Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

Vài nhân vật quanh chuyện sáng tác bản Tiến quân ca




-------------
Nguyễn Đình Thi - người đầu tiên hát Tiến quân ca:
Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân đồng bào họp ở Tân Trào bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (Chính phủ lâm thời ). Cũng trong Đại hội này, lần đầu tiên vấn đề Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tương lai đã được đặt ra. Ba ca khúc được “tiến cử” gồm “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Minh” (đều của Văn Cao) và “Diệt phát xít” ( Nguyễn Đình Thi).
Sáng sớm ngày 16-8-1945, đích thân Cụ Hồ nghe tổng duyệt ba bài hát. Người trình bày là một ca sĩ "bất đắc dĩ": nhà văn, nhà thơ kiêm nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, bấy giờ là một thành viên trong Hội Văn Hóa Cứu quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên Nguyễn Đình Thi hát ca khúc Tiến quân ca nhưng chính ông,  ngay tại nơi bài hát được viết ra (căn gác số 45 phố Nguyễn Thượng Hiền),  trước mặt Văn Cao, đã xướng âm lần đầu tiên nhạc điệu bài hát đó và có lẽ vào thời điểm ngay sau khi Văn Cao đặt dấu Coda trên khuôn nhạc.
Thi bảo với Văn Cao: “Văn ạ, chúng mình thử mỗi người làm thêm một bài về Mặt trận Việt Minh xem sao”. Sau đó, Nguyễn Đình Thi viết ca khúc “Diệt phát xít” và Văn Cao viết “Chiến sĩ Việt Minh” (sau này đổi thành “Chiến sĩ Việt Nam”).
Tại Tân Trào, nghe Nguyễn Đình Thi hát xong cả ba bài hát trên, Cụ Hồ nhận xét:
“Bài “Diệt Phát xít” của chú Thi rất hay, ngắn gọn dễ hát. Nhưng chủ nghĩa phát xít đã tan rã rồi nên không phù hợp với tình hình hiện nay nữa. Bác rất thích bài “Chiến sĩ Việt Minh”, đặc biệt là đoạn kết: Thề phục quốc/ tiến lên Việt Nam/ Lập quyền dân/Tiến lên Việt Nam/ Đài hạnh phúc, đắp xây tự do/ Việt Nam tranh đấu chống quân ngoại xâm. Nhưng bài này dài lại khó hát, nếu lấy làm Quốc ca nhân dân đứng chào cờ sẽ mỏi chân. Theo  Bác, bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao ngắn gọn, hùng tráng, dễ hát, dễ phổ cập. Bác quyết định lấy bài này làm Quốc ca. Chú chuẩn bị ngay cho đội đồng ca tập để chiều nay báo cáo trước Đại hội”.
Chiều hôm đó, theo đề xuất của Cụ Hồ, Chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, Đại hội Quốc dân đã nhất trí biểu quyết chọn Quốc ca là bài hát Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao.
Đầu năm 1946, Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chính thức công nhận Tiến quân ca là Quốc ca Việt nam.
Văn Cao và Vũ Quý- những bước chân đầu tiên trên đường gập ghềnh xa  
Ca khúc Tiến quân ca được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác trước đó khoảng gần một năm, khởi đầu vào khoảng tháng 10-1944, khi ông chuẩn bị bước sang tuổi 21. Điều thú vị nằm ở ngay ở chỗ xuất xứ của ca khúc này: bài hát được Văn Cao “viết theo đơn đặt hàng” từ một đàn anh đồng hương Hải Phòng, vốn là một thủ lĩnh Hướng đạo sinh, từng khuyến khích và huấn luyện ông trong các hoạt động văn hóa thể thao, thời Văn Cao còn ở Hải Phòng. Đó là ông Vũ Quý, Vũ Quý hơn Văn Cao 9 tuổi.
Một ngày đầu  mùa Thu năm 1944, Văn Cao gặp lại Vũ Quí tại ga Hàng Cỏ, hai người đưa nhau vào tiệm cơm Văn Phú ở đầu phố Hàng Lọng hàn huyên tâm sự. Bấy giờ, ông Vũ Quý đã là một cán bộ Việt Minh gạo cội, ủy viên của Ban cán sự thành phố Hà Nội (tương đương Thành ủy).
Khi ấy, trong thâm tâm, Văn Cao vẫn cứ nghĩ “làm cách mạng là phải bỏ văn nghệ, con đường của người làm cách mạng là phải thoát ly, phải hy sinh như gương chiến đấu của các đồng chí” và thầm mong Vũ Quý giao cho mình một khẩu súng, kèm theo một nhiệm vụ trong một đội vũ trang trừ gian diệt bạo. Nhưng không, ông Vũ Quý chỉ thong thả nhắc lại những hoạt động nghệ thuật của Văn Cao trong những năm tháng hoạt động tại Hải Phòng với các bài hát yêu nước như: “Hò kéo gỗ trên sông Bạch Đằng” (1941), “Gò Đống Đa” (1942), “Thăng Long hành khúc” (1943)…
Sau, ông nói với Văn Cao: “Hiện nay trên chiến khu thiếu bài hát, phải dùng những bài hát của Hướng đạo sinh. Khóa  quân chính kháng Nhật sắp mở. Văn hãy soạn một bài hát cho đội quân Cánh mạng của chúng ta”.
“Bài hát đó phải là một tiếng kèn xung trận, một hiệu lệnh xuất quân. Mình tin ở khả năng của Văn, cố gắng hoàn thành sớm, còn nhiều công việc quan trọng Văn sẽ phải đảm nhiệm đấy”.
Khi bài hát đã xong, Văn Cao nhớ lại nụ cười thật hài lòng của đồng chí Vũ Quý. Da mặt anh đen sạm, đôi mắt và nụ cười của anh lấp lánh.
Từ Vũ Quý đến Văn Cao, hai cái tên đẹp Văn-Vũ và Cao-Quý phôi thai nên bản Quốc ca của tương lai.
Văn Cao – người thợ in
Tháng 11-1944, Vũ Quý mang bài hát Tiến quân ca để chuẩn bị in trên số đầu tiên của báo Độc Lập, là cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Dân chủ khi đó. Nhưng bản in thử không đạt yêu cầu, vì có nhiều nốt nhạc sai, hoặc có chỗ nhạc và lời không ăn khớp nhau. Đó là do người thợ khắc chữ của tờ báo vốn không quen khắc những bản nhạc.
Bản nhạc phổ biến đến dân chúng trên tờ báo, không thể viết sai. Vì vậy Vũ Quý yêu cầu Văn Cao đích thân đến nhà in bí mật đặt tại Bát Tràng. Văn Cao sẽ trực tiếp khắc ngược bản nhạc trên đá, với sự cộng tác của thợ in Nguyễn Văn Hàm.
Văn Cao chính thức tham gia công việc người thợ in tại báo Độc lập từ đó. Nhân sự kiện này cùng với việc bản Quốc ca lần đầu tiên được in lên một con tem của nước CHXHCN Việt Nam vào năm 1980, sau này Xí nghiệp in Tem Bưu điện tại Tp. HCM đã cấp cho “thợ in” Văn Cao một tấm thẻ công nhân danh dự mang số 001.

Phạm Duy - người chứng kiến Văn Cao viết Tiến quân ca
Phạm Duy trở thành bạn của Văn Cao từ khi ông còn là một giọng ca tân nhạc, vừa chơi đàn vừa hát trong gánh hát cải lương Đức Huy – Charlot Miều xuống Hải Phòng biểu diễn đầu năm 1940. Ca sĩ Phạm Duy trở thành người phổ biến các bài hát của Văn Cao đến với công chúng, bắt đầu từ ca khúc Buồn tàn thu (viết năm 1939), tiếp đến là các nhạc phẩm Thiên Thai, Trương Chi, Suối mơ, Bến xuân, Thu cô liêu… Về phía Văn Cao, ông hỗ trợ Phạm Duy trong sự nghiệp sáng tác ban đầu và những ca khúc đầu tiên của Phạm Duy chịu ảnh hưởng từ các sáng tác của Văn Cao, thậm chí nội dung một số ca khúc của Phạm Duy cũng có sự tiếp nối và phát triển từ âm nhạc của Văn Cao. (Chẳng hạn Văn Cao có Trương Chi, Trường ca sông Lô, Thiên thai thì Phạm Duy có Khối tình Trương Chi, Tiếng hát trên sông Lô, Tiếng sáoThiên Thai,…).
Người gợi ý Văn Cao nối lại sợi dây liên lạc với Vũ Quý tháng 10-1944 chính là nhạc sĩ Phạm Duy. Trong hồi ức về Tiến quân ca, Văn Cao viết tắt là Ph.D.
Những ngày Văn Cao viết Tiến quân ca, Phạm Duy thường xuyên đi về và ngủ lại tại căn gác hẹp 45 Nguyễn Thượng Hiền đó. Bấy giờ Phạm Duy mới nhận nhiệm vụ làm giao thông của tổ chức giữa hai tỉnh Hà Nội và Hải Phòng. Trong quá trình viết Tiến quân ca, Văn Cao nắm bắt các tin tức về chiến khu và sự phát triển lớn mạnh của phong trào quần chúng qua những tờ báo “Cờ giải phóng” và “Cứu quốc” mà Phạm Duy chuẩn bị mang đi phân phát xuống cơ sở.
Trong lúc Văn Cao ngồi vào bàn, chăm chú trước tập bản thảo thì Phạm Duy là người chờ đợi âm thanh của từng câu nhạc được nhắc đi nhắc lại và theo Văn Cao, Phạm Duy là người chứng kiến sự ra đời của bài Tiến Quân Ca.
Ngày 17-8-1945, trong cuộc mít-tinh của công chức Hà Nội tại Nhà hát lớn, Phạm Duy cũng chính là người “cướp micro”, hát bài hát Tiến quân ca qua loa phóng thanh, trước hàng vạn quần chúng.
Đỗ Hữu Ích - người tham gia viết lời ?
Tháng 8-1991, báo Tiền phong Chủ nhật đăng bài của một cộng tác viên với cái tít: “Tiến quân ca” có hai tác giả?
Bài báo thông tin theo dạng tồn nghi, đặt vấn đề chứ chưa kết luận: Người viết lời bài Tiến quân ca là ông Đỗ Hữu Ích, ông Ích nói rằng ông viết lời bài hát chỉ sau một đêm, khi Văn Cao vừa viết xong phần nhạc.

Bằng chứng được đưa ra là bản nhạc in vào thời điểm sau năm 1945, tại nhà in Đỗ Vạn, nhà in do ông Đỗ Hữu Ích lập ra tại Hải Phòng. Số lượng bản in khoảng 5000 tờ, trên đó ghi rõ “Tiến quân ca, nhạc của Văn Cao, lời của Đỗ Hữu Ích”.
Với tác giả Tiến quân ca, ông Đỗ Hữu Ích hoàn toàn không phải là người xa lạ. Ông Ích chính là chủ căn nhà số 45 Nguyễn Thượng Hiền (tên cũ là số 171 phố Mongrant), nơi Văn Cao ngồi viết Tiến quân ca và cũng là nơi ông và những bạn văn nghệ sĩ khác tá túc tháng ngày mà không phải trả tiền thuê nhà.
Chẳng những là một “Mạnh thường quân” chuyên hỗ trợ vật chất cho các văn nghệ sĩ, ông Đỗ Hữu Ích, theo hồi ức của Phạm Duy, còn là một người “soạn lời ca rất hay” và  “đa số những bản đầu tay của Văn Cao đều đã được Đỗ Hữu Ích giúp đỡ phần lời ca”.
Bản thân Văn Cao phê phán việc Đỗ Hữu Ích tự ghi tên mình là tác giả phần lời Tiến quân ca trong bản in tại nhà in Đỗ Vạn là nhập nhèm, nhưng ông cũng thừa nhận chính mình cũng đã từng đồng ý “để anh Đỗ Hữu ích đứng tên cùng là tác giả phần lời với mật danh Anh Dũng”. Trong các bản in Tiến quân ca đầu tiên, Văn Cao còn nhớ đã ghi tên tác giả “nhạc Anh Thọ, lời Anh Dũng” - Anh Thọ là mật danh Văn Cao tự đặt cho mình.
Mặc dù vậy, Văn Cao vẫn khẳng định rằng ông thêm tên Anh Dũng (Đỗ Hữu Ích) vào những ấn phẩm đầu tiên của ca khúc khi nó chưa trở thành Quốc ca là nhằm ghi nhận về một người bạn đã giúp đỡ ông trong thời kỳ khó khăn đó, nhưng lời ca gốc quả thực chỉ do một mình ông viết. Thật dễ nhận ra từ cái tên bài hát đến các ca từ của nó là một sự nối tiếp phần lời các ca khúc do Văn Cao viết trước đó như “Thăng Long hành khúc ca” hay “Đống Đa”.
Văn Cao cũng cho biết, về phần nhạc, ông có sửa lại một đôi nốt qua góp ý của các ông Đinh Ngọc Liên (Quản Liên) và Nguyễn Hữu Hiếu là những người phụ trách đoàn nhạc kèn trong buổi lễ chào cờ ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình. Cụ thể, đó là việc rút ngắn độ dài của nốt rê đầu tiên ở chữ “Đoàn” và nốt mi ở giữa chữ “xác” để làm cho bản nhạc khoẻ khoắn hơnRiêng phần lời, vào năm 1955, nhà thơ Tố Hữu góp ý để Văn Cao sửa lại câu kết của bài hát thành “nước non Việt Nam ta vững bền”.

Sự việc lùm xùm kết thúc vào ngày 28-3-1992, khi Cơ quan Bảo hộ quyền tác giả tổ chức họp báo chính thức công bố kết luận Văn Cao là tác giả cả về phần lời của nhạc phẩm “Tiến quân ca”, nay là Quốc ca của nước CHXHCN Việt Nam.

------

1 nhận xét: