Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

OAN TÌNH (CHUYỆN TÌNH CÔ CHÍ) - Kỳ 4



Hồi thứ tư
Tạp cẩu phát công, rát mông, cụ đồ tác bạch
Nữ kê tác quái, ngứa dái, anh Dõng biên thư



Lại nói chuyện cô Chí nhờ  nương theo cái roi mẹ chồng giao cho mà tác oai tác quái. Đánh dẹp trong nhà ngoài chợ chưa thỏa sức, cô vác roi sang cả bên làng Giáo, tức là làng Giáo Đại (tôi lại trân trọng đề nghị bạn đọc không “nái lói”, dù theo kiểu Nam hay Bắc).
Làng này chắc các bạn cũng biết, rặt một giống cây đa cây đề, tức là toàn các giáo sư. Mẹ kiếp, bố cô cô còn muốn tống vào tù, chứ sư mới giáo là cái khái niệm gì, cô chưa hề và cũng cóc cần biết. Vậy là cô “hầu chuyện các giáo sư”, tất nhiên là bằng roi.
Cô nguyện làm "Cái ô văn hoá” che cho mẹ chồng mà hạch tội các giáo sư.
Đầu tiên cô soi về văn thơ của cụ cố (cụ cố nói đây chính là cụ khai sinh ra mẹ chồng) do một hội đồng các cụ đồ biên soạn thành giáo khoa thư để dạy cho bọn trẻ con trong làng, chả biết các cụ viết lách biên soạn thế nào mà để cô bù lu bù loa, rằng các giáo sư cố tình “hạ thấp thơ văn cụ cố” và có quan điểm “thơ văn cụ cố chỉ để giải trí”.
Lúc bấy giờ các cụ tuy bực mình nhưng còn chủ quan khinh địch lắm, vì cho rằng thứ nhất là cô thuộc loại thất học, chả chấp, vả lại võ vẽ nhà cô chỉ đáng phủi bụi cho các bậc “sư phụ của sư phụ” như các cụ, thứ hai là cô còn đang ra đòn vào cả làng, chưa có đối tượng cụ thể, nên cụ nào cũng nghĩ là chắc “nó chừa mình ra”.
Tai hại thay, các cụ giáo lại không biết rằng, vâng, đúng là cô thất học, nhưng chính vì thế, võ công tà phái “tạp cẩu pháp” của cô mới ảo diệu biến hóa khôn lường, ở mức thượng thừa….  tức là còn trên cả vô học. Đã vậy, không hiểu cô ton hót thế nào mà các cáo buộc của cô lại được đám thị tỳ của mẹ chồng dán hàng ngày lên ngay trên bảng tin giữa đình. Các cụ bắt đầu hoảng. Và cô được đà, bắt đầu lôi từng cụ, từng cụ một ra sân đình. Duy tiên sinh Trần Quốc Vượng cứ tỉnh bơ cười nụ, cụ này khôn lắm.
Cụ Trần Hữu Tá, tội “... cùng một vấn đề, lúc bảo đen, lúc bảo trắng… như gà mắc tóc, viết lách lung tung”.
Cụ Lê Trí Viễn, tội “ gọi văn học VN là một thứ tầm tầm, có cũng được, không có cũng được”;
Cụ Trần Đình Sử “đáng phải ra toà vì ông ấy xúc phạm đến đại thi hào dân tộc…”;
Cụ Nguyễn Đăng Mạnh, còn ấu trĩ, “chưa am tường…, chưa đủ kiến thức tối thiểu…”;
Cụ Trần Ngọc Thêm, không biết cách “định nghĩa từ ngữ, khái niệm, sự việc”;
Cụ Phong Lê (và khuyến mãi thêm tên Phạm Xuân Nguyên “trẻ người non dạ”) “còn là kẻ đón gió, muốn lấy lòng hải ngoại nên đã phủ nhận sạch trơn giá trị của thơ ca” nhà chồng;
Rồi thì một loạt các cụ đại đồ Hoàng Như Mai, cụ Lê Ngọc Trà, cụ Nguyễn Văn Hạnh, cụ Nguyễn Lộc, cụ Nguyễn Đình Chú, cụ Hồ Sĩ Vịnh, cả cụ Trần Quốc Vượng nữa, … đều hân hạnh được cô đem “tạp cẩu pháp” ra “hầu chuyện” .
Có cụ "được" cô chiếu cố "quất" đến 25 lần và thậm chí cô tuyên bố sẽ còn “quất’  nữa... nếu cụ ngoan cố.
Cô dõng dạc tuyên bố: “ Tầm roi vọt của tôi nằm ở khắp mọi nơi, không có ngoại lệ”.  (trả lời Tường Vân).
Nhưng, mọi sự trên đời, chả có cái chó gì mà không có ngoại lệ, cụ Trần Quốc Vượng vẫn cười nụ.
Cho nên cô mới kể lại (trả lời phỏng vấn trên báo LĐ):  “Ai không chịu tiếp thu, chịu nhận khuyết điểm, tôi sẽ tiếp tục phê bình. Có lần, giáo sư Trần Quốc Vượng nói qua người bạn của tôi, rằng có những chuyện cô Chí chỉ ra đúng cái sai của ông ấy. Thế là tôi thôi không viết về ông Vượng nữa”.
Đấy, đã bảo mà, cụ giáo Vượng khôn lắm!
Tội trạng chung của các cụ đồ sau này được cô báo cáo lại với đám lưu manh ngoài biển (lưu tại Gió-o.com) thế này:
“Các vị giáo sư đầu ngành khoa nhân văn này quả tình có tội rất lớn với dân tộc VN, đã chính trị hoá toàn bộ khoa học nhân văn, góp phần dạy sai văn, dạy sai sử, dạy sai triết, dạy sai...cả đạo đức, luân lý cho phù hợp với tính đảng, tính giai cấp, là những thứ tính tiêu diệt hết tính khoa học của khoa học nhân văn...Các vị giáo sư này còn có một tội lớn là bán bằng bán cấp để có nhà, có xe, có tài sản như hiện nay, khiến nhiều vị cán bộ cao cấp chưa hết trung học vẫn có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Nền giáo dục xuống dốc tận cùng như hôm nay, lỗi tại cơ chế chính trị sai lạc đã đành, nhưng cũng lỗi bởi các vị giáo sư đầu ngành khoa học nhân văn này bảo hoàng hơn vua đấỵ”. 
Nhân tiện, cô lại cho biết là có hơn 10.000 kẻ thù mà trong đó phần lớn là học trò của các giáo sư.
Đến nước ấy thì các cụ đã nát hết cả mông, bởi chiêu “tạp cẩu pháp” bàng môn tà đạo của cô Chí, các cụ hè nhau thầy trò viết chung một bản Tác bạch “Về một hiện tượng cắn càn”, dày tới 571 trang, cử bác phó Nguyễn Hữu Sơn, vào một đêm không trăng sao, lò dò dán lên bảng tin góc đình, ấy thế mà chỉ đến tầm 8h sáng đã bị tổ cha đứa nào bóc mất, chỉ có vài người kịp đọc. Trong tập Tác bạch đó, tôi nhòm thấy có mấy nhời của anh Dõng.
Bấy giờ cô Chí đang ở đỉnh điểm của vinh quang quyền lực, được mẹ chồng ưu ái lắm, cô được cất nhắc, được cho sang chơi nhà cụ bá Sam, cô khoe “mỗi dịp tết lĩnh vài ba chục triệu”. Danh tiếng cô lúc ấy đã vượt ra ngoài lũy tre làng, bọn ngoài bờ biển năm xưa từng xúi cô trổ tài “mặc váy chồng cây chuối” lại đánh tiếng, mời cô giao lưu tổng hợp, hứa có khuyến mãi lớn.
Nhưng cái dở của cô, cũng là thứ dở chung của bọn đàn bà ít học, là bệnh nói nhiều, mà riêng cô, bệnh ấy nặng hết thuốc chữa, thành ra hay nói phét, nói hớ và nói bậy, nói tùm lum ở những chỗ tà la, rất không nên hoặc không đáng nói.
Cô lại tưởng với võ công tà đạo “tạp cẩu pháp” của cô ở mức thượng thừa, danh trấn giang hồ, thì có cơ lấn át tất cả các chính phái bàng môn trong làng ngoài nước. Cô đâm ra coi thường mẹ chồng, cô đinh ninh duy cô mới là “đỉnh cao trí tuệ”.
Sự nổi tiếng như thế vẫn chưa làm cô toại nguyện, cho nên cô “ nhiều khi buồn quá, một mình xơi hết vài vò rượu, máu “Sở cuồng” nổi lên, chúng tôi bèn hứng chí đốt đuốc đi tìm đền để đốt …Than ôi, bi kịch của kẻ muốn đốt đền mà không tìm ra đền để đốt mới sầu muộn làm sao!” (đối thụi Lạc Huấn)
Nhân vào hồi tháng 4/2006, nhà chồng mở hội mừng mùa vụ lần thứ 10, bà mẹ chồng mời mọi người trong nhà liên hoan. Cô mặc dù lập nhiều “chiến công” trong việc canh nhà gác chợ, nhưng vẫn chỉ được coi là kẻ ngụ cư, vì thực tế, cô đã bị cắt hộ khẩu từ mấy năm trước, nên không ai muốn cô dự tiệc. Điều này chẳng có gì lạ, bởi cũng như Chúa của cô đã quy định rằng chỉ có gà trống mới được gáy, còn gà mái thì chỉ được … cục tác, đơn giản vậy thôi, nhưng cô, phận gà mái, lại cứ muốn gáy, lại gáy theo kiểu …cục tác, thì ấy lại là điềm “gà mái gáy”, xưa nay gọi là điềm “nữ kê tác quái”, điềm quái dị, cực gở.
Ấy vậy mà cô vẫn không có ý tứ, cô vẫn hăng hái chĩa mỏ vào bàn tiệc mà gáy, mặt đỏ tía tai, gân cổ lên mà gáy, càng gáy, trong nhà lại càng cố tình lơ đi, nên cô uất ức lắm, càng lơ, cô lại càng tức, thế này thì tức lắm, tức chết đi được! Trong nhà chẳng nghe thì cô la làng cho bõ ghét. Cô bèn hướng ra ngoài cục ta …ó o… cục tác …o ò … ầm ĩ.  
Phen này cô quyết Ly thân lần nữa cho cả làng biết mặt, cô quyết “đốt đền” để lấy tiếng với bọn bên ngoài. Cái đền cô nhắm đến, to lắm, chẳng ở đâu xa, là đền thờ cụ tổ nhiều râu bên chồng.
Cô nhất loạt đề khí vận công “tương phong đảo diện”, vọng ngược lên bàn thờ cụ tổ mà nhăm nhăm phát hỏa, cô miệt thị cụ chỉ là cái “gương đen”, rằng trình cô còn xa hơn cụ “cả một tầm trí thức”, chẳng những thế, cô còn ỷ mình giỏi “tạp cẩu pháp”thách đấu với cả họ nhà chồng.
Đến đây thì anh Dõng nhà ta ngứa, chịu hết nổi, nghe cô Chí gáy, nhìn cô Chí giao lưu tổng hợp anh đã ngứa dái lắm, nhưng mà anh không cần gãi, thế mới tài, anh biên ngay một cái thư, gửi thẳng nhà chồng cô Chí, bảo đại ý, tại sao nhà các ông các bà để con gà mái ấy nó gáy bậy gáy bạ như ở “chỗ không người” mãi thế ? Sao không ai ra tay, hay là để tôi, người ngoài, đập chết cha nó bây giờ! Đấy, thế là bạn đọc đã hiều tại sao tôi gọi anh là anh Dõng.
Cái thư ấy lưu lạc thế nào lại đến tay bọn con buôn, cô Chí mua lại làm tang vật để chứng minh anh Dõng là kẻ bạc tình, “mới” “yêu” cô mà “nay” lại phũ phàng với cô.
Chết thật, phen này thì anh hết đường cãi ?!

------------------
 Kỳ cuối
Hồi thứ năm
Rạch mặt la làng, ngựa quen đường cũ
Tụt quần giữa phố, gái đĩ già mồm

1 nhận xét: