Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Sặc mùi tiền!

Đề án 123 của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh về trang bị máy tính bảng cho hơn 300.000 học sinh tiểu học, mặc dù mới đang ở giai đoạn hội thảo để lấy ý kiến, nhưng đã bị dư luận ném đá tới tấp, những rằng đây là một dự án “sặc mùi tiền”, “thiếu tình người” và “vô nhân đạo”.
Thậm chí mấy anh chị lá cải giỏi đánh hơi không những đã ngửi ngay thấy “sặc mùi tiền” mà còn vớ ngay lấy cái ảnh con iPad Đài Loan giá 900.000đ, mặt sau có chữ AIC Group Smart Education của một anh bá vơ trên Fb để làm bằng chứng kết án công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế “đứng sau” “xúi giục” và “trục lợi”.
Công ty CP Tiến bộ Quốc tế có “đứng sau”, “xúi giục” và “trục lợi” hay không, nào đã ai biết, ai bảo mày can tội làm tư vấn hội thảo cho Sở Giáo dục, đã thế lại còn dám có tên viết tắt trùng với AIC Group?!



Trên thế giới và cả ở nước ta, việc sử dụng máy tính để bàn cùng với sách giáo khoa điện tử đã được áp dụng lâu rồi, có ai thắc mắc gì không?
Không, không hề, trái lại nữa là khác.
Nhìn xung quanh, Thailand thí điểm từ năm 2012 cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 4, dự kiến trong vòng 2 năm tới sẽ cung cấp máy tính bảng cho 13 triệu học sinh, với giá thành khoảng 100 USD/máy. 
Cũng trong năm 2012, Hàn Quốc đưa vào sử dụng hệ thống giáo dục thông minh và sách giáo khoa điện tử tại 46 trường tiểu học và đang mở rộng ra đến con số 160 trường với khoản đầu tư là 2,1 tỷ USD đến năm 2015.
Dĩ nhiên, nay phải là máy tính bảng mới sành điệu.
Nên nhớ cái máy tính bảng, nó vốn là cái máy tính to, nhờ sự phát triển siêu tốc của công nghệ mà từng ngày càng nhỏ gọn và tiện dụng hơn. Thế thì việc học sinh tiểu học cả thế giới làm quen và sử dụng nó như một công cụ cầm tay là chuyện tất yếu, chạy đâu cho thoát? Và ngu gì mà chạy?
Nhưng nếu nó là cái máy tính to thì đã không ai phê phán. Người ta đua nhau ném đá dự án 123, có lẽ chỉ vì nó là cái máy tính bảng.
Rằng nó làm hỏng chữ viết tay của trẻ em?
Xin thưa, chẳng những nó làm hỏng mà trong tương lai, nó còn triệt tiêu cả chữ viết tay nữa không chừng. Ngay bây giờ, đã có thể thấy chữ viết tay hầu như chỉ còn được dùng để ký hoặc ghi sổ tang.
Nó có hại cho mắt trẻ em?
Tất nhiên là có, nhưng hãy nhớ lại, ngày xưa ta ăn và học dưới ánh đèn dầu, đến mãi khi Mỹ ngưng ném bom miền Bắc mới lại được dùng đèn điện. Mà đèn điện, nhất là đèn néon thì hại mắt lắm. Vậy không lẽ con cháu chúng ta cứ dùng đèn dầu cho nó “bổ mắt”? Và vì cùng lý do, thì nên dẹp quách cả màn hình TV, máy tính các loại và điện thoại di động?
Lại có người chê nó làm giảm tính tương tác giữa thầy và trò?
Cái máy tính bảng chỉ là một công cụ học tập, như đồng thời cùng là cả cái bảng, cuốn sách và cây bút. Tương tác giữa thầy và trò thì phụ thuộc vào thầy và trò chứ liên quan gì đến cái bảng, cuốn sách và cây bút ?
Chê đắt?
À cái này thì đúng quá đi rồi. Nhưng đắt thì từ từ nó rẻ, nhanh thôi. Cái điện thoại Nokia đen trắng hiện tôi đang dùng, trước có giá 8 triệu, giờ vừa mua lại giá 140.000đ. Bây giờ có ai còn hình dung ra cái máy nhắn tin không nhỉ? Hình như đã tuyệt tích?
Và nếu chỉ còn lý do duy nhất là tiền thì chờ có tiền hẵng sắm, còn không thì đừng vội a dua la làng rằng các nhà làm Giáo dục "mất tình người""vô nhân đạo" đang tâm bắt con cháu các anh chị làm “con chuột bạch thí nghiệm”.
Xin thưa, muốn được làm “con chuột bạch thí nghiệm” khó lắm, không phải đơn giản đâu, các trường chuyên lớp chọn xưa nay đều là các “thí nghiệm” cả đấy. Lại nhớ mới năm rồi phụ huynh Thủ đô ngàn năm văn hiến phải chen lấn xô sập cả cổng trường để nộp đơn (và cả nộp tiền) để xin cho con cháu mình được làm “con chuột bạch” ở một trường Tiểu học thực nghiệm.
Và cuối cùng, kính thưa các anh chị thính mũi, cái chỗ “sặc mùi tiền” nó bốc ra từ đâu? Xin hãy ngửi, quan sát cho kỹ dòng chữ và cái logo ở mặt sau cái “cục” bên dưới đây, rồi hẵng lanh chanh phát biểu.


Trong cái “cục” này có cài bộ Sách giáo khoa điện tử (Classbook), do hãng Intel, Nhà xuất bản Giáo Dục, Đại sứ quán Mỹ và trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện.
Classbook tích hợp sẵn 310 quyển sách giáo khoa, bài tập từ lớp 1 đến lớp 12 cùng hơn 20 ứng dụng hỗ trợ học tập. Nội dung sách giáo khoa đảm bảo chuẩn mực và tuân thủ các quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Ngoài ra chúng được mã hóa để tránh bị sửa đổi và sao chép. Khi sách giáo khoa có tái bản hoặc cập nhật, nội dung  sẽ  được tải về mà không tốn chi phí mua lại.
Ngoài ra, Classbook còn hỗ trợ việc biên tập và gắn kết với những nội dung đa phương tiện mở rộng cho bài học và cung cấp những chức năng cho phép học sinh có thể tương tác với nội dung bài học.
Về tiếng Anh, được biên soạn theo giáo trình "Shaping The Way We Teach English" của Đại học Oregon đã được Việt hóa và được ĐSQ Mỹ tại Việt Nam cùng Đề án 2020 đồng tài trợ
Các anh các chị không phải lo về việc mất mát những quyển sách đã tải bởi ID của máy đã được xác nhận, khi máy bị hỏng hóc hoặc thay đổi máy khác nó sẽ tự đồng bộ lại.
Nếu các anh chị thích cho con cháu mình “làm con chuột bạch thí điểm” với cái “cục” này thì nôn ra 5.800.000 VNĐ và sẽ được thối lại khoảng 200.000 đồng (khuyến mãi). Còn không thích, thì ai về nhà nấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét