Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

"Yêu" nhau rào dậu cho kín.



Nhiều bữa đọc báo thấy thiên hạ nện nhau ì xèo, bỗng lẩn thẩn tự hỏi biên giới là gì?
Ai chả biết, biên giới là cái lằn ranh để phân định lãnh thổ giữa nước này với nước khác. Chẳng những có biên giới trên đất liền mà còn trên biển, trên không và rồi còn có cả biên giới sâu trong lòng đất nữa kia. 
Đấy là nói về biên giới quốc gia, còn trong một quốc gia, thì có địa giới vùng, địa giới tỉnh, địa giới huyện, làng xã.... Xuống đến từng nhà, thì “biên giới” thường được cụ thể hóa bằng cái hàng rào.
Giá đừng có dậu mùng tơi
Thế nào anh cũng qua chơi thăm nàng
Anh muốn thăm nàng thì xin anh đàng hoàng qua cổng,
Chứ đừng chui rào ba em uýnh, em hổng dám bênh ...

Thời sơ tán bom Mỹ, cuộc xung đột “biên giới” đầu tiên mà mình chứng kiến, là cuộc “khẩu chiến” có kèm múa minh họa giữa hai bà hàng xóm. Ở đây, “đường biên” là một cái hàng rào thưa bằng nứa và kẻ vượt biên là một ả gà mái một đi không trở lại.
11-7991-1439603673.jpg
Đường biên giới giữa hai thị trấn Baarle-Hertog (Bỉ) và Baarle-Nassau (Hà Lan)
À thì ra “biên giới” là nơi mà con người ta hay “choảng” nhau nhất. Xung đột, có khi khởi nguồn từ chuyện con gà chui qua cái hàng rào, rồi bùng lên thành chiến tranh, nước nọ choảng nước kia, rồi cháy lan ra, thiên hạ đại loạn. Xét cho cùng ngòi lửa đầu tiên bao giờ cũng được nhen nhóm từ một cái chỗ nào đó gọi là “biên giới”. Và kết thúc cuộc chiến thì việc đầu tiên người ta làm, là chia lại “đường biên”.
Lại tự hỏi “biên giới” hình thành ra sao?
Với loài sư tử, thì “biên giới” có thể được xác định bằng pham vi lan tỏa âm thanh của tiếng gầm, may là bọn sư tử đến giờ vẫn chưa biết dùng loa phóng thanh. Loài gấu thì phân chia lãnh thổ bằng các vết cào xước trên thân cây. Và loài chó, chẳng sủa nhiều, chúng ghếch một chân sau lên, đánh dấu bằng mùi nước tiểu. 
Với con người biết suy nghĩ (Homo sapiens), khái niệm “biên giới” liệu có manh nha từ khi chàng người vượn đầu tiên biết kê những cục đá chặn cửa hang ngăn cách bầy đàn với đám thú dữ?
Hay nó bắt đầu muộn hơn, khi những người săn bắt đã chán cuộc sống du mục. Họ định cư, đóng cọc chăng dây ngăn không cho những con thú được thuần hóa của mình vượt ra ngoài vòng kiềm soát?
Theo lý thuyết chính thống, thì khái niệm “biên giới” ra đời cùng với sự hình thành nhà nước và lãnh thổ. Các nhà nước sơ khai đầu tiên xuất hiện  ở lưu vực sông Nin, sông Ấn, sông Hằng... và thường lấy cả một vùng tự nhiên và rộng lớn như sông hồ, đồi núi, sa mạc... làm vùng ranh giới. Một vùng, chứ không phải một đường như bây giờ.
Như vậy “biên giới” ban đầu của loài người lại chẳng phải do con người tạo ra mà là do trời định, thật đúng là “tiệt nhiên định phận tại thiên thư”. Cái vùng trời định này, theo thời gian, hẹp dần rồi biến thành cái “đường biên” như bây giờ.
Sau này thì “biên giới” mới do người “định”. Nhưng không phải ai, người nào cũng “định” được. Phải là kẻ mạnh. Sau mỗi cuộc tranh chấp thì kẻ thắng sẽ là người phân định “biên giới”. Thời trước, người Anh tự hào rằng “mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh” và sau hai cuộc chiến tranh thế giới thì các nước thắng trận đã chia nhau vẽ lại bản đồ thế giới. Hồi 196x, cụ Diệm Tổng thống VNCH cũng từng “định”, rằng “biên giới của Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17”. Chỉ có điều cụ và người Mỹ chưa “thắng” mà đã tuyên bố sớm như vậy là “hơi bị” lố bịch.

Xét ra, “biên giới” lại là động lực để cho loài người phát triển khoa học vũ khí, nôm na là giải quyết vấn đề làm sao để giết được nhiều hơn, nhanh hơn và rẻ hơn. Ban đầu vũ khí chỉ là cành cây, hòn đá sau chuyển sang cây mâu, cái thuẫn và nay là tên lửa đạn đạo, bom hạt nhân và vũ khí sinh học. Sự tiến bộ về khoa học và công nghệ của con người giúp tăng cường hiệu quả cùng mở rộng phạm vi sát thương của vũ khí. Mỗi ngày mỗi "tiến hóa" và khả năng tàn sát đồng loại tăng trưởng đến mức không thể kiểm soát.
Tạo ra lắm thứ để giết nhau như vậy nhưng bản chất con người lại là một sinh vật thiển cận và mong manh. Họ có thể gây ra những cuộc giết chóc lớn lao mà nguyên nhân có thể rất vớ vẩn là từ cái hàng rào nhà nó nhà ta. Nhưng chỉ cần họ đi máy bay và nhìn từ trên cao xuống, thì họ sẽ chẳng thể phân biệt đâu là biên giới nước này nước khác. Và nếu vượt lên một tầm cao hơn, như các nhà du hành vũ trụ, thì hành tinh của chúng ta chỉ còn là một chấm xanh. Khi ấy, khái niệm về biên giới liệu có còn lý do để tồn tại?
Vậy mà hiện nay, đường biên giới trên không được xác định là hình chiếu thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và trên biển, cứ thế chiếu thẳng mãi vào không gian bên ngoài. Nghĩa là chưa có quy định về điểm dừng. Vì thế có một điều khôi hài lố bịch xảy ra là quốc gia nào cũng có những thời điểm có quyền sở hữu hoặc có quyền cấm hay cho phép mặt trăng, mặt trời đi ngang... khi nó bay trên “vùng trời” của mình.
Đường biên giới bên trong lòng đất cũng thế, được xác định theo phương thẳng đứng trên cơ sở các đường biên giới trên đất liền và trên biển. May mắn là đường này được mặc định là chỉ kéo dài đến tâm của trái đất mà thôi, chứ không thì hành tinh của chúng ta sẽ có ngày trở thành quả cầu thủng dưới tay những kẻ mạnh.
Thực tế ngày nay, các công ty đa quốc gia có thể dễ dàng xuyên thủng các biên giới để nhắm tới các mục đích của họ. Tháng 11/2001, Tổng thống Mỹ Bill Clinton nói tại đại học Havard: “Các bạn đang sống trong thời đại phụ thuộc lẫn nhau. Biên giới không còn quan trọng, không thể ngăn chặn được nữa, dù đó là điều tốt hay xấu”. 
Trong thời toàn cầu hóa ngày nay, một vài học giả phương Tây đã đưa ra những luận thuyết về “chủ quyền tương đối”, trong đó “biên giới” không còn ý nghĩa trong việc ngăn chặn những tác động ngoại lai từ các cộng đồng khác, thậm chí còn là vật cản trong quan hệ kinh tế toàn cầu, làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa và hạn chế tính cạnh tranh của thị trường. Từ đó có sự hình thành Liên minh châu Âu, khối Schengen (đi lại trong khu vực không cần visa).
Và ngày nay, người ta hoàn toàn có thể phân định và quản lý biên giới bằng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) với các thiết bị hiện đại khác. Vì vậy những cột mốc biên giới đến một ngày nào đó sẽ chỉ còn mang tính biểu tượng. Xu hướng hiện nay là thiết lập các “đường biên mềm” như ở các nước châu Âu.


2-3614-1439603672.jpg
Đường biên giới giữa Seebad Heringsdort, Đức (trái) và Swinoujscie, Ba Lan (phải) chính là điểm kết thúc của chiến tranh thế giới thứ hai.
3-1584-1439603672.jpg
Cột mốc biên giới số 576 giữa Pháp và Tây Ban Nha được dán một tờ quảng cáo.
4-5762-1439603672.jpg
Biên giới Thụy Sỹ và Italy trên dãy Alps là một hàng cột chăng dây mỏng manh

7-2004-1439603673.jpg
Một cây cọc nhỏ xíu đánh dấu ranh giới biển Baltic giữa Lithuania và Latvia.
6-7564-1439603672.jpg
Lưỡng quốc nhà hàng được mở tại  Đức và Thụy Sỹ. 
9-2468-1439603673.jpg
Chị kia đang vượt biên từ Pháp sang Italy. 

12-3784-1439603674.jpg
Biên giới Italy (trái) và  Áo (phải).

14-8979-1439603674.jpg
Sau cửa hàng kẹo Leonidas là nước Bỉ, còn phía trước là Pháp.

"Thế giới phẳng" thật rồi sao? Chưa đâu, mới đây, khi làn sóng nhập cư ồ ạt tại các nước châu Âu trở nên không thể kiểm soát, thì các thể loại dây thép gai, tức là “đường biên cứng” lại được một số nước châu Âu thiết lập trở lại. Thậm chí, hôm 17/9, phát ngôn viên Chính phủ Hungary Zoltan Kovacs cảnh báo rằng "những người di cư xô xát trên khu vực biên giới Hungary – Serbia là “những kẻ xâm lược” không chỉ đối với Hungary mà còn với toàn lãnh thổ châu Âu".




Riêng đối với Việt Nam thì việc xây dựng hệ thống cột mốc biên giới như hiện nay là tối cần thiết. Trước hết cứ phải phân định rạch ròi, tránh tranh chấp cái đã. Nhất là đối với các đoạn tuyến có thể biến đổi theo thời gian như sông suối ao hồ, chỗ nào thống nhất được thì phải thực hiện phân chia đóng mốc ngay, và GPS hóa luôn.

Các cụ dạy rồi: "Yêu" nhau rào dậu cho kín, cứ thế mà làm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét