Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Làm từ thiện khó phết.



Từ thiện thường được xem là một việc tự nguyện của mỗi người khi họ chia sẻ, san sẻ tài vật, hoặc công sức, hoặc lời nói, hoặc thái độ với những người ở vị thế thấp hơn, với những người kém may mắn hoặc sống trong hoàn cảnh đáng thương hơn mình.
Vì là việc tự nguyện của mỗi người, nên không có những nguyên tắc bắt buộc nào. Tuy nhiên, người Việt ta đánh giá cao việc chia sẻ xuất phát thuần túy từ tình thương đồng loại, đồng bào, mà không kèm theo một điều kiện nào, gọi là từ thiện bất vụ lợi.
Có rất nhiều định nghĩa hay ho và uyên bác về từ thiện, nhưng có thể hiểu một cách nôm na, qua lời hát của Trịnh Công Sơn: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng - Để làm gì em biết không?  Để chia sẻ, san sẻ với nhau..... chứ còn gì nữa hả Cụ?
Nhưng mà nhạc sĩ trả lời khác cơ: Để gió cuốn đi..., để gió cuốn đi...
Là bởi Trịnh Công Sơn muốn vượt qua cái từ thiện đời thường để tiệm cận cái hạnh bố thí của nhà Phật: Chia sẻ, san sẻ, cho đi đấy nhưng mà: không thấy người thí, pháp thí và người được thí - Tôi là em mà em cũng là tôi.
Ngày nay, nhờ báo chí và internet mà nhiều hoàn cảnh kém may mắn đã được thông tin nhanh và phổ biến đến mọi người. Nhiều tổ chức hoạt động từ thiện được lập ra và huy động rộng rãi được nguồn lực nhưng cái vướng của họ là làm sao có thể trao đúng đối tượng, giúp đúng chỗ cần giúp.
Từ thiện mà không đúng chỗ thì lợi chửa thấy đâu, chỉ thấy hại.
Hành vi của bạn trẻ Hào Anh đuổi cha mẹ ra khỏi nhà và vài trường hợp khác đã cho thấy một thực tế là có không ít người đã bị “tai nạn” trên trời rơi xuống bởi chính cục tiền “từ thiện”. Nó lớn quá, nặng quá, lại bất ngờ rơi trúng cái đầu chưa kịp đội mũ bảo hiểm. Bảo sao không “hư” được?
Những người làm báo hiểu điều này hơn cả. Một nhà báo kể: có người nhận được tiền từ thiện thì bỏ luôn công ăn việc làm, chỉ lo ăn chơi nhậu nhẹt, có người tệ hơn, là "làm hàng", tăng tần suất kể khổ, vài ngày lại tới tòa soạn hỏi tiền, phách lối cứ như tờ báo phải có nghĩa vụ cung ứng cho họ. Bực nhưng không cách nào khác, tờ báo vẫn phải chuyển tiền vì bạn đọc đã yêu cầu gởi đích danh người nhận. Mà bạn đọc thì vẫn xót xa quá ...
Mặt khác chính báo chí (cả báo mạng) đã nhiều phen khiến cho những người làm từ thiện phải hoang mang khi đăng tải những thông tin thiếu định hướng đến người đọc. Còn nhớ trường hợp Hồ Duy Trúc, kẻ chặt tay cướp xe, bị tuyên án tử hình. “Nhờ” báo chí kể khổ mà có khá nhiều nhóm đã quyên tiền cho gia đình anh ta. Nhưng ngay bên cạnh là những gia đình khác có hoàn cảnh nghèo khó tương tự mà con họ không đi ăn cướp thì sao? Họ sẽ nghĩ thế nào? Và mới đây, kẻ thủ ác kề mảnh chai vào cổ định giết bé gái 12 ngày tuổi bỗng được một tờ báo mô tả là một ông bố hiền lành gương mẫu có gia cảnh rất đáng quan tâm. Trong khi đó, sĩ quan công an nổ súng hạ tên Hữu để cứu bé gái và gia đình em lại đang phải “chịu nhiều áp lực”.
Vẫn biết rằng làm việc từ thiện thì không nên phân biệt đối tượng được giúp và thực tế báo chí cũng đang vô tư làm “từ thiện”, bằng cách công bố gia cảnh đáng thương của họ. Nhưng khi phóng viên cố làm cho người đọc “cảm thông” rằng: bởi gia cảnh đáng thương như thế..., nên tên Trúc và tên Hữu mới phải đi ăn cướp hay giết người, thì “thiện” có trở thành “bất thiện”?
Hãy học hỏi người Mỹ. Hàng năm, người Mỹ làm từ thiện khoảng 300 tỷ đô la (khoảng 2% GDP) nhưng chỉ 1/5 số đó, khoảng 60 tỷ đô la, đi đến những mục tiêu trực tiếp. Phần còn lại đi vào giáo dục cao học, tôn giáo và bệnh viện.
Nói cụ thể hơn, ví dụ: bên cạnh việc quanh năm phát tiền, phát quà cho bệnh nhân ung thư máu (chẳng hạn) cũng nên tích tụ để dành một khoản nhiều hơn, để đầu tư cho việc nghiên cứu tìm ra phương pháp ngăn ngừa hoặc chữa trị ung thư máu hữu hiệu. 
Một ngành kinh doanh nào đó phát đạt bao giờ cũng kéo theo sự tăng trưởng của các ngành khác, nghĩa là góp phần thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phát triển đi lên. Nhưng, “hạnh phúc chỉ là một chiếc chăn quá hẹp” (Nam Cao). Sự phát triển của một doanh nghiệp luôn để lại phía sau nó ít nhiều những nhóm bị thiệt hại hoặc kém may mắn. Thật may là từ thiện có thể biến thành thánh đường để các anh rửa bớt phần nào tội lỗi về lợi nhuận. Từ đó ta biết đến khái niệm từ thiện doanh nghiệp.
Từ thiện doanh nghiệp có thể không mang lại lợi ích trực tiếp trong kinh doanh, nhưng luôn mang lại lợi ích gián tiếp nên chả ai có quyền đòi hỏi các anh “từ thiện” một cách bất vụ lợi được. Chẳng hạn, nếu coi việc người Nhật hiện nay phải chi tiền cho việc giữ gìn rừng ngập mặn ở khu vực Cần Giờ (Tp. HCM) là một việc “từ thiện” thì cũng nên biết thêm lý do, là để những doanh nghiệp của họ có thể tiếp tục tàn phá môi trường ở một nơi nào khác đấy ạ.
Ở ta, những người làm từ thiện thường bảo nhau “một nắm khi đói bằng một gói khi no”. Vừa rồi khi dân Quảng Ninh đang phải gồng mình đón lũ, cần mì tôm rau muống, (là một nắm khi đói) thì anh chúa đảo Tuần Châu lại làm từ thiện nhất dạ đế vương, bằng cách mời dân đến ở khách sạn 4 - 5 sao, nằm giường nệm, uống bia và ngắm hải âu chăng? Thật là một gói khi no.
Vâng, chín(m) phẩy năm, xin cám ơn! Để lúc no cơm ấm cật, dậm dật chân tay, rồi chúng tôi sẽ nhận của anh cả gói. Khi ấy anh còn đồng ý chăng?
Làm từ thiện cũng lại thường bảo nhau “của cho không bằng cách cho”. Thôi thì đồng ý rằng điều kiện của các anh là phải đăng báo thông báo cho bàn dân thiên hạ biết việc các anh làm từ thiện. Nhưng việc cứu nạn cứu trợ thiên tai là việc khẩn cấp và cự phú Thạch Sùng như các anh chỉ thiếu cái mẻ kho chứ thiếu gì tiền mặt, sao không xì ra tức thời mà phải viện đến khi mô bán được cái xe sẽ tính?
Này thì đấu giá từ thiện được truyền hình trực tiếp đây. Một cây mai, một bức tranh được đẩy giá trị lên gấp vài chục một trăm lần giá trị thực. Doanh nghiệp Vịt trời giơ tay đấu giá rào rào, chúng khán giả cảm xúc dạt dào, len lén chùi nước mắt.  Lấy tiếng trên màn hình cái đã, ngày mai các anh đồng loạt tắt điện thoại, vịt bay đâu mất. Sau mới rõ là tuy giám đốc OK bữa trước nhưng Hội đồng quản trị chúng chẳng thông qua. Tranh và mai trở về với cái máng lợn ban đầu.
Tỷ phú Mỹ Bill Gates là một trong những người làm từ thiện nổi tiếng toàn cầu. Hơn 2 triệu trẻ em nhờ anh này mà được hưởng các chương trình tiêm chủng vắc xin, được tặng máy tính và được tài trợ học bổng. Quỹ của Bill Gates cũng giúp nối mạng cho khoảng 11.000 thư viện trên khắp thế giới. Điều đáng khen nữa là anh này ít nổ hơn các anh ở ta. (Khen, nhưng mà cũng phải lầm bầm rằng: nó kiếm được bao nhiêu triệu đô la từ việc kinh doanh phim sex và các trò chơi bạo lực cho trẻ em thì chỉ trời mới biết).
Bực các anh thì giận lẫy vậy thôi, chứ sâu trong lòng cũng hiểu. Rằng các anh đã lo được công ăn, việc làm cho hàng vạn hàng triệu đồng bào mình. Dẫu biết lo toan của các anh chẳng phải là bất vụ lợi nhưng đó chính là việc thiện còn lớn lao hơn cả từ thiện chứ còn gì nữa ạ? Lại như cái anh Xuân Trường còn bảo tồn được bao nhiêu những kỳ quan núi đá Ninh Bình mà trước đây mấy bác giáo sư, tiến sĩ nhà em toàn định đem nung vôi với lại sản xuất xi măng, thì còn công đức nào bằng!
Giờ, xin kể lại câu chuyện tủn mủn của mình, gọi là “giở mắm ra so”.
Cách đây chừng hơn chục năm, mình muốn đóng một cái tủ sách. Đoạn đường An Dương Vương bên hông công viên Phú Lâm la liệt những xưởng mộc, chuyên đóng cầu thang, tủ kệ. Mình chọn cái tiệm sập xệ nhất, ế nhất. Vì nghĩ mấy tiệm kia đã lắm khách, nước dồn chỗ trũng trước giờ, đâu cần tới cái thứ mình ra tay tế độ.
Làm quen với anh chủ xưởng lưng khòng khòng tên Út, quê An Giang. Người miền Tây lên Sài gòn lập nghiệp nên càng thêm tin cậy. Tiệm nghèo, anh xin ứng trước tiền để mua gỗ, đưa bao nhiêu cũng được. Cái tủ đóng hết 7 triệu, mình đưa trước 5 triệu, phần thì thông cảm anh nghèo không tiền mua gỗ, phần thì ngại bỏ túi xài hao, hết lúc nào không biết.
Ngày qua tháng lại, tủ chẳng thấy đâu mà anh Út cứ khất lần khất lữa. Một hôm ghé thăm thì xưởng mộc đã dọn đi đâu, Út ơi là Út. Hỏi thăm chủ nhà, chủ nhà nửa cười nửa mếu, bảo nó thuê nguyên căn, dọn ban đêm đi đâu chẳng rõ, lại còn quỵt tôi mấy tháng tiền nhà.
Nhưng rồi cách vài bữa sau Út cũng gọi điện lại để xin thông cảm. Bạn trẻ P, đệ mình xem số điện thoại, bảo chú để cháu, cháu đảm bảo sẽ tìm ra thằng này cho chú. Mình bảo, thôi, tao chỉ mong nó dùng 5 triệu ấy làm vốn, gây dựng lại “cơ đồ”. Và may ra, nhờ chỗ đó mà khỏi phải đi lừa người khác nữa thì tốt quá.
Nói thật lòng, mình không tiếc và cũng không trách Út. Nhưng vẫn có chút “lăn tăn”, rằng lỡ từ nay anh ta thấy đi lừa ngon hơn làm thợ mộc thì sao? Sự thật sờ sờ là nếu mình chỉ đưa trước nửa triệu, thậm chí chỉ 50 ngàn thì anh ta hẳn đã không dẹp tiệm. Bạn Út cứ tà tà làm anh thợ mộc hiền lương mà bác chủ nhà cũng chưa đến nỗi phải nhăn nhó vì bị quỵt tiền. Có phải 5 triệu của mình là nhân tố kích thích làm bùng ra lòng tham bất chợt của người ta hay không?
Nếu đúng vậy, cái sự “từ thiện” của mình rất đáng được gọi là “vô duyên” và gây hại cho người. Nói cách khác, món tiền kia có thực sự trở thành “từ thiện” hay không, lại còn phụ thuộc vào việc anh thợ mộc An Giang sử dụng nó như thế nào.

Cho nên mới bảo làm từ thiện khó phết.




2 nhận xét:

  1. TRỊNH CÔNG SƠN : Chia sẻ, san sẻ, cho đi đấy nhưng mà: không thấy người thí, pháp thí và người được thí - Tôi là em mà em cũng là tôi.
    Theo cái tư tưởng đó thì toàn bộ bài viết này là vô nghĩa. nói chi cho nhiều đến người thí (cho dù đó là ông chủ đảo Tuần Châu hay Bill Gates) hay người được thí
    Chú Lý là anh thợ mộc tên Út và ngược lại.
    Vậy nhá, chú Lý !

    Trả lờiXóa
  2. Làm từ thiện là tuỳ tâm của từng người , không phải giàu có mới làm từ thiện được , nhiều người cuộc sống họ còn khó khăn nhưng vẫn mở lòng giúp đỡ người khác đó thôi . Làm từ thiện cũng như tích đức cho con cháu vậy , cứ âm thầm mà làm đừng PR rùm beng lên mà làm gì , nhiều khi lại phản tác dụng . Đã bàng quang với số phận khốn khó với người khác không giúp đỡ được thì thôi , cũng đừng nên bài bác những tấm lòng thơm thảo của những người làm từ thiện .
    - Bàn tay cầm một bông hoa , khi cho đi thì mùi hương đó vẫn còn vương vấn ở bàn tay

    Trả lờiXóa