Thứ Tư, 1 tháng 8, 2018

Tướng Phạm Xuân Ẩn “khen” Nguyễn Văn Thiệu???




 ---------------------

Phạm Xuân Ẩn (1927 - 2006) là một nhà báo quốc tế người Việt Nam nổi tiếng trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, từng làm phóng viên cho các hãng Reuteurs, tạp chí Time, New Yor Herald Tribune, The Christian Sience Monitor.
Nhưng sau này danh tiếng ông còn vang xa hơn nữa với vai trò là một trong những điệp viên xuất sắc nhất của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1976 và phong hàm Thiếu tướng năm 1990.
Nhà báo Thomas A. Bass tác giả cuốn sách “The Spy Who Loved Us: The Vietnam War and Pham Xuan An's Dangerous Game” đánh giá “Phạm Xuân Ẩn chắc chắn phải là một trong những điệp viên vĩ đại nhất của thế kỷ thứ 20”.
Đã có rất nhiều bài báo, sách và phim, cả trong nước và nước ngoài đề cập đến cuộc đời như huyền thoại của người Điệp viên hoàn hảo (Perfect Spy) này.
Gần đây tình cờ đọc trên mạng thấy FB Hoàng Hải Vân viết bài “Nguyễn Văn Thiệu dưới mắt Phạm Xuân Ẩn”. Ông Hoàng Hải Vân nguyên là phóng viên báo Thanh Niên và còn có tên khác là Huỳnh Kim Sánh, cựu Tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên. Khi còn là phóng viên báo Thanh niên, Hoàng Hải Vân từng có loạt bài đăng nhiều kỳ về ông Ẩn và còn là đồng tác giả của một cuốn sách viết về Phạm Xuân Ẩn.
Bài viết “Nguyễn Văn Thiệu dưới mắt Phạm Xuân Ẩn” của Hoàng Hải Vân có đoạn:
“Tôi hỏi ông Ẩn: Ai là tướng lĩnh giỏi nhất quân đội Việt Nam Cộng hòa? Ông nói ngay: Nguyễn Văn Thiệu”.
Và: “Theo ông Ẩn thì ông Thiệu không chỉ là một tướng tài mà còn là người làm chính trị khôn khéo”.
Điều này làm nhiều người ngạc nhiên, vì trước giờ, ngay cả những người thuộc phe thua cuộc, tức là các cựu tướng lĩnh, sĩ quan quân lực VNCH, cũng chưa thấy có một ai mở mồm “khen” Thiệu là một “tướng tài”, đã vậy ở đây ông Thiệu lại còn được Hoàng Hải Vân (mượn lời ông Ẩn) “ca ngợi” là “tướng lĩnh giỏi nhất quân đội Việt Nam Cộng hòa” nữa kia.
“Khen”“khen” vậy chứ đọc đọc đi đọc lại toàn bộ bài viết của ông Hoàng Hải Vân tịnh không thấy chỗ nào tướng Phạm Xuân Ẩn nói rõ thêm.
Về mục đích viết bài này, Hoàng Hải vân lý luận rất “hay ho” rằng: “Việc mô tả các tướng tá chính khách Việt Nam cộng hòa, trong đó có ông Nguyễn Văn Thiệu, là đám ngụy tề tay sai bất tài tham nhũng đồi bại trên sách báo từ lâu chẳng những không có tác dụng “tuyên truyền giáo dục” gì mà còn hạ thấp chiến thắng mùa Xuân năm 1975”.
Hẳn là vì vậy mà ông Hoàng Hải Vân phải “khen” các tướng ngụy để “đề cao” chiến thắng mùa Xuân năm 1975???
Ô hô! Đấy là ý của ông Hoàng Hải Vân chứ không phải của tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn đâu.
Chuyện ông Thiệu có thực sự là một “tướng tài” hay không, xin để dành dịp khác sẽ bàn đến, entry này chỉ bàn chuyện ông Phạm Xuân Ẩn có “khen” tướng ngụy Nguyễn Văn Thiệu không.
Thật ra ngòi bút của một ông cựu phóng viên, cựu Tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên đã bị kỷ luật, tước thẻ nhà báo, thì cũng không đáng tin cho lắm. Hơn nữa, lúc ông Phạm Xuân Ần còn sống thì không thấy ông Hoàng Hải Vân đả động đến chuyện này (trong loạt bài báo và cả cuốn sách mà ông đã viết). Nay ông tướng đã mất vừa đúng một con giáp, có muốn “cải chính” cùng Hoàng Hải Vân, e cũng khó.
May thay, việc tướng Phạm Xuân Ẩn đánh giá “tài năng” của Thiệu như thế nào, đã có những ghi chép khả tín gấp nhiều lần so với Hoàng Hải Vân. Đó là những tài liệu của Robert Shapen (1917-1988), một nhà báo được tờ New York Times đánh giá là một tượng đài của báo chí Mỹ”.
Robert Shapen là phóng viên của báo The New York Herald Tribune, tạp chí Far East và sau đó là đặc phái viên tại châu Á cho các tờ Newsweek, Fortune and Collier's magazines. Ông làm việc trong suốt 36 năm cho tờ The New Yorker. Trong 50 năm làm báo, phần lớn thời gian ông làm việc tại châu Á và là tác giả của hàng trăm bài báo và 11 cuốn sách trong đó cuốn sách nổi tiếng nhất của ông, Lost Revolution, đoạt giải thưởng báo chí của Đại học Columbia năm 1965.
Nhà báo Phạm Ngọc Ẩn là người bạn thân thiết, là nguồn cung cấp tin tức và cũng từng là trợ lý chính thức của Shaplen. Robert Shaplen lại là người trực tiếp giới thiệu ông Ẩn sang làm việc tại tạp chí Time sau khi ông Ẩn rời khỏi hãng Reuteurs.
Dưới đây xin dẫn lại những nhận xét rất thú vị của Phạm Xuân Ẩn về “tài năng” Nguyễn Văn Thiệu, chép lại từ Chương 6, cuốn Điệp viên hoàn hảo X6, tác giả Larry Berman (*), (dịch giả Đỗ Hùng, NXB Hồng Đức, 2013),:
 “Ông Ẩn chỉ trích Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rất nặng nề, bằng chứng rõ ràng nhất là trong tài liệu của Shaplen có ghi lại lời Ẩn ví năng lực lãnh đạo của Tổng thống Thiệu với một con khỉ nghiện thuốc phiện trong gánh xiếc. “Ẩn: Thiệu, chúng ta đã tạo nên ông ta như vậy, nếu bây giờ để ông ta tự đi, ông ta sẽ té mất. Rất nhiều người Hoa và người Sài Gòn nuôi khỉ, cho chúng ăn thuốc phiện, đỗ ăn ngon, dạy làm trò, đội mũ sặc sỡ. Làm xiếc. Nhưng khi người chủ quay lưng lại ba phút thôi, con khỉ sẽ trở về với bản tính tự nhiên của nó, sẽ bốc cứt ăn, giống Thiệu. Vì thế nếu chúng ta trì hoãn sự giúp đỡ trong năm phút thôi, Quân lực Việt Nam Cộng hòa sẽ bị nuốt chứng. Chúng ta đã tạo ra một môi trường toàn khỉ ở đây”. (23)
Ẩn giải thích với Shaplen rằng cuộc khủng hoảng lãnh đạo tại Sài Gòn là một hệ quả trực tiếp của việc Mỹ chẳng làm gì để phát triển một thế hệ lãnh đạo mới tại Việt Nam. “Máu và đôla đã được vung vãi tại đây nhưng chúng ta đã làm được gì cho người Việt Nam và chính quyền Sài Gòn? Phần lớn người Mỹ đang quan hệ với lũ khỉ và đường nào rồi thì chúng ta cũng sẽ rút lui sớm thôi. Chúng ta chỉ biết tới lũ khỉ. Khi mới đến, chúng ta tận dụng những người Việt được Pháp đào tạo, đội ngũ quan lại, và chúng ta tạo nên những vị tướng mới. Đôla, vân vân, nhưng lũ khỉ chẳng biết đường sử dụng. Không có học thuyết cho Việt Nam, không có cả học thuyết của Mỹ. Chúng ta xây trường lớp, nhưng chẳng có giáo viên. Mở đường và đào kênh, nhưng dân Việt không biết cách sử dụng. Người Mỹ chẳng thể lấy não của mình rồi cho vào mũ họ được và điều đó đã chứng minh. Chẳng có sự đào tạo lãnh đạo thực thụ nào”. Ẩn dự báo rằng khi người Mỹ rời đi, Việt Nam sẽ trở thành “cái xác khô”.
Theo ghi chú ở cuối Chương 6, trong đoạn trích trên, những chỗ viết đậm được Larry Berman tra cứu từ nguồn Hồ sơ “An Market file”, Hộc 91, Tệp 6, Tài liệu của Robert Shaplen; tác giả phỏng vấn Ẩn.
Thế đấy, ngược với bài viết của ông Hoàng Hải Vân, những ghi chép của nhà báo nổi tiếng Robert Shaplen cho thấy dưới mắt Phạm Xuân Ẩn thì tướng ngụy Nguyễn Văn Thiệu thực sự chỉ “giỏi” làm “trò khỉ” và  khi người chủ quay lưng lại ba phút thôi, con khỉ sẽ trở về với bản tính tự nhiên của nó, sẽ bốc cứt ăn.

-------------

(*) Larry Berman là nhà sử học, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California đồng thời là một người chuyên tâm nghiên cứu lịch sử cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
Ông cũng là tác giả của cuốn sách nổi tiếng Không hòa bình, Không danh dự: Nixon, Kissinger và Sự phản bội ở Việt Nam. Đây là cuốn sách rất có giá trị lịch sử về giai đoạn cuối cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam.

3 nhận xét: