Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Cụ Hồ, nhà tiên tri

Mùa xuân năm 1942, tại căn cứ địa Việt Bắc, Cụ Hồ soạn diễn ca “Lịch sử nước ta” gồm 236 câu lục bát, thực chất là chuyển thể từ văn xuôi (khó nhớ) sang văn vần (dễ nhớ), mục đích, như Cụ nói ngay trong câu mở đầu, là để “dân ta phải biết sử ta”. 
Diễn ca kết thúc bằng mấy câu tiên đoán:
“...Nay ta đã có Việt minh
Đủ tài lãnh đạo dân mình đấu tranh
Bốn nhăm (1945) - sự nghiệp hoàn thành”
Luật sư Phan Anh, đã có dịp được lẩy Kiều với Cụ Hồ, kể:“Vào một dịp năm 1953, tôi đã lẩy ca dao với hai câu kết là:
“Diệt thù giải phóng quê ta
Ấy là nghĩa nặng, ấy là tình sâu”
Cụ Hồ đứng dậy nối lời:
“Đành rằng chờ đợi ít lâu
Chầy ra là một năm sau vội gì”
Chiều 7/5/1954, trận Điện Biên phủ thắng lợi, Tướng Võ Nguyên Giáp nhận được bức điện chúc mừng của Cụ Hồ: “Thắng lợi tuy lớn nhưng chỉ bước đầu đấy! … còn phải đánh Mỹ …”.
Mà, chả phải đợi đến 1954, Cụ Hồ đã nhìn ra bóng dáng nước Mỹ đối đầu từ 1945 cơ, như cụ Hoàng Đạo Thúy hồi ức: “cái hay là Cụ thấy: Anh Mỹ là đế quốc già tay, mà đấu tranh (giải phóng) cho thuộc địa thì cuối cùng là (sẽ đụng) Anh, Mỹ. 2-9-1945, Cụ nhắc câu nói Mỹ đã chịu đâu. Sau Genève, Cụ nói ngay: Từ nay, Mỹ là kẻ thù chính”.
Ngày 01/9/1960 tại Hà Nội, trong diễn văn Cụ Hồ đọc tại mít tinh kỷ niệm 15 năm Quốc khánh, có câu: “Chúng ta gửi đến đồng bào miền Nam mối tình ruột thịt và hứa với đồng bào rằng: Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh, thì chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc - Nam nhất định sẽ sum họp một nhà". Mấy chữ "chậm lắm là 15 năm nữa" được Cụ cẩn thận gạch dưới.
Cuối năm 1967, khi làm việc với Bộ tư lệnh quân chủng phòng không – không quân, Cụ dự báo: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua".
Thực ra từ 1962, Cụ Hồ đã chỉ thị với tướng Phùng Thế Tài, Tư lệnh phòng không: “B52 bay cao hơn 10 cây số mà trong tay chú hiện nay chỉ có cao xạ thôi... Ngay từ bây giờ, là Tư lệnh Bộ đội Phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và phải thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B52 này”.
Chỉ kể sơ mấy sự kiện lớn, để thấy về tài tiên đoán của Cụ Hồ.
Giáo sư Trần Quốc Vượng thắc mắc, cho rằng Cụ Hồ rất giỏi về môn Tử vi, còn Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì chỉ nói đơn giản nhưng thật ra lại đầy bí hiểm: Bác Hồ là người cực kỳ nhạy cảm với cái ngẫu nhiên là tất yếu và cái tất yếu là ngẫu nhiên này”.
Chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được, khả năng tiên đoán của Cụ Hồ có được là do thiên phú hay nhờ rèn luyện bền bỉ trong suốt quá trình hoạt động Cách mạng vốn luôn luôn phải gắn liền với sự nhạy cảm, óc phán đoán và tầm nhìn xa trông rộng.
Và hình như cũng chưa có ai đặt câu hỏi: quan niệm của Cụ Hồ về các hiện tượng trong lĩnh vực siêu linh là thế nào?
Chỉ biết, từ những năm 1920, khi còn là Nguyễn Ái Quốc trên đất Pháp, trong buổi tranh luận với bác sĩ Coué về thuật thôi miên, "sau khi nhiều người nói tin, nhiều người nói không tin, anh Nguyễn xin phát biểu ý kiến. Anh nói: "Tin cũng được, không tin cũng được. Nhưng tôi xin mạn phép nói thật rằng bác sĩ Coué (người thạo giỏi thuật "thôi miên") chưa giỏi bằng thực dân Pháp. Mỗi năm, với hàng nghìn tấn thuốc phiện, chúng đang làm cho hàng triệu người Việt Nam ngủ say đến nỗi quên mình là vong quốc nô"(Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch).
"Tin cũng được, không tin cũng được", ta chỉ biết đó là quan niệm khá cởi mở của Nguyễn Ái Quốc về vấn đề thôi miên, nhưng lúc bấy giờ, với anh Nguyễn, vấn đề là dân tộc Việt Nam trước đã.
Vậy, là một người Cộng sản, phải chăng Cụ Hồ chỉ biết có "duy vật biện chứng"? Mà nếu đã tư duy "biện chứng" thì hẳn phải khác "duy vật" kiểu cực đoan, "duy vật" một chiều theo kiểu "duy ý chí"?
Năm 1993 trên tờ Khoa học và Tổ quốc (Số tháng 9), Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm, trong một bài viết ngắn, công bố tư liệu rất đáng chú ý của Léo Poldés, viết đăng trên tuần báo Ici Paris hecbdomadaire, số 53 (11 đến 18/06/1946).
Léo Poldés nguyên là Chủ nhiệm câu lạc bộ Faubourg (Paris, thành lập năm1914) là nơi Nguyễn Ái Quốc thường sinh hoạt trong những năm đầu 1920, câu lạc bộ này đã được Trần Dân Tiên nhắc tới trong cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch: “Trong những buổi họp nói chuyện ở Pa-ri, người ta thảo luận đến tất cả các vấn đề từ thiên văn, địa lý, chính trị, văn học cho đến cách trồng cải soong và nuôi ốc sên. Trong những buổi họp này có tất cả các hạng người: bác học, cựu bộ trưởng, nghị viện, nhà văn, thợ thuyền, người đi buôn, người già và người trẻ... ở đây người ta có thể học nhiều chuyện và nhận xét mọi người thật bổ ích”...
Bài báo của Léo Poldés cho biết một số chi tiết rất thú vị về những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại câu lạc bộ này như sau:
- Ngày 6-10-1921, tranh luận với bác sĩ Vachet về thuật thôi miên.
- Ngày 13-10, thuyết trình về bản năng; buổi thuyết trình có bác sĩ Bérillon dự.
- Ngày 20-10, tranh luận với giáo sư Coué là một người có phương pháp chữa bệnh bằng tự kỷ ám thị.
- Ngày 27-10, tham luận trong cuộc tranh luận về “Có linh hồn không”.
- Ngày 10-11, tranh luận về vấn đề các ông đồng bà cốt.
- Ngày 1-12, tranh luận với nghị sĩ Charles Lassy về đạo Kitô.
- Ngày 8-12, tham gia cuộc tranh luận về “Quyền bãi công” do chiến sĩ cộng sản Sémart thuyết trình, và vấn đề “Có nên tin vào mộng mị hay không?” do Charles Brouihet trình bày.
- Ngày 22-12, tranh luận với bác sĩ Jaworski và tiến sĩ Hervé về “cái chết và việc thờ cúng người chết”.
- Ngày 13-1-1922, trong buổi tòa án quận Faubourg kết án tiểu thuyết “Batouala” mới được giải thưởng Goncourt, đã cùng nghị sĩ Boineuf và thi sĩ người Haiti Morpeau đứng lên bênh vực tác phẩm của René Maran (tác giả cuốn Batouala).
- Ngày 28-1-1922, tham dự tiệc rượu ở nhà hàng Bonvalet, trong số những người có mặt có rất đông trí thức Pa-ri như Maurice Rostand, Henry Marx, Marguerite Moreno, bà Marcel Cachin, v.v.
- Ngày 16-2, tranh luận với Marinette Benoit Robin về thuật thông linh, trong cuộc tranh luận đã đề cập tới vấn đề các hồn ma, đã đặt ra các câu hỏi: Có sự hóa kiếp và thác sinh không? Có luân hồi không? Có kiếp trước và đầu thai kiếp sau không?
GS Đinh Xuân Lâm viết tiếp:
Đến khoảng giữa năm 1923, các thành viên không thấy xuất hiện Nguyễn Ái Quốc ở câu lạc bộ Faubourg nữa. Tất nhiên, những bạn bè của Người ở câu lạc bộ, rất ít người biết rằng, Nguyễn Ái Quốc đã bí mật rời nước Pháp, để tới Mát-xcơ-va, bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng mới trong guồng máy của Quốc tế Cộng sản...
Trong chuyến công tác ở Pa-ri, tại Lưu trữ của Hội Thánh Tin Lành Phúc Âm Pháp, Giáo sư Đỗ Quang Hưng phát hiện một tư liệu quý, độc đáo liên quan đến quan hệ của Nguyễn Ái Quốc với giới Tin Lành Pháp lúc đó. Đó là bức thư đánh máy, bốn trang bằng tiếng Pháp, đề ngày 8-9-1921 của Nguyễn Ái Quốc gửi lãnh đạo Hội Thánh Tin Lành Pháp. Trong thư, Nguyễn Ái Quốc đã thẳng thắn phê bình chủ trương lập Hội Thánh Tin Lành Đông Pháp, trên thực tế phản ánh tư tưởng hẹp hòi, nếu không muốn nói là còn nặng tâm lý thực dân, trái ngược với ý tưởng của Thiên Chúa. Người viết: “Khi xứ Đông Dương còn bị thống trị bởi chủ nghĩa thực dân thì không thể có một cộng đồng Kitô giáo thực sự”. 
Như vậy từ đầu những năm 20 của thế kỷ trước, ngay tại nước Pháp thực dân đế quốc, người cộng sản Nguyễn Ái Quốc, song song với các hoạt động yêu nước, lập Công hội Đỏ, làm báo (Le Paria, Việt Nam hồn), đã vừa viết hàng loạt tác phẩm vừa phải làm đủ các nghề độ nhật…, hoàn toàn không tự bó mình trong cái khung "duy vật" một cách máy móc. 
Người đã không hề bỏ lỡ cơ hội học tập, trải nghiệm trong các môi trường tri thức, văn hóa đa dạng để rồi sau này trở thành Hồ Chí Minh, một Con Người huyền ảo luôn có tư duy, tầm nhìn “vượt thời đại” nhưng vẫn không hề có chút xa lạ với con người...
Người ngồi đó với cây chì đỏ 
Vạch đường đi từng bước từng giờ
--------------------
Thêm vài nét về Câu lạc bộ Faubourg (đọc là Phô Bua, nghĩa là Ngoại ô)
Câu lạc bộ Phô Bua tại rạp hát Printanis, ở góc đại lộ Clichy và phố Richaud
“Câu lạc bộ Ngoại ô. Gọi tên nó như thế, là theo truyền thống đại cách mạng Pháp từ năm 1789. Sự thật thì không phải là một Câu lạc bộ chính cống mà cũng không ở ngoại ô. Một người trí thức phái tả tên là Pôn-đét (Poldès) có sáng kiến tổ chức “Câu lạc bộ” lưu động, mỗi tuần họp một lần, khi họp chỗ này, khi họp nơi khác ở Thủ đô Pa-ri. Thường có độ ba trăm người đến dự, đủ các xu hướng chính trị và các tầng lớp xã hội. Đại đa số là công nhân và tiểu tư sản “khai minh”. Nhưng cũng có ông nọ bà kia. Họ thảo luận những vấn đề thời sự, chính trị hoặc văn hóa xã hội. Một người trình bày vấn đề (có chuẩn bị trước). Sau đó, mọi người tự do phát biểu ý kiến.
Cuộc bàn cãi luôn luôn sôi nổi, nhưng rất thân mật. Mỗi lần họp, anh Nguyễn (tức Bác Hồ) đều phát biểu ý kiến. Và bất kỳ vấn đề gì anh cũng khéo lái nó về kết luận lên án thực dân. Một ví dụ: Trong một cuộc thảo luận về thuật “thôi miên”, sau khi nhiều người nói tin, nhiều người nói không tin, anh Nguyễn xin phát biểu ý kiến. Anh nói: “Tin cũng được, không tin cũng được. Nhưng tôi xin mạn phép nói thật rằng bác sĩ Cu-ê (người thạo giỏi thuật “thôi miên”) chưa giỏi bằng thực dân Pháp. Mỗi năm, với hàng nghìn tấn thuốc phiện, chúng đang làm cho hàng triệu người Việt Nam ngủ say đến nỗi quên mình là vong quốc nô”. (Trần Dân Tiên)
Năm 1933, khi nghe tin báo Nguyễn Ái Quốc mất ở Hồng Kông, Nhà văn Léo Poldès, một thành viên câu lạc bộ đã viết đăng tin trên tờ Phô Bua:
“Không phân biệt khuynh hướng khác nhau, hết thảy anh em chúng tôi đều lấy làm đau đớn …
Tờ Faubourg ra ngày 1-7-1933 có trích đăng một bài sau: “Nói về Nguyễn Ái Quốc vị lãnh tụ Đảng Cộng sản”, tờ tạp chí Pháp – Việt có viết: “Ông không vắng mặt một buổi họp nào ở Câu lạc bộ Faubourg, ở đây ông ta đã từng đứng lên diễn thuyết trước mọi người. Ông ta đã viết báo. Người ta thường gặp ông hồi 6 giờ chiều ở những phòng trị sự các nhà báo. Ông mang lên đây những câu chuyện ngắn hay một tập truyện vì ông từng khảo cứu về văn nghệ, sau này ông hoàn toàn thiên về chính trị và ông đã thiết tha cống hiến cả một đời để phụng sự khuynh hướng ấy”. “Người chiến sĩ xấu số đã mệnh chung trong nhà giam. Người ta lại nhớ đến những cuộc họp ở Câu lạc bộ Phô Bua, đến những lời nói thông minh hóm hỉnh trong buổi họp, đến bản kịch bất hủ của ông: “Con Rồng tre”. Hỡi các vị thần linh của cõi Á – Đông, các ngài hẵy săn sóc giữ gìn lấy linh hồn ông”.

1 nhận xét:

  1. Xin góp với bác Lý một chút tư liệu đây, đã đi lâu lâu hồi trước rồi. Mời bác:
    http://giaovn.blogspot.jp/2014/02/nguyen-ai-quoc-nam-1940-cau-nguyen-cho.html

    Trả lờiXóa