Thứ Tư, 11 tháng 7, 2018

Chuyện “Nhượng địa” ở Việt Nam




-------------
Hòa ước Nhâm Tuất 1862 và 3 tỉnh miền Đông
“Nhượng địa” đầu tiên ở Việt Nam ra đời năm 1862 bởi Hòa ước Nhâm Tuất dưới thời vua Tự Đức.
Hiệp ước được ký ngày 5 tháng 6 năm 1862 tại Sài Gòn giữa các đại diên của ba quốc gia gồm Pháp, Tây Ban Nha và Việt Nam. Phía Việt Nam có chánh sứ Phan Thanh Giản và phó sứ Lâm Duy Hiệp, đại diện nước Pháp là thiếu tướng Bonard và đại diện Tây Ban Nha là đại tá Don Carlos Palanca Guttiere.
Khi cử Phan Thanh Giản, một vị lão thần đã trải qua ba đời vua (hai đời vua trước là Minh Mạng và Thiệu Trị) làm chánh sứ đi nghị hòa, vua Tự Đức có cho phép  họ Phan được tùy theo tình thế mà định đoạt, riêng việc lãnh thổ đang bị Pháp chiếm, phải ráng sức chuộc lại ba tỉnh với giá 1.300 vạn lạng, còn nếu phía Pháp đòi cắt đất thì kiên quyết không nghe.
Gánh trên vai trọng trách do vua giao phó, chả hiểu Phan Thanh Giản “thương nghị” thế nào, không những đã không chuộc lại được đất mà lại còn phải bồi thường chiến phí.
Hai điều khoản đáng chú ý trong Hiệp ước này là:
Khoản 3: Chủ quyền trọn ba tỉnh là Biên Hòa, tỉnh Gia Định và tỉnh Định Tường, cũng như đảo Côn Lôn, do hiệp ước này, được hoàn toàn nhượng cho hoàng đế nước Pháp. Ngoài ra, các thương gia Pháp được tự do buôn bán và đi lại bằng bất cứ tàu bè nào trên sông lớn của xứ Cam Bốt và trên tất cả các chi lưu của con sông này; các tàu binh Pháp được phép đi xem xét trên con sông này hay trên các chi lưu của nó cũng được tự do như vậy.
Khoản 8: Hoàng đế nước Đại Nam sẽ phải bồi thường một số tiền là bốn triệu piastre, trả trong 10 năm. Vì nước Đại Nam không có tiền piastre sẽ được tính bằng 72% lạng bạc.
Như vậy, 3 tỉnh Nam Kỳ gồm Biên Hòa, Gia Định và Định Tường và đảo Côn Lôn chính thức trở thành “nhượng địa” của Pháp.
Tây Ban Nha chỉ lấy tiền, không lấy đất.
Hòa ước Giáp Tuất 1874 và ba tỉnh miền Tây
Sau khi đã có “nhượng địa” là 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ theo Hòa ước Nhâm Tuất 1862, năm 1867 Pháp lại mưu toan chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây gồm Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Với sự trợ giúp của Phan Thanh Giản, khi ấy là quan Kinh lược sứ, chỉ trong 5 ngày (từ 20-24 tháng 6 năm 1867), Pháp chiếm gọn ba tỉnh miền Tây không tốn một viên đạn.
Sự chiếm đóng các tỉnh miền Tây rõ ràng vi phạm vào bản Hiệp ước Nhâm Tuất 1862 mà các bên đã ký. Vì vậy năm 1874, Pháp lại bắt Tự Đức ký tiếp Hoà ước Giáp Tuất 1874, thay thế Hiệp ước Nhâm Tuất, mở rộng phạm vi “nhượng địa” cho nước Pháp ra tới toàn cõi Nam kỳ, tức là phần đất từ phía Nam ra tới giáp tỉnh Bình Thuận.
Điều 5: Đức Hoàng thượng Vua nước An Nam công nhận chủ quyền toàn vẹn của nước Pháp trên các vùng lãnh thổ do nước Pháp hiện đang chiếm giữ và bao gồm trong các ranh giới như sau:
Về phía Đông; vùng biển Trung Quốc và Vương Quốc An Nam (tỉnh Bình Thuận); Về phía Tây; vịnh Xiêm La; Về phía Nam; vùng biển Trung Quốc; Về phía Bắc; Vương quốc Cam Bốt và Vương quốc An Nam (tỉnh Bình Thuận)… 
Đổi lại, nước Pháp cấp cho Annam 5 chiếc tàu chiến cộng 100 khẩu pháo, đồng thời miễn cho Annam không phải trả phần tiền chiến phí cũ còn thiếu. Riêng số tiền chiến phí còn nợ Tây Ban Nha vẫn phải trả dần hàng năm thông qua trung gian là nước Pháp. Do Tây Ban Nha không trực tiếp tham gia ký kết hiệp ước này nên chính phủ Pháp có trách nhiệm tìm kiếm sự đồng thuận của chính phủ Tây Ban Nha.
Như vậy cả hai lần “nhượng địa” này đều có “dấu vết” từ nhân vật Phan Thanh Giản. Đương thời, Tự Đức đã từng đánh giá họ Phan “chẳng những là tội nhân của bản triều mà còn là tội nhân của muôn đời” và kết án “trảm hậu” (chém sau khi chết để làm gương), đồng thời đục tên Phan trên bia Tiến sĩ. Cũng do những “công lao” này của họ Phan mà người Pháp đã tổ chức tang lễ cho ông rất trọng thể theo đúng nghi lễ quân binh còn với người dân Nam Kỳ thì câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình thí dân” đến nay vẫn còn được truyền tụng. Sử giấy có thể bị bôi xóa hay tô màu vì những mục đích riêng tư dòng họ, bia đá cũng có thể bị mòn, bị đục hay được khắc lại, riêng cái mà dân gian gọi là “ngàn năm bia miệng” thì “vẫn còn trơ trơ”. (*)
“Suýt” trở thành “nhượng địa” của Đức.
Vào khoảng thời gian nằm giữa hai Hiệp ước Nhâm Tuất và Giáp Tuất nói trên, Đại vương quốc Annam đã thực sự trở thành gói bưu kiện mà Hoàng đế Napoleon III của nước Pháp mưu toan đem “gán nợ” cho nước Phổ.
Nguyên là năm 1871, Pháp – Phổ đánh nhau. Pháp thua to, Napoléon III đầu hàng và xin mang xứ Annam ra cầm cố nhưng nước Phổ chê, không chịu. Sau, Pháp phải cắt cho Phổ hai tỉnh màu mỡ bậc nhất là Alsace và Lorraine cộng thêm một khoản chiến phí khổng lồ là 5 tỷ piastre để bồi thường.
Nói lan man một chút, là nếu thủ tướng nước Phổ bấy giờ là Otto von Bismarck mà gật đầu một cái thì đất nước chúng ta đã có thêm cái “hân hạnh” được làm “nhượng địa” của người Đức.
Hòa ước Quý Mùi 1883 và tỉnh Bình Thuận
Năm 1883, sau khi vua Tự Đức băng hà, tình hình triều chính rối loạn, (dân gian gọi là thời kỳ 4 tháng 3 vua), triều đình Huế lại phải ký tiếp Hòa ước Quý Mùi (còn có tên gọi là Hòa ước Harmand).
Trước khi ký Hiệp ước gồm 27 khoản này đại diện nước Pháp là Jules Harmand đã ra tối hậu thư đòi triều đình Huế phải phản hồi trong vòng 24 giờ và đe dọa: Đế quốc An Nam, hoàng triều, cùng các vương công, đại thần sẽ tự tuyên án tử hình cho chính mình. Cái tên Việt Nam sẽ bị xóa khỏi lịch sử...” nếu vua quan nhà Nguyễn không chấp nhận toàn bộ những điều kiện nêu trong Hiệp định.
Hiệp định này xác lập quyền đô hộ lâu dài của Pháp trên toàn bộ Việt Nam (bao gồm các việc ngoại giao, quốc phòng, hải quan,… từ nay sẽ do Pháp đảm nhiệm) và lãnh thổ “nhượng địa” cho Pháp lần này được mở rộng ra đến hết tỉnh Bình Thuận. Ngoài tỉnh Bình Thuận, vấn đề về tương lai các “nhượng địa” khác xung quanh các cảng cũng được đặt ra.
Đổi lại, Pháp xóa “nợ” cũ cho Annam.
Điều 2: Tỉnh Bình Thuận sẽ được sát nhập vào những thuộc địa của Pháp ở Hạ Đàng Trong (Basse-Cochinchine, tức Nam kỳ).
Điều 7: Chính phủ An Nam sẽ tuyên bố mở cửa cho việc buôn bán của châu Âu, ngoài cảng Quy Nhơn và các cảng Đà Nẵng và Xuân Đài. Các bên sẽ bàn bạc xem có lợi cho cả hai nước hay không nếu mở cửa thêm những khu đất khác và cũng sẽ quy định giới hạn những khu đất nhượng cho Pháp xung quanh các cảng mở cửa. Pháp sẽ đặt các nhân viên của mình tại những nơi đó, dưới quyền của công sứ Pháp tại Huế...
Hòa ước Giáp Thân 1884 và ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng 
Chỉ chưa đầy một năm sau ngày ký Hòa ước Quý Mùi, nhà Nguyễn lại ký Hòa ước Giáp Thân 1884 (tên gọi khác là Hòa ước Patenôtre) thay thế Hòa ước đã ký năm 1883. Hiệp ước Quý Mùi Giáp Thân (sửa ngày 12/9/2018) gồm có 19 điều khoản.
Điều 18 của Hiệp ước này đặt nền móng cho việc các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng trở thành “nhượng địa” của Pháp:
Điều 18: Những cuộc hội nghị sau này sẽ ấn định giới hạn của các cảng mở cửa và những khu đất nhượng cho nước Pháp trong những cảng này; việc xây dựng các hải đăng trên bờ biển Trung Kỳ và Bắc Kỳ; chế độ và việc khai thác mỏ; chế độ tiền tệ; phần tỷ lệ dành cho chánh phủ An Nam trên tổng số thu nhập về quan thuế, về các ty; về các phí điện tín và về những khoản thu nhập khác không nói đến trong điều II của hiệp ước này.
Và đến năm 1888, vua Đồng Khánh ra đạo dụ số 567 576 (sửa ngày 12/9/2018), cụ thể hóa điều 18 của Hiệp định Giáp Thân, chính thức chuyển giao toàn quyền sở hữu cho nước Pháp đối với ba thành phố nói trên:
Căn cứ điều 18 của Hiệp ước ngày 6-6-1884, quyết định rằng những giới hạn của các cảng mở và các vùng nhượng địa Pháp tại Trung và Bắc Kỳ sẽ được xác lập trong các cuộc hội đàm về sau;
Theo đề xuất của Viện Cơ mật và sau khi nhất trí với Quý Toàn quyền Đông Dương.
Trẫm ra Dụ:
 Điều 1. Các vùng đất của các Thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Tourane [Đà Nẵng] được lập thành nhượng địa Pháp và được chuyển giao toàn quyền sở hữu cho Chính quyền Pháp bởi Chính phủ An-nam, bên từ bỏ mọi quyền hạn của mình đối với các vùng đất nói trên.
Đạo dụ này cũng có một cái tên Pháp, đó là “Đạo dụ Richaud”, mang tên của viên Toàn quyền Đông Dương bấy giờ.
Vua Đồng Khánh cũng là người cho phục hồi lại cái tên Phan Thanh Giản trên bia đá Văn Miếu. Đồng khí tương cầu chăng?
Hiệp định Geneve 1954 và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam
Một ngày sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc bằng thắng lợi “chấn động địa cầu” của quân đội nhân dân Việt Nam dân chủ cộng hòa trước các lực lượng vũ trang của Liên Hiệp Pháp tại Đông Dương cộng với viện trợ Mỹ, vấn đề đình chiến tại Đông Dương chính thức được đưa lên bàn đàm phán tại Hội nghị Geneva, Thụy Sĩ. Hiệp định Genève 1954 và Bản Tuyên bố cuối cùng của nó ký ngày 21 tháng 7 năm 1954  dẫn đến việc chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp trên bán đảo Đông Dương, xóa sổ chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt, Lào, Campuchia.
Hội nghị ghi nhận tuyên bố của chính phủ Pháp về giải pháp khôi phục và củng cố hoà bình tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Chính phủ Pháp sẽ tôn trọng sự tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước.
Trong quan hệ với Việt Nam, Lào, Campuchia, mỗi thành viên tham dự Hội nghị Genève sẽ tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước; không can thiệp vào công việc nội bộ của 3 nước.”
Vấn đề “nhượng địa” tại Việt Nam cũng theo đó mà chấm dứt.

Ngoại truyện:
Tuy vậy, đến năm 1957, Tổng thống ngụy Việt Nam Cộng hòa là Ngô Đình Diệm lại định biến cả Miền Nam thành “nhượng địa” của Mỹ bằng một tuyên bố tại khách sạn Waldorf-Astoria ngày 13/5/1957:
Biên giới Hoa Kỳ không ngừng ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, mà kéo dài, ở Đông Nam Á, tới sông Bến Hải, ở vĩ tuyến 17 của Việt Nam…”
Nhân quả nhãn tiền, việc mua bán lãnh thổ của Diệm với Hoa Kỳ chưa kịp ngã ngũ, tháng 11 năm 1963, mấy huynh đệ nhà Diệm bị đàn em cho về chầu Chúa.
Có người thạo chuyện Việt Nam cọng hành, cười khẩy bảo, nếu thật muốn bán đất nước cho Hoa Kỳ thì nhà Diệm chưa chắc đã bị đàn em làm thịt. Ai bảo “bắt cá hai tay” ngoài miệng bảo bán đất cho Hoa Kỳ lấy tiền nhưng trong bụng lại khăng khăng đem dâng tất cho Chúa? Chết là phải.
------------------

(*) Trong khi đó, hai năm sau khi ký Hòa ước Giáp Tuất, vua Tự Đức còn biết tự phê phán mình như sau:
“ Trẫm tuổi thơ được nối ngôi báu, nhờ công tổ tiên bấy giờ quốc gia toàn thịnh. Việc nước việc đời, chưa từng kinh nghiệm; không để ý đến lời răn “ lúc yên ổn phải nghĩ đến lúc nguy nan ,” mãi đam mê theo thói vui chơi; cho đến nỗi trên thì trời trách phạt, dưới thì dân oán hờn, ngoài thì ngoại bang giận dữ, trong thì không có kế hoạch tốt hay. Cứ việc đến thì lo, nhưng không giải quyết được công việc. Miễn cưởng theo mưu kế của bậc lão thần (ý chỉ họ Phan), bỏ đất đai và dân chúng 6 tỉnh Nam Kỳ, để cầu khỏi nạn chiến tranh và yên xã tắc. Trên 200 năm khai sáng gìn giữ gian nan, bỏ trong một sớm; chính là tội của tên tiểu tử này,kể sao cho xiết! Túng sử có lập được nên công đức cũng không đủ chuộc được tội lỗi. Huống hồ Trẫm lại không công không đức, chỉ trơ mặt trơ thân ngồi nhìn, lần lữa cho đến già yếu; tuy thiên hạ không nỡ trách ta, nhưng lòng ta há lại không suy nghĩ .” 
(Tự Ðức Thánh Chế Văn Tam Tập, quyển nhị, Tự Biếm Dụ)

1 nhận xét: