Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

Để tôi tự xử...



Entry này trả lời câu hỏi: Tại sao mình đọc sách cụ Nguyễn Hiến Lê không "vào"?
--------------------------------


Trong bốn cụ này mình cực kỳ hâm mộ cụ có râu.

Cụ Nguyễn Hiến Lê là một tên tuổi lớn trong giới học giả miền Nam, chuyên về biên khảo và dịch thuật, được nhiều người trong giới cầm bút đánh giá cao cả về nhân cách lẫn học thuật.
Nhiều anh chị, vốn là dân sinh viên, học sinh Sài Gòn cũ gọi cụ là “bậc thầy của bậc thầy”. Chưa nói đến các tác phẩm “học thuật” rất kén người đọc, chỉ riêng những cuốn thuộc loại “học làm người” của cụ đã trở thành sách “gối đầu giường” với vài thế hệ. Nhất là vào cái hồi mà dòng chảy văn chương Saigon đua nhau nói đến những "hiện sinh", "siêu hình học", những "hố thẳm", "nôn mửa" và "lạc loài" thì Nguyễn Hiến Lê “độc lưu”, cung cấp cho tuổi trẻ những kiến thức để giải quyết các vấn đề cụ thể và thực tiễn qua bộ sách này.
Mình từng vài lần bị các anh chị ấy mắng vì cái tội bạo miệng xét nét cụ Lê. Kể ra thì cũng tại mình hay hồ đồ phang ngang. Những lúc ấy, xin nhận khuyết điểm, và tự phạt một ly.
Nhưng thú thật, khẩu phục mà lòng vẫn chưa thông, nên hôm nay tự nguyện xin thêm vài ly nữa hehe.
Sách của cụ Nguyễn Hiến Lê xuất bản cũ mới khoảng hơn trăm cuốn, mình chỉ mua được chừng chục cuốn gì đó, thỉnh thoảng lôi ra ngắm nghía. Chỉ vậy thôi, chứ đọc không vào, cứ được độ mươi trang là bỏ. Ra hiệu sách đọc lướt, cũng không vào.
Nghĩ mãi, không hiểu ra sao.
Từ khoảng 1976, mình đã được tiếp cận với một số sách truyện miền Nam do các anh lớn cùng lớp (bộ đội gửi học) thỉnh thoảng cho mượn. Đa phần là những cuốn truyện chưởng nhàu nát, mất đầu mất đuôi. Hồi ấy chưa hiểu lắm về thể loại “võ hiệp kỳ tình Trung hoa dân quốc” này, lại đọc lẻ, thiếu hệ thống, đọc trước quên sau nên không đánh giá cao, cho là loại "văn hóa đồi trụy", nói phét một tấc đến giời. Mãi cả chục năm sau mới ngộ ra, trong cái đống “một tấc đến giời” ấy có hàm chứa từ những triết lý sâu xa, những kiến thức về lịch sử, tôn giáo, y học, võ thuật, cho đến phong tục, tập quán, văn hóa Trung Hoa thời trước.
Một hôm anh Minh cho mượn cuốn Đắc nhân tâm. Cuốn này còn nguyên, không mất trang nào, lại thấy được bọc bìa nilon hẳn hoi. Anh Minh thì thào thì thào bảo đây là cuốn gối đầu giường của đám học sinh sinh viên miền Nam, quý lắm, quý lắm ông ạ. À thì ra ông anh cũng quý thằng em lắm, giờ mới cho mượn đây.
Mà không quý sao được, sách từng in mấy chục triệu bản, bán chạy nhất nước Mỹ trong nhiều năm liền kia mà?
Chúi mũi đọc lướt được chừng hai ba chương thì bỏ dở, đọc không còn thấy hứng thú nữa. Vì nội dung loanh quanh lẩn quẩn mỗi chuyện làm sao để gây được thiện cảm với thiên hạ. Để làm gì? Cái đích cuối cùng, là nhờ vậy mà ông Tom sẽ bán được mớ hàng tồn này hay ông Jery đã bán được món kia với giá cao hơn kẻ khác. Chán như con gián.
Vậy là ngay từ đầu, cuốn Đắc Nhân Tâm dù được gọi là “cẩm nang gây thiện cảm” lại khiến mình không có thiện cảm với chính nó. Như người ăn cơm nhai phải cục sạn, răng ê mất rồi chăng?
Sau này đọc hồi ký Nguyễn Hiến Lê lại biết chính cụ cũng nhận định rằng cuốn sách này “hơi có tính cách vị lợi”. Và vì thế cụ không muốn tái bản Đắc Nhân Tâm, mặc dù sách bán vẫn rất chạy, kể cả sau giải phóng.
Nhưng Đắc Nhân Tâm là cuốn sách dạy về lối sống, loại sách “học làm người”, có tính phổ thông, viết cho đối tượng đọc chủ yếu là thanh thiếu niên. Ta không thể đòi hỏi tính “học thuật” ở đó.
Thế còn với sách gọi là “học thuật” của cụ Lê thì sao?
Khi đất nước còn chưa thống nhất, giáo sư Đào Duy Anh đã đánh giá bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê (viết chung với Giản Chi) là "tác phẩm trội nhất từ trước tới nay trong loại của nó". Sau Giải phóng, một trong những học giả phía Nam đầu tiên mà cụ Đào ghé thăm là cụ Nguyễn. Rồi nhiều lần, mỗi khi cụ Đào từ Bắc vào đều đón xe ôm hay xích lô đến tận nhà chuyện trò cùng cụ Nguyễn. Đủ biết uy tín cụ Nguyễn và mối tương giao giữa hai nhà học thuật này đáng trân trọng đến chừng nào.
Vậy mà mình chê . Vì từng chơi dại, mua cùng lúc hai cuốn Nam Hoa kinh, một cuốn do cụ Lê biên khảo (Trang tử – Nam Hoa kinh) và một cuốn do Nhượng Tống dịch (Nam Hoa kinh).
Lại trót đọc bản Nhượng Tống trước, vì nó mỏng(!). Đọc bản của Nhượng Tống rồi thì đâm ra “mất hứng” với bản của cụ Lê, như vừa được xơi một món quá ngon, ngay sau đó lại “bị” ăn tiếp vẫn món đó, nhưng do một đầu bếp khác, dẫu không hẳn là kém tài, chế biến.
Nhưng cũng phải rào trước rằng, khen chê một món “ngon” hay không đều có tính chủ quan, kiểu như Tây ăn mắm. “Ngon” hay “không ngon”, ngoài do tay nghề hay dở của đầu bếp còn do cái “khiếu ẩm thực” của người thưởng thức có "hạp" hay không, nói văn vẻ thì là còn tùy thuộc vào năng lực tiếp cận của người đọc. Với mình thì bản Nam Hoa kinh do Nhượng Tống dịch là “ngon” nhất trần đời rồi, còn ai yêu thích các bản khác (Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần...), xin tùy hỉ.
Là vì bản dịch của Nhượng Tống giữ được cái âm điệu của cổ văn đồng thời bám sát nguyên văn chữ nghĩa tù mù mờ ảo của Nam Hoa kinh. Nó thôi thúc người đọc phải tự khám phá, nhờ thế người đọc cứ việc tự do cảm nhận, xét đoán, mặc tình thả bộ Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi, đi lên đi xuống đã đời du côn (Tiêu diêu du) hay đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành (Tề vật luận) cùng hiền nhân Trang tử.
Bản Nguyễn Hiến Lê, nguyên liệu chính đương nhiên vẫn là như vậy, nhưng lại được gia vị thêm vào nhiều thứ. Nào là giới thiệu tác giả tác phẩm, nhận định, so sánh, đánh giá ưu, nhược điểm, bình chú, luận giải, cách dịch... Phần dịch thuật Trang tử  lại dụng lối văn hiện đại, là văn Tây. Tuy có dễ đọc, dễ hiểu thật đấy nhưng lại làm át đi hương vị đặc sắc của món chính, món thiết yếu, là cái tư tưởng, cái hồn cốt đạo “vô vi” của cổ nhân.
Ấy thế mà ngay từ đầu, chính cụ Lê lại hướng dẫn cách đọc: Khi đọc Trang tử phải “tạm bỏ tinh thần lí luận của ta đi, rán dùng trực giác để tìm hiểu Trang, nhời Trang khuyên khi tìm hiểu đạo, phải bỏ thành kiến của ta đi, dùng ngay lời của Trang mà giảng Trang”. (Trích cuốn Trang tử – Nam Hoa kinh).
Tưởng người đọc, nếu thực sự muốn bỏ lý luận, dùng trực giác để tìm hiểu Trang như cụ Lê dạy thì nên đọc bản của Nhượng Tống mới phải. Đúng ra thì bản dịch Nam Hoa kinh của Nhượng Tống là để dành cho những người thích cảm, còn sách Trang Tử – Nam Hoa kinh của cụ Lê thì hữu ích cho những ai thích luận.
Mình thuộc dạng thích đùa. Thành ra với mình, món ăn của cụ Lê dọn ra tuy có tên trong menu là “Trang Tử – Nam Hoa kinh” thật đấy, nhưng nếm vào thì đã thành “Nguyễn Hiến Lê – Nam Hoa kinh” mất rồiÔng Trang tử Tiêu diêu du, cụ Nguyễn Hiến Lê thế chỗ.
Không hiểu có phải do cái ấn tượng tệ hại từ “cái thủa ban đầu lưu luyến ấy” với Đắc Nhân Tâm và sau là với Trang Tử – Nam Hoa kinh hay không mà cho bây giờ cũng không thể đọc được trọn vẹn cuốn nào của cụ Nguyễn Hiến Lê, ngoại trừ cuốn Hồi ký và cuốn Để tôi đọc lại.
Đọc hai cuốn này, thì thấy nổi bật lên ở cụ một tấm gương tự học, đức kiên nhẫn và khiêm nhường, tinh thần làm việc miệt mài mà lại cẩn trọng, sự tôn trọng khách quan và thái độ nhân bản. Trên hết, là nhân cách của một bậc trí thức thứ thiệt. 
Nhưng, vẫn lại nuốt thêm một cục tức nữa khi đọc Hồi ký. Cái tức này có thể là do mình quá săm soi xét nét nhưng sự khắt khe ấy chắc chắn xuất phát lòng tôn kính đối với cụ Lê mà ra, vì thế nó chưa hẳn đã là của riêng mình.
Mình cứ ấm ức mãi ở cái chỗ sao trong hồi ký, cụ cứ nhắc đi nhắc lại hơi bị nhiều về cái giải thưởng mà cụ đã từ chối phắt từ đời tám hoánh (nay lại còn tỉ mẩn quy ra tiền, ở thời điểm hồi ký)?
Khi xưa, cụ đã coi đó là thứ phù phiếm rồi kia mà, giờ còn so đo đong đếm làm gì?
Hay là bởi cụ khi từ chối giải thưởng là đã quyết chí Tiêu diêu du rồi, nhưng về già vẫn chưa thể quên Tề vật luận?
Cái tội bỡn cợt láo toét với các bậc thầy, trước sau cũng bị chửi. Và đáng bị chửi. Thôi thì các bác đưa cả chai đây. Để em tự xử. 


-------
TB: Tít bài (Để tôi tự xử) được gợi ý từ tên sách "Để tôi đọc lại" của cụ Nguyễn.

6 nhận xét:

  1. Lâu lắm rồi tôi cũng không đọc Nguyễn Hiến Lê nữa bác Lí ơi.

    Bài này của bác rất chân tình với cụ, tôi xin về bên tôi, nhé bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậng, bác Giao cứ tự tiện. Tôi vì vừa đi "du lãng" (chữ "thuổng" từ bác) hơn tuần nên chậm trả lời.

      Xóa
  2. Cụ Nguyễn viết hồi ký so đo cái giải thưởng vì lúc đó cụ đã nghèo khổ quá nên phải so đo thôi. Cái đói có chừa ai đâu. Viết mà không nhìn đến hoàn cảnh, không học văn học sử thì... chỉ đến thế mà thôi. Ba chén nữa đi!!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Nặc này định khen hóa ra thành chê cụ Nguyễn.

      Xóa
  3. Đời tôi đọc các thể loại best seller có lẽ cũng thuộc loại nhiều, nhưng cuốn Đắc Nhân Tâm của Nguyễn Hiến Lê là nhớ đời nhất. Hồi đó mới vào học cấp ba, ông thầy chủ nhiệm vốn là giáo sư thuộc hàng đầu ngành ở Việt Nam nói chúng mày phải đọc quyển ấy mới nên người. Thế là cái thằng tôi phải mò ra hàng sách cũ mua với giá cắt cổ. Đọc một mạch xong đem khoe ầm ĩ, bà già vốn ít học nhưng từng trải ở đời bảo đưa sách bà xem, xem xong bà già nói, tao đúng là sai lầm, mất tiền cho mày học trường danh giá cuối cùng để đọc ba cái sách tào lao không. Sau này thấy bà già nói đúng phóc, he he he.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác còn kiên nhẫn đọc hết là giỏi đấy. Tôi đọc được ít trang, mất hứng, lại quay về với "chưởng". Nhưng phải nói là sách này bán chạy lắm, bây giờ vẫn còn hai ba chỗ cùng xuất bản và kiện cáo nhau về bản quyền (Nguyễn Q Thắng và Cà phê Trung nguyên thì phải).

      Xóa