Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

Chuyện chú Nghĩa



Thượng tướng Phùng Thế Tài là một vị tướng có nhiều giai thoại lí thú được lưu truyền trong các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, từ lúc còn là người cận vệ đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến lúc được phong hàm Thượng tướng.
Ông từng có mặt trong đoàn quân Tây Tiến rồi đến Tư lệnh đầu tiên của một Quân chủng hiện đại còn hết sức non trẻ của Quân đội ta khi đó-Quân chủng Phòng không Không quân. Sau chiến thắng "Điện Biên phủ trên không" vang dội,  ông được gọi là ‘’Vị tướng của tháng 12 lịch sử’’.
Cánh lính trẻ rất thích thú trước tướng Phùng Thế Tài bởi bản tính xuề xòa nhưng không phải không sợ cái oai rất tướng của ông, thân hình cao to, tiếng nói sang sảng khuôn mặt hồng hào và tính nóng như lửa của ông. Chính vì cái tính nóng với cấp dưới mà ông đã nhiều lần bị Bác Hồ chỉnh. Có thể nói ít tướng lĩnh nào của Việt Nam lại gắn bó với Bác Hồ như Thượng tướng Phùng Thế Tài. 
Ông gắn bó với Bác từ những ngày còn bên Trung Quốc đến khi Bác về Pác Bó trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Khi Bác mất, ông lại là một trong những người chỉ đạo công việc bảo quản thi hài Bác.
 -----------------
Tại Côn Minh, năm 1940, đồng chí Vũ Anh giới thiệu " Đây là chú Nghĩa, đảng viên, mọi điều tôi đã dặn kỹ, xin tiên sinh an tâm".
Chú Nghĩa, năm ấy mới hai mươi tuổi, được giao nhiệm vụ giao thông kiêm bảo vệ cho Già Vương, đưa Già Vương từ Côn Minh về nước. 
Chú Nghĩa có nhiều tài, nhiệt tình, tháo vát, giỏi võ, lại thông thạo địa bàn.
Đưa Già Vương về tới biên giới, chú trở lại Côn Minh để hoạt động. Bác căn dặn: Nghĩa phải chín chắn hơn, luôn điềm tĩnh, không được manh động. Phải lấy việc hoạt động cách mạng, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân làm trọng.
Ở lại, chú Nghĩa được quân đội Tưởng Giới Thạch tuyển vào học lớp nghiệp vụ tình báo của trường quân sự Hoàng Phố, được phong cấp Thiếu hiệu. Chú Nghĩa mê súng và bắn súng giỏi.
Ở Côn Minh, chú Nghĩa tổ chức quyên tiền mua và vận chuyển vũ khí về nước chuẩn bị cho thời cơ khởi nghĩa vũ trang. Chú nóng ruột lắm, chỉ mong được về nước hoạt động. Năm 1942, chú Nghĩa cùng vài người khác lại được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác ở Pác Bó, và đi theo Bác trong các chuyến đi của Bác sang Trung Quốc.
Trong chuyến đi Vân Nam, Bác dẫn theo viên phi công Mỹ, chú Nghĩa nảy ra sáng kiến "trưng dụng" hai con ngựa của dân, để Bác và viên phi công cưỡi, Bác không chịu đi ngựa, bảo: Sao chú cứ hay làm phiền dân thế, chú mượn được thì chú đi, bác không đi. Chú Nghĩa đành ấm ức đem trả lại. Lúc về, chú Nghĩa lại ngỏ ý muốn kiếm ngựa cho Bác đi, Bác nói: Chú nghĩ xem, người ta chỉ có con ngựa để kiếm ăn. Chú lấy đi, được việc chú, nhưng người ta lấy gì nuôi vợ, nuôi con. Dân Tàu thì cũng khổ như dân mình thôi.
Khoảng một tuần sau, Bác cháu lại cùng nhau sang Côn Minh, Bác bị ốm, chú Nghĩa lại nảy ra sáng kiến, chú muốn mua con gà để Bác cháu "cải thiện". Chú mua gà của trưởng thôn, nhưng kèm theo câu "không bán thì tôi đập chết!". Cũng đợt đi này, chú Nghĩa còn bất đắc dĩ kiêm luôn chức vụ "bác sĩ riêng" của Bác.
Đi về, hoàn thành nhiệm vụ rồi, nhưng trước tình hình mới, chú Nghĩa lại ấm ức, chú nhờ anh Vũ Anh và anh Hoàng Hữu Nam nói với Bác, cho chú được trực diện đánh nhau với địch, còn việc bảo vệ xin giao lại cho người khác.
Mãi rồi Bác cũng đồng ý, nhưng dặn:
Chú đòi ra chiến đấu, Bác chấp nhận, nhưng Bác còn phân vân hai điều: một là tính chú nóng nảy, bây giờ chú mới là lính, cách mạng phát triển, quân đội phát triển, chú cũng phát triển, sau nay có thể là tướng, là quan. Làm tướng mà nóng tính là hỏng việc. Hai là, chú có tính liều. Có Bác bên cạnh mà chú còn dám bắt gà, bắt ngựa của dân, sau này chú ra hùng cứ một phương, làm điều sai quấy, ai ngăn được chú. Thôi chú ra chiến đấu cũng được nhưng nhớ phải sửa bằng được hai điều ấy.
À mà chú Nghĩa liều thật, lúc ở Vân Nam, Bác bị sốt rét nặng, chú "tháo vát", tự ý chích thẳng thuốc ký ninh vào ven. Bác bảo: Bác chưa thấy ai tiêm ký ninh vào ven như chú cả. Nhưng thôi, Bác còn sống là may rồi.
Chú Nghĩa hứa với Bác, có anh Vũ Anh bảo lãnh.
Ít lâu sau, Nhật đảo chính Pháp, chánh mật thám Bắc Cạn cùng vợ và năm lính Pháp trên đường trốn chạy sang Trung Quốc bị chú Nghĩa tóm được. Chú Nghĩa thu được 6 súng ngắn, sáu đồng hồ và mấy vạn đồng Đông Dương. Lính khố đỏ thì chú Nghĩa tha cho về, còn bọn mật thám Tây thì chú ... tự xử. Xong xuôi, chú kéo quân về báo cáo "thành tích" với anh Vũ Anh.
Vũ Anh, mặt tái mét, hoảng hồn: Thôi chết, lẽ nào chú không biết gì về chính sách đoàn kết của mặt trận Việt Minh hiện nay? Giờ tôi biết ăn nói với Ông Cụ thế nào?
Chú Nghĩa cũng hốt hoảng không kém, và ân hận, thôi việc đã lỡ, anh cho em đi phát triển phong trào, chứ em không dám ở đây gặp mặt Ông Cụ.
Những năm chú Nghĩa đi theo bảo vệ Bác, Bác đặt tên chú Nghĩa là Phùng Hữu Tài, hẳn là có một ẩn ý nào đó. 
Mãi chục năm sau này, khi đã làm Đại đoàn phó Đại đoàn 320, chú Nghĩa mới xin Bác cho đổi lại thành Phùng Thế Tài.

  Thượng tướng Phùng Thế Tài 
Thượng tướng Phùng Thế Tài

Thượng tướng Phùng Thế Tài, Phó Tổng tham mưu trưởng, Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không - Không quân, đã qua đời ngày 21/3, hưởng thọ 94 tuổi.

Thượng tướng Phùng Thế Tài, sinh năm 1920, quê huyện Thường Tín, Hà Nội, đã qua đời hồi 13 giờ 50 phút ngày 21/3 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 175, TP HCM.
Thượng tướng Phùng Thế Tài là cán bộ lão thành cách mạng, 75 năm tuổi Đảng, tham gia cách mạng năm 1936. Ông nhập ngũ tháng 12/1944, từng trải qua các chức vụ Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Pháo binh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không… Ông là Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không-Không quân khi quân chủng này được thành lập năm 1963. Ông là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hàng không dân dụng.
Ông được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, 2 Huy hiệu Bác Hồ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

5 nhận xét:

  1. Hồi ức của một sỹ quan Hải quân: http://www.facebook.com/tuan.bim.7

    Nhớ về thượng tướng Phùng Thế Tài.

    Thế là thượng tướng Phùng Thế tài, đã ra đi ngày 21/03/2014.

    TuanBim tôi, không dám nhận ông là thủ trưởng trực tiếp của mình.

    Bởi khi tôi đeo quân hàm sỹ quan sơ cấp Hải quân, ông đương là thượng tướng - phó Tổng tham mưu trưởng - Phụ trách khối Quân Binh chủng.

    Nhưng do cơ duyên và do đặc thù của đơn vị, cá nhân tôi đã rất nhiều lần được báo cáo trực tiếp với thượng tướng, cũng như nhiều lần được đến nhà riêng của ông, ở Lý Nam Đế, để gập ông, cũng như gập cô Yến - vợ ông.

    Tướng Phùng Thế Tài, có lẽ là vị tướng duy nhất trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam ta, mà ai cũng biết, thậm trí biết nhiều chuyện về ông.

    Bởi, thượng tướng là vị tướng duy nhất, có cực nhiều giai thoại. Là lính, có lẽ không ai không biết ít nhất vài giai thoại về ông.

    Thông thường nhất, lính ta thường kể giai thoại về ông là người cực kỳ nóng tĩnh và hắc-xì-dầu.

    Tuy nhiên, với những gì TuanBim tôi được chứng kiến và tiếp xúc, ông lại là con người khá tình cảm.

    Như đã nói, do cơ duyên, cá nhân tôi đã rất nhiều lần được gập hoặc báo cáo trực tiếp với thượng tướng, bởi vậy, về thượng tướng Phùng Thế Tài, cá nhân tôi ít nhất đã kể 5 câu chuyện liên quan đến ông, chính trong FB này. Như chuyện đi ké trực thăng của ông. Như chuyện ‘Dám đùa cả thượng tướng’, kể về việc do tính hỗn láo của TuanBim tôi, nên dọn cho ông bữa trưa bằng con chó hư hỏng, chứ không phải con chó ‘có tiếng sủa chua chua, mới đi tơ lần đầu’, như ông muốn.

    Tuy tôi là thằng hỗn láo như thế, nhưng đói lại, ông cư xử với tôi rất tình cảm.

    Xin kể lại 2 chuyện, như những nén hương thơm, tưởng nhớ ông.

    Chuyện thứ nhất:

    Đó là có lần vào năm 1984, tôi được gọi từ khu A của đơn vị, sang khu C để báo cáo ông về việc xây dựng 1 công trình. Hôm đó, trời mưa, tôi lại đi cái xe tiếp phẩm không chuông-không phanh-không gác đờ bu, nên bùn bắn bẩn hết toàn bộ lưng áo trắng quân phục Hải quân.

    Chợt nhớ rằng, chỉ mới trước đó 1 tuần, trong 1 cuộc họp giao ban quân binh chủng trong Bộ TMM ở Hà Nội, ông đã đuổi 1 sỹ quan phụ trách khối Hải quân về, vì can tội mặc trang phục không đúng của Hải quân, nên TuânBim tôi lo lắng vô cùng.

    Khi đi vào báo cáo, tôi đi ngang ngang như cua bò.

    Ông nhìn và biết ngay, nhưng nói luôn: ‘cậu báo cáo đi. Mưa mà sang ngay như thế là tốt lắm’.

    Chuyện thứ hai:

    Vào năm 1985, tôi có dịp tháp tùng cụ Trần Xuân V.., là thủ trưởng đơn vị tôi, lên Nhà con rồng trong Bộ TMM ở Hà Nội, để báo cáo với thượng tướng, cũng về việc xây dựng công trình trên.

    Khi vào đến phòng làm việc của thượng tướng, thủ trưởng V.. của tôi, rập gót và báo cáo ông theo đúng quân phong quân kỷ, nhưng câu đáp từ đầu tiên của thượng tướng với 2 thầy trò tôi, lại là dành riêng cho tôi: ‘: cậu này ngồi xuống chỗ kia, trong ấm có chè xanh đấy’.

    Hôm nay, thượng tướng đã đi xa rồi.

    Với riêng cá nhân TuanBim tôi, thượng tướng Phùng Thế Tài, mãi là một vị tướng nhân hậu.

    Xin viết những dòng này, như một lời chào quân lễ, với thủ trưởng - thượng tướng Phùng Thế Tài.

    Xin thủ trưởng an nghỉ.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bác K và bác TuanBim.

    Tôi cũng nhớ một giai thoại:

    Trời mưa, Tướng Phùng Thế Tài vào cổng cơ quan thấy cảnh vệ đứng nghiêm phăng phắc dưới trời mưa. Ông cho phép cảnh vệ vào trong chòi gác tránh mưa. Cậu cảnh vệ muốn lắm nhưng không dám, dạ, báo cáo Thủ trưởng, nhiệm vụ của chúng tôi là thế nọ thế kia ...

    Ông quát: ĐM, thì trước tao cũng là cảnh vệ thâm niên, nhờ tránh mưa giỏi nên bây giờ mới được lên làm tướng.

    Những người đã được gặp Thượng tướng như bác TuanBim, thật sướng vì đã là chứng nhân của những giai thoại.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ Lý à, bác TuanBim chính là bác Bao Leo ở xứ Tốn Tiền Vô Nghĩa xưa, và sau này là VMH, Khúc Quân Hành những câu chuyện của bác TuanBim đã được kể nhiều lần (http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=25081.25), kể cả về cụ Đại tướng Anh cả (http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=25081.420), ví dụ:

      Con chó có tiếng sủa chua chua, nhất thiết phải là con mới đi tơ lần đầu http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=1353.15
      http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=1353.0

      Xóa
  3. Hôm nào có dịp, tôi sẽ dẫn văn cụ Trần Dân Tiên viết về cụ Phùng nhé (bản in đầu tiên, không phải những bản hiện thấy bây giờ).

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn các bác về những nén hương cho THƯỢNG TƯỚNG

    Trả lờiXóa