Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Tổng Tư lệnh quân đội Nhật "giảng bài" cho Trần Trọng Kim, ngày 13-5-1945





------------
Ngày 11-3-1945, Triều đình Huế công bố bản“Tuyên cáo Độc Lập”. Có điều, một văn kiện tối cao, cực kỳ quan trọng, liên quan đến vận mệnh cả một quốc gia này lại do một người Nhật, là Đại sứ Yokoyama Masayuki viết sẵn. Hoàng đế và Lục vị đại thần An Nam chỉ có 15 phút để… vừa ký và vừa run. (Xem ghi chép của Nhà báo Phan Kỳ Nam tại đây).
Nhưng chưa đầy hai tháng sau, ngày 9-5-1945, Đức đầu hàng Đồng Minh. Lúc này, nhà nước Quân chủ Nhật – chẳng khác gì đám bèo Tây để mớ bọt nội các Trần Trọng Kim bám vào - cũng lâm vào nguy cơ rã đám giữa dòng xoáy thời cuộc. Vậy là “nền độc lập ăn theo” của Trần Trọng Kim (và cũng là của một vài nhà rân chủ củ chuối ngày nay) cũng theo đó đếm từng ngày... chờ giờ báo tử.
Trong bối cảnh ấy, ngày 13-5-1945, Tổng-tư-lệnh quân đội Nhật-bản tại Đông-dương là tướng Tsuchihashi Yuitsu có một cuộc hội kiến với triều đình Huế tại điện Cần Chính.
Tại đây, Tướng Tsuchihashi Yuitsu đã đọc một bài diễn văn trước Bảo Đại và toàn thể Nội các Trần Trọng Kim. Bài phát biểu này đã được các báo tiếng Việt lúc ấy đăng lại vào ngày 18-5-1945.
Để góp phần tìm hiểu người Nhật đòi hỏi những gì ở Nội các Trần Trọng Kim vào thời điểm chỉ hai tháng sau khi ban phát món quà “độc lập bánh vẽ”, kèm khuyến mãi là nạn đói khủng khiếp đã làm chết hàng triệu người dân Việt, xin chép lại nguyên văn “bài giảng” của Tướng Tsuchihashi Yuitsu đối với Bảo Đại và nội các Trần Trọng Kim, trích từ  sách Lịch-sử Độc lập và Nội-các đầu tiên Viet Nam do tác giả Nguyễn Duy Phương - Việt Đông xuất bản cục phát hành vào thời điểm ấy:
Kính tâu Hoàng-thượng,
Nước Nhật-bản chúng tôi đương phải đối phó với một tình thế cực kỳ nghiêm-trọng chưa từng có trong quãng lịch-sử vẻ vang 2600 năm nay.
Hiện chúng tôi đã tới đầu một con đường rẽ nó đi tới hai đích và tùy theo số lực-lượng chiến-đấu đem xuất dụng, chúng tôi sẽ phải một là thắng trận, hai là bại trận.
Lực-lượng chiến đấu ấy là những gì? Trước hết là thực-lực của toàn-quốc chúng tôi, và sau nữa là sức hợp-tác của tất cả các nước trong Đông-á cùng chung số phận với Nhật vẫn muốn cho Nhật lấy phần toàn thắng.
Chắc Hoàng-thượng cũng thấu rõ ràng nếu Nhật bại trận thì toàn khu Đông-Á chẳng những không mong được thái-bình, thịnh-vượng và hạnh-phúc, mà trái lại còn lo sẽ gặp phải một cuộc đời khốn khổ hơn trước dưới quyền áp bức tàn khốc của người Âu Mỹ.
Sự hợp tác đó của các dân-tộc có thể xét theo hai quan-niệm, một là hợp tác tự-động hai là hợp-tác thụ-động.
Hợp-tác tự-động là các nước phải đem tất cả lực lượng ra giúp Nhật một cách hoạt-động để đánh bại kẻ thù chung.
Hợp-tác thụ-đông là các nước ấy phải nhất nhất không làm điều gì có thể cản trở hay giảm sức hoạt-động  của các cơ-quan Nhật.
Nay ta hãy đem áp dụng nguyên-tắc trên cho Đông-dương. Nhân danh là Tổng-tư-lệnh quân đội Nhật ở xứ này, chúng tôi phải thi-hành các phương-sách để tăng lực-lượng cho các cơ quan phòng thủ trong xứ, chúng tôi phải dự mưu dùng binh.
Nếu các việc dự bị ấy không kịp thời, thì chúng tôi lỗi với nhiệm vụ. Chúng tôi cần phải có Việt-nam đế-quốc tận tâm hợp tác về phương diện tinh thần cũng như về phương diện vật chất, để cho sứ mệnh của chúng tôi được thực hiện một cách hoàn hảo. Điều kiện thứ nhất để thực hành sự hợp tác ấy là người Việt-nam hiểu rõ ý của nước Nhật thành ra góp sức với chúng tôi. Sự thành tâm ấy sẽ làm gốc cho cuộc hợp tác chặt chẽ về phương diện thực tế! Về phương diện này, nay mai chúng tôi sẽ dễ dãi với Nội-các mới vài điều yêu cầu nhiều (sic) như: phải tiếp tục làm những con đường quân dụng đã khởi công trong năm 1945, phải giữ nguyên các thuế khóa cần thiết để có tiền mà thi hành mọi việc. Vả lại tôi rất có ý làm sao cho nền trật-tự xã-hội khôi phục được, khả dĩ nhân dân trong toàn sứ (xứ) đều được yên tâm hợp tác với quân đội Nhật. Mục đích cốt yếu của chính sách chúng tôi là để tránh khỏi những sự nao lòng có phương hại đến cuộc trị-an. Bởi vậy tôi muốn rằng về mặt chính trị và hành chính, sự cải cách chỉ ở trong phạm vi tôi cần thiết đối với sự sắp đặt chiến lược. Chính vì đế-quốc tôi chuyên tâm lo việc binh bị nên tôi mong sao cho trong vấn đề hành chính, tôi phải bàn đến ít chừng nào hay chừng nấy.
Nếu Hoàng-thượng nhận rõ nguyên tắc tôi đương theo này, thì cái thái độ mà chính-phủ Việt-nam theo sẽ hiện rõ ràng trước mặt ngài: cái thái độ của một người bạn chân thành, một mặt chịu hy-sinh để giúp đỡ chúng tôi và một mặt không làm điều gì trở ngại cho chúng tôi.
Chúng tôi mong Hoàng-triều Chính-phủ sẽ mau tay cải tổ thế-hệ chính-trị trong nước để các dự án về chiến lược của chúng tôi có thể thực hành được dễ dàng.
Chúng tôi không khi nào nghĩ đến việc tham danh, dự vào chính sách nội-trị của nước Việt-nam độc-lập, nếu chính sách ấy không trở ngại cho các kế hoạch hành binh của quân đội Nhật.
Chúng tôi hiểu rõ nguyện vọng và cả các điều dự-trù của Hoàng-thượng để sau này kiết thiết lại nền độc-lập của nước Việt-nam. Chúng tôi cũng hết sức giúp vào việc củng cố nền độc-lập cho quý quốc, song nếu nước Nhật không được phần toàn thắng thì các nước ở Đại Đông-Á còn gì nữa? Trong trường hợp đó, tương lai Việt-nam sẽ ra thế nào? Trên kia tôi đã trả lời câu dự đoán bi quan ấy rồi. Tôi xin nhắc lại một lần nữa: Nước Nhật hiện đương ở một thời kỳ nghiêm trọng. Thời kỳ ấy sẽ định đoạt tương lai không những của nước Nhật nhưng của cả khu Đại Đông-Á.
Tâu Hoàng-thượng.
Nếu Ngài hiểu cho tình thế ấy và Chính-phủ ngài muốn hành động vì những ý nghĩa đã kể trên, thì tôi chắc chắn rằng toàn thể dân tộc Việt-nam sẽ chịu hy sinh để giữ lấy phần toàn thắng cho nước Nhật và như vậy cùng là đã giữ được thịnh vượng, hạnh phúc cho người Việt và lại bảo vệ được cả một tương lai rực rỡ cho toàn khu Đông-Á.”
--------
Ảnh chụp tư liệu, bổ túc ngày 25-3-2019: 




2 nhận xét: