Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

Nhiễu sự - Giọt nước Sông Đà




---------
Tuyến đường ống nước sạch Sông Đà trở nên quá tai tiếng trong vài năm gần đây, với 17 lần bị vỡ và 9 viên chức sắp ra hầu tòa (giai đoạn I), lại thêm cái “án treo” “nhà thầu Trung Quốc trúng gói cung cấp ống” (giai đoạn II của dự án).
Vậy mà dường như vẫn còn rất nhiều nhầm lẫn về nó.
Đầu tiên, khi nói đến cái tên dự án, là “dự án nước sạch Sông Đà”, người ta nghĩ ngay rằng đó là dự án của Tổng Công ty Sông Đà, nơi xuất thân của khá nhiều quan chức lớn cỡ Bộ trưởng và cả Phó Thủ tướng. Không phải, cái chữ Sông Đà gắn vào đây đơn giản chỉ vì dự án này khai thác nước thô từ nguồn nước Sông Đà, cũng như ở Tp. HCM, người ta có hai nguồn cung chính, là dự án nước sông Sài Gòn và dự án nước sông Đồng Nai.
Tiếp theo, là một câu hỏi “hóc búa”: Thế sao không lấy nước từ Sông Hồng cho gần, lại phải lên mãi Hòa Bình để lấy nước Sông Đà cho tốn gần 50km ống, xót tiền dân? Xin thưa, giải pháp “Nguồn nước cấp cho Hà Nội và các vùng phụ cận” là Sông Đà không phải mới có, mà đã được đề xuất từ năm 1996, khi “chương trình cấp nước Hà Nội – Phần Lan” phát hiện ra hầu hết các nguồn nước ngầm phía Nam Hà Nội bị nhiễm bẩn, có chỗ lại nhiễm cả... thạch tín mới ghê. Trong khi đó, nước Sông Hồng nào đã khá hơn, khi nó bắt nguồn từ Vân Nam, nơi người Trung Quốc đang tiến hành cuộc “Đại khai phá miền Tây”, và (sông) Nguyên Giang, (tên gọi Sông Hồng bên TQ) được chọn để chứa đủ thứ nước thải đô thị và công nghiệp. Đừng quên vào khoảng đầu năm 2011, VTV phát phóng sự về dòng nước Sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Lào Cai có màu đỏ rực như pha phẩm nhuộm.
Vì vậy, “dự án nước sạch Sông Đà”, tên chính thức là Dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông công suất 600.000 m3/ngày đêm, được Chính phủ phê duyệt vào năm 2003 và giao cho Tập đoàn Vinaconex làm Nhà đầu tư. Vinaconex là một doanh nghiệp xây dựng vào loại hàng đầu trong nước và còn kiêm cả việc xuất khẩu xây dựng (conex) ra nước ngoài.
Hình thức đầu tư dự án này là BOO, viết tắt từ Building - Own - Operation, (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh), tức là Vinaconex phải bỏ (hầu hết) tiền ra (huy động vốn, vay ưu đãi) để hoàn thành công trình, sau đó họ được sở hữu và được quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định để thu hồi vốn và lãi. Hết thời hạn đó, thì công trình thuộc về nhà nước. Nhưng cũng có một phần nhỏ là vốn ngân sách chủ yếu dành cho việc hỗ trợ công trình phụ trợ, bồi thường, tái định cư... và đừng quên khi cổ phần hóa thì trong nguồn vốn chủ sở hữu của Vinaconex chắc vẫn còn vài chục phần trăm vốn góp của nhà nước. Nói điều này là để bác nào hô “chúng nó ăn tiền thuế của dân rồi làm bậy” thì nên hô be bé một chút, vì “tiền” phần lớn là của “chúng nó”, ống nó vỡ thì “chúng nó” vừa tốn tiền sửa vừa nghe "dân" chửi, còn “dân” (nói chung) chỉ khổ vì cái nạn cúp nước một đôi ngày thôi. Riêng dự án giai đoạn II, (là dự án đang có cái “án treo” nhà thầu Trung Quốc trúng thầu cung cấp ống) thì Vinaconex “ngượng”, nên “xin” sử dụng 100% vốn ngoài ngân sách, nói vậy để các bác hay “xót tiền dân” yên tâm.
Nước sạch Sông Đà (Giai đoạn I) bắt đầu hòa vào mạng lưới Hà Nội từ 30/07/2008. Nhà đầu tư  Vinaconex thu hồi vốn bằng cách “bán xỉ” cho các công ty nước sạch của Hà Nội (thông qua “công ty con” là Viwasupco), rồi các công ty của Hà Nội mới “bán lẻ” lại cho dân theo giá quy định. Lời lỗ chẳng biết bao nhiêu, nhưng vỡ ống tới 17 lần, nhà đầu tư mất toi hơn chục tỷ để sửa chữa. Giám định đã kết luận rồi, nguyên nhân trực tiếp là do ống kém chất lượng.
Khổ thay, cái ống “cốt sợi thủy tinh”, đã kém chất lượng lại còn mang tiếng “oan” là công nghệ Trung Quốc, thậm chí báo Đấu thầu (của Bộ KHĐT) mà còn “vu” rằng “Kết quả điều tra cho thấy, nguồn ống composite và phụ kiện được cung cấp bởi Công ty TNHH thương mại Dụ Hòa (Trung Quốc)”.
Không phải, ống này do Vinaconex tự cung cấp, họ “đi tắt đón đầu”, thành lập Nhà máy sản xuất ống nhựa cốt sợi thủy tinh Vinaconex, (sau đổi tên thành Viglafico - Công ty CP Ống sợi thủy tinh Vinaconex) để cấp ống cho dự án. Ống “cốt sợi thủy tinh” của họ dường như cũng chẳng dính gì tới “công nghệ Trung Quốc”, vì nó có tên cúng cơm là ống Composite sợi thủy tinh, mà cái công nghệ làm ra nó thì là của chung, trong đó có cả Việt Nam chứ đâu riêng gì Trung Quốc. Các bác ngành Hóa – Nhựa ở các trường Đại học nước ta quá rành về “công nghệ” này mà chả thấy ai cãi hộ nhà đầu tư. Riêng chuyện chế tạo composite, thì người Việt từng sở hữu công nghệ “vữa trộn mật mía” hay pha chế “sơn ta” chẳng hạn, "công nghệ” đó cũng có thể được coi là “công nghệ” composite đấy. 
Nói cho chuẩn xác, thì Vinaconex không có cái “tội” mua công nghệ composite Trung Quốc, mà họ chỉ mua dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc, thay vì mua của châu Âu, khi trước đó, vào năm 2003, họ đã dẫn nhau đi thăm các cơ sở sản xuất ống Composite sợi thủy tinh tại Áo và Tây Ban Nha.
Như đã nói ở trên, nguyên nhân trực tiếp là chất lượng ống (composite) kém làm cho 9 anh liên quan đến Tuyến ống Giai đọan I của  dự án sắp phải ra tòa, nhưng nhìn xa hơn một chút, thì sẽ thấy lỗi đã xảy ra ngay từ khâu lựa chọn loại vật liệu ống (Thiết kế). Với tuyến ống này thì một người thiết kế có kinh nghiệm sẽ không bao giờ chọn ống composite sợi thủy tinh mà sẽ chọn ống gang dẻo, (hoặc thép, hoặc nhựa, nhưng phải là nhựa HDPE, đắt hơn ống gang). Dĩ nhiên ống gang dẻo là hợp lý và kinh tế nhất như ở giai đoạn II người ta đã “sửa sai”.
Ống Composite sợi thủy tinh có nhiều ưu điểm, nhưng cái dở nhất của nó là khả năng chịu va đập kém, hãy cứ tưởng tượng cái ống nhựa đường kính 1,8m dài 6m, khi chứa đầy ống sẽ là 15 tấn nước, mà chỉ được gác lên hai gối bê tông ở hai đầu. Ống tất nhiên sẽ dễ bị võng và điểm yếu dễ bị phá hoại là tại khúc giữa hoặc gần mép gối. Đó là chưa kể đến áp lực của nước bên trong ống khi vận hành, ví dụ nếu cao độ ống ở điểm đầu (Hòa Bình) chỉ cần cao hơn điểm cuối (Hà Nội) là 100m thôi, thì ống ở phía Hà Nội phải chịu áp lực cao hơn phía Hòa Bình là 100 tấn trên mỗi m2 thành ống nên cần bố trí các van (hay tháp) điều áp. Đấy là chưa xét đến việc có các tải trọng bất thường theo phương ngang từ nhiều công trình xây dựng lân cận tuyến gây tác động bất lợi vào thành ống. Và chẳng cần phải là người giỏi chuyên môn cũng có thể lờ mờ thấy rằng “phải gang thép mới chịu nổi”.
Vấn đề là tại sao người ta lại chọn ống composite? Có một cái gì tựa như lợi ích nhóm ở đây.
Thật vậy, tại thiết kế cơ sở của dự án được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2003 thì phương án thiết kế vẫn sử dụng ống gang dẻo, nhưng ngày 15/4/2004, Vinaconex quyết định điều chỉnh thay đổi vật liệu thành ống composite cốt sợi thủy tinh. Tư vấn thiết kế thay đổi vật liệu ống là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Vinaconex (Vinaconsult), một công ty nhà của Vinaconex.
Đừng quên chuyện trước đó, vào năm 2003, khi thiết kế chưa bị điều chỉnh, nghĩa là thiết kế vẫn dùng ống gang dẻo, thì các quan chức Vinaconex đã nhanh nhẹn đi “khảo sát” dây chuyền sản xuất loại ống composite tại Áo và Tây Ban Nha. Và chỉ ngay trong năm 2004, Nhà máy sản xuất ống nhựa cốt sợi thủy tinh Vinaconex khẩn cấp ra đời với dây chuyền sản xuất mua từ Trung Quốc đi vào hoạt động.
“Đi tắt đón đầu” là thế! Bài toán sở hữu thông tin và gắn kết lợi ích là thế. Nếu không có thông tin (và quyền lực?) “chắc ăn như bắp” việc điều chỉnh thiết kế, họ sẽ không ngu mà đi sản xuất ống composite. Bán cho ai?
Tính cua trong mà, nhà máy thành lập xong là đã có ngay nguồn tiêu thụ, xong nửa dự án kể như lấy lại đủ vốn hoặc đã có lời (?). Thậm chí, phòng thí nghiệm (cũng của Vinaconex lập ra) còn chưa kịp có “giấy phép” (giấy chứng nhận Phòng thí nghiệm hợp chuẩn). Ống làm ra không kịp thí nghiệm đủ các chỉ tiêu cơ lý đã được mang ra dùng.
Tóm lại, bác nào muốn lần ra “cái tổ con chuồn chuồn” thì hãy “soi” ở chỗ này, đó là một “dây chuyền khép kín” chú chú anh anh từ A tới Z của Vinaconex. Chứ đừng dở hơi “soi” chỗ đấu thầu cung cấp ống giai đoạn II, rằng tại sao nó lại rẻ? Nên nhớ mục đích của việc đấu thầu (với cả thế giới), là làm sao chọn được hàng tốt với một chi phí thấp nhất. Vì vậy, Luật đấu thầu của ta quy định trước tiên, phải đánh giá các hồ sơ dự thầu về mặt kỹ thuật chất lượng cái đã, và chỉ những anh đạt về mặt này, thì mới được xem xét tiếp các chỉ tiêu về giá. Giá có thấp bao nhiêu mặc kệ, thậm chí có cho không, mà không đạt về mặt kỹ thuật chất lượng thì hồ sơ cũng vứt. Còn muốn kiểm soát chất lượng sau đấu thầu, hãy đừng tiếc tiền thuê Tư vấn kiểm định độc lập nước ngoài. 
Chỗ cần "soi" thì không "soi", có bác rảnh rang lại còn “soi ngược”, rằng ống Xinxing giá đấu thầu đã “rẻ”, sẽ lại còn “rẻ hơn” do ăn phần trăm tỷ lệ thì còn gì là chất lượng? Xin thưa nếu mấy anh Vinaconex muốn “ăn” dày, các anh ấy đã chọn ống Pháp, chứ không phải ống Tàu. Giá càng cao, thì tỷ lệ phần trăm"quy ra thóc"càng cao, vì thế mới có cái thuật ngữ là “nâng giá gói thầu” để chia chác, chứ ai lại hạ giá gói thầu để ăn hối lộ bao giờ. Thêm vào cái “tỷ lệ” cao đó, mỗi năm được đi “thăm” sông Sen thơ mộng vài chuyến, chả sướng hơn là sang thằng “hàng xóm” hít bụi ô nhiễm à?
Và cái nào ra cái đó, xin chớ quy chụp hồ đồ “tham nhũng làm cho ống gang dẻo nhiễm chì hay nhiễm phóng xạ, làm hại trẻ em”.
Để sản xuất ra gang dẻo, ngày nay người ta dùng “công nghệ cầu”, nếu pha chì vào thì không thể cho ra “gang cầu” (tên gọi khác của gang dẻo) được, mà chỉ thành gang xám (gang giòn), giống như cái chảo to tổ bố mà nhà bếp trường Bách Khoa Hà Nội vẫn nấu cơm, luộc rau phục vụ cả ngàn sinh viên, sao khi còn "quyền hành sất sá", chẳng bác nào lo các cháu sinh viên cạo cháy ăn bị nhiễm chì nhỉ?
Thế còn “phóng xạ”? Có ai thấy “phóng xạ” ở đâu thì đem bán cho NASA, nó mua, được khối tiền. Xinxing nó muốn "đầu độc" các bác thì nó pha thuốc chuột vào ống rồi bán cho rẻ, chứ “phóng xạ” ở đâu ra mà sẵn thế?
Lại có một quan chức hô hoán rằng Tp. Hồ Chí Minh khẳng định chắc chắn không dùng đường ống Xinxing Trung Quốc!
Báo Lao Động dẫn lời một anh Phó cối, tên Thanh, Phó giám đốc Sở KH và CN thành phố HCM rằng: "Đường ống nước của TPHCM đầu tư rất lâu rồi, không phải của sông Đà đâu, cũng không phải chủ nhập của Trung Quốc đâu. Trước đó Mỹ sang Việt Nam họ cũng đầu tư hệ thống cấp nước như nhà máy nước Thủ Đức và đường nước của TPHCM. Ở Sài Gòn không đến nỗi phải đấu thầu như ngoài Bắc, lấy ống nước của Trung Quốc đâu".
Tất nhiên, Tp. HCM sao lại lấy nước Sông Đà hả anh Phó cối? Anh Phó lại tỏ ra cực kì đần độn ở cái chỗ nằm mơ giữa ban ngày rằng Mỹ nó lo xa phải đến hơn 50 năm, khi đầu tư hệ thống cấp nước cho gần 10 triệu Vixi ở Tp. HCM hiện nay ư? Và thế nào là ở Sài Gòn không đến nỗi phải đấu thầu như ngoài Bắc hả anh Phó?
Xin chỉ cho anh Phó, ví dụ tuyến ống nước nằm ngay dưới đường Nam Kỳ khởi nghĩa (gọi là dự án mở rộng đường NKKN) là ống gang dẻo Xinxing đấy ạ. Và Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) nhá, chứ không phải người Mỹ, đã sử dụng 4.500 tấn ống gang Xingxing vào việc phục vụ nhu cầu nước sạch của dân thành phố. Khối lượng này, nếu quy ra ống đường kính DN 150mm như ảnh dưới, thì tương đương chiều dài khoảng 180km. Dĩ nhiên, tất cả đều phải qua đấu thầu vì dính tới vốn nhà nước.
Đấy mới chỉ là con số từ một doanh nghiệp chuyên về cấp nước, chưa kể đến hàng trăm nhà đầu tư khác ở Tp. HCM (khu Công nghiệp hay khu Đô thị, hoặc các dự án lẻ mà chủ đầu tư có thể là người Hàn quốc, Nhật, Sing... và cả người Việt), tiền họ bỏ ra, họ không dại chút nào khi lựa chọn ống Xinxing với chất lượng tương đương và giá rẻ hơn ống PAM (Pháp) có thời điểm đến 30%.
Chẳng hạn, vài hình ảnh dưới đây là kho ống Xinxing tại quận 9 của Công ty Địa ốc Sài Gòn (Saigonres), một nhà đầu tư bất động sản, dùng chả hết thì họ bán, anh Phó ngắm đi cho thông.



Thực ra, đối với ống gang dẻo đường kính lớn, các nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn vì hầu như hiện nay chỉ có Xinxing và PAM (Pháp) song diễn trên thị trường (trước khi Xinxing xuất hiện ở Sài Gòn vào khoảng năm 2006, thì PAM múa gậy vườn hoang một mình). Hiện trong nước chỉ sản xuất được ống gang dẻo có đường kính nhỏ, chẳng hạn, phía Nam duy có Công ty Gang cầu Đài Việt sản xuất cỡ ống đến 600mm, nhưng Đài, trong Đài Việt ở đây có nghĩa là Đài Loan, cũng lại có "yếu tố Trung Quốc", ô hô!
Vì vậy, trong báo cáo gửi về Bộ Xây dựng gần đây, ngoài SAWACO (Cấp nước Sài Gòn) như đã nói, thì Cấp nước Bình Dương (Bivase) đã dùng gần 10.600 tấn và Cấp nước Hà Nội dùng 4.700 tấn... toàn là ống gang dẻo của XinXing. Vẫn chưa tính tới con số của các nhà đầu tư khác.
Chất lượng thế nào? Mới dùng được hơn 10 năm chửa vấn đề gì, nhưng thời buổi này khen quá e không tiện. 

---
Nói thêm:
Hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, Nhà đầu tư Vinaconex tạm dừng ký hợp đồng với nhà thầu Xinxing về việc cung cấp ống gang dẻo cho Tuyến ống Sông Đà giai đoạn 2. Ở trên gọi là “án treo” là vì thế.
Việc tạm ngưng này hoàn toàn có nguồn gốc từ mục tiêu đối phó với “búa rìu dư luận” của các nhà làm chính trị hơn là xuất phát từ các nguyên nhân “kỹ thuật”. Chẳng hạn người ta không thể kết luận việc đấu thầu có những khuất tất hay chất lượng sản phẩm của Xinxing là không đạt yêu cầu. Và chính đó là điều khó xử của Vinaconex, bởi vì bây giờ họ rất muốn bác hồ sơ dự thầu của Xinxing nhưng lại không thể tìm ra được lý do nào để có thể hủy kết quả đấu thầu.
Phương án tốt nhất là Vinaconex tìm cách thương thảo với Xinxing để họ không khởi kiện và đồng ý nhận lại gấp đôi tiền cọc, tức là tiền “bảo lãnh dự thầu”, mất khoảng 24-36 tỷ đồng, rẻ chán. Còn nếu để họ kiện cáo lôi thôi thì sẽ vừa mất mặt (vì đã tham gia WTO mà vẫn xài luật rừng) lại vừa tốn kém hơn nhiều.  

Về mặt vật liệu ống, để “tránh điều tiếng” (và nhất là phải “né” Xinxing, vì nếu lại đấu thầu quốc tế ống gang dẻo nữa thì khả năng Xinxing lại tiếp tục trúng thầu là rất lớn), dự đoán là Vinaconex sẽ phải đổi lại thiết kế lần nữa, để sử dụng ống HDPE do trong nước sản xuất. Nhưng hiện nay trong nước chỉ có Công ty Nhựa Thiếu niên tiền phong là có thể cung cấp ống HDPE đường kính lớn đến D2000. Lưu ý là cả hai ông lớn trong ngành nhựa (chiếm đến 50% thị phần ống nhựa xây dựng cả nước) là Nhựa Thiếu niên tiền phong (ngoài Bắc) và Nhựa Bình Minh (trong Nam) đều đang bị tập đoàn SCG của Thái Lan thâu tóm trên 20% cổ phần.
Ta về ta tắm ao ta - ao ta nhưng nó hai mươi ba (23,4%) cổ phần
Ống HDPE - D1200 và D2000, do Nhà máy nhựa Thiếu niên tiền phong vừa ra lò hôm 19-5-2016.




3 nhận xét:

  1. Đúng là "Đi mắc núi, về mắc sông". Bao giờ mới thoát Trung được. Nó mà đóng ải Nam Quan lại thì bố con chết cả lũ.

    Trả lờiXóa
  2. Liên quan gì nhỉ? Cứ nghe từ Trung là nhảy dựng lên là thế đíu gì. Đọc mà không hiểu thà đừng biết chữ còn hơn.

    Trả lờiXóa