Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

Bút ... mắm (phấn II)



--------------------

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, cuối Thu năm Bính Thân (Tây lịch 2016), có người phú thương tên là Mã Sơn (Masan), nửa đêm cưỡi con Rolls-Royce Phantom, động cơ V12, sức kéo tương đương 453 con ngựa Xích Thố, đưa danh thiếp xin gặp Khắm, bảo là có việc hệ trọng. Nguyên Mã Sơn là một thương gia có tài kinh bang tế thế, nhờ buôn mì tôm và tương ớt xuyên lục địa mà trở thành phú gia địch quốc. Nay y mới sáng chế ra công thức trộn nước lã với hóa chất thành một thứ nước chấm, gọi là nước mắm Ngất Ngư, muốn cậy báo Thanh Liên khuynh loát thị phần trên thị trường nội địa. Khắm liếc thấy Mã Sơn mang theo mấy bao tải kim ngân thì tỉnh hết cả rượu, múa tay lên giời cười khành khạch, đuổi hết cave ra ngoài rồi thỉnh Mã Sơn vào tận nhà trong cùng bàn định mưu mô. Mã Sơn bày tỏ chí hướng, ngã giá xong xuôi, Khắm liền rút trong tay áo ra một cuốn cẩm nang, kê cứu một hồi rồi hạ giọng bảo Mã Sơn đầu tiên hẵng tạm thi hành khổ nhục kế, còn mọi việc sau đó… như thế… như thế…. cứ để Khắm Khủng Khiếp này đảm trách. Chuyện mưu sự cụ tỉ thế nào, đây không nói nữa.
Chỉ biết sau đó, Khắm bàn với các sếp Chánh, Phó Tổng tài cắt cử lâu la đi rình mò các tỉnh, lấy về hơn trăm hũ nước mắm làm từ cá, để sẵn ở trong Tòa soạn gọi là chứng cớ. Công việc khám nghiệm được Khắm tổ chức tiến hành thật siêu tốc, mỗi ngày tự chấm mút được đến hơn 10 hũ, đưa ra kết quả gang thép là có tới 80 hũ chứa thạch tín, đủ giết 90 triệu đồng bào trong vòng nửa năm. Thực hư thế nào cứ xem hồi sau sẽ rõ.
Mấy hôm sau, báo Thanh Liên dành gần hết trang nhất in bài “Nước cộng hóa chất há lại thành công nghiệp nước mắm ru?”. Lại đem hình nước chấm Ngất Ngư mà minh họa, mục đích là để tung hỏa mù, lừa phỉnh thiên hạ. Ban đầu lê dân tứ xứ đọc qua, cứ ồ, à, tưởng phen này Thanh Liên mưu phạt công tâm, sai khiến bộ hạ xuất chiêu tiên hạ thủ vi cường, tận diệt Ngất Ngư Thủy cục của  bọn Mã Sơn.
Nào ngờ tiếp theo suốt tháng 10 năm ấy, báo Thanh Liên liên tục đăng loạt bài, toàn mạt sát phỉ nhổ thứ nước mắm làm từ cá, bảo rằng không “sạch”, không đạt “tiêu chuẩn”, rồi “cần cảnh giác với hàm lượng thạch tín”, rồi “lỗ hổng trong quản lý phụ gia” làm cho dân tình hoang mang bấn loạn. Sản xuất đình trệ, cá, muối, chai lọ làm ra đều không bán được, việc doanh thương ế ẩm, các bà nội trợ hoảng hốt, thực khách không còn biết đường nào mà lần, có kẻ độc mồm còn ngửa cổ bài xích các cụ nhà mình mấy ngàn năm nay toàn cho con cháu xơi thuốc độc. Đợi đến lúc đó, báo Thanh Liên mới ung dung mở chiến dịch quảng bá rầm rộ loại nước chấm Ngất Ngư của Mã Sơn, bảo là để đưa ẩm thực Việt ra toàn thế giới.

Thiên hạ bấy giờ mới té ngửa, hóa ra báo Thanh Liên nhận tiền của Mã Sơn mà tung loạt bài vu cáo, triệt hạ nước mắm truyền thống, thật là táng tận lương tâm. Riêng Khắm đợt ấy, hàng ngày thu hoạch ngân lượng nhiều vô kể, kim ngân châu báu quẳng vạ vật trong nhà, phải thuê thêm người kiểm đếm mới xuể.
Chuyện ấy rồi cũng có mấy người bán bánh cuốn ở chợ Bến Thành đem mách lên tới tận Tể tướng triều đình. Ngài chả cần đi đâu, chỉ nhấc loa gọi cho phu nhân để tham vấn. Hỏi ra mới tường cả tháng nay từ thứ dân đến các bậc Đại thần đều phải chịu khốn khổ vì vợ con cho ăn nhạt cả. Tể tướng nổi trận lôi đình, tức tốc triệu tập 50 vị Đại phu, bảo phải làm rõ trắng đen, ngày đêm đi khắp các tỉnh thành, thu thập, kiểm nếm tất thảy 247 lọ nước mắm cá, tuyệt không thấy lọ nào có chất Thạch tín như báo Thanh Liên vu vạ. Vụ việc được chuyển về bộ Nhị Thông của triều đình, là cơ quan quản lý cả mấy trăm tờ báo trong nước. Khắm liệu phen này không thể chối tội, bèn tự trói tay, xõa tóc, đi chân đất ra nha môn phường đầu thú, nhận tội chủ mưu. Báo Thanh Liên lập tức bị phạt hai trăm củ ngân lượng, Chánh, Phó Tổng tài đều bị giáng. Riêng viên Phó Tổng tài cùng với Khắm chẳng những bị tịch thu kim bài, bị công luận nọc ra đánh cho một trận thừa sống thiếu chết, còn nghe chửi bới nơi chợ búa thì vô số kể. Chiều tối hôm ấy, Khắm thất thểu mò về đến nhà, thì hỡi ôi bao nhiêu tài sản đã bị cave gọi xe Uber dọn đi sạch bách. Khắm tinh thần tuyệt vọng, chán nản khôn khuây, bèn đem chai Chivas 25 uống dở ra nốc cạn một hơi, rồi lăn quay ra ngủ.
Nửa đêm hôm ấy, tỉnh rượu, Khắm lau mặt qua loa, định bước sang bên kia đường ăn tô hủ tiếu cho đỡ đói thì bất thần gặp một người cao lớn ngáng chân xuýt ngã. Khắm định thần nhìn kĩ, người kia mặc áo tơi, râu chổi xuể, mắt ốc nhồi, nét mặt giận dữ, tay cầm con cá bằng gỗ. Khắm chưa kịp cự nự thì cụ già ấy đã túm chặt lấy áo, quát mắng xa xả: “Mày vì đồng tiền bất lương mà làm hại thanh danh họ nhà ta, thật đáng chết đâm chết chém. Nhà ta xưa nay vốn thật thà, cần kiệm, lừng danh thiên hạ là ở chỗ đã sáng chế ra món Mộc Ngư chấm nước mắm xịn, ăn mãi vẫn còn. Vả lại, cũng khởi từ một nghề làm mắm cha truyền con nối ấy mà nhiều thế hệ dẫu chưa thuộc hạng nhất phẩm công thần hay phú gia địch quốc, cũng gọi là công thành danh toại, được nhà nước thưởng huy chương hàng Việt chất lượng cao. Nay chỉ vì mày dùng ngòi bút bất lương, cam tâm triệt hạ đến cả nghề nghiệp tổ tông, đạp đổ bàn thờ dòng họ, làm cho cụ Ngũ đại của mày là tao đây, phải tủi nhục khôn cùng, không thể siêu thoát. Thử hỏi loài ác độc như mày không đem giết đi thì để làm gì cho nhơ nhuốc”. Nói rồi giơ cao con Mộc Ngư, thẳng cánh nện vào mặt Khắm. 
Khắm hoảng loạn, vội ù chạy vào nhà trong, chân nọ đá phải chân kia, ngã lăn ra kêu cứu. Đến đây bỗng bừng tỉnh dậy, thì thấy mình vẫn nằm chơ vơ trên giường, hốt hoảng xem đồng hồ thì hóa ra mới cuối canh ba. 
Đầu Xuân năm ấy, Khắm lâm bệnh nặng, nằm liệt suốt một tháng liền. Tòa soạn cũng cắt cử người trao bảo hiểm y tế, săn sóc thuốc thang, nhưng bệnh tình không mấy thuyên giảm. Tiếc nuối danh lợi gây dựng bao lâu nay bỗng tan hoang như bọt nước, áng mây, lại thêm khủng hoảng tình cảm, càng ngày tinh thần Khắm càng sa sút bấn loạn. Tuy vậy y vẫn nhen nhóm chút hi vọng, mong lúc nào đó lại được cầm cây bút để làm lại từ đầu.
Một sáng đang nằm, nghe tiếng chim líu lo bên nhà hàng xóm, lại thấy một tia nắng mong manh lọt qua khe cửa sắp tàn. Khắm bỗng hốt hoảng tưởng chừng mùa xuân sắp bỏ mình mà đi, bèn gượng ngồi lên, đến bên cửa sổ. Mấy nụ hoa thắm cười duyên sau thềm, lá xanh tươi màu nhựa mới. Khắm lần tường đứng dậy, lục ngăn kéo cầm lấy cây bút và tập giấy.
Vừa cầm bút lên, Khắm bỗng giật mình, mực trong bút tự nhiên nhạt dần màu sắc, chuyển thành một thứ nước nhờ nhờ đùng đục. Khắm kinh ngạc thử đi thử lại mấy loại bút. Bút nào, mực nào vào tay y cũng chỉ rỉ ra từng giọt, từng giọt, sền sệt và nhờ đục như màu nước mắm bị hỏng. Khắm thử đưa lên ngang mũi, một mùi khắm kinh khủng tỏa ra khắp nhà. Hoảng quá, Khắm buông bút, vớ lấy bàn phím computer gõ thử. Lạ thay, chẳng có con chữ nào xuất hiện trên màn hình, bàn phím ứa ra như khóc, vẫn một thứ nước ấy, sền sệt và khắm lặm như mùi cá ươn, chuột chết. Khắm choáng váng mặt mày, ngã vật xuống sàn, lòng chứa chan ân hận, nước mắt ràn rụa.
Kể từ ngày ấy Khắm tuyệt tích trên trường văn trận bút, không còn ai biết rõ đi về đâu, sống chết ra sao. Mãi tới mấy năm sau, mới có người khách thương ở Xiêm La về, bảo y đã được bọn Mã Sơn nhớ công lúc trước, ngầm đưa sang bên ấy phục hồi sức khỏe, rồi lại bố trí cho làm công việc tuần kiểm tại Ngất Ngư Thủy cục bên bển. Lại cũng có bọn người, nguyên là ký giả Thanh Liên báo, nhân có chuyến đi dã ngoại nơi sơn cùng thủy tận, kể rằng bữa ấy có gặp một người, trông kĩ ra thì đích xác là Khắm, vai quẩy hai can nhựa loại 20 lít. Bọn ấy réo vẫy mấy lần vẫn chả thấy hồi đáp. Đã vậy, nhác thấy bọn nam thanh nữ tú báo Thanh Liên, người ấy vội vàng nhăn mặt, bịt mũi, rồi cuống quýt bỏ quên cả dép, nhằm phía rừng sâu trổ công phu khinh công thượng thặng, trên vai vẫn đong đưa hai cái can nhựa. Chỉ trong chốc lát, đã thấy mất hút con mẹ hàng lươn. Bọn ấy lại kể, Khắm đi được một lúc đã lâu mà mùi nước mắm vẫn còn lưu lại thoang thoảng.

Ta thời trẻ, từng đọc thiên “Bút máu” của ngài Vũ Hạnh Chân nhân mà lấy làm kính sợ, đến nỗi trọn đời chẳng dám mon men thi vào khối C. Lại nghe bọn hào kiệt nơi phố xá ngày nay thường bảo “Nợ mắm phải trả bằng mắm”, có nhẽ lời ấy chẳng ngoa, nên hôm nay chép lại chuyện này làm chứng. 
--------------


2 nhận xét: