--------
Tỉnh Hà Tĩnh - ông Cự cấp phép:
Khu
kinh tế Vũng Áng được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số
72/2006/QĐ-TTg ngày 03/4/2006 có diện tích 22.781ha với mục tiêu đầu tư xây
dựng, phát triển đa ngành, đa lĩnh vực với trọng
tâm số một là phát triển
các ngành công nghiệp luyện kim gắn với lợi thế về tài nguyên, nguồn nguyên
liệu; các ngành công nghiệp gắn với khai thác cảng biển, công nghiệp thép,
trung tâm nhiệt điện và lọc hóa dầu.
Ngày 21-5-2008, Formosa nộp đơn đề nghị cấp Giấy
chứng nhận đầu tư và ngày 12-6-2008, Ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng do ông Võ
Kim Cự là Trưởng Ban cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu số 282023000001 cho
Công ty này với thời hạn hoạt động của dự án là 70 năm.
Vào thời điểm đó, điều 52 của Luật Đầu tư 2005
quy định: “Thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với
yêu cầu hoạt động của dự án và không quá 50 năm; trường hợp cần thiết, Chính
phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không quá 70 năm”.
Như vậy cái sai không thể biện hộ của ông Cự là
ông đã cấp phép vượt thẩm quyền so với quy định tại Luật đầu tư năm 2005. Vì
với trường hợp cấp phép đầu tư trên 50 năm, vào thời điểm ấy phải do Chính phủ
quyết định.
Việc thanh tra dự án Khu kinh tế Vũng Áng tiến hành từ ngày
2-11-2012 theo Quyết định số 2855/QĐ-TTCP của Thanh tra Chính phủ và kéo dài
cho đến ngày 3-7-2014, khi Thanh tra chính phủ lập bản Kết luận thanh tra số 1538/KL-TTCP.
Nhưng cũng phải đợi (hai năm và bốn tháng) đến ngày 25-3-2015, thì ông Nguyễn
Đức Hạnh Phó Tổng Thanh tra Chính phủ mới công bố (1) bản Kết luận thanh tra nói trên,
kèm theo (2) là các chỉ đạo
của Chính phủ sau thanh tra.
Tuy
nhiên, vì thời gian kéo dài, nên đến thời điểm ông Hạnh công bố Kết luận thanh
tra thì Luật Đầu tư 2005 sắp được thay thế bởi Luật đầu tư mới (2014), (đã ban
hành tháng 11-2014, có hiệu lực vào 1-7-2015). Theo Luật này (điều 43) thì: “Thời hạn hoạt động của dự án đầu
tư trong khu kinh tế không quá 70 năm”, nghĩa là đến khi áp dụng Luật mới,
thì ông Cự mặc nhiên đã “hết sai”.
Đó là lý do tại
sao các ông Thanh tra Chính phủ giờ đây rất cẩn thận khi luôn nói “đối chiếu với hồ sơ tại thời điểm
thanh tra” tức là gắn liền việc “cho
Formosa thuê đất 70 năm” với “thời điểm thanh tra, là năm 2012”.
Mặt khác, theo báo Dân trí, trước khi công bố Kết luận thanh tra,
tại cuộc họp báo ngày 23-1-2015 do Thanh tra Chính phủ tổ chức, ông Trần Đức
Lượng - Phó tổng Thanh tra Chính phủ, giải thích rằng: “Hiện nay, pháp luật vẫn có độ vênh
về vấn đề này nên Thanh tra Chính phủ phải báo cáo Thủ tướng”.
Và: “Theo luật đầu tư thì Hà Tĩnh có thẩm
quyền cấp phép 50 năm, nếu muốn cấp 70 năm thì phải báo cáo cấp trên quyết
định. Nhưng trong Luật Đất đai lại quy định có chỗ có thể cấp phép 70
năm. Thế nên quá trình thanh tra phải đánh giá trên cơ cơ sở pháp luật,
điều quan trọng là xem việc đó có ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, phát triển
kinh tế - xã hội của dự án đó không. Hiện nay Chính phủ có chủ trương bảo
đảm, tạo điều kiện thuận lợi các dự án đó vì đời sống, công ăn việc làm cho người
dân địa phương. Vì vậy, việc cấp đất 70 năm, nếu so với pháp luật đầu tư thì
không đảm bảo nhưng pháp luật đất đai lại được vận dụng, yếu tố hợp lý là ở
chỗ đó”.
Thanh tra Chính phủ - “chỉ đường” sang Bộ KHĐT:
Bản Kết luận của Thanh tra Chính phủ lập ngày
3-7-2014 nêu rõ: “Việc Ban
quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cấp Giấy chứng nhận đầu tư với thời hạn 70 năm cho
nhà đầu tư Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa khi chưa được Chính phủ
đồng ý là vi phạm điều 52 Luật Đầu tư 2005. Trách nhiệm thuộc về
thường trực UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý KKT Vũng Áng”.
Trong phần Kiến nghị, một mặt, Thanh tra Chính
phủ yêu cầu: “Kiểm điểm nghiêm
túc tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm, khuyết điểm nêu trong kết luận
này trên nguyên tắc xử lý khách quan, kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Xử
lý sai phạm sau kiểm điểm một cách nghiêm túc, đúng người, đúng lỗi. Trường hợp
phát hiện có dấu hiện vụ lợi cá nhân chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự”.
Nhưng mặt khác, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị: “Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì
xem xét, xử lý việc cấp Giấy chứng nhận đầu
tư cho Công ty Formosa 70 năm sai quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư
2005 và các quy định của pháp luật có liên quan”.
Đề nghị này, có thể nói vui theo kiểu dân gian là “giơ cao đánh khẽ”, thậm chí có
thể coi là việc “vẽ đường cho
hươu chạy” của các ông Thanh
tra Chính phủ, vì như trên đã nói, theo Luật Đầu tư mới thì ông Cự “sắp đúng”
và chủ trương của Chính phủ thì nhằm “bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi các
dự án đó vì đời sống, công ăn việc làm cho người dân địa phương” như ông Vượng, Phó Tổng Thanh tra
đã phát biểu tại cuộc họp báo trước khi công bố Kết luận thanh tra hai tháng.
Bộ Kế hoạch đầu tư đề
xuất:
Ngày 25-1-2014, Văn phòng Chính
phủ có Văn bản số 290/TB-VPCP, yêu cầu: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì,
phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét báo cáo Thủ tướng Chính
phủ việc đúng sai trong việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Formosa
thời hạn 70 năm”.
Ngày 1-8-2014, Bộ Kế hoạch đầu tư ra văn bản số
308/BKHĐT-QLKKT đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định thời hạn là 70 năm
trong Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho dự án.
Cũng phải thôi, vì Bộ Kế
hoạch đầu tư là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật đầu tư 2014, đã được Quốc hội
thông qua vào tháng 11-2014, trong đó, thời hạn cho thuê đất trong các khu kinh
tế được nới rộng (từ 50 năm) lên đến 70 năm như đã quy định tại Điều 43: "Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong khu kinh tế không quá 70 năm".
Ngoài ra, theo một tờ
báo, thì Bộ kế hoạch đầu tư chính là nơi từng giới thiệu nhà đầu tư Tập đoàn
Hưng Nghiệp Formosa với tỉnh Đà Nẵng nhưng không thành công. Sau đó Formosa mới
chuyển sang “bén duyên” cùng Hà Tĩnh. Chưa rõ Hà Tĩnh có phải nhờ vào sự “mai mối” của
Bộ này hay không.
Chính phủ chấp thuận:
Ngày 14-11-2014, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 9127/VPCP,
cho biết ý
kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý với đề nghị của Bộ
KHĐT tại văn bản 308 nói trên. Ngày 30-1-2015, Văn phòng Chính phủ tiếp
tục có văn bản 826/VPCP, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần nữa khẳng định rõ
hơn ý kiến của Thủ tướng Dũng: “Đồng ý với đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Văn bản số 308/BKHĐT-QLKKT ngày 01 tháng 8 năm 2014) tiếp tục giữ nguyên quy
định thời hạn là 70 năm trong Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho dự án”.
Ảnh coppy từ báo Dân sinh số ngày 04-03-2015 |
Các văn bản này, cũng chính là phần (2) - các chỉ đạo của Chính phủ sau thanh tra đã được ông Nguyễn Đức Hạnh Phó Tổng
Thanh tra chính phủ công bố ngày 25-3-2015 tại tỉnh Hà Tĩnh, kèm theo phần (1)
là bản Kết luận thanh tra lập ngày 3-7-2014.
Văn bản số 9127/VPCP ngày 14-11-2014
của Văn phòng Chính phủ có tiêu đề về việc “Xử
lý sau thanh tra” và văn bản
số 826/VPCP ngày 30-1-2015 có tiêu đề về việc “Công bố kết luận thanh tra”.
Điều này được một số người diễn giải rằng Chính phủ “bị” Hà Tĩnh đặt trước một
sự việc đã rồi nên “phải” chấp thuận thời hạn 70 năm trong giấy Chứng nhận đầu
tư của Formosa.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên vào thời điểm 2015 này thì Quốc
Hội đã ban hành luật Đầu tư mới và việc áp dụng thời hạn 70 năm cho các dự án đặc
biệt như Vũng Áng chẳng những phù hợp với Luật Đầu tư mà còn phù hợp với cả các
bộ Luật (về) Đất đai năm 2003 và 2013. Vậy thì việc Chính phủ “tiếp tục giữ
nguyên” quy định thời hạn này là điều hợp lý và hoàn toàn không phải do “bị động”
trước “việc đã rồi”, buộc phải giải quyết hậu quả từ việc "lỡ" cấp phép của cá nhân ông Cự.
Lưu ý là Thanh tra Chính phủ hoàn thành bản Kết luận Thanh
tra vào 3-7-2014 nhưng phải 8 tháng sau đó, vào ngày 25-3-2015 mới công bố với
tỉnh Hà Tĩnh. Khi đó đã có ý kiến của Thủ tướng đồng ý giữ
nguyên quy định thời hạn là 70 năm trong Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho dự
án đối với công ty Formosa. Chỉ đạo này của Chính phủ cũng được Thanh tra
Chính phủ công bố cùng với bản Kết luận thanh tra.
Vậy thì ông Cự có sai, nhưng vấn đề không hoàn toàn nằm ở chỗ thời
hạn cấp phép 70 năm. Và ông sai chỗ nào thì Thanh tra chính phủ cũng đã
chỉ rõ trong văn bản kết luận, đó là việc “vượt thẩm quyền” khi cấp phép.
Thầm nghĩ, nếu chẳng có vụ Formosa xả thải gây họa, biết đâu
ông Võ Kim Cự “vượt rào” này lại chẳng được phong Anh hùng lao động như bà Ba
Thi – Sài Gòn hoặc xưa hơn là bác bí thư Kim Ngọc – Vĩnh Phú.
----
không có quyền mà cũng cấp phép
Trả lờiXóa