Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

Tướng cướp, tướng quân hay cả hai ông?



Định chỉ viết một comment trao đổi với các bác bên blog Giao về đề tài này, nhưng thấy dài quá, đành làm thành một entry vậy, vả cũng tiện cho việc lưu trữ.
Tóm tắt sự việc là thế này.
Xuất phát từ tục lệ “chém lợn” tại làng Ném Thượng vào ngày 6 tháng Giêng, kẻ ủng hộ theo lệ làng, người can ngăn theo phép vua. Vua ở đây không phải là nhà nước ta, mà là hội bảo vệ động vật quốc tế A-A nào đó. Bác Giao có đặt vấn đề là đến bao giờ hội này sẽ “bảo vệ” đến côn trùng, vì côn trùng cũng là động vật. Còn tôi chỉ nghĩ đến những con cua đồng, trong món canh, món riêu của bình dân làng quê và phố thị Việt Nam. Để có những món tuyệt ngon đó, người ta phải xé, phải giã, trong khi những con cua vẫn còn ngo ngoe cả tám cẳng hai càng trong cối đá, rồi phải khêu gạch riêng ra và phi với hành mỡ trên chảo. So ra, các cụ làng Ném đối xử với “ông Ỉn” cũng chưa có gì gọi là ác. Giả sử hội A-A nhìn thấy và can thiệp để bảo vệ “động vật cua đồng”, hàng triệu người Việt trong đó có những người phản đối các cụ làng Ném, liệu có từ bỏ món bún cua, riêu cua, canh cua, mắm cua truyền thống hay không?  Riêng tôi, tôi bỏ được.
Nhưng vấn đề là, từ các tranh luận về “chém hay không chém” mới nảy sinh ra câu hỏi: Thế gốc tích ông Thành hoàng làng này là ai, mà lại có tục này?
Bác Phạm Ngọc Hiệp, tra cứu từ sách “Hội hè đình đám” của nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh, NXB TP. HCM xuất bản năm 1999, cho biết sách này “có viết về Hội chém lợn khi xưa ở làng Niệm Thượng tục gọi là làng Ném, tổng Khắc Niệm, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc)”, khi ấy, bác Hiệp chưa chắc lắm (có thể là do quá cẩn thận), rằng làng Niệm Thượng theo ghi chép của Toan Ánh có phải là làng Ném Thượng của các cụ bây giờ không. Nay thì đã rõ, chỉ là một làng mà thôi. Và theo sách trên, thì Thành hoàng làng này là tướng cướp, vô danh, họ Lý, nên gọi là Lý Công (ông Lý).
Ảnh trang 46 của Toan Ánh, do Phạm Ngọc Hiệp chụp lại, tôi chép từ blog Giao


Trao đổi trên blog Giao, bác Phạm Ngọc Hiệp lại cho biết như sau:
Tôi cung cấp thêm cho bác Giao một dị bản nữa. Theo Việt Nam Văn hóa sử cương của cụ Đào Duy Anh, NXB Văn hóa Thông tin - 2003. Tựa của cụ Đào Duy Anh viết tại Huế ngày 14-8-1938. 
Trong sách trang 251 có chép (tôi ghi lại nguyên văn): "Ở làng thờ thần Cụt đầu (làng Khắc Niệm thượng, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh) thì đến ngày vào đám người ta lấy một con lợn sống, một người cầm gươm chém đứt đầu lợn lấy bỏ vào nồi nước mắm đương sôi, rồi đât lên hương án để cúng".

Tuy cụ Đào Duy Anh không cho ta biết cụ thể làng này thờ tướng quân hay tướng cướp, nhưng có chi tiết rất đáng lưu ý là ông này còn có cái tên dân gian, gọi là thần Cụt đầu. Tướng cướp Lý công bị chết ra sao? Toan Ánh cho biết “không thấy thần tích nhắc tới”, vậy ta có thể thấy Toan Ánh không/chưa tham khảo ghi chép của Đào Duy Anh viết từ năm 1938, tất nhiên là trong giả thiết hai ông này là một.
Riêng ba chữ “thần Cụt đầu” thì lại rất quan hệ đến thần tích của tướng quân Đoàn Thượng như sẽ thấy trong ghi chép Nam Hải Dị nhân của cụ Phan Kế Bính viết năm 1909, chép lại phía dưới.
Các cụ làng Ném thì đương nhiên, cho rằng đình làng Ném thờ tướng quân Đoàn Thượng, nhưng các cụ lại thêm vào cái họ Lý cho tướng quân, thành ra Lý Đoàn Thượng. Oái oăm là Lý Đoàn Thượng thì cũng có thể gọi là Lý Công (tức là ông họ Lý)
Bài trên VTC News chép lại lời cụ Nguyễn Văn Hưng, 85 tuổi, một bô lão làng Ném Thượng: “Lễ hội này nhằm tưởng nhớ công ơn ngài Lý Đoàn Thượng chứ không phải Lý Công. Sau khi đánh thắng giặc, ngài đã về đây giết lợn khao quân. Người dân làng đã vinh danh ông là Thành hoàng làng và lễ hội là để tưởng nhớ vị thành hoàng làng này”.
Về nhân vật Đoàn Thượng thời Lý, thì đã quá nổi tiếng, từ các sách cổ như Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Điện U linh... đều có nhắc đến thân thế và sự tích.
Đại loại, như Phan Kế Bính chép như sau, trong “Nam Hải dị nhân” viết từ năm 1909:
“Đoàn Thượng
Đoàn Thượng người làng Hồng Thị, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương. Thời vua Huệ Tôn nhà Lý, phụng mệnh trấn thủ ở Hồng Châu.
Đoàn Thượng có sức khỏe hơn người, gân xương như sắt, mỗi khi lâm trận, chỉ một đao một ngựa xông vào đám trăm nghìn người, tung hoành vô địch.
Đến khi Lý Chiêu hoàng nhường ngôi cho vua Trần Thái Tôn, Đoàn Thượng chiếm giữ một châu, không chịu hàng theo về mới nhà Trần. Thái sư nhà Trần là Trần Thủ Độ sai sứ đến dụ hàng. Thượng nhất định không nghe. Chiêu binh tập mã, tự xưng là Đông hải vương, có ý muốn khôi phục giang sơn cho nhà Lý.
Trần Thủ Độ đem quân xuống đánh nhau luôn mấy năm không phá nổi, mới lập mẹo sai người đến giảng hòa, mà kỳ thực thì sai một đại tướng là Nguyễn Nộn đem quân đánh tập công mặt sau.
Đoàn Thượng chắc đã giảng hòa rồi, phòng bị không được cẩn thận như trước, sực nghe tin Nguyễn Nộn đến đánh, mới kéo quân ra cự địch. Đôi bên đánh nhau đang hăng, thì Thủ Độ lại cầm đại quân từ đường Văn Giang đánh đến mé trước. Quân nhà Trần hai mặt đánh dồn vào một, quân của Đoàn Thượng kinh hãi chạy tán lạc mất cả. Đoàn Thượng vội vàng quay ngựa về đánh mặt tiền quân, không ngờ bị một viên tướng nhà Trần, từ mé sau sấn lên chém một nhát vào cổ gần đứt, Đoàn Thượng ngoảnh lại, thì tướng kia sợ hãi mà chạy mất. Đoàn Thượng mới cổi dây lưng ra buộc vào cổ cho khỏi rơi đầu, rồi hầm hầm tế ngựa chạy về phía đông. Chạy đến đâu, quân nhà Trần phải dãn đường cho chạy, chớ không dám đánh.
Khi chạy đến làng An Nhân, có một cụ già áo mũ chững chạc, chắp tay đứng bên đường nói rằng:
   - Tướng quân trung dũng lắm, Thượng đế đã kén ngài làm thần xứ này rồi đây! Có một cái gò bên làng cạnh kia, đó là đất hương quả của tướng quân, xin tướng quân để lòng cho.
Đoàn Thượng vâng một tiếng, rồi đến chỗ gò ấy, xuống ngựa gối đầu vào ngọn mác mà nằm, một lát thì mất, mối đùn đất lên lấp thành mồ ngay.
 Dân làng thấy vậy, lập miếu tô tượng để thờ. Về sau, nước lụt vỡ đê, tượng trôi vào làng An Nhân, làng ấy lại lập một tòa miếu khác để thờ. Miếu ở cạnh bờ sông Hồng giang, mé trước ngoảnh vào con đường cái chính xứ đông bắc. Thần linh ứng lắm, kẻ qua lại mà ngạo ngược thì có tai nạn ngay. Các khách buôn thuyền qua lại cửa đền, có đồ lễ vào thì buôn bán đắt hàng. Tục truyền những khách buôn chum vại vào bán chợ Hồng, ai mà vào đền lễ thì buôn bán thông đồng chóng hết lắm; mà ai không lễ, thì ế mãi không bán được, thường phải quẳng bỏ ngoài bến sông, nếu không thế thì tất lại có sự sóng gió lo lường.
Lịch triều cũng có phong tặng làm thượng đẳng thần . Miếu ấy đến giờ vẫn còn”.
Vì đã quá nổi tiếng, nên trên miền Bắc có rất nhiều đền đình thờ tướng quân Đoàn Thượng, gọi đầy đủ là Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng.
Tác giả Hoàng Mạnh Thắng (NCS Viện Văn hóa Nghệ thuật) trong bài viết “Đông Hải Đại vương Đoàn Thịnh tại Hưng Yên” đăng trên tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số tháng 3/2009 (trang 61-66) cho biết con số đền miếu thờ Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng bao gồm 280 di tích, trải ra trên khắp các tỉnh thành Hải phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, chủ yếu nằm trên vùng đất Hải Đông thời Lý.
Và theo thông tin từ trang mạng Cộng đồng họ Đoàn – Việt Nam  (http://doantocvietnam.com, ) thì tính đến tháng 9/2013, họ đã thống kê được trên toàn quốc có 275 đền thờ Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng, riêng tại tỉnh Bắc Ninh có 4 đình thờ Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng, Đình làng Ném Thượng là một trong số đó.
Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng còn nổi tiếng đến mức ngài được tôn là người đứng đầu trong sốThập vị quan hoàng, hay còn gọi Tứ phủ quan hoàng thuộc hệ thống tín ngưỡng Đạo Mẫu Việt Nam.
Theo tín ngưỡng này,
Ông Hoàng Cả (thường gọi tắt là Ông Cả) hay còn gọi là Ông Hoàng Quận. Tên húy  Đoàn Thượng, tước hiệu Đông hải Đại vương, là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình. Trong Tứ Phủ Ông Hoàng, ông là anh cả, giáng sinh ra đầu. Sau này ông lên cõi Thượng Thiên, coi giữ sổ sách.Thiên Tào. Có khi ông rong chơi khắp chốn khi chơi Thiếu Lĩnh, lúc chơi Non Bồng. Ông dạo khắp các nơi Bồng Lai, Tiên Cảnh, khi trên thượng giới ông cuỡi con Xích Long, khi dạo chơi trên mặt nước Ông Hoàng cưỡi lốt tam đầu cửu vĩ. Có khi ông cũng ngự lên cõi trần gian phù hộ cho người làm ăn buôn bán hoặc kẻ học hành khoa cử. Tuy nhiên Ông Hoàng Cả không giáng trần. Ông Cả rất ít khi ngự đồng, khi ngự về ông thường mặc áo đỏ (có thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ), đầu đội khăn xếp có thắt lét đỏ. Ông Hoàng Cả ngự về thường chỉ tấu hương, khai quang (cũng có người hầu ông về múa hèo, nhưng khá hiếm vì không mấy người hầu về Ông Cả).
Cũng do Quan Hoàng Cả (Đoàn Thượng) ít khi ngự đồng nên chúng ta thường biết đến các Quan Hoàng Bảy (Lào Cai) và Quan Hoàng Mười (Hà Tĩnh) nhiều hơn (ngự đồng thường xuyên).
Đến đây thì ta đã biết Lý công là Lý công vô danh mà Đoàn Thượng là Đoàn Thượng nổi tiếng, chứ hai ông không thể là một được, như bác Hiệp ái ngại (trích, từ blog Giao):
Tục chém lợn của làng Niệm Thượng xưa với Thành Hoàng là Lý Công nguyên là tên ăn cướp như theo sách đã dẫn của nhà văn Toan Ánh, và lễ hội chém lợn tại thôn Ném Thượng ngày nay với truyền thuyệt vị tướng công Đoàn Thượng thời Lý, có gì khác và giống nhau không?
Các nhà nghiên cứu văn hóa ngày nay, cổ vũ cho lễ hội chém lợn tại thôn Ném Thượng bây giờ nên xem lại gốc gác của thôn Ném Thượng và Thần tích của thôn. Nếu lỡ thôn Ném Thượng ngày nay chính làng Niệm Thượng ngày trước, và Thành Hoàng Lý Công chém lợn là tên cướp và vị tướng Đoàn Thượng thời Lý mà là một, thì không còn cách gì mà biện minh cho lễ hội này được nữa.

Vấn đề còn lại là Đình Ném Thượng thờ ai?
Căn cứ vào mấy chữ “thần cụt đầu” trong ghi chép của cụ Đào Duy Anh (1938) thì ta có thể đoán đình này có thờ ông “cụt đầu” là ông Đoàn Thượng chứ nếu cho rằng ông Lý công cũng cụt đầu thì thật là thiếu cơ sở.
Nhưng có một câu hỏi, tại sao có đến 280 di tích thờ Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng trên miền Bắc mà chỉ riêng làng Ném có tục “chém lợn khao quân”, mà các nơi khác lại không? Cũng có nơi tế ông Ỉn (có khi gọi ông Bồ) nhưng chỉ mang ra sân đình, thi chiều dài cân nặng chứ không “chém”. Mà cứ giả sử Tướng quân có khao quân và đích thân ra tay thật thì tại sao không làm theo kiểu giết mổ thông thường mà lại “chém ngang lưng”???
Đến đây tôi lại nghiêng về việc đình làng này có thờ ông “chém lợn ngang lưng”, tức là ông tướng cướp.
Thế thì làng Ném thờ tướng quân hay tướng cướp?
Ta nên biết có hai khái niệm là Thần làng và Thành hoàng. Mỗi làng có thể thờ nhiều ông thần, có thể mười vị, như làng Yên Định, làng Hiền Lương, huyện Phú Lương, Bắc Ninh. Tùy theo từng thời điểm, nhưng mỗi thời điểm, chỉ có một vị được phong Thành hoàng mà thôi. Tuy nhiên, cơ cấu làng xã xưa nay không ổn định, do đó, khi cần thống kê, các cụ (xưa và nay) đều mạnh ai nấy kê ra, thành ra thừa, thiếu, không biết đâu mà lần. Ví dụ cũng ở Bắc Ninh, làng Đang Triều (huyện Lang Tài) có đến 4 ông thành hoàng.
Vậy thì làng Ném tại sao không thể có cả hai ông Thành Hoàng, một ông Tướng quân và một ông tướng cướp?
Mọi phán đoán chỉ là phán đoán, muốn biết Đình Ném Thượng thờ ai, phải dựa vào các tài liệu lịch sử, như thần phả, ngọc phả, các bản sắc phong của các triều đại trước.., nhưng các cụ làng Ném hiện không có các tài liệu này, vì nếu có thì các cụ đã trưng ra và khỏi cần mất công bàn cãi. Có thể trước đây có, nhưng rồi thất lạc, vì ta biết đình làng đã từng thực hiện “tiêu thổ” thời chống Pháp.

Hoặc có thể tra cứu tại các sưu tập “Thư mục thần tích thần sắc” (lập năm 1938, không rõ cụ Đào có tham gia không) hoặc tiện nhất là tìm cuốn Bảng tra thần tích theo địa danh làng xã do Viện Hán Nôm tập hợp (trên cơ sở các tài liệu cũ và khảo sát mới) gần đây. Nếu trong cuốn này mà cũng không đả động gì đến thần tích Đình làng Ném, thì các cụ có toàn quyền phê phán Viện Hán Nôm thiếu sót, quên mất hội làng các cụ, nổi tiếng với tục “chém lợn”.


8 nhận xét:

  1. Tôi quý trọng bác Giao ,trong blog bác Giao có liên kết với blog của Bác ,với tôi mỗi người một chính kiến ,cuộc sống vốn đa dạng không ai có quyền áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác,có khả năng là ngược lại
    Ông Phẹt mời bác chân tình đấy trên Lương sơn bạc còn khuyết chức vụ Trí đa Tinh Ngô Dụng Bác từ chối thật đáng tiếc ,uổng phí một tài năng ...

    Trả lờiXóa
  2. Tối qua nhậu xỉn quá ,đọc bài thơ Bác tặng Phẹt thấy hay,tính khen Bác không ngờ lại commnt bậy Tôi không có ý gì đâu thành thật xin lỗi Bác ,vì Bác là người tôi mến mộ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có gì là "comment bậy" đâu bác Alay? Tôi cũng thường xuyên đọc Phẹt (và Pín), thỉnh thoảng cũng comment bậy bạ đấy thôi.

      Xóa
  3. Cảm ơn bác. Em ở Thường Tín,Hà Tây, nằm bên hữu con sông Nhị hà, Thành Hoàng Làng em thờ Cụ Đông Hải Đại Đại Vương, chiến tranh, loạn lạc sắc phong mất cả nên con cháu không biết tại sao quê mình ở trung tâm châu thổ Sông Hồng chứ không phải vùng biển mà cụ thành hoàng lại là cụ Đông Hải Đại Vương.

    Trả lờiXóa
  4. Không cứ phải vùng biển mới thờ Đông Hải Đại vương bác ạ. Tất nhiên là vùng biển thì nhiều di tích thờ cụ Đoàn Thượng hơn, như Hải phòng (141 di tích) còn Hà Tây chỉ có 7 di tích.Đối diện quê bác, sang bên kia sông Hồng, là Hưng Yên có đến 57 đền thờ.

    Nhưng lúc ông Đoàn Thượng còn tại thế thì chỉ có một nơi thờ, là tại Định Công, Thanh Trì, Hà Nội (gọi là sinh từ), mặc dù ông phát tích ở Hưng yên. Khi ông chết, và hiển thánh, thì mới bắt đầu được nhiều nơi thờ tự. Và nhất là sau này khi được chính quyền (vua) sắc phong Đông Hải đại vương, cũng có ý nghĩa là giao nhiệm vụ trấn giữ và hộ dân miền duyên hải biển Đông, thì mới càng có nhiều di tích rước thần tích ông về thờ, thay cho những "nhiên thần" như cá ông, cá voi, thuồng luồng, ông giải... trước đó.... Quá trình này các nhà nghiên cứu gọi là "nhân thần hóa".

    Vì thế Hải phòng nhiều đền thờ cụ Đoạn Thượng hơn Hà tây quê lụa nhà bác, hehe!

    Trả lờiXóa
  5. em xem lại thấy ở Thường tín nhiều làng thờ cụ làm thành hoàng bác ạ.
    đây thêm một làng nữa.

    Trả lờiXóa
  6. đây thêm một làng nữa
    http://www.chuathien.vn/tl13/245/159/Van-te-Duc-Dong-Hai-Dai-Vuong-Thuong-Dang-Than

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo tôi nhớ, trong danh sách các di tích thờ cụ Đoàn Thượng do trang web họ Đoàn lập, tỉnh Hà Tây (cũ) có 7 điểm thờ, riêng huyện Thường Tín quê bác có 3. Nếu thực sự ở Thường Tín có nhiều hơn con số mà Đoàn tộc đã thống kê, bác có thể gửi thông tin đến trang web đó. Họ sẽ rất mừng và cám ơn bác. Địa chỉ đây: trang mạng Cộng đồng họ Đoàn – Việt Nam (http://doantocvietnam.com, )
      Chúc bác khỏe và vui.

      Xóa