Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2025

AI LÀ THẠCH SANH?

 

Giờ là lúc trả lời câu hỏi thứ hai: Trong ba anh, anh Tùng, anh Tín và anh Thệ, ai là người nói dối? Hay hỏi một cách khác, ai là Lý Thông, ai là Thạch Sanh?

Thực ra câu hỏi này đã được những thông tin từ Viện NCLS Quân đội, và nhất là Kết luận số 974-KL/QƯTW ngày 14/3/2022 của Thường vụ Quân ủy Trung ương, trả lời dứt khoát. Thường vụ Quân ủy TƯ gồm những ai thì... thú thực là tôi không biết.

Nhưng kỷ niệm 50 năm Chiến thắng, ta cứ tán thêm cho xôm tụ.

Muốn tìm ra chàng Thạch Sanh, thì phải tìm cái vật bất ly thân của chàng, tức là cái búa. Ông Dương Văn Minh là Đại tướng, các anh mình xông vào bắt sống, giả sử quân hàm cao nhất là anh tá Tín, nhì là anh tá Tùng, thì cũng còn lâu Đại tướng mới sợ.

Đấy là nói nếu các anh mình dám khoe ra cái quân hàm, chứ thực ra lúc chiến đấu chả ai ngu đến mức đi khoe với địch mình là cán bộ cao cấp, hay trung cấp, bằng cách trưng quân hàm. Chính vì chả ai mang quân hàm, nên anh Tùng không biết anh Thệ, và ngược lại. Còn anh Thệ, thậm chí còn tệ hơn, vì không biết (nên vặc lại) cả xếp QĐ2 là Phó Chính ủy Nguyễn Công Trang.

Ông Minh và nội các ngụy thì lại càng không biết anh nào với anh nào và càng không sợ các lý luận chính trị của các anh mình. Khà khà... họ chỉ sợ, và đầu hàng, và chịu đọc lời đầu hàng, khi các anh mình lúc nào cũng lăm lăm trên tay những chiếc búa Thạch Sanh dài ngắn tân thời trước họ mà thôi.

Ngày xưa tướng De Castries, chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ dẫn cả bộ tham mưu ra đầu hàng trước các chiến sĩ trẻ, có anh chỉ mới 17 tuổi, thuộc tổ xung kích do anh Tạ Quốc Luật chỉ huy. Hồi ấy các anh còn chưa được đeo quân hàm binh nhất, ai sợ. Cái mà tướng De Castries dày dạn trận mạc sợ nhất chính là nòng súng tiểu liên trong tay mấy anh trẻ măng, đã không thèm có quân hàm, lại còn có thể chưa biết chữ nữa cơ...

Để tìm ra chàng Thạch Sanh mang búa, thì chỉ cần xem ảnh, rồi xem video, rồi đọc thêm tư liệu về ngày 30-4 năm ấy mới thấy rõ ràng, từ đầu đến cuối, toàn  thấy anh Thệ, cùng các đồng đội E66 là mang búa Thạch Sanh tân thời vào Dinh, áp giải Tổng thống và Thủ tướng ngụy sang Đài Phát thanh rồi lại đưa về.

Không phải các anh bộ đội xe tăng mình không có búa. Họ phá cổng, vào Dinh trước, cắm cờ giải phóng, nhưng xe tăng của họ to quá, lại vừa là nhà, vừa là bếp, lại là tài sản đắt giá của quân đội nên buộc họ phải quay lại xe để bảo vệ vũ khí, khí tài đồng thời còn phải bảo đảm thường trực chiến đấu chống phản kích bất cứ lúc nào. Mệnh lệnh là thế, tình huống là thế, mỗi người mỗi việc, nếu không, chưa chắc đã tới lượt anh Thệ mình.

Anh tá Tín và anh tá Tùng, không phải là Thạch Sanh, vì không thấy mang búa ra. Chả ai sợ. Ông Minh, đại tướng cơ mà, lại càng không nể các anh chỉ có lý luận mà lại không giơ búa. Mao Trạch Đông đã dạy rằng, "Quyền lực chính trị sinh ra từ nòng súng" cơ mà.

Anh Thệ, và các đồng đội E66 của anh, mới là Thạch Sanh đích thực. Họ xông pha vào nơi và vào lúc nguy hiểm nhất, đó là lúc đưa tướng Minh sang đài phát thanh. Khi ấy chưa có tuyên bố đầu hàng, tàn quân và vũ khí ngụy trên đường phố SG không hiếm. Ai dám đảm bảo không có một phát súng hay một trái lựu đạn sẵn sàng hướng vào xe chở người đứng đầu chính quyền trên đường đi tuyên bố đầu hàng. Bản thân  ông Minh cũng rất sợ bị "khử" và chỉ chịu đi khi anh Thệ cùng các chiến sĩ E66 cam kết (và đã thực hiện cam kết) bảo vệ ông an toàn bằng chính tính mạng của họ. Họ đi 6 người, bốn người che ông Minh ngồi ghế trước, hai người che ông Mẫu phía sau. Anh Tùng "khôn" hơn, anh đi sau và đi nhờ xe nhà báo cho an toàn.

Vậy thì chưa nói đến chuyện ai là người chấp bút lời Tuyên bố đầu hàng, chỉ cần với vai trò là người trực tiếp cầm súng bắt, ra lệnh rồi áp giải Tổng thống VNCH Dương Văn Minh sang Đài phát thanh đọc Tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, chàng Thạch Sanh Phạm Văn Thệ hoàn toàn xứng đáng đi vào lịch sử với tư thế một người anh hùng.

Anh Bùi Tùng, với những thành tích đặc biệt trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng đã được anh Thưởng Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng Anh hùng LLVTND ngày 17/10/2023.

Riêng anh Bùi Tín cũng sẽ đi vào lịch sử, nhưng có thể, với tư cách là con cháu nhà cụ Lý, người Việt gốc Khmer ...








Thứ Năm, 10 tháng 4, 2025

30-4-75, AI LÀ NGƯỜI ĐẦU TIÊN ĐÒI CHÍNH QUYỀN NGỤY PHẢI ĐẦU HÀNG VÔ ĐIỀU KIỆN?

 

Ngày 30/4/1975, ai là người đầu tiên yêu cầu chính quyền ngụy VNCH phải đầu hàng vô điều kiện, không còn gì để thương lượng, bàn giao???

Ban đầu, cứ tưởng người đó là trung tá Bùi Tùng, chính ủy lữ đoàn tăng-thiết giáp 203. Anh nhận mình chính là người nói với ông Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền VNCH: “Các ông chẳng còn gì để bàn giao, chỉ có đầu hàng không điều kiện. Ông phải ra ngay Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng”.

Tiếp theo, (suýt) tưởng đến thượng tá Bùi Tín, nhà báo. Anh này cũng nhận mình là sĩ quan có quân hàm cao nhất, nên đủ tư cách để tiếp nhận đầu hàng, và nói với Dương Văn Minh: "Các ông không còn gì để bàn giao".

Và cuối cùng là anh Phạm Xuân Thệ. Anh Thệ, lúc bấy giờ chỉ là đại úy trung đoàn phó trung đoàn 66, bộ binh. Sau khi ông Nguyễn Hữu Hạnh giới thiệu ông Dương Văn Minh với anh Thệ, ông Minh bước tới thận trọng: “Chúng tôi biết quân giải phóng tiến vào nội đô. Chúng tôi đang chờ quân giải phóng vào để bàn giao”. Anh Thệ kiên quyết: “Các ông đã bị bắt làm tù binh. Các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chứ không có gì để bàn giao”.

Trong 3 người này, ai là người nói dối???

Cứ tà tà, câu hỏi này sẽ được trả lời sau.

Giờ hãy trở lại câu hỏi đặt ra lúc đầu: Ai là người đầu tiên yêu cầu chính quyền ngụy VNCH phải đầu hàng vô điều kiện, không còn gì để thương lượng, bàn giao?

Đáp án chắc cũng không hề bất ngờ với những ai chịu đọc:

Không phải ông Tùng, ông Tín, cũng không phải anh Thệ.

Đó chính là cụ Phạm Hùng. Cụ Phạm Hùng bấy giờ là Chính ủy chiến dịch Hồ Chí Minh còn Đại tướng Văn Tiến Dũng là tư lệnh chiến dịch.

Nguyên văn mệnh lệnh hỏa tốc của Chính ủy Phạm Hùng phát đi (sau khi ông Dương Văn Minh tuyên bố lúc 9h30 trên đài Phát thanh Sài Gòn về việc "bàn giao chính quyền trong vòng trật tự"), như sau:

“Địch đang dao động tan rã, các cánh quân hãy đánh mạnh, tiến nhanh, chiếm các mục tiêu đúng qui định. Hội quân tại Dinh Độc Lập. Địch không còn có gì để thương lượng bàn giao, chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Tiến lên! Toàn thắng! 

Chính ủy chiến dịch: Phạm Hùng.”

Vậy người đầu tiên yêu cầu chính quyền ngụy VNCH phải "đầu hàng vô điều kiện, không còn gì để thương lượng, bàn giao" phải là cụ Phạm Hùng.

Tán thêm một chút, thì người "gợi ý" cho cụ Phạm Hùng ra mệnh lệnh này, lại chính là ông Dương Văn Minh, vì ông Minh là người ngỏ lời, muốn "bàn giao chính quyền" qua Đài Phát thanh SG.

Hai tiếng sau đó, xe tăng mới húc đổ cổng dinh Độc Lập, vì thế cho dù bất cứ ai xông vào bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh và Nội các ngụy thì cũng phải nói theo lệnh cụ Phạm Hùng mà thôi, không cứ phải là chính ủy hay nhà báo thì mới nói được câu này. 

----