Thứ Tư, 9 tháng 7, 2025

Đọc chơi: "Thay đổi địa danh" (trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hồ)

 

Phủ Phụng Thiên có hai huyện, thuở xưa là Quốc Oai trung lộ. Các huyện trong phủ Quốc Oai là thượng lộ, còn Thanh Trì, Thượng Phúc, Thanh Oai là hạ lộ, đời Lý đời Trần đều tóm gọi là Uy lộ. Huyện Thọ Xương khi trước là huyện Vĩnh Xương, huyện Thanh Oai khi trước là Thanh Oai (1), huyện Thanh Trì trước kia là Thanh Đàm (2); chữ Thanh vì tỵ húy chúa Trịnh Thanh vương (3) nên mới phải bớt nét đổi là thanh; chữ đàm vì tỵ húy với vua Thế Tôn (4) nên đổi ra chữ trì. Còn như trung lộ sau đổi là Phụng Thiên hạ lộ, Thanh Oai sau thuộc về phủ Ứng Thiên, Thanh Trì; Thượng Phúc sau đổi là phủ Thường Châu; Vĩnh Xương sau đổi thành huyện Thọ Xương. Những cải cách ấy trong quốc sử đều bỏ qua không chép. Từ đời Lê trung hưng trở về sau đều như thế cả. Sông Nhuệ Giang phát nguyên từ làng Tây Đàm, huyện Từ Liêm, qua huyện Thanh Oai, Thanh Trì, phía nam hợp lưu với sông Tô Lịch; những đoạn bờ khoảng giữa, nhiều chỗ nhọn hoắt như mỏ hạc, nên mới đặt tên cái làng ở bờ sông ấy là xã Nhuệ Giang. Nhân thế cũng gọi tên sông là Nhuệ Giang. Lại còn có tên nữa là Thanh Oai Giang, nên quanh vùng sông ấy gọi là Uy Lộ; Thanh Oai huyện, tả hữu thượng hạ Thanh Oai xã, cũng đều bởi thế cả. Lại như kinh thành khi xưa có phường Giang Khẩu, sau đổi thành Hà Khẩu (5) tiếp giáp bờ sông Nhị, liền với cái ngòi sông Nhị chảy vào sông Tô, hàng năm, bờ sông bị nước xói, không thể giữ cho khỏi lở được. Đời Lê trung hưng mới đạc suốt dọc bến phường Hà Khẩu, để cho Hoa kiều trú ngụ. Các hiệu khách liền làm đơn xin tải đá làm mỏ hàn chắn phía thượng lưu, từ bấy giờ mới bớt nạn nước xói lở. Ven sông, về phía nam, dần dần nổi bãi phù sa, người đến tụ họp đông đúc. Bởi thế, những phường Thái Cực, Đông Hà, Đông Các (6), nhà ở hai dãy phố xen liền mãi cho đến vạn Hàng Mắm, vạn Hàng Bè, bến Tây Long, đều trở thành phố phường đô hội cả. Quê ta khi xưa là Hồng Lộ (nay là phủ Bình Giang), sau đổi là Hồng Châu, lại phân ra làm hai phủ Thượng Hồng (Bình Giang), Hạ Hồng (Ninh Giang). Huyện ta làng Bùi Xá có ông Giám sinh tên là Nguyễn Luật; khi nhỏ ra chơi đùa ở làng ấy, ta thấy có một cái lò đất nung kiểu Trung Hoa, dưới đáy lò có thấy ghi mấy chữ: “Nhân Hồng phủ, Đường An huyện, Bùi Xá xã, Nguyễn mỗ công đức”, không biết cái lò ấy là tự đời nào. Huyện ta với huyện Đường Hào khi xưa hợp lại làm huyện Đường An. Ta thường hỏi cụ Phạm Quý Thích (7) về thời đại thay đổi, cụ cũng không được tường lắm. Còn như làng Hoa Đường (8) nguyên trước là Bồng thôn thuộc về xã Ngọc Cục, sau Lê trung hưng mới phân ra làm xã riêng. Xem trong “Đăng khoa lục” ghi chép quán chỉ (9) các đấng tiên hiền thì khá biết rõ.

Làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc nguyên trước là xã Ngọc Ổi, sau đổi là xã Nhị Khê, theo biệt hiệu của một vị hương hiền là cụ Nguyễn Phi Khanh. Cụ Phong sinh ra ông Nguyễn Trực (10) người huyện Thanh Oai, là bậc ẩn dật không ra làm quan, biệt hiệu cụ là Bối Khê, nên làng cụ cũng theo biệt hiệu cụ mà gọi là xã Bối Khê. Khoảng năm Trung hưng, làng Đông Ngạc huyện Từ Liêm có đào được cái chuông cổ ở chùa Diên Khánh. Mặt chuông có bài minh: “Đống Ngạch phường, Diên Hựu (11) tự chung, Diên Hựu nhị niên chú, tín hoạn Tống Trân (12) thi kim nhất lạng” (13). Chữ rất cổ; hỏi thì các bô lão nói rằng phường Đống Ngạch xưa là đất làng Thụy Hương (Chèm) sau mới tách ra làng Đông Ngạc. Còn như chùa Diên Hựu mà đổi làm chùa Diên Khánh là để tránh phạm húy. Cuối đời Lê, cụ Phan Trọng Phiên có soạn bài khoán văn về việc trùng tu: “Chung minh Diên Hựu chi niên, tùng mậu trường thu chi âm” (14) cũng là trở về cái bài minh chùa Diên Hựu là Đông Ngạc vậy. Huyện Gia Phúc có bốn xã: Đỗ Tùng, Đoàn Tùng, Đào Tùng, Phạm Tùng. Cụ Đỗ Uông có làm bài ký cầu Phú Cốc (15) gọi là Tứ Tùng, tức là bốn xã trên. Sau để tránh tên húy Triết Vương (16), nên đổi là Tứ Kha.

Trấn An Bang vì tránh tên húy vua Anh Tông (17) nên đổi là An Quảng. Huyện Tân An, Duy Tân, Tân Phúc vì tránh tên húy vua Kính Tông (18) nên đổi chữ Tân ra chữ Tiên. Đạo Tuyên Quang ở vào đời vua Tương Dực đế (19) gọi là Minh Quang, nay mới gọi là Tuyên Quang, hoặc bảo là vì tránh niên hiệu Minh Đức (20) nhà Mạc mới gọi là Tuyên Quang. Song từ đời Lê Thái Tổ, trong sách Thực Lục đã gọi là Tuyên Quang rồi, như vậy không phải mới đổi từ đời Mạc. Gia Hưng, Quy Hóa, hai lộ hợp lại làm một, gọi là Hưng Hóa thừa tuyên, chép rõ ở trong sách Phong tục tổng lục. Thanh Hóa ở đầu đời Lê gọi là Thanh Hoa, đến đời trung hưng cũng gọi là Thanh Hoa. Vọng Giang về đời Trần là một trấn, khi thuộc đời Minh thì là một phủ. Tam Giang đổi là Tam Đáp, đều không biết đổi tự năm nào. Cụ Lê Quý Đôn (21) ở huyện Thiên Hà là bậc học thông minh rộng rãi, làm lãnh tụ trong nho lâm, khi sang sứ Trung Hoa, có vào yết kiến quan Đề học tỉnh Quảng Tây là Chu Bội Liên. Ông ta hỏi có chuyện Chiểu Lăng ở bên nước Nam nay thuộc về tỉnh, đạo nào. Cụ Lê Quý Đôn không thể đáp lại được. Khi trở về, hỏi ra thì chính là huyện Diên Hà. Năm Hồng Đức thứ hai mươi mốt (22) có định sửa lại bản đồ trong thiên hạ, chia phủ Cao Bình (tức là Cao Bằng) gồm bốn châu thuộc đạo Thái Nguyên. Lúc đời Lê mới trung hưng, người Minh quy định cho họ Mạc ở đất ấy. Họ Mạc giữ đất Cao Bình bốn mươi bẩy năm. Nạn nội chiến tiếp diễn liên miên. Câu hát “Con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non; nàng về nuôi cái cùng con, cho anh đi trẩy nước non Cao Bằng.” là của vợ các chú lính phải đi chinh chiến lúc bấy giờ làm ra (23). Khoảng năm Khang Hy (24) đời nhà Thanh, quan trấn thủ Vân Nam là Ngô Tam Quế làm phản, họ Mạc cứu viện cho Ngô Tam Quế nên triều Lê mới tư sang Trung Hoa để họ cùng đưa binh sang đánh diệt họ Mạc, rồi đặt Cao Bình là một trấn, sai ông Võ Công Vinh lên làm Đốc trấn. Về sau, cứ theo thế, sai quan văn lên làm Đốc trấn, cũng giống như trấn Lạng Sơn, vì Cao Bình, Lạng Sơn bờ cõi tiếp liền với Vân Nam, Quảng Tây, công văn, giấy tờ đi lại, phi quan văn thì không làm nổi chức Đốc trấn ấy. Lại như Phú Lương, sau đổi ra Phú Bình, Đà Dương sau đổi ra Đoan Hùng, Ma Nghĩa sau đổi ra Minh Nghĩa, Cổ Đằng sau đổi ra Hoằng Hóa, Lương Giang đổi làm Đoan Nguyên (25), Thanh Đàm đổi làm Thanh Cương, Thanh Miệu đổi làm Thanh Miện, Tế Giang đổi làm Văn Giang, Trường Tân đổi làm Gia Phúc, Võ Ninh đổi làm Võ Giang, Thanh Liêm đổi làm Thanh Liệm. Cửa bể Thần Đầu đổi thành Thần Phù, nay đã lấp thành đồng bằng. Cửa bể Đại Ác nay đổi thành Đại An. Cổ Hiền khi xưa là một huyện, nay gồm về huyện bên cạnh. Hải Đông khi xưa là một phủ, nay thuộc cả về Trấn Ti. Đại loại như thế rất nhiều, không thể kể hết. Nhưng vì văn hiến không đủ, thế tục không truyền, nên những người hiểu cổ cũng thường phải thở dài mà chịu không thể xét ra cho rõ được.

_______

 

Chú thích:

(1), (2) Trước là chữ Thanh có chấm thủy, nghĩa là trong. Sau, kỵ húy đổi thành Thanh -màu xanh,  không có chấm thủy.

(3) Tức Trịnh Tráng (1623 – 1657).

(4) Tức Lê Duy Đàm (1573 – 1599).

(5) Giang Khẩu, Hà Khẩu: là khu vực phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm (cũ).

(6) Thái Cực nay là sau phố Hàng Bạc và ngõ Sầm Công. Đồng Hà nay là Hàng Gai, Đông Các nay là Hàng Bạc.

(7) Phạm Quý Thích (1599 – ?) cũng người huyện Đường An, cùng quê với Phạm Đình Hổ.

 (8) Làng Hoa Đường là làng Phạm Quý Thích.

(9) Quán chỉ là quê quán, thân thế, nói chung.

(10) Nguyễn Trực (1417 – 1473) đậu trạng nguyên năm 1442 đời Lê Thái tông. Cụ Phong nói ở đây tức là Nguyễn Thi Trung.

(11) Bản dịch viết là Đông Ngạc phường, Diên Hỗ tự.

(12) Bản dịch viết là Tôn Trần.

(13) Quả chuông của chùa Diên Hỗ, phường Đống Ngạch. Năm Diên Hựu thứ hai đúc xong. Người tín đố làm quan tên là Tống Trân cúng một lạng vàng.

(14) Quả chuông khắc năm Diên Hựu, cây tùng tốt rợp bóng lâu dài.

(15) Đỗ Uông, người huyện Gia Phúc (Vĩnh Phú) đỗ bảng nhãn, làm quan nhà Mạc, nhà Mạc mất, ông đem các văn thần đến cửa quân nhà Lê xin quy thuận.

(16) Triết vương tức Trịnh Tùng (1570 – 1623) người đánh phá nhà Mạc, lấy lại Đông Đô lập ra nghiệp Chúa Trịnh, nhưng vẫn tôn vua Lê. Miếu hiệu của ông là Thành Tổ Triết vương.

(17) Lê Anh Tông (1557 – 1573) tên húy là Duy Bang.

(18) Lê Kính Tông (1600 – 1619) tên húy là Duy Tân.

(19) Lê Tương Dực (1509 – 1516).

(20) Minh Đức là niên hiệu Mạc Đăng Dung (1527 – 1529).

(21) Lê Quý Đôn (1725 – 1783).

(22) Tức là năm 1491.

(23) Bản gốc viết là do các chinh phu, tức những binh lính đi chinh chiến xa làm ra.

(24) Khang Hy (1662 – 1720).

(25) Bản dịch viết là Thụy Nguyên.

---------

Phạm Đình Hổ sinh năm 1768, tự Tùng Niên và Bỉnh Trực, hiệu là Đông Dã Tiều, còn có biệt hiệu là Hy Kiều Phủ, người đời thường gọi là Cụ Tế Đan Loan. Ông quê ở xã Đan Loan, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay là thôn Đan Loan, xã Nhân Quyền, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương. Nhà ở phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, thuộc thành Thăng Long.

Tác phẩm: Vũ trung tùy bút, Nhật dụng thường đàm, Đông Dã học ngôn thi tập, Bạn tiếp tồn phụng, Tang thương ngẫu lục (viết chung với Nguyễn Án)...

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2025

Tại sao cụ Phạm Quỳnh không gọi Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông?

 


Bài trước, đã đặt ra và trả lời các câu hỏi Hòn ngọc Viễn đông là gì, mục đích của người Pháp khi gọi Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông, quy mô của nó ra sao và vì sao lại có quy mô đó.

Bài viết dưới đây là phần tiếp theo của bài viết trước.

Và, vẫn muốn "gửi gắm" đến các anh chị thơ văn nửa mùa ở Sài Gòn đang khóc thương cho cái gọi là "Hòn ngọc Viễn đông"- Sài Gòn thời Tây - giờ chỉ còn là tên của một phường.


"Hòn ngọc" của ai?

Dĩ nhiên "Hòn ngọc Viễn Đông", nếu thực sự có, thì nó là của người Pháp, chứ không thể là của người Việt. Xem Wiki là biết:

Học giả Vương Hồng Sển cho rằng: danh xưng "Hòn ngọc Viễn Đông" do quan chức thực dân Pháp đặt ra để chỉ nơi ăn chơi của họ, người Việt chẳng được thụ hưởng gì mà còn phải chịu sự bóc lột để người Pháp duy trì sự xa xỉ đó. Và:"Nó hoàn toàn không phải là "hòn ngọc" với thợ thuyền người Việt ở xưởng đóng tàu Ba Son, cu li bốc vác ở cảng Sài Gòn, phu xe kéo và đông đảo người dân bản xứ mang trên mình bản án kiếp nô lệ, kẻ mất nước. Để phục vụ cho hòn ngọc ấy, cả một xã hội Sài Gòn trở thành thuộc địa, phải cung phụng cho Pháp mà nhiều địa danh còn được giữ đến tận bây giờ: Xóm Củi, Xóm Than, Xóm Dầu, Xóm Bàu Sen (gần đồn Cây Mai), Xóm Giá (làm giá đậu xanh gần cầu Cây Gõ), xóm Lò Bún (gần giếng Hộ Tùng), Xóm Ụ Ghe, Xóm Rẫy Cái, Xóm Cây Cui..."

Còn nhà báo Henry Kamn (New York Times) nhận xét: Sài Gòn không phải chỉ có sự lãng mạn như cái tên "Hòn ngọc Viễn Đông" mà người Pháp đặt cho nó; đại đa số người Việt Nam và người Hoa sống tại đây phải lao động cực nhọc vượt xa đồng lương rẻ mạt họ được nhận để tạo nên sự lãng mạn của thành phố. Sự phô trương chỉ tập trung vào đời sống của giới thượng lưu: Thực dân Pháp, người ngoại quốc, giới quý tộc Việt Nam.


 Ai có thể gọi Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông?

Như đã nói, cụm từ tiếng Pháp "La Perle de l'Extrême-Orient" dịch chính xác ra tiếng Việt là "Viên ngọc trai miền Viễn Đông", trong đó Viễn Đông có nghĩa là phương Đông xa xôi.

Từ năm 1918, cụ Phạm Quỳnh, trong tác phẩm Một tháng ở Nam Kỳ (in trong cuốn Mười ngày ở Huế, nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2001), đã không dịch một cách "thông thường" như vậy. Cụ viết:

"Người ta thường gọi Sài Gòn là cái “hạt  báu của Á Đông” (la perle de l’Extrême- Orient)".

Học giả Phạm Quỳnh là người viết báo, dịch sách, diễn thuyết bằng tiếng Pháp, 16 tuổi đã vào làm ở Viện Viễn Đông bác cổ với người Pháp. Cụ lại thông thạo cả chữ Hán.

Thế mà cụ dứt khoát không dịch "la perle de l’Extrême- Orient" thành "Hòn ngọc Viễn đông". Cụ lại dịch là “hạt  báu của Á Đông”.

Tại sao vậy? Vì cụ rất có ý thức là người Việt Nam thì không thể nói như người Tây. Và phải nói thêm, ở điểm này thì cụ Phạm đã cực kỳ tinh tế và chuẩn xác.

Vì đối với đám thực dân hay khách du người Âu, thì Sài Gòn đúng là phương Đông xa xôi thật. Tương quan về vị trí địa lý giữa châu Âu và Sài Gòn thì đúng là như thế. Chúng ở phía Tây lại nên được ta gọi là thằng Tây, khoai tây, hành tây, đồng hồ tây, chó tây và bây giờ vẫn có Tây ba lô.

Còn đối với người Việt Nam, và nhất là các anh chị người Sài Gòn, lại mang danh là người có tý chữ, mà lại tự gọi nơi chôn rau cắt rốn của mình là phương Đông xa xôi, thì... chỉ có thể gọi là... ... 

( ... tự kiểm duyệt)!

 

                                              "Hòn ngọc Viễn Đông" của ai?

Thứ Hai, 30 tháng 6, 2025

Sài Gòn-"HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG"?

 

Ngày hôm nay, 30-6-2025, biển tên Phường Sài Gòn đã được treo lên tại số 45-47 Lê Duẩn, nơi trước đây là Trụ sở UBND quận 1 -TP. Hồ Chí Minh.


Khi Nhà nước chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, địa giới hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh được mở rộng, bao gồm cả Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. 

Hai chữ Sài Gòn được giữ lại để thành tên của một phường nằm ở khu vực trung tâm Thành phố. 

Rồi thì lại có mấy anh nhà thơ, nhà văn nửa mùa khóc thương cho cái mà họ gọi là Sài Gòn - "Hòn ngọc Viễn đông"- bị mất tên.

Những gì gọi là hồn cốt của Sài Gòn thì vẫn còn đó, có mất đi đâu?


"Hòn ngọc Viễn đông" là gì?

"Hòn ngọc Viễn Đông" là một mỹ từ mà thực dân Anh, Pháp, từ hơn một thế  kỷ trước, đặt cho một số thuộc địa của họ.

Không chỉ mỗi Sài Gòn mới được gọi bằng cụm từ này. Danh hiệu Hòn ngọc Viễn Đông còn được dùng để gọi Hương Cảng, Thượng Hải, Phnom Penh, Singapor, Manila, Sri Lanka, đảo Java, Birobijan và Harbin …

Ở xứ ta, ban đầu, người Pháp dùng mỹ từ này để gọi chung xứ Đông dương thuộc địa (Việt Nam, Lào, Căm pu chia). Người Pháp cũng dùng "Hòn ngọc Viễn Đông" để chỉ Sài Gòn, mặc dù so với một số các "Hòn ngọc" khác thì Sài Gòn thời đó còn kém xa về mọi mặt.

Danh hiệu "Hòn ngọc Viễn Đông" được dịch từ cụm từ tiếng Anh là "Pearl of the Far East", hoặc từ tiếng Pháp là "La Perle de l'Extrême-Orient", trong đó hai chữ "Viễn Đông" có nghĩa là "phương Đông xa xôi". 

Người Pháp gọi Sài Gòn là "Hòn ngọc Viễn Đông" để làm gì?

Về mặt văn bản, lần đầu tiên Sài Gòn được gắn vào cụm từ La Perle de l’Extrême-Orient, (dẫu còn ở thì tương lai và kèm theo điều kiện), có lẽ là vào năm 1881. Tờ báo Pháp  L’Avenir diplomatique (Tương lai ngoại giao) ra ngày 7-4-1881, dẫn lại từ bài diễn văn của Jules Blancsubé, thị trưởng đầu tiên của Sài Gòn, trong đó có đoạn hứa hẹn trước cử tọa Hiệp hội Hàng hải và Thuộc địa Pháp rằng:

Khi hệ thống giao thông đường thủy và đường sắt Đông Dương được hoàn thiện, thì: "... tous les produits de la Peninsule et de la Chine afflueront a Saigon, qui sera alors veritablement la perle de l'Extrême-Orient".

Dịch: ("...tất cả các sản phẩm của Bán đảo và Trung Quốc sẽ chảy vào Sài Gòn, nơi sẽ thực sự trở thành hòn ngọc trai của Viễn Đông").


                                                                    

Có thể thấy, ông Blancsubé dùng mỹ từ "Hòn ngọc Viễn Đông" với mục đích "kêu gọi đầu tư". Cụ thể là kêu gọi Hiệp hội Hàng hải và Thuộc địa Pháp đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thủy và đường sắt Đông Dương.

Sau này, ngoài mục đích "kêu gọi đầu tư" thì "Hòn ngọc Viễn Đông" có lẽ còn dùng để tuyên truyền về mặt chính trị, hay để tuyển viên chức người Pháp, (không thiếu những kẻ du thủ du thực ở chính quốc sang xứ Annam để trở thành quan lớn), hoặc để quảng bá, lôi kéo khách người Âu sang du lịch, thám hiểm và săn bắn ...

Ngoại vi Sài Gòn lúc bấy giờ còn nhiều rừng và thú hoang, có cả  thú dữ. Để ý rằng Huy hiệu biểu trưng cho Sài Gòn, do Hội đồng thành phố duyệt năm 1870, có khắc hai con cọp và hình ảnh cây cỏ đặc trưng cho vùng sông nước Sài Gòn. 


Quy mô "Hòn ngọc Viễn Đông" có lớn không? 

Mặc dù được người Pháp gọi một cách hoành tráng là "Hòn ngọc Viễn Đông", nhưng theo quy hoạch năm 1865 của người Pháp, thì Sài Gòn chỉ rộng khoảng 3 km², gồm 24 đường phố với các công sở và dinh thự cho người Pháp. Phần còn lại thì vẫn còn rất hoang vu.

Như đã nói, xung quanh Sài Gòn lúc bấy giờ còn nhiều rừng và thú dữ và huy hiệu biểu trưng của Sài Gòn còn thể hiện cảnh sông nước, hình hai con cọp và những cây cỏ hoang sơ. Vì thể việc Sài Gòn được người Pháp gọi là "Viên ngọc Viễn đông", vốn có thể là do chính vẻ đẹp và sự độc đáo từ thiên nhiên hoang dã của cả vùng, chứ không phải biểu thị cho sự phồn hoa, thịnh vượng trên diện tích 3 km² kia.



Nhà nghiên cứu Sơn Nam trong “Bến Nghé xưa” cho biết: mãi đến năm 1914 chợ Bến Thành mới hoàn thành và “trước mặt còn ao vũng sình lầy". Chỗ cái ao ấy, người Pháp gọi là ao Boresse, còn người Việt phiên âm là ao Bồ rệt, sau chỗ này trở thành công viên Quách Thị Trang và bây giờ là Nhà ga ngầm Trung tâm tuyến Metro Bến Thành- Suối Tiên. .




                                                        Ao Bồ Rệt (Marais Boresse)

 

Tại sao "Hòn ngọc Viễn Đông"lại bé thế?

Đơn giản là vì những người chủ trương xây dựng "Hòn ngọc Viễn Đông" không đủ tiền.

Dinh Xã Tây, bộ mặt công quyền của "Hòn ngọc Viễn Đông", khởi công năm 1873 nhưng 15 năm sau (1898) mới có tiền để xây dựng và mãi năm 1909 mới xong. 

Hệ thống đường sắt Đông Dương, dự án mang tính tiền đề để "Sài Gòn thực sự trở thành viên ngọc của Viễn Đông" như lời "kêu gọi đầu tư" của Blancsubé năm 1881, đến năm 1897 mới được Hội đồng Đông Dương thông qua và mãi tới năm 1908 mới xây dựng xong. Để có tiền thực hiện dự án đường sắt này, Toàn quyền Paul Doumer đã phải phát hành công trái vay 200 triệu Franc và trả trong vòng 75 năm.

Riêng tuyến Đà Nẵng-Nha Trang-Sài Gòn, gần bốn chục năm sau (tháng 10 năm 1936) mới hoàn thành.

Để kiếm ra tiền, thì từ năm 1881, người Pháp đã mở Nhà máy chế biến thuốc phiện (Manufacture d'Opium) ở ngay trong khu vực quy hoạch "Hòn ngọc Viễn Đông". Thuốc phiện từ đây được bán ra khắp Đông Dương, riêng năm 1914 lợi nhuận vọt lên cao, chiếm đến 36,9% ngân sách Đông Dương. Ngày nay vẫn còn di tích cái cổng nhà máy này ở số 74 đường Hai Bà Trưng.

Nhưng vẫn không đủ. Biện pháp khả dĩ nhất của Toàn quyền Doumer là tăng thuế. Đại úy Fernand Bernard, sĩ quan phụ tá của Doumer, trong cuốn Đông Dương - Những sai lầm và nguy hiểm (L’ Indo-Chine. Erreurs et dangers, NXB Charpentier, 1902), viết rằng:

“Vào năm 1897, chỉ trong vài tuần lễ, một cơn mưa đá thực sự đổ xuống. Tăng thuế thân và thuế địa ốc, thuế của những người không đăng ký, thuế đăng ký sắc phong của các quan, thuế diêm, thuế quế, thuế giấy có đóng dấu, thuế muối, rượu, thuyền trên sông, giấy phép đốn gỗ, thuế thuốc lào, thuế cau, thuế củi, thậm chí cả thuế rơm thuế rạ để lợp những cái lều thảm hại nhất...”

Khai thác thuộc địa, thu đủ các thứ thuế một cách cực kỳ tàn ác, cộng thêm sản xuất rồi bán và ép người dân Annam phải tiêu thụ rượu và thuốc phiện để tăng nguồn thu, nhưng người Pháp vẫn thiếu tiền.

Đánh nhau với Đức 1914-1918 (Thế chiến I) , người Pháp phải moi thêm tiền dân đen Annam bằng cách vận động, bán trái phiếu “Rồng Nam phun bạc, đánh đổ Đức tặc”.

Đánh nhau với Việt Minh 1954, người Pháp cũng hết tiền, phải nhờ nước Mỹ trả giúp 80% chiến phí.

Cho nên, tận đến ngày thua Việt Minh và tháo chạy về nước (1954), thì cái gọi là "Hòn ngọc Viễn đông" của nước Đại Pháp cũng vẫn chỉ loanh quanh trong phạm vi 3 km² (nay là một góc phường Sài Gòn) mà thôi.


                                                                    ---------



Thứ Ba, 24 tháng 6, 2025

Chuyện nghe nhìn thời sơ tán

 


Trong Mấy lời của tác giả mở đầu cuốn "Bên thắng cuộc" Huy Đức kể: "Những chiếc máy Akai, radio cassettes, được những người hàng xóm tập kết mang ra, giúp chúng tôi biết những người lính xa nhà, đêm tiền đồn còn nhớ mẹ, nhớ emchứ không chỉ có “đêm Trường Sơn nhớ Bác”", và mãi đến những năm 1983 vào Sài Gòn mới "bắt đầu biết đến rạp chiếu bóng, Nhạc viện và sân khấu ca nhạc".

Khác với Huy Đức, mình không cần phải vào miền Nam mới biết đến rạp chiếu bóng, Nhạc viện và sân khấu ca nhạc. Thực tế có vẻ ngược lại, cũng năm 1983, mình tham gia xây dựng hai nhà hát ở phía Nam, đó là rạp hát Hộ Phòng (Giá Rai) và rạp hát Trần Văn Thời ở tỉnh Minh Hải. Đó là các rạp hát đầu tiên nằm ở các trung tâm thị trấn này.

Cũng trong lời mở đầu này, Huy Đức đã giới thiệu: "Đây là công trình của một nhà báo mong mỏi đi tìm sự thật" và "Lịch sử cần được biết như nó đã từng xảy ra". Nhưng những dòng Huy Đức viết ra không phải là toàn bộ cái "đã từng xảy ra", và càng không thể là lịch sử. Nếu Huy Đức có mô tả sự thật, thì đó cũng chỉ là một mẩu sự thật của riêng Huy Đức mà thôi.

Thế nhưng, đoạn văn mà Huy Đức kể lể ở trên có thể làm cho người đọc ngộ nhận (hay ngộ độc) rằng ngoài Sài Gòn (của "Bên thua cuộc") thì ở miền Bắc, nơi Huy Đức sinh ra và trưởng thành, không có "rạp chiếu bóng, Nhạc viện và sân khấu ca nhạc" và âm nhạc thì "chỉ có “đêm Trường Sơn nhớ Bác”.

Vậy nên dưới đây, mình sẽ kể những chuyện xem gì, nghe gì, ở đâu, trong "một thời đạn bom, một thời hòa bình" ấy. Đó cũng không phải là toàn bộ sự thật và vẫn chỉ là một mẩu nhỏ của cái "đã từng xảy ra" qua trải nghiệm của một cá nhân.

Mình không biết quê Huy Đức có các rạp hát, rạp chiếu bóng (và nhạc viện nữa cơ à?) hay không, nhưng hai nơi mình từng ở là Thị xã Ninh Bình và thành phố Nam Định thì chắc chắn đều đã có các rạp hát, rạp chiếu phim.

Thị xã Ninh Bình bị bom Mỹ phá sạch, kể cả nhà thờ chứ  đừng nói tới rạp hát, rạp xi nê. (Lạc đề một tý, mình vẫn tiếc cái nhà thờ đổ do bom Mỹ này nằm bên lối vào nhà ga cũ. Nó có một vẻ đẹp hoang tàn tuyệt phẩm, tưởng như bom đạn vô tình mà cũng biết tạo ra cái đẹp).

Ở Ninh Bình, khoảng năm 1973-75, nhà hát mới được xây dựng trên đường bên bờ Sông Vân. Mình vẫn được bác Mạc Kính Dương (bấy giờ là Trưởng Ty Văn Hóa) cho giấy mời vào xem Đoàn chèo Ninh Bình hay Đoàn kịch nói Ninh Bình biểu diễn ở đây. Năm ngoái (2024), rạp này được phá đi và xây lại với kiến trúc hiện đại (và độc đáo) hơn, mang tên Nhà hát Phạm Thị Trân, người được suy tôn là "bà tổ nghề sân khấu của Việt Nam".

Cách thị xã Ninh Bình khoảng 30km thì đến giờ vẫn còn rạp Kim Mâu 800 chỗ, thuộc huyện Kim Sơn. Rạp này được xây dựng khoảng năm 1960, không bị bom Mỹ phá, tên rạp mang đậm dấu ấn kết nghĩa Bắc-Nam: Kim sơn-Cà Mâu.

Năm 1976, hợp nhất tỉnh, nhà mình chuyển sang Nam Định thì thấy còn khá nhiều rạp tồn tại qua các đợt chiến tranh.

Thành phố Nam Định nhỏ, chu vi đi xe đạp khoảng chưa tới 30 phút đã hết nhưng lúc bấy giờ có khá nhiều rạp chiếu phim như Văn Hoa, Hoa Đô, Kim Đồng và rạp Tháng Tám (phim) nằm cạnh rạp Bình Minh (Cải lương) trên đường Trần Hưng Đạo. Nhà hát 3-2 (đa năng) thì nằm bên hồ Vị Xuyên...

Nam Định có các Đoàn Kịch nói, Đoàn chèo và Đoàn Cải lương. Chú Văn Phúc, kép chính của đoàn Cải lương Nam định cũng thi thoảng cho mình giấy mời. Nhà chú chung vách lửng với nhà mình (bên trên thông nhau), nên khi bà cụ Phúc (mẹ chú) dạy hát bên nhà kia - bà là nghệ nhân nổi tiếng về hát chèo (dòng cụ Trùm Thịnh) và có nhiều học trò ở Hà Nội về học - thì bên này cũng được học ké. Con trai chú Phúc - em Đại Phong sau cũng trở thành Nghệ sĩ cải lương.

Ở Nam Định (và cả Hà Nội) còn có một cái thú về văn hóa nữa là đi xem triển lãm tranh, tượng không mất tiền, xem thì mê mẩn quên đường về nhưng nhìn thấy giá là... muốn ngất.

Đó là chuyện xem, nghe gì, ở đâu, từ khi Mỹ ngưng ném bom miền Bắc, còn trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ thì thế nào?

Sau sự kiện 5- 8-1965, Johnson ném bom, nhà mình sơ tán về vùng nông thôn cách thị xã Ninh Bình khoảng 5km. Nhớ lúc ấy mới học vỡ lòng, đã được đi theo các anh ở nơi sơ tán xem phim rồi. Qua một cái cầu gỗ, sợ quá phải bò, nên có ông anh cõng qua.

Sau lớn thêm chút thì tự đi, không có tiền thì "rúc rào". Phim "Những kẻ báo thù không thể bị bắt" (Liên Xô) được trẻ con xuyên tạc ngay thành "Những kẻ rúc rào không thể bị bắt".

Thực ra chẳng có rào nào cả, người ta chỉ chăng sợi dây thừng quanh khuôn viên bãi chiếu. Trẻ con không muốn "rúc rào" thì bày ra bộ mặt nịnh nọt, xin anh soát vé cho vào cũng có khi được. Thời kỳ này mình xem phim Nổi gió chắc phải đến 2 lần, nội dung thì không nhớ (vì còn bé quá) chứ các nghệ sĩ Thế Anh (trung úy Phương) và Trà Giang thì nhớ mặt luôn.

Cũng có khi không vào bãi, kiếm chỗ đứng ngoài xem ngược từ phía mặt sau của màn ảnh. Sau này đến lúc loại phim màn ảnh rộng ra đời thì người ta mới che kín phía sau. Phim phổ biến hồi ấy là các phim của Liên Xô (Người thứ 41, Bài ca người lính, Đàn sếu bay, Vua Sultan...); Trung Quốc (Bạch mao nữ, Rừng thẳm tuyết dày, Mưu chiếm núi Uy Hổ, Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt tinh...), thậm chí còn có cả phim Đức, Ba Lan hay Rumani (Tượng đồng người thứ sáu).

Ngoài các đội chiếu bóng lưu động, thì Ninh Bình còn có Đoàn Ca múa, Đoàn Kịch nói và Đoàn Chèo, cũng diễn lưu động ngoài bãi khi máy bay Mỹ ngưng ném bom. Kịch thì nhớ vở "Tiền tuyến gọi"..., chèo thì nhớ vở "Trần Quốc Toản ra quân"... mà bà con nông dân "chế" thành "Trần Quốc Toản xe phân". Thời kỳ này mình toàn xem bãi, không có rạp. Rạp bom Mỹ phá rồi. Trách ai? Trách đất nước à?

Thế còn nghe gì? Liệu có phải chỉ có "Đêm Trường Sơn nhớ Bác"?

Tin hay không thì tùy, mình bắt đầu quan tâm đến nhạc giao hưởng từ những năm 1970-1971, ở nơi sơ tán, giữa những đợt ném bom của Johnson và Nixon.

Có lẽ ít người còn nhớ là trong những năm tháng ấy, mỗi sáng Chủ nhật, tầm từ 8-9h, Đài Tiếng nói Việt Nam dành ra khoảng một tiếng đồng hồ phát chương trình Giới thiệu các tác phẩm âm nhạc nước ngoài.

Chương trình này do nhạc sĩ Hồ Bắc thực hiện. Ông trực tiếp giới thiệu, phân tích, dẫn dắt người nghe và bình giải một cách có hệ thống những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của các nhà soạn nhạc cổ điển như Tchaikovsky, Chopin, Beethoven, Moza, Shostakovich... Ngu như mình dần dần cũng hiểu được đôi chút.

Gây ấn tượng với mình nhất là Bản Giao hưởng số 5 (Định mệnh) của Beethoven và Hồ Thiên nga của Tchaikovsky. Khi phân tích từng chương, từng đoạn ông nói say mê và xúc động như nhập đồng. Sau mới biết, con gái Hồ Bắc mang tên Hồ Thiên Nga.

Đến khi Nixon ném bom Hải Phòng, Hà Nội (12 ngày đêm) thì chương trình này ngưng. Nhưng, một điều đặc biệt là ngay sáng sớm ngày đầu tiên của hòa bình (sau khi ký hiệp định Paris) thì Đài Tiếng nói Việt Nam lại phát chương II Concerto piano số 5 của Beethoven.

Ở quê Huy Đức, Nghệ An hay Hà Tĩnh cũng đều nghe được, nếu muốn. Nhưng cũng có thể lúc ấy Huy Đức còn bé quá, không để ý.

Nhạc viện thì Nam Định, Ninh Bình không có, quê Huy Đức chắc cũng không có. Hà Nội dĩ nhiên là có, Sài Gòn cũng có (và còn có rất nhiều Viện uốn tóc).

Vậy nên mình sẽ kể một chút về Nhạc viện Hà Nội thời bom đạn, và chờ Huy Đức kể về Nhạc viện của "bên thua cuộc".

Nhạc viện Hà Nội chính là cái tên ở thời sơ tán, sau đổi thành Học viên âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nhưng người ta vẫn gọi một cách dân dã là Trường Nhạc. Anh Minh, đi bộ đội về rồi học Đại học cùng lớp mình là con một cụ đã từng lãnh đạo nơi đây, anh nổi tiếng "trùm sò" nhưng lại hay cho mình đọc ké sách, truyện và "ép" mình dùng xà phòng Camay của anh (một thứ xa xỉ phẩm thời bao cấp) để tắm.

Mỹ ném bom miền Bắc, Nhạc viện Hà Nội cũng hai lần phải đi sơ tán. Thời Johnson ném bom (1965), trường Nhạc về xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng và thời Nixon ném bom (1971) lại sơ tán tiếp về huyện Hiệp Hòa (Hà Bắc).

Trong những năm tháng gian nan ấy thì thầy trò Trường Nhạc vẫn cứ dạy và học say mê. Tiếng đàn, tiếng hát vẫn cất lên ngay ở nơi bụi chuối, bờ tre, cạnh đàn gà, con trâu hay đống rơm. Những đêm không có đèn, thầy trò họ vẫn miệt mài học tập. Có báo động thì chui xuống hầm, hết báo động lại chui ra học tiếp.

Ngoài dạy và tập đàn, các thầy còn kiêm nhiệm việc đào hầm để tránh máy bay, tối đến tự học ngoại ngữ dưới ánh đèn dầu. Chủ nhật thầy cô vẫn tranh thủ đạp xe 70 km về Hà Nội. Thỉnh thoảng họ tổ chức biểu diễn ở sân kho hay đến tận các trận địa pháo cao xạ. Và đi tuyển sinh các nơi, kể cả ở tận Nghệ An, chỉ bằng xe đạp.

Nhưng dẫu khó khăn gian khổ đến mấy, thì cũng chính từ cái nôi nơi sơ tán này đã ươm mầm và phát hiện một nhân tài kiệt xuất là nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn, sau này đạt giải nhất cuộc thi Concours Chopin lần thứ 10 (10-1980) tổ chức tại Varszawa, Ba Lan. Tiếp bước Đặng Thái Sơn là những tài năng khác như­ Tôn Nữ Nguyệt Minh (piano); Ngô Thành, Khắc Hoan (violon)... mang tiếng đàn chinh phục ban giám khảo và các khán giả sành điệu trong các cuộc thi âm nhạc quốc tế và sân khấu thế giới.

Quả thật, dòng nhạc nào cũng kén người nghe và không phải ai cũng thích nghe nhạc thính phòng hay nhạc giao hưởng. Và nếu như anh bộ đội Huy Đức không thích "Đêm Trường Sơn nhớ Bác" mà lại ưa những bài hát có "người lính xa nhà, đêm tiền đồn còn nhớ mẹ, nhớ em" thì cũng chả sao.

Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy đã nhận định rằng: "Đầu thập niên 70 là lúc Nhạc Việt, trong phạm vi ca khúc, phát triển đến tột độ. Có sự thành công của những bài hát thông thường và chỉ được coi là nhạc thương phẩm - mệnh danh là nhạc vàng - với những tình cảm dễ dãi phù hợp với tuổi choai choai, với em gái hậu phương và lính đa tình, tuy không được coi trọng nhưng lại rất cần thiết cho vài tầng lớp xã hội trong thời chiến."

 

---------------


Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2025

Bài thơ Dương Phi cố lý của Nguyễn Du (và Đặng Thị Huệ)

 

 

Nhân vật Dương Quý Phi bên Tàu và Vương phi Đặng Thị Huệ bên ta có nhiều điểm tương đồng:

Cả hai đều đẹp, không chỉ đẹp mà còn đẹp quá, nên "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen".

Dương Quý Phi nhập cung với thân phận là một "nữ đạo sĩ" (hầu việc cầu cúng)  được vua Tàu Đường Huyền Tông yêu dấu mà phong làm Quý phi.

Đặng Thị Huệ thì vốn là một nữ tỳ được chúa Trịnh Sâm sủng ái mà phong làm Tuyên phi.

Quý Phi bị Tàu coi là mầm mống sinh ra đại loạn, gây tai họa cho nhà Đường.

Tuyên Phi (Đặng Thị Huệ) thì  bị coi là nguyên nhân của nhiều biến cố thời vua Lê chúa Trịnh, dẫn đến cơ đồ hơn hai trăm năm của nhà Trịnh sụp đổ.

Dương Quý Phi có anh trai là Dương Quốc Trung, còn Đặng Tuyên Phi có em trai là Đặng Mậu Lân. Trung và Lân giống nhau ở chỗ đều bị đánh giá là cậy thế người nhà vua chúa làm những việc vô đạo, xa hoa, càn rỡ, gây ra nạn “kiêu binh”, làm tổn hại tới vận mệnh triều đình.

Kết cục Dương Quý Phi bị buộc phải thắt cổ, còn Đặng Thị Huệ thì tự uống thuốc độc mà chết.

Bài thơ Dương Phi Cố Lý (Quê cũ Dương Quý Phi), là bài số 44 trong tập Bắc hành tạp lục của đại thi hào Nguyễn Du. Thời điểm sáng tác bài thơ được cho là vào năm 1789, khi Nguyễn Du nhàn du bên Tàu trong các năm 1787-1790.

Khi Nguyễn Du viết bài thơ này, thì Đặng Thị Huệ mới chết được 5 năm (1784), còn Dương Quý Phi đã chết cách đó hơn 1.000 năm (756).

Dương Phi cố lý

Phiên âm:

Sơn vân tước lược ngạn hoa minh,

Kiến thuyết Dương Phi thử địa sinh.

Tự thị cử triều không lập trượng,

Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành.

Tiêu tiêu Nam nội bồng cao biến,

Mịch mịch Tây Giao khâu lũng bình,

Lang tạ tàn hồng vô mịch xứ,

Đông phong thành hạ bất thăng tình

Dịch:

Bờ hoa rực rỡ núi vờn mây

Thấy bảo Dương phi sinh đất này

Một thủa triều đình toàn tượng đứng

Ngàn năm người ngọc chịu tai bay

Lặng ngắt Tây Giao gò hóa phẳng

Đìu hiu Nam nội cỏ mọc dày

Cánh hồng tàn rụng tìm đâu thấy?

Dưới thành duy có gió Đông hay...

Khác với “dư luận xã hội” bấy giờ (và cả bây giờ), cụ Tiên Điền không “ném đá” Dương Quý Phi mà chỉ rõ, nhà Đường mất nước là do đám quan lại triều đình quanh năm ăn hại nói khoác, đến lúc cần hành động thì hóa ra toàn là tượng đá, sao lại đổ oan cho sắc đẹp làm nghiêng thành?

Không rõ khi viết bài thơ này, cụ Tiên Điền có liên tưởng đến thân phận Đặng Thị Huệ chăng?

Cũng có thể lắm chứ, vì:

"Đau đớn thay phận đàn bà,

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung..."


---------------------

Thêm:

Nguyễn Du có ông anh là Nguyễn Khản làm quan dưới trướng Trịnh Sâm, lại thân thiết với Trịnh Sâm và Đặng Tuyên phi như người nhà. Phạm Đình Hồ, trong Vũ trung tùy bút, viết:

"Khi chúa Trịnh Thịnh vương (Trịnh Sâm) còn ở Lương quốc phủ, thì ông Nguyễn Khản làm Phiên liêu, hàng ngày được vào hầu yến trong nội cung Thịnh vương, thân thiết như bạn áo vải. Năm Đinh Hợi (1767) thăng cho ông Khản làm Tri phiên liêu kiêm quản Nhất hùng cơ, tước Kiều nhạc hầu. Khi ấy, trong nước bình yên vô sự. Thịnh vương lại thích đi ngự chơi, lúc đi thưởng hoa, lúc đi câu cá, thế nào cũng có ông Nguyễn Khản cùng đi. Khi trở về, thì ông lại mặc áo chẽn tay hẹp ra vào nơi cung cấm. Nhà chúa đặc ban cho ông được đi lại ra vào không khác gì quan nội giám. Khi chúa Trịnh thưởng ca, thường sai Nguyễn Khản ngồi hầu. Ông được đội khăn lương, mặc thường phục, ngồi ngay bên cạnh, cầm chầu điểm hát. Những ngày rỗi, chúa Trịnh lên ngự chơi Hồ Tây, kẻ thị thần vệ sĩ bày hàng quanh cả bốn mặt hồ, nhà chúa chỉ cùng với bà Đặng Tuyên phi ngồi trên thuyền, mà Nguyễn Khản thì ngồi hầu ngang trước mặt, cùng thưởng lãm, cười nói, không khác gì bạn bè, người nhà".