Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Thiền sư Khánh Anh và vài câu đối thú vị ở chùa Phước Huệ



Thiền sư Khánh Anh (1895-1961)
Thiền sư Khánh Anh, thế danh Võ Hóa, sinh năm Ất Mùi (1895) quê tại xã Phổ Nhì, tổng Lại Đức, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Trước khi xuất gia đã là một người uyên thâm Nho học.
Ngài thọ giới năm 21 tuổi, chỉ vài năm sau đã trở thành một giảng sư có tiếng trong nhóm Khánh Hòa.
Đương thời, ngài được coi là một trong ba cột trụ trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam (gồm Khánh Hòa, Huyền Quang, Khánh Anh).
Trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận, tác giả Nguyễn Lang (một bút danh trước đây của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Sư ông Làng Mai) đã viết: "Thiền sư Khánh Anh là một vị cao tăng bác học. Sự nghiệp đạo hạnh và văn hóa của ông là một viên đá lớn trong ngôi nhà Phật học Việt Nam”.
Quả đúng là “Minh sư xuất cao đồ”, đệ tử của Hòa thượng Khánh Anh là Thiền sư Thích Thiện Hoa cũng là một bậc cao tăng bác học.
Một học trò của Hòa thượng Thích Thiện Hoa cũng trở thành một cao tăng đương đại. Đó là Hòa thượng Thích Thanh Từ, người mà hiện nay ai cũng biết là một tác gia nổi tiếng về Phật học, nhất là về Thiền tông. Có thể nói, ông là người có công lớn trong việc khơi lại dòng chảy của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng Thiền made in Việt Nam do chính đức Thượng Hoàng Trần Nhân Tông khởi thủy từ thế kỷ XIII.
(Khởi đầu từ năm 1970 đến nay, Hòa thượng Thanh Từ đã góp công xây dựng hơn 80 Thiền Viện, Thiền Tự và trên 100 đạo tràng học Phật tu Thiền theo thiền phái Trúc Lâm ở khắp ba miền đất nước Việt Nam và cả ở nước ngoài).
Điều lý thú là cả ba vị danh tăng này đều có sự tích liên quan đến một ngôi chùa rất “bình dân”, đó là chùa Phước Hậu, nay thuộc xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
Chùa "làng" Phước Hậu, ngày nay đã trở thành di tích cấp quốc gia
Vốn ban đầu chỉ là một ngôi “chùa cây nhà lá vườn” do chủ đất là ông Hương cả làng Đông Hậu tên là Lê Ngọc Đán xin phép dựng tạm từ năm 1894, nhưng đến năm 1941 khi Hoà thượng Khánh Anh được mời về trụ trì, thì chùa Phước Hậu bắt đầu trở thành một Tổ đình có danh tiếng.
Sau khi Hòa thượng Khánh Anh mất vào năm 1961, chùa Phước Hậu được Hòa thượng Thích Thiện Hoa nối tiếp trụ trì.
Năm 1951, Hòa thượng Thích Thanh Từ theo thầy là Thích Thiện Hoa đến chùa Phước Huệ và chính thức thọ giới Sa Di tại đây và do chính Tổ Khánh Anh làm Hòa thượng Đàn đầu.

Lễ tưởng niệm lần thứ 54 ngày viên tịch của Hòa thượng Khánh Anh, tại chùa Phước Hậu (18 – 19/03/2015) Người đứng đầu, hàng đầu là Hòa thượng Thích Thanh Từ.
Với khả năng Hán học uyên thâm,Thiền sư Khánh Anh đã soạn và phiên dịch nhiều tác phẩm như: Hoa Nghiêm nguyên nhân luận, Nhị khóa hợp giải, Hai mươi lăm bài thuyết pháp (của Đại sư Thái Hư), Tại gia cư sĩ luật, Duy thức triết học, Qui nguyên trực chỉ, Quy sơn cảnh sách... và một số Kinh, Luật, Luận khác, đồng thời Ngài cũng là tác giả của 3 tập Khánh Anh văn sao.
Điều thú vị là tư tưởng uyên bác và cao siêu trong các trước tác của ngài lại được chuyển tải bằng một thứ ngôn ngữ mộc mạc, bình dân, dễ hiểu, chẳng những "khế hợp" với các bậc thức giả mà còn “nghe lọt tai” cả với những người dân “tôi tớ chợ vườn” thiếu học.
***
Dưới đây xin trân trọng giới thiệu một số đoạn văn của Thiền sư Khánh Anh. Đọc Ngài, ta có lúc sẽ thoải mái tưởng như đang trò chuyện với một cụ đồ làng uyên thâm và dí dỏm. Chùa làng, dân làng, và cụ đồ làng, đó chính là minh chứng cụ thể và sinh động về tinh thần "Phật pháp bất ly thế gian" thề hiện qua Thiền sư Khánh Anh.
Lời phục nguyện hồi hướng, (ngày Phật Đản):
Phục nguyện:
Đất rêm sáu chủng,
Trời tắm chín rồng,
Mây từ mưa pháp khắp Tây-Đông,
Quả phúc căn lành nhờ Phật Tổ,
Cả thiên hạ, Bắc-Nam ba bộ, nước nhà giàu mạnh đạo đồng tu,
Toàn địa luân thế giới năm châu, quốc tế hòa bình người đồng hóa.
Phổ nguyện:
Tăng già thường truyền bá,
Cư sĩ vẫn hộ trì,
Trăm họ đều quy y,
Muôn loài thành Phật đạo.
Nam mô Thập phương thường trụ Phật Pháp Tăng Tam bảo".

Lời Phục nguyện (Lễ Cầu an, 1945):
Cầu xin chư Phật chứng minh, xin chúng Tăng hộ niệm,
Cầu cho bá tánh khỏi điều nguy hiểm, trẻ già nhà cửa vẫn bình yên,
Cầu cho tứ dân không sự truân chuyên, tôi tớ chợ vườn đều thuận lợi.
Nào là Thiện Mỹ, Vĩnh Xuân, Vĩnh Thới, Mông Điềm, Tích Thiện, Lục Sĩ Thành; nào Bình Minh, Đông Hậu, Đông Thành, Nghĩa Tứ, An Hòa, Giang Thừa Tự; từ thôn quê chí thành thị, hết bị chiếm, đều giải phóng các khu vực, mỗi làng đồng hưởng phước tự do.
Nào là Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một; nào là Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Cổ Chiêm Thành; từ Cà Mau chí Cao Bình bỏ phân ly, liền thống nhất cả nước nhà, mỗi tỉnh chung vui đời sống mới.
Phổ nguyện:
Điều lành thì đem tới,
Điều dữ thì tống ra,
Ba phần - trăm họ lạc âu ca,
Chín loại - bốn sanh thành Phật đạo..."
Và nếu nói đến “tinh thần hòa giải hòa hợp” như ngày nay, thì Thiền sư Khánh Anh hẳn đã là người đầu tiên đặt ra vấn đề, mà lại trên "bình diện quốc tế". Như trong đoạn văn Cầu siêu, nhân ngày Phật đản sau đây:
"Cuộc lễ Tắm Phật, tượng sắc thân rửa sạch bụi vô minh;
Ngày vía Giáng sanh, ơn giáo chủ đượm nhuần đời hữu lậu.
Hoặc hy sinh đôi bên chiến đấu: Người Việt, người Tây, từ Nam chí Bắc, đã biết bao dũng tướng hùng binh;
Hoặc uổng tử những lúc thình lình: Chú Tàu, chú Thổ, từ trẻ chí già, lại xiết mấy thương dân phu phụ.
Chà Và, Khách trú, Ma Rốc, Lê dương,
Chết nhà, chết đướng, chết oan, chết dịch.
Đã bao thuở tối tăm mù mịt, nào ai cho đèn lửa khói hương?
Phải bây giờ sáng suốt lo lường, nhờ Phật chiếu hào quang gương tuệ.
Âm binh ơi, cô hồn!
Hễ:
Dầu phảng phất hôn ma, phách quế,
Nhưng sẵn sàng tâm pháp, tánh trời.
Về đây nghe kinh kệ hôm mai,
Cùng nhau chứng Thánh hiền Phật đạo".

***
Về câu đối, chỉ riêng tại chùa Phước Hậu Ngài để lại có đến hơn trăm câu, xin giới thiệu vài câu liên quan đến hai chữ Phước Hậu:
Hai câu dưới đây do Ngài tự dịch ra quốc ngữ:
Phước địa kiến pháp tràng, đả đảo thần quyền trừ oán tặc;
Hậu cơ doanh bảo điện, chấn hưng Phật lực định tâm vương.
Phước lớn nêu cờ phướn khắp nơi; trừ mê tín, dẹp quân thù, mượn quyền Thượng đế;
Hậu dày đúc nên chùa mỗi xứ; vững giác thành, yên tu sĩ, học phép tâm vương.
Phước lộc thọ, vương tướng quân dân, tổng giai thị nhãn tiền sự vật;
Hậu cao thâm sơn hà đại địa, đẳng vô phi thức nội sở năng.
Phước lộc chi, thọ yểu mà chi, vua chúa quan quyền trò dưới mắt;
Hậu bạc rứa, cao thâm cũng rứa, núi sông trời đất cảnh trong mơ.
   Câu thứ ba, thật dễ hiểu và cũng thật thú vị, so Phật với Dân, Phật đạo và Dân quyền:
Phước đức hữu nhân duyên, phàm kiến Phật tánh, niệm Phật danh, lập Phật hội, hoằng Phật kinh, cộng thành Phật đạo;
Hậu cao vô phân biệt, hoặc tu dân tâm, giáo dân học, vi dân quan, hành dân chính, bình đẳng dân quyền.

***
Cuối cùng xin dẫn ra một câu đối Nôm có thể nói là cực kỳ độc đáo của Thiền sư Khánh Anh, với ngôn ngữ đậm chất dí dỏm của các bác nông dân Hai Lúa miền Tây Nam bộ. 
Phước từ trước như bể cả sông sâu, thỏ lội ngập đầu, voi đi ướt đít;
Hậu về sau tợ đường dài đất rộng, cò bay thẳng cánh, chó chạy ngay đuôi.

Ý nghĩa? Liệu có phải câu đối trên chỉ đơn thuần tả cảnh chùa và đất làng Phước Hậu?  

Hãy thử tìm hiểu, sao ở đây lại có chuyện “thỏ” với “voi”, mà lại lội sông, lội biển? Và “bể cả sông sâu” mức nào mà “ngập đầu thỏ” đã đành, nhưng lại chỉ “ướt đít voi”?

"Bể cả sông sâu" làm ta chợt nhớ tới một câu ca dao cổ:
Lênh đênh một chiếc thuyền từ
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm
Nhà Phật có câu: “Phật pháp như bể cả sông sâu" để chỉ cái thậm thâm vi diệu pháp! Hành giả, hãy coi chừng! Hành trình sang bờ bên kia (đáo bỉ ngạn) thật khó đấy mà cũng dễ đấy. Khó, dễ tùy theo người, là thỏ hay là voi.
Kẻ non gan (thỏ đế), non tầm (nhỏ ... như con thỏ ;) ), không cẩn thận thì “ngập đầu”, chết đuối thật chứ chẳng chơi, nhưng đối với các bậc “đại hùng, đại đởm, đại căn, đại trí”, thì việc vượt sông, vượt bể (đáo bỉ ngạn) chẳng qua cũng như chuyện “voi đi ướt đít” mà thôi. Vấn đề là ở chỗ, nếu hành giả có đầy đủ lòng dũng cảm, quyết vượt qua mọi trở ngại gian nan trên con đường tu tập thì một ngày nào đó chính “thỏ” sẽ chuyển hóa thành “voi” -  Như đức Cồ Đàm đã chỉ rõ:“Ta là Phật đã thành và các ngươi là Phật sẽ thành”.
Này Thỏ, đừng có "hãy đợi đấy"! Hãy cứ dũng cảm vượt qua, và “hậu về sau”, qua bến bờ kia, là bao la đường dài, đất rộng...
Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha...
Hãy vượt qua, hãy vượt qua đi, qua bờ bên kia đi, qua bờ bên kia đó là Giác ngộ. 
Gate Gate Pàragate Pàrasamgate Bodhi Svaha...

----------------
(Viết vội nhân ngày Phật Đản)

2 nhận xét:

  1. Tỉnh Quảng Ngãi có nhiều danh tăng bác Lý ạ.

    Cảm ơn bác đi nhanh bài này.

    Trả lờiXóa
  2. Cái gì ko biết mà chả ngập đầu, cái gì biết rồi mà chả ướt đít??? Cứ diễn như vại thì cái qué gì chả cao thâm???

    Trả lờiXóa