Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

Thời sự tay ba: Đức, Nga và Mỹ






 ------



Hôm 13-6 vừa rồi, Tổ chức quân sự Bắc Đại tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu tiến hành cuộc tập trận quân sự quốc tế mang tên "Saber Strike-2016" ở Estonia. Cuộc tập trận này diễn ra trùng hợp với thời điểm kỷ niệm 75 năm chiến dịch Barbarossa (22-6-2016), chiến dịch đánh chiếm Liên Xô do Đức Quốc xã phát động, mở màn cho cuộc Thế chiến lấn II.
Cuộc tập trận này có khoảng 10.000 binh sĩ thuộc 13 nước thành viên NATO tham gia.
Chỉ trước đó một tuần, ngày 6-6, NATO cũng đã tổ chức cuộc tập trận có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Ba Lan. Cuộc tập trận này mang tên Anakonda có sự tham gia của 31.000 binh sĩ đến từ 24 quốc gia, với 3.000 trang thiết bị kỹ thuật quân sự, bao gồm nhiều xe tăng, xe bọc thép, hơn 100 máy bay các loại và 12 tàu chiến được huy động.
Những động thái trên của Mỹ và NATO được cho là nhằm mục đích "răn đe" Moskva trong giai đoạn căng thẳng hiện nay.
Trên thực tế, Cộng hòa liên bang Đức là một thành viên nòng cốt tham gia các cuộc tập trận này. Thế nhưng, ngày 18-6, Ngoại trưởng Đức, ông Frank-Walter Steinmeier bất ngờ lên tiếng chỉ trích các cuộc tập trận của NATO đang diễn ra.
Trả lời phỏng vấn của tờ Bild am Sonntag, ông Steinmeier cho rằng điều NATO hiện nay không nên làm là kích động tình hình “bằng tiếng vũ khí khua loảng xoảng, cùng với những tiếng hô mệnh lệnh quân sự”.
Ông nhấn mạnh thêm, những ai nghĩ rằng cuộc tập trận rầm rộ của hơn 10.000 quân và cuộc diễu hành xe tăng mang tính biểu tượng giáp biên giới phía Tây nước Nga sẽ tăng cường an ninh cho khối NATO thì người đó đã nhầm to.
Ông Steinmeier đánh giá, hiện trong khối NATO có một số quan chức mắc căn bệnh “thu hẹp nhãn quan một cách nghiêm trọng, khi chỉ nhìn vào khía cạnh quân sự và tìm kiếm cứu cánh trong chính sách dọa nạt”.
Ông lưu ý rằng, song song với việc sẵn sàng bảo vệ các đồng minh thuộc khối, NATO còn cần phải sẵn sàng đối thoại và hợp tác với nước Nga. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức cho rằng cần thiết phải “thu hút Nga vào quan hệ đối tác quốc tế đầy trách nhiệm”.
Dĩ nhiên, khi phát biểu như thế thì ông Steinmeier đã được bà Thủ tướng Đức là Angela Merkel “chống lưng” ở phía sau. 
Xem ra, nước Đức cũng đang muốn vùng vẫy để thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Hoa Kỳ.
Là vì lâu nay, các biện pháp trừng phạt Nga do Hoa kỳ lĩnh xướng đã khiến cho không chỉ Nga, mà cả các nền kinh tế thuộc Liên minh châu Âu phải chịu thiệt hại nghiêm trọng. Những thiệt hại của EU được ước tính là gấp mười lần so với Hoa Kỳ.
Chẳng hạn, theo Stefan Sabo, Giám đốc điều hành của Viện “Xuyên Đại Tây Dương” kiêm chuyên gia của Quỹ Marshall (Đức), kim ngạch thương mại của EU với Nga giảm từ 326,5 tỷ € năm 2013 xuống đến 210 tỷ € vào năm 2015, trong khi thương mại của Mỹ với Nga chỉ giảm 38,2 tỷ xuống 23,6 tỷ USD trong cùng một khoảng thời gian. Điều này chứng tỏ EU chịu thiệt hại rất nhiều so với kẻ đứng sau giật dây là Hoa Kỳ.
Vì vậy, mặc dù hàng loạt quốc gia thuộc Liên minh châu Âu trong bụng muốn dẹp quách cái lệnh cấm vận tai hại nói trên để có thể tái khai thác thị trường màu mỡ từ nước Nga, nhưng họ vẫn“không đủ can đảm để chống lại Mỹ " trong việc đòi dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Moskva. Điều quan trọng nhất là nước nào sẽ là nước nổ phát pháo đầu tiên chống lại ông trùm để rồi có thể cả EU sẽ đồng loạt “ăn theo”?
Ngày 28-4 vừa qua, Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết kêu gọi dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga, 98 đại biểu thuộc Hạ viện Pháp đã tham gia bỏ phiếu và kết quả có 55 phiếu thuận so với yêu cầu tối thiểu là 50 phiếu. Nhưng đây mới chỉ là “ý nguyện của những đại biểu nhân dân” chứ cũng chưa phải là điều mà chính quyền Paris buộc phải thực hiện. 
Riêng tại nước Đức, động thái của Ngoại trưởng Đức Steinmeier như đã nói ở trên, cho thấy dường như nước Đức sẽ là kẻ tiên phong trong việc “bất tuân thượng lệnh” với đòi hỏi trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU đối với Nga.
Hiện bà Angela Merkel đang phải đương đầu với sức ép từ dư luận và cả Quốc hội Đức về việc cần phải thực hiện các hành động để cải thiện quan hệ với Nga.
Mới đây, hơn 100 nhà khoa học, luật sư, thành viên các phong trào vì hòa bình và cả các nghị sỹ Quốc hội đã ký một bức thư công khai gửi đến bà Angela Merkel đòi hỏi Chính phủ Đức cần nhanh chóng phát triển các mối quan hệ thân thiện với Nga và dẹp bỏ các hành động gia tăng sự hiện diện quân sự tại khu vực Đông Âu và Baltic nhằm mục đích "răn đe" nước Nga.
Nội dung bức thư công khai trên được các tạp chí của Đức là Frankfurter Rundschau và Frankfurter Allgemeine Zeitung công bố vào hôm 22-6-2016, nhân kỷ niệm 75 năm ngày phát xít Đức phát động chiến dịch Barbarossa năm 1941, tấn công vào Liên Xô.
Những người ký vào bức thư này cũng khẳng định rằng “thay vì xây dựng các căn cứ tên lửa ở Đông Âu và đưa binh sỹ Đức đến sát biên giới nước Nga, Đức cần nỗ lực để củng cố các thể chế an ninh tập thể, ví dụ như OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu)”.
Bức thư này cũng đề cập tới “một văn kiện giữa Nga và NATO được ký kết tại Paris ngày 27-5-1997”, trong đó, NATO đã cam kết sẽ không bố trí lực lượng quân sự thường trực của mình ở Đông Âu và khẳng định “an ninh của tất cả các quốc gia trong cộng đồng châu Âu-Đại Tây Dương là không thể tách rời”.
Trong bối cảnh nói trên, thì việc Ngoại trưởng Đức là ông Frank-Walter Steinmeier bất ngờ lên tiếng chỉ trích các cuộc tập trận của NATO không phải là điều khó hiểu.

Một cách hình tượng, thì tình hình thời sự tay ba Đức, Mỹ và Nga hiện nay có thể được biểu đạt như ở biếm họa này:



Thật là:
Mối tình chung rắc rối lung tung,
Rắc rối lung tung gỡ giúp cùng,
Gỡ giúp cùng nhau cho khỏi rối,
Cho nhau khỏi rối mối tình chung!

(Thơ cũ thời Tây, quên tác giả)

---------------



1 nhận xét: