Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

Đầu Xuân Đinh Dậu, cùng thưởng ngoạn tranh gà Đông Hồ




--------
Làng Đông Hồ, còn gọi là làng Mái, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là một địa danh nổi tiếng với dòng tranh khắc gỗ dân gian in trên giấy điệp có màu sắc óng ánh.
Tranh Đông Hồ phát triển thịnh vượng nhất vào thế kỷ 17 và 18, còn nghề khắc ván ở ta xuất hiện vào thế kỷ 11 hoặc 12, trong khi người Việt đã làm ra giấy từ thế kỷ thứ 3.
Để tạo ra giấy điệp, người ta dùng vỏ con điệp (một loại sò) đã được nghiền nát trộn với hồ nếp rồi dùng chổi lá thông quét phủ lên giấy dó.
Dòng tranh dân gian Đông Hồ thường thể hiện các đề tài bình dị thân quen trong đời sống thường ngày và sử dụng các màu sắc tự nhiên, không pha trộn, do đó có sắc thái rực rỡ, vui tươi, rất phù hợp để trưng trong dịp Tết Nguyên Đán. Chính vì thế, nhà thơ Hoàng Cầm đã viết: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.
Từ xa xưa, hình tượng con gà trong tranh Đông Hồ đã đi vào lòng người Việt Nam như những lời chúc đầu năm, mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
Nhân dịp đầu Xuân Đinh Dậu 2017, xin mời quý vị cùng xem tranh Gà Đông Hồ và cùng tìm hiểu ý nghĩa những lời chúc tốt đẹp của người xưa. 
Tranh Đại Cát

Hai chữ Hán phía trên là hai chữ Đại Cát. Gà trống chữ Hán là "đại kê", có âm đồng với chữ đại cát hay đại kiết. Đại Cát là tên một quẻ bói tốt lành nhất trong Bát quái.
Tranh Gà Đại Cát thường được treo đối xứng với với tranh gà Nghinh Xuân tạo nên lời chúc Đón Xuân Đại Cát. 
Tranh Nghinh Xuân
Hai chữ Hán phía trên là hai chữ Nghinh Xuân (Đón Xuân)
Tranh Thư Hùng
Thư – Hùng là chữ Hán, nghĩa tiếng Việt là Trống – Mái. Hai hàng chữ Nôm ghi trên đầu tranh là: “Lắm con nhiều cháu – Giống cánh giống lông”. Bức tranh gợi lên không khí hạnh phúc, đầm ấm trong một gia đình con đàn cháu đống (quan niệm về chữ Phúc của người xưa) và biết nối tiếp truyền thống của cha ông.
Tranh Dạ xướng
Tranh Nhật Minh

Tranh Gà dạ xướng có dòng năm chữ bên trên, đọc là: “Dạ xướng ngũ canh hoà” (nghĩa là gáy báo thời khắc đều đặn suốt cả năm canh). Tranh Gà Dạ xướng thường được treo đăng đối với tranh Gà Nhật Minh, vẫn chú gà đó quay trở lại nhưng với dòng chữ: “Nhật minh tam tác thuỵ” (Ngày mang tới ba điều lành). Theo quan niệm xưa, tiếng gà gáy xua tan tà ma, mang tới may mắn. 
Tranh “Em bé ôm gà”

Tranh “Em bé ôm gà” còn được gọi là tranh Vinh Hoa, do có hai chữ Vinh Hoa ở đầu bức tranh. Bức tranh diễn tả một bé trai bụ bẫm hồn nhiên ôm và ve vuốt một con gà. Tranh này thường được treo đối xứng với tranh “Em bé ôm vịt”, hay còn gọi là tranh Phú Quý. Bức “Em bé ôm vịt” thể hiện một bé gái ôm con vịt quay ngược chiều, trên đầu tranh có hai chữ Phú Quý.
Ý nghĩa chúc tụng được thể hiện qua bốn chữ “Vinh Hoa - Phú Quý” thì đã quá rõ, nhưng nghệ nhân dân gian còn hàm ý gửi gắm đến người chơi tranh một lời chúc sinh con đẻ cháu được “có nếp có tẻ”, thông qua các hình tượng đăng đối âm dương như sen – cúc, gà - vịt, (phương ngôn có chữ “cúc kê, liên áp”), bé trai – bé gái.
 
Tranh Gà mẹ gà con”
Bức tranh “Gà mẹ gà con” còn gọi là tranh “Gà đàn”, diễn tả gà mẹ đang ngậm một con ong để tập trung sự chú ý của mười chú gà con rộn ràng, vui vẻ đứng quanh.
Tranh “Gà mẹ gà con” gợi đến sự giàu có, no đủ và đầm ấm sum họp của mọi gia đình trong dịp đầu Xuân.
Tranh Kê Cúc
Tranh Kê Cúc diễn tả một chú gà trống oai phong, đầu ngẩng cao đứng bên cây hoa cúc. Trong quan niệm của người xưa, hoa cúc tượng trưng cho người quân tử và hình tượng chú gà trống cũng hội đủ năm đức tính của bậc trượng phu (ngũ đức), gồm: Văn, Vũ, Dũng, Nghĩa, Tín.
Đó là bởi theo tích xưa, vào thời nhà Chu bên Trung quốc, Điền Nhiêu nói với Lỗ Ai Công rằng: “Ngài chẳng thấy con gà chăng? Đầu mang mào, đó là văn. Giương cựa, đó là vũ. Địch thủ trước mặt mà dám đánh, đó là dũng. Thấy thức ăn thì gọi nhau, đó là nghĩa. Quản lý buổi sáng không lỗi hẹn, đó là tín. Người thời nay có được năm đức ấy quả thực không thấy nhiều”.
Tranh Tam dương khai thái

Tranh Tam dương khai thái thể hiện hai chú gà trống đầy cảm xúc ngạc nhiên, dường như nhảy múa mừng vui trước một bông hoa như vừa bừng tỉnh, trồi ra khỏi nền đất. Tiếng gà gáy sáng chào đón một ngày mới, nhưng mỗi năm một lần, tiếng gà gáy còn là chào đón một mùa Xuân mới, một vận hội mới. 
Bốn chữ Tam dương khai thái là lấy ở trong Kinh Dịch, nghĩa đen là từ ba hào dương là mầm mống mà sinh ra quẻ Thái. Quẻ Thái, tên đầy đủ là quẻ Địa Thiên Thái, tượng trưng cho sự giao hòa giữa Trời với Đất, giữa Âm và Dương, tượng trưng cho sự thái bình trong thiên hạ, sự phồn vinh, hòa hợp đến với khắp mọi nơi, mọi nhà, mọi người.
Chính vì vậy, các cụ, xưa và nay, vẫn dùng chữ “Tam dương khai thái” làm lời chúc đầu Xuân, cho cả Đất nước, cả cộng đồng.

-----------


4 nhận xét: