Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Một cuộc “trưng cầu dân ý” bất thành



Năm 2001, một người bạn tôi có con gái học lớp 8 tại trường trung học cơ sở khá nổi tiếng, thuộc một tỉnh miền Tây.
Hội trưởng hội phụ huynh của lớp vốn là một bà chủ tiệm vàng, cũng có con gái học lớp này. Trong các cuộc vận động đóng góp gây quỹ cho hội phụ huynh lớp và trường thì bà hội trưởng luôn là người năng nổ và có “thành tích cao”. Hàng năm, cứ vào dịp ngày khai trường và ngày 20-11, riêng bà này “tài trợ” các thầy cô bộ môn trong lớp ít nhất mỗi người một bộ quần áo. Các thầy thì nhận vải may quần dài và áo sơ mi, còn các cô thường được tặng một xấp vải lụa để may một bộ áo dài. Cô chủ nhiệm, dĩ nhiên bao giờ cũng có phần quà hậu hĩnh hơn cả.
Các cuộc họp phụ huynh thông thường gồm ổn định tổ chức, điểm danh; giáo viên chủ nhiệm thông báo tình hình, nề nếp học tập dạy và học của trường, lớp trong thời gian qua, phương hướng, kế hoạch trong thời gian tới; thông báo các chỉ tiêu về học lực, hạnh kiểm của học sinh. Tiếp theo là công khai những khoản thu, chi của hội theo quy định chung cùng những khoản xã hội hoá khác. Sau cùng là những khoản thu “tự nguyện” mà chỉ có hội trưởng, người thu tiền là "tự nguyện" tươi cười, còn phụ huynh thì “tự nguyện” móc ví mà mặt nhăn như bị.
Cuộc họp lần này cũng thế, nhưng phần sau cùng là một cuộc "trưng cầu dân ý", do chính cô Chủ nhiệm trình diễn, nhằm phế truất một giáo viên dạy toán của lớp là thầy Hùng.
Thầy Hùng, thầy dạy môn Toán lớp này và cũng là giáo viên được Ban Giám hiệu phân công bồi dưỡng học sinh giỏi Toán của trường.
Cô Chủ nhiệm công bố một lá đơn của hội Phụ huynh lớp đã được soạn sẵn, nội dung là học sinh phản ánh giáo viên dạy môn toán của lớp “khả năng truyền thụ” kém, học sinh trong lớp không hiểu bài, điểm số không cao, do đó toàn thể phụ huynh học sinh lớp này đề nghị nhà trường thay thế người khác. Dưới lá đơn đã có sẵn chữ ký của bà hội trưởng, một ông hội phó và một số phụ huynh khác cũng đã ký tại nhà. Sau đó, lá đơn được chuyền dần xuống các phụ huynh còn lại để ký, mà cũng chẳng thấy ai hỏi han gì thêm trước khi ký.
Đến lượt anh bạn tôi, anh không đồng ý, anh xin phát biểu, đại ý:
Thứ nhất, thầy Hùng là người được nhà trường giao việc bồi dưỡng học sinh giỏi môn Toán, vì vậy nhận xét của các cháu về “khả năng truyền thụ” kém là không đáng tin cậy và có thể nói là vô lý.
Thứ hai, việc đánh giá về chuyên môn sư phạm của các thầy cô không phải là việc của hội Phụ huynh. Đó là việc của các cơ quan quản lý chuyên môn. Cụ thể, là của ban Giám hiệu nhà trường và ở cấp cao hơn, là phòng Giáo dục. Nhà trường có tổ bộ môn và phòng Giáo dục có các phòng chuyên môn, thường có việc “dự giờ” định kỳ hay đột xuất để đánh giá chất lượng giảng dạy của các thầy cô, chứ có phụ huynh nào "dự giờ" đâu mà đánh giá.
Thứ ba, việc Hội phụ huynh xuất phát từ sự kém cỏi nhất thời của con em mình mà đứng ra đòi thay giáo viên là trái với truyền thống “tôn sư trọng đạo” của ông cha ta. Thậm chí, việc phụ huynh kiến nghị "thay thầy" là vô đạo đức và sẽ là bài học xấu cho các cháu.
Còn với cô Chủ nhiệm lớp, thầy Hùng là đồng nghiệp với cô, nay các cháu kém môn Toán, ngày mai các cháu có thể kém môn khác, ngày kia các cháu đòi thay chính cô thì cô nghĩ sao?
Cô Chủ nhiệm bần thần chả biết nói năng gì, một vị phụ huynh phản ứng yếu ớt “ông thầy Hùng mà giảng thì chỉ những đứa giỏi hiểu thôi, còn học sinh thường như con cái chúng tôi không hiểu”.
Đến đây thì anh bạn tôi hoàn toàn thất vọng và bỗng vô cớ nổi quạu với anh hàng xóm ngồi bên cạnh nãy giờ cứ gật gù mà lại im thin thít (anh này là một sĩ quan, có con trai học cùng lớp). Giận cá chém thớt, anh tuyên bố sẽ không cho con gái học ở cái trường "ấm ớ" này nữa, và bỏ về một mạch. 
Cuối năm ấy, bạn tôi chuyển cả nhà về Sài Gòn.
Cuộc "trưng cầu dân ý" của cô Chủ nhiệm (thực chất là do đạo diễn của “nhà tài trợ” là bà Hội trưởng kiêm chủ tiệm vàng) năm ấy không thành công. 

Mà cũng không hẳn như thế. Nó suýt nữa thì đã thành công. Câu hỏi nếu bà chủ tiệm vàng đạt được mục tiêu "thay thầy", thì liệu "dân trí" của các học sinh trong lớp về môn Toán liệu có khá hơn không vẫn chưa có lời giải? 





3 nhận xét:

  1. 1. Đã có khả năng truyền thụ thì phải có khả năng cảm thụ.
    HS giỏi toán thì chắc chắc chắn là có khả năng cảm thụ (về toán) cao, và cũng như vậy với học sinh bình thường (môn toán). Không phải cứ "truyền thụ" được cho HS giỏi toán thì cũng "truyền thụ" cho học sinh bình thường.
    Không hiểu ư ? Thì cứ cho thằng con yếu toán thì học giáo sư chuyên luyện thi ĐH môn toán xem !
    2. Đánh giá chuyên môn sư phạm của thầy cô không phải là chuyện của hội phụ huynh ? Họ có thời gian và chuyên môn đâu mà đánh giá, chỉ biết nhìn kết quả học tập của con thôi.
    Không hiểu ư ? Cũng như ăn bánh, thấy bánh dở thì chê người làm thôi chứ người ăn có chuyên môn gì về bánh trái đâu.
    Nhưng mà có người chả biết có "chuyên môn" không mà đi bình thơ của cụ Khiêu đấy. Vãi !
    3. Có cái gì mà tôn sư trọng đạo ở đây. Thầy dạy mà trò không hiểu thì phải thay thầy, chứ không lẽ thay trò ! Mục đích cao nhất vẫn là nâng cao "toán trí" thôi. Có liên quan gì đến tôn sư và trọng đạo.
    Ông bạn chủ blog khi nói về cái trường " ẤM Ớ " mới chính là không tôn sư trọng đạo đấy, phải không chủ blog ?????
    Ngoài lề một chút, trong bóng đá mà tôn sư trọng đạo theo kiểu đấy thì Hải lơ đâu có phải trôi dạt từ bờ này bến khác. Ancelotti cũng ba chìm bảy nỗi như vậy mà thôi !
    4. Trả lời câu hỏi cuối bài : Nếu thay thầy thì 'dân trí không dám nói nhưng "toán trí" chắc chắn sẽ phục hưng.
    Nếu không thế thì nhà nước ta hô hào "đổi mới" này nọ để làm gì ????

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong còm trên của mình, có 2 ý quan trọng :
      1. THAY THẦY , KHÔNG BAO GIỜ THAY TRÒ. Nếu không hiểu, nhớ lại câu : ........... NHẤT THỜI, ........... VẠN ĐẠI
      2. Nhắc chủ blog đừng dẫm lên vết xe đổ NHỔ RA VÀ LIẾM. Trầm trọng hơn trong bài viết này ở cách xảy ra ngay và luôn.
      Ở trên, nêu cao tinh thần tôn sư trọng đạo, cách mười mấy dòng bên dưới thì chửi cả cái trường học là ẤM Ớ.
      Có lẽ, nôn nóng vì "DÂN TRÍ" của bài viết trước, nên bài viết này nhiều sạn, phải chăng ?

      Xóa
  2. Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của dự luật Trưng cầu ý dân phải là “trọng dân, tin dân”.
    "Đây là quan điểm Đảng luôn nhắc trong cương lĩnh, đường lối, nghị quyết, cũng như trong pháp luật. Nhận thức đầy đủ sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc một cách thực chất là yêu cầu của Đảng, để tránh dân chủ hình thức hoặc vi phạm quyền làm chủ của nhân dân vẫn xảy ra ở nơi này, nơi khác, tuy không phổ biến nhưng vẫn có", bà Quyết Tâm nói khi thảo luận tại hội trường QH chiều nay.
    "Tin dân là tin vào trí tuệ của nhân dân. Trưng cầu ý dân tức là ý dân quyết định. Nhưng trong dự luật chưa rõ ý thể hiện sâu sắc niềm tin của QH với nhân dân".
    trưng cầu ý dân, Hà Minh Huệ, Nguyễn Thị Quyết Tâm
    ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm: Dự luật chưa rõ ý thể hiện sâu sắc niềm tin của QH với nhân dân
    Theo Chủ tịch HĐND TP.HCM, dự luật Trưng cầu ý dân cũng phải nâng cao được trách nhiệm của nhân dân: "Trưng cầu ý dân tức là hỏi ý kiến nhân dân. Lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân sẽ làm người dân quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề quan trọng của đất nước. Khi đó, trách nhiệm của người dân sẽ được nâng lên".
    Theo Vietnamnet

    Trả lờiXóa