việt bây giờ ra nước ngoài có cái tính trộm cắp là do họ bị thơ ông Tố Hữu quấn chặt vào đầu:
“Ngoài số đại gia trên, hiện còn không ít người Việt, đang sống vất va vất vưởng theo kiểu ăn cắp vặt, buôn lậu, làm thuê làm mướn ở xứ người. 
Nhớ hồi chống Mỹ bộ máy tuyên truyền của ông Tố Hữu cứ nhét vào đầu mọi người dân cái ý nghĩ  Ta chiến đấu thế này không phải chỉ vì ta. Ta đang chiến đấu cho cả thế giới. Ta đang trở thành lương tâm nhân loại… .
Có phải hỡi miền Nam anh dũng!
Khi ta đứng lên cầm khẩu súng 
Ta vì ta ba chục triệu người
Cũng vì ba ngàn triệu trên đời!
Kỳ cục quái gở thế mà ai cũng tưởng thật và ai cũng thích.
Được những tư tưởng kiểu đó quấn chặt vào đầu, nhiều người Việt sau 4-75 ra nước ngoài, tự cho phép mình làm tất cả những việc xấu xa nhất, bất chấp luật pháp nước sở tại và những nguyên tắc đạo đức thông thường. Một cuộc xuất khẩu thói lưu manh đã kéo dài chưa biết bao giờ chấm dứt”.
Vậy, cứ theo suy luận của ông Vương Trí Nhàn thì:
Sở dĩ có bọn ăn cắp tham nhũng thì do các phụ huynh có con đi học và do các thầy bà bị coi thường. Trong đó, tội của ông Tố Hữu (hoặc thơ Tố Hữu) là khinh bỉ coi thường kiến thức.
Còn từ bọn "ăn cắp vặt" cho đến bọn “ăn cắp có băng nhóm” của một số người Việt ở nước ngoài, họ có gan “hành sự” là do quá ... ngấm thơ Tố Hữu đó mà.
Thương ôi, người chết làm sao cãi lại người sống?
Nhưng giữa hai ông, nào biết ai trọng kiến thức (và con người có kiến thức) hơn ai?
Ông Nhàn bây giờ "vô tư" gọi cụ Tô Hoài là “cặn bã” và gọi ông Tố Hữu là “lưu manh”.  Còn thời chiến tranh, nghe nói ông Tố Hữu có quyền đưa những “cây chông” tài hoa như ông Nhàn từ mặt trận trở về Hà Nội, rồi sang Nga học tập, để chuyên làm cái việc “bị khinh bỉ, coi thường” là “luận văn chương”.
Và những câu thơ của ông Tố Hữu mà ông Nhàn cho rằng xúi người ta ăn cắp ấy, nhiều người Việt sau 4-75 kia đã mấy ai đã biết để mà đọc, đọc để mà nhớ, nhớ để rồi bị ngấm, ngấm đến mức bị quấn chặt vào đầu, để bây giờ cứ vô tư thò tay ăn cắp xứ người?
Ô hay, người bị ám bởi thơ Tố Hữu nhất thì phải kể đến chính là ông Nhàn ấy chứ nhỉ? Hãy xem với mọi tệ nạn của người Việt, ông Nhàn đều có thể lập tức móc ngay một vài câu thơ Tố Hữu ra để đổ vạ kia mà.
Vả, đã có ai dám khoe rằng mình thuộc thơ Tố Hữu đến mức như ông Nhàn, tỷ như thuộc cả bài “Việt Nam với Triều Tiên, ta là hai anh em, sinh đôi cùng một mẹ..." chẳng hạn.

---------
Ghi chú:
(*) xem bài của VTN Tô Hoài - nhìn từ một khoảng cách gần và bài liên quan:
(**)Thầy bà như thế này thì làm sao có được một nhà trường đúng nghĩa phải có?
(***) Nguyên văn bài thơ này:
TIỄN ĐƯA
Tặng bạn thơ Th.
Đưa tiễn anh đi mấy dặm đường
Nặng tình đồng chí lại đồng hương
Đã hay đâu cũng say tiền tuyến
Mà vẫn bâng khuâng mộng chiến trường...
Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ
Hơn ngàn trang giấy luận văn chương
Đi đi, non nước chờ anh đó
Tiền tuyến cần thêm? Có hậu phương



8 nhận xét:

  1. Cô Lí: "Người Việt lắm thói hư tật xấu - có phải do thơ Tố Hữu?"

    Cô nên viết như vầy: "Người Việt lắm thói hư tật xấu - có phải chỉdo thơ Tố Hữu?". Thêm chữ "chỉ", viết vậy thuyết phục hơn. Người đọc bây giờ không phải đứa nào cũng ngu.

    Tôi chưa đọc bài ông Nhàn, nhưng theo tôi, tật xấu nhất của người Việt (lịch sự nên không gọi Lừa) là nói dối. Tật nói dối ở người việt cũng từ tật nói dối mà ra hehe.

    Góp công nhiều nhất cho tật nói dối ở người Việt là ai cô biết rồi. Và tất nhiên trong chuyện này không thể không nhắc đến cái tên thánh thơ Tố Hữu của cô nhỉ?!

    Trả lờiXóa
  2. Khi người ta quan niệm giáo dục là cung cấp cho các thế hệ bằng một tư duy độc lập, sự trung thực và một kiến thức tổng quát, để chọn một hướng đi đúng cho từng đối tượng cụ thể. Ông Tố Hữu thì làm ngược lại. Nếu không có ông thì, giáo dục nước nhà không có khủng hỏang như ngày nay. Vì khi các thế hệ lãnh đạo kế tiếp ông, nếu họ có đủ trí và có đủ tầm thì sẽ thay đổi định hướng tư tưởng và văn hóa của ông. Như vậy hôm nay đâu đến nỗi giáo dục xấu đi như thế này?
    Suy cho cùng thế hệ sau ông chưa có ai bằng ông. Nếu họ bằng ông thì họ đã thay đổi tư duy giáo dục của ông cho đúng thời hòa bình, chứ không giữ nguyên xi phiên bản mà ông Tố Hữu đã sao y bản chính về Việt Nam của ông Stalin mà, bài bản đó đã được Mao cụ thể hóa cho các nước đi theo Cộng sản của châu Á noi theo. Ít ra thì họ cũng không làm được cái công việc sao y bản chính mà là sao y bản chính cái đúng với thời đại của họ, như ông đã làm.
    Trên bình diện quốc gia ông đáng để được làm nhà lưu niệm cho các thế hệ sau nhìn ông mà học cái hay lẫn cái dở để còn lo cho nước, cho dân. Đáng lắm thay. Riêng tôi, tôi nhớ đến ông là tôi nhớ đến những vần thơ rất bình dân, nhưng rất bác học của ông. Trong đó bài tôi nhớ nhất là bài: "Đời đời nhớ ông" khi ông Tố Hữu làm để ca ngợi ông Stalin vào tháng 3 năm 1953 trong tập thơ Việt Bắc. Trong bài thơ này 2 câu thơ mà tôi thán phục ông nhất khi ông đạt đến đỉnh cao thời đại khi ca ngợi 1 con người:
    "Yêu biết mấy, nghe con tập nói
    Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!".
    Nhớ ông Tố Hữu rất, lắm, quá !
    (Copy từ blog BS Hồ Hải)

    Trả lờiXóa
  3. Chúng trói Anh vào cọc, mấy vòng dây
    Mười họng súng. Một băng đen bịt mắt.
    Anh thét lớn: "Chính Mỹ kia là giặc!"
    Và giơ tay giật phắt mảnh băng đen

    Trả lờiXóa
  4. NHỚ ÔNG

    Hồi “chín năm”, Tố Hữu sáng tác bài thơ nổi tiếng “Bầm ơi!” dạt dào tình nghĩa gắn bó giữa chiến sĩ cách mạng và người dân nghèo. Bài thơ có đoạn:
    Bầm ơi có rét không bầm
    Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
    Bầm ra ruộng cấy bầm run
    Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non...
    Nhiều năm trôi qua. Tố Hữu “chín năm” và Tố Hữu ngày nay cách xa một trời một vực không chỉ về chức tước, mà cả về tình người.
    Cho nên, một “sĩ phu Bắc Hà” đã nhại thơ Tố Hữu bằng bốn câu chua chát dưới đây:
    Bầm ơi có rét không bầm
    Vônga con cưỡi, gà hầm con xơi
    Con thương bầm lắm bầm ơi
    Bảy mươi, bầm vẫn phải ngồi nhá khoai...
    Ngoài chuyện nhại thơ Tố Hữu, tưởng cũng nên kể thêm chuyện hoạ thơ Tố Hữu theo chiều hướng... “tiếu lâm”. Ấy là khi Tố Hữu cho đăng trên báo Văn nghệ và nhiều báo khác bài “Đảng và thơ”, toàn văn như sau:
    Trên năm mươi tuổi Đảng và thơ
    Từ ấy hồn vui mãi đến giờ
    Mái tóc pha sương chưa cạn ý
    Con tằm rút ruột vẫn còn tơ
    Thuyền con vượt sóng không nghiêng ngả
    Nghiệp lớn muôn đường lộng ước mơ
    Mới nửa đường thôi, còn bước tiếp
    Trăm năm duyên kiếp, Đảng và thơ.
    Ngay sau đó, từ Hà Nội lan truyền khắp cả nước bài thơ họa, ý và thơ “đối nhau chan chát”:
    Năm mươi năm ấy vẫn còn thơ
    Từ ấy bon chen mãi đến giờ
    Mái tóc pha sương chưa hết dại
    Con tằm rút ruột chẳng còn tơ
    Thuyền con quá tải không qua sóng
    Mộng lớn tài hèn chớ ước mơ
    Với giá, lương, tiền dân khốn đốn
    Trăm năm bia miệng, hỡi nhà thơ!
    Bà con khoái thơ phú kháo nhau rằng tác giả bài thơ họa này là một sĩ phu thứ thiệt: nhà trí thức văn hóa, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện

    Trả lờiXóa
  5. "Thương ôi, người chết làm sao cãi lại người sống? "
    Thương ôi, người chết là người Việt như Gia Long, Bảo Đại,....hoặc giả người chết là Tây lông như 4 thằng cha TT Mẽo,... thì cũng phải ngậm miệng mà nuốt hờn nơi chín suối.
    Chứ biết phải làm sao bi chừ !

    Trả lờiXóa
  6. Vui nhỉ, đầu làng đánh trống, cuối làng phất cờ.

    Hóa ra các chú thuộc thơ Tố Hữu phết!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dĩ nhiên rùi, cờ của chú Lý có còn phất được đâu, thôi thì yên phận làm thằng đánh trống đi chú nhể ?

      Xóa