Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

Vài lời với những người thực hiện cuốn sách vừa bị ngưng phát hành




--------
Đó là cuốn sách "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử", do NXB Văn học và First News Trí Việt ấn hành, thiếu tướng Lê Mã Lương chủ biên. Sách được quảng bá rằng các tác giả đã mất đến 4 năm để hoàn thành, trải qua 14 nhà Xuất bản, 48 lần biên tập và đã được NXB Fortis, Florida (Mỹ) ký mua bản quyền tiếng Anh để xuất bản ở Mỹ và dự kiến phát hành toàn cầu trong năm 2018.
Ấy thế mà chỉ vài ngày sau khi ra mắt, cuốn sách đã bị dư luận phản ứng gay gắt và Nhà Xuất bản Văn Học đã buộc phải ra thông báo tạm ngưng phát hành để đính chính và sửa chữa.
Trước hết, hãy nói về tên cuốn sách.
Trên FB của mình, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty First News Trí Việt tự hào cho biết: “Sau vài tháng, cuốn sách đã hình thành để đi xin giấy phép với cái tên do tôi đặt: ‘Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử”.
Quả đúng là tên sách, (và cả một bức tranh cùng tên nữa) là do ông Phước đặt ra. Nhưng cái tứ “Vòng Tròn Bất tử” thì hiển nhiên ông Phước đã phải “cầm nhầm” từ ai đó. Lý do đơn giản nhất, là bởi cụm từ này đã phổ biến trên diễn đàn TTVNOL (Trái tim Việt Nam Online) từ tháng 3 năm 2009, tức là 5 năm trước thời điểm ông Phước mang sách đi xin giấy phép xuất bản (2014).
Năm 2009 cũng là năm xuất hiện trên mạng đoạn Video clip dài chừng 3 phút có logo tiếng Trung, có lẽ do lính Trung Quốc thực hiện, thể hiện “chiến công” chiếm đóng đảo Gạc Ma, dĩ nhiên dưới quan điểm của họ. Đoạn Clip này được các bạn TTVNOL biên tập, biên dịch ra tiếng Việt và vài thứ tiếng nước ngoài rồi đặt tên lại là “Vòng Tròn Bất Tử”.
Thực tế thì có thể còn có nhiều bài thơ và bài hát cùng mang tên “Vòng tròn bất tử” ra đời từ trước năm 2009 và cần được kiểm chứng thêm. Trong đó, đặc biệt nên lưu ý đến bài thơ của Đại tá Nguyễn Văn Dân, khi ấy là Trung tá, Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, người trực tiếp chỉ huy Cụm 2 Trường Sa và đã có mặt ở đảo Gạc Ma vào trưa 14-3-1988. Và theo một bài viết gần đây trên báo Người Lao động thì “Vòng tròn bất tử” chính là tên bài thơ mà ông Dân rút ruột viết ra trong những ngày lịch sử ấy.
Tên sách là thế, vậy nội dung  ban đầu thế nào? Tại sao cuốn sách phải trải qua nhiều nhà xuất bản và nhiều lần biên tập đến thế? Có phải do vấn đề quá “nhạy cảm” như ông Phước than vãn hay vấn đề nằm ở chính nội dung cuốn sách? 
Thực chất, câu hỏi này đã được ông Giám đốc Nhà Xuất bản Trẻ trả lời, ngay trên báo Tuổi Trẻ phát hành ngày 13-3-2016:
“Tên sách quá hay nhưng bản thảo yếu quá, chỉ lấy lại từ các báo, và không rõ tác quyền.
NXB nói các biên tập viên "cứu" bản thảo này nhưng không được. Nói phía First News làm lại thì ông Phước rút lại bản thảo để đưa qua NXB khác”. 
Ấy vậy mà sau tới 14 lượt chuyển NXB và 48 lần biên tập thì cuốn sách vẫn phải tạm ngừng phát hành để tiếp tục “đính chính” và chỉnh sửa các nội dung thiếu chính xác. Bây giờ, mọi “cánh cửa” đã mở rồi nhé và ông Phước xin đừng đổ lỗi cho bất kì ai nữa.
Trong sách có những sai sót ngớ ngẩn (nhưng lại nghiêm trọng) như người đang sống bỗng nhiên bị các tác giả “khai tử”. Nhưng điểm nóng gây nên phản ứng quyết liệt nhất từ phía các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội và các cựu chiến binh lại là câu chuyện liên quan đến quan điểm của ông Lê Mã Lương, người chủ biên cuốn sách, về việc vu vơ đâu đó có một cái lệnh “không cho nổ súng” từ một “lãnh đạo cấp cao”.
Nguyên văn, ông Lương nói: “Có đồng chí lãnh đạo cấp cao ra lệnh bộ đội ta không được nổ súng nếu như (Trung Quốc) đánh chiếm đảo Gạc Ma hay bất kỳ đảo nào ở Trường Sa”.
Câu chuyện giờ đây đã không còn nằm trong phạm vi “sai sót” của cuốn sách để NXB và người Chủ biên chỉ cần làm thêm tờ đính chính rồi phủi tay là xong.
Vấn đề ở đây trở thành “sai lệch” rồi, chứ không chỉ còn đơn giản là “sai sót” nữa.
Sai lệch này dẫn đến nhận thức không đúng về lịch sử quân sự Việt Nam, lịch sử đấu tranh gìn giữ biển đảo của Quân đội nói chung và Hải quân nói riêng cho đến trách nhiệm cá nhân của các sĩ quan cao cấp từng là chỉ huy hoặc đồng đội của ông Lê Mã Lương, đồng thời cũng xúc phạm vong linh các liệt sĩ, xúc phạm các thương binh, cựu chiến binh đang được các ông làm sách để “tri ân”, đấy là chưa xét đến vấn đề bôi đen chính sách hậu phương quân đội của Nhà nước.
Đã có rất nhiều nhân chứng, là những sĩ quan, chiến sĩ từng trực tiếp tham gia sự kiện Gạc Ma – Cô lin – Len đao ngày 14-3-1988 phản ứng gay gắt với phát biểu nói trên của ông Lương. Diễn biến thực tế cuộc chiến diễn ra như thế nào, bộ đội ta có “được lệnh không nổ súng” và có nổ súng không, chỉ cần tham khảo các thông tin từ chính họ (mới đây nhất là bài viết từ cựu binh Dương Khánh Chi).
Hiện tại, tại vùng “tranh chấp” này, Việt Nam kiểm soát 21 thực thể địa lý với 33 điểm đóng quân, bao quát gần 100.000 km vuông biển. Philippines kiểm soát 7 thực thể địa lý, Malaysia kiểm soát 5 thực thể địa lý. Trung Quốc cưỡng chiếm 7 thực thể địa lý. Đó là thành quả trực tiếp từ chiến dịch Chủ quyền 1988 (viết tắt CQ88) của bộ đội Hải quân Việt Nam.
Cho nên, nếu ông Lê Mã Lương còn đôi chút tỉnh táo thì chỉ cần xem các số liệu trên là có thể “đoán” được ta có nổ súng hay không. Còn nếu bảo “không được nổ súng” (như ông Lương phán bậy) mà vẫn đạt được thành quả to lớn như trên thì hệ quả tất yếu là chúng ta… buộc phải “khen” Trung Quốc (và nhân thể, cả Philippines, Malaysia và Thailand) không có tham vọng ở Biển Đông.
Còn tại sao phải “không được nổ súng trước” thì xin thưa với ông Lương, ông Phước và các nhà “rân trủ” rằng, Luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc yêu cầu mọi “tranh chấp lãnh thổ” phải được giải quyết bằng các giải pháp hòa bình và không thừa  nhận việc “thụ đắc lãnh thổ” có được từ bạo lực.
Mỹ ngày xưa muốn ném bom miền Bắc phải vu cáo Hải quân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “vô cớ tấn công” tàu khu trục của họ (Sự kiện Vịnh Bắc bộ, ngày 5-8-1964). Còn ngay trên cái Video clip chiếm đảo Gạc Ma đã nói ở trên, người Trung Quốc vẫn “khẳng định” phía “quốc gia nọ” (chỉ Việt Nam) đã nổ súng trước.
Ngoại giao là “diễn”, và nếu ông Ngoại giao nào đó có lỡ đập bàn đập ghế (như ông Lương hóng được), thì đó cũng chỉ là việc khi đó ông ấy  “nhập vai hơi sâu”.
Ở trên nói “nếu ông Lương còn đôi chút tỉnh táo” là vì tôi vẫn mong manh chút hy vọng, bởi Lê Mã Lương của một thời chống Mỹ vẫn là tấm gương sáng của bao thế hệ thanh niên “gác bút nghiên lên đường giữ nước”.

Nhưng có lẽ chính bản thân ông Lương cũng không muốn hy vọng của tôi trở thành sự thực.      
 
Ông Lê Mã Lương và vị “anh hùng vu vạ” lừng danh giới “rân trủ”: Trương Văn Dưỡng



1 nhận xét: