-------------
Bùn thải là gì ?
Bùn thải là phần sản phẩm sau cùng của một
quá trình xử lý nước thải. Thông thường, sau khi tách nước (bằng các biện pháp
hóa lý như lọc, lắng, tuyển nổi, keo tụ hay vi sinh… ), nước thải nếu đạt chuẩn
thì được phép xả ra môi trường, còn bùn thải ở lại, chịu đời đắng cay. Bùn ướt sẽ
được bơm ra, phơi nắng, rồi đưa vào lò sấy cho khô, đóng thành bánh rồi xếp
hàng chờ được chở đi… xử lý.
Thực tế, không phải bùn thải nào cũng độc hại, ví dụ bùn sinh học có thể chế biến thành phân hữu
cơ sau khi đã trộn thêm than bùn. vôi bột và cấy vi sinh, dùng chế phẩm EM… để
khử mùi; bùn
thải công nghiệp thông thường cũng có thể sử dụng vào nhiều mục
đích khác. Riêng bùn thải công nghiệp nguy hại có chứa các kim loại nặng
như: Cu, Mn, Zn, Ni, Cd, Pb, Hg, Se, Al, As… thì nhất thiết phải được xử lý
trước khi thải ra môi trường. Cách xử lý thì hoặc là mai táng (chôn), hoặc là hỏa
thiêu (đốt).
Nói thì đơn giản, chứ ở Việt
Nam không có nhiều đơn vị hội đủ điều kiện để được Bộ Tài Môi cấp giấy phép xử
lý chất thải nguy hại.
Đến nay, Công ty Formosa vẫn chưa thể xử lý gần 400 tấn bùn thải từng bị
phát hiện chôn lấp trái phép được xác định là chất thải nguy hại.
Số bùn thải này, trước đó, được chôn lấp tại trang trại riêng của ông Lê
Quang Hòa, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh theo một hợp đồng
thu gom vận chuyển và xử lý bùn thải mà công ty này đã ký với Formosa vào tháng
4-2016.
Ngày 2-8-2016, sau khi lấy và phân tích mẫu thí nghiệm, Bộ TN-MT kết luận
trong chất thải chôn lấp trái phép có một số mẫu bùn thải có chứa thông số
xyanua vượt ngưỡng chất thải nguy hại.
Thực tế, non 400 tấn bùn này phần
lớn lẫn cả đất và đá. Nhưng theo quy định của Luật
Bảo vệ môi trường (Khoản 2 Điều 85) thì: “chất thải thông thường có
lẫn chất thải nguy hại vượt ngưỡng quy định mà không thể phân loại được thì
phải quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải nguy hại” và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý
chất thải và phế liệu (Khoản 1 Điều 29) cũng quy định: “chất thải rắn công
nghiệp thông thường phải được phân định, phân loại riêng với chất thải nguy
hại, trường hợp không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định về
chất thải nguy hại”.
Vì vậy, Bộ TN&MT kết luận, bùn thải từ Formosa do Công ty Môi trường
đô thị thị xã Kỳ Anh chôn lấp là trái phép, bởi:
1. Bùn thải từ Formosa nếu có là chất thải công nghiệp thông
thường nhưng đã có lẫn chất thải nguy hại vượt ngưỡng thì phải được quản lý theo
quy định về chất thải nguy hại.
2. Đơn vị thu gom vận
chuyển và xử lý phải là đơn vị có chức năng, được cấp phép xử lý chất thải nguy
hại. Trong khi đó, Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh không có chức năng
này.
Cụ thể, Bộ TN –MT yêu cầu Công ty Formosa chịu hoàn toàn trách nhiệm phối
hợp với Công ty Kỳ Anh tiến hành ký hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển
xử lý chất thải nguy hại và chịu toàn bộ chi phí cho việc xử lý này. Trong quá
trình vận chuyển, xử lý, Bộ TN&MT giao Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh có trách
nhiệm chủ trì và phối hợp giám sát, kiểm tra. Ngoài ra, Formosa phải tiến hành
đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại đối với các loại bùn thải nguy hại
phát sinh, xây dựng kế hoạch xử lý chất thải cho toàn bộ Dự án và phải hoàn
thành, trình cấp có thẩm quyền trước 30-8-2016.
Ngay sau yêu cầu của Bộ Tài Môi, Formosa đã ký hợp đồng với Công ty cổ
phần môi trường Nghi Sơn. Công ty này có Nhà máy xử lý chất thải tại Khu kinh
tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) và được Bộ cấp giấy phép xử lý các loại chất thải nguy
hại.
Tuy nhiên, sau khi hai bên đã ký hợp đồng (với đơn giá 10 triệu đồng/tấn) thì ngày 5-9-2016, Công ty cổ phần môi trường Nghi Sơn lại có văn bản gửi Formosa đề
nghị chấm dứt hợp đồng với lý do non 400 tấn bùn thải này là tang vật của vụ án chôn lấp chất thải trái phép và hiện chưa có kết luận chính thức của cơ quan Công an. Thật trớ trêu, cuối
công văn, Công ty này lại đề nghị Formosa chủ động tìm kiếm đơn vị khác để họ xử
lý ... tang vật cho.
Hiện tại số bùn thải 390,72 tấn (bao gồm cả đất đá lẫn trong đó), được đào lên từ trang trại của ông Hòa, được đóng bao và đưa
đi… và nằm im tại một cơ sở xử lý chất thải của tỉnh Hà Tĩnh.
Chưa biết đến bao giờ mới có một đơn vị có chức năng, được cấp phép xử lý
chất thải nguy hại theo yêu cầu của Luật Môi trường giúp Formosa (dĩ nhiên là giúp có lấy tiền) xử lý đống tang vật này?
Đáng lo hơn nữa là con số gần 400 tấn chỉ là một con số rất nhỏ so với số
lượng 15.000 tấn bùn thải mỗi năm mà Formosa vừa đăng ký với Sở Tài nguyên và
Môi trường Hà Tĩnh. Đây là số chất thải cần phải kiểm soát chặt chẽ theo yêu
cầu của Bộ TN-MT nhưng hiện nay Công ty Formosa vẫn chưa tìm được đơn vị đủ
chức năng để vận chuyển và xử lý, trong khi đó lượng tồn đọng trong kho của
công ty này đang ngày càng nhiều lên.
Ông Lý Mộc Văn - Phó TGĐ Formosa Hà Tĩnh cho biết: “Vì các công ty được cấp phép xử lý chất thải nguy hại tập trung ở miền
Bắc và miền Nam nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã liên hệ với một
số đơn vị song họ bảo vận chuyển xa quá, lo ngại về vấn đề an toàn giao thông
cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình vận chuyển”.
Còn ông Vũ Nam Anh, Giám đốc Nhà máy, Công ty Cổ phần Môi trường Nghi Sơn,
thì cho hay: “Công ty môi trường Nghi Sơn
là đơn vị đủ chức năng để xử lý toàn bộ chất thải phát sinh của nhà máy Formosa
Hà Tĩnh, tuy nhiên do điều kiện về địa lý, đường sá xa xôi nên hiện nay chúng
tôi sẽ không tiếp nhận chất thải từ nhà máy này”.
Vậy thì bùn thải của Formosa rồi sẽ đi về đâu? Tình trạng chỉ trỏ tới lui hiện nay quả cứ như đánh đố nhà đầu tư!
Thật chả khác nào câu chuyện cho ỉa nhưng cấm đái trong truyện Trạng
Quỳnh.
Nôm na, nếu xem hoạt động bài
tiết của cơ thể con người giống như một mô hình nhà máy xử lý nước thải, thì có thể
ví nước thải là nước tiểu, còn bùn thải được xem là phân
vậy.
Xưa, Chúa Trịnh tai quái sai lính đến
ỉa vào vườn nhà Trạng Quỳnh cho bõ ghét. Trạng viện dẫn lệnh Chúa chỉ cho phép ỉa
chứ chưa cho phép đái và vì thế, Trạng cấm đái. Làm sao có thể ỉa mà không đái?
Chuyện Trạng Quỳnh ngày nay thì ngược
lại, mời người ta vào đầu tư, cho mày đái thoải con gà mái rồi nhé. Nhưng còn ỉa thì …
---------
bài viết rất hay
Trả lờiXóa