Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Tướng Lê Trọng Tấn, người "hay cãi".



Tướng Tấn và Đại tướng Võ NGuyên Giáp

Đại tướng Lê Trọng Tấn có một vị trí đặc biệt trong những trang sử vẻ vang nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Như ta đã biết, Lê Trọng Tấn là vị tướng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt quý trọng và tin tưởng. Tướng Giáp từng nói: “Trận nào có anh Tấn đốc chiến thì mình đã yên tâm 50% rồi”. Thế nhưng, không phải không có những lúc tướng Tấn “cãi” tướng Giáp.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Tấn là người chỉ huy đại đoàn 312 đánh trận mở màn vào cứ điểm Him Lam và kết thúc chiến dịch bằng việc bắt sống tướng de Castries (Đờ Cát).
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, cánh quân phía Đông do ông chỉ huy lại là đơn vị đầu tiên, thần tốc tiến vào Sài Gòn, và kết thúc chiến dịch với tuyên bố đầu hàng của Tổng thống chính quyền VNCH Dương Văn Minh.
Khi đại đoàn 312 được thành lập (27-12-1950), ông Tấn mới 36 tuổi, được giao chức Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy.
Ngày 14-01-1954, cán bộ chỉ huy các đại đoàn được Bộ Tổng Tư lệnh chiến dịch phổ biến phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh”.
Mười hai ngày sau, 26-1-1954, một cuộc họp Đảng ủy bất thường do tướng Giáp triệu tập tại hang Thẩm Púa. Tướng Giáp, sau một đêm thức trắng, quyết định chuyển sang phương án “đánh chắc, tiến chắc”. Những vị chỉ huy như Lê Liêm, Đặng Kim Giang, Hoàng Văn Thái... đều im lặng hoặc băn khoăn trước đề xuất "đánh chắc, tiến chắc" được đưa ra. Người “cãi” kịch liệt nhất là Lê Trọng Tấn, vì đại đoàn 312 vừa mới tốn bao công sức và xương máu để đưa pháo vào trận địa, chỉ mới được vài ngày đã phải “kéo pháo ra”, khí thế đang hăng bây giờ biết “ăn nói” với bộ đội thế nào? Mặc dù trước đó, chính báo cáo của ông Tấn với tướng Giáp:“Chúng tôi phải liên tục đột phá ba phòng tuyến mới tới phía bên trong được” đã phần nào thúc đẩy quyết định lịch sử (thay đổi phương án tác chiến) của tướng Giáp.
Tuy “cãi”, nhưng “quân lệnh như sơn”, ông Tấn vẫn phải chấp hành, và chính ông là người đề xuất khẩu quyết "vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt", được bộ đội phổ biến và áp dụng thành công trong suốt chiến dịch.
Theo ghi chép của cựu nhà báo quân đội Bùi Tín, “vài chục năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tướng Giáp và tướng Tấn đã có buổi trò chuyện thân mật với báo giới về cuộc họp tại hang Thẩm Púa. Theo lời kể vui của Đại tướng, chính người đúc kết khẩu quyết "vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt" là vị chỉ huy phản ứng mạnh nhất với quyết định chuyển đổi phương án tấn công của ông tại hang Thẩm Púa ngày 26/1/1954. Tướng Tấn cười, thừa nhận câu chuyện trên và cho biết: khi ấy, ông quá lo lắng về việc chiến dịch sẽ kéo dài và phải chuẩn bị lại trận địa pháo”.
Tròn 31 năm lẻ hai tháng sau, tướng Tấn lại “cãi” tướng Giáp.
Ngày 26-3-1975 tại Tổng hành dinh, Tổng tư lệnh chiến dịch là tướng Giáp họp với tướng Tấn, người vừa được chỉ định là Tư lệnh mặt trận Quảng Đà, bàn kế hoạch tiến công Đà Nẵng. So sánh tương quan lực lượng hai bên, (tại Đà Nẵng, phía VNCH có hơn 100.000 lính và sĩ quan), tướng Tấn đã chuẩn bị sẵn một phương án đánh chiếm Đà Nẵng trong 7 ngày, sau rút xuống còn 5 ngày.
Tuy nhiên, Đại tướng Tổng tư lệnh lại nghĩ khác (*), tình hình có thể diễn biến đột ngột, khả năng địch tháo chạy là rất có cơ sở. Nếu đánh kéo dài trong 5 ngày để địch co cụm được thì sẽ hỏng việc lớn. Do vậy, sau khi tham khảo thông tin từ Cục quân báo, tướng Giáp yêu cầu tướng Tấn chuẩn bị phương án đánh trong 3 ngày.
Trong hồi ký Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, tướng Giáp kể lại: “Anh Tấn vẫn giữ ý kiến, và trình bày: Đánh như vậy không thể chuẩn bị kịp. Tôi nói, giọng có phần gay gắt: “Tư lệnh mặt trận là anh nên tôi để anh ra lệnh. Nếu là người khác, thì tôi ra lệnh: Đánh Đà Nẵng theo phương án chuẩn bị 3 ngày. Nếu chuẩn bị 5 ngày, địch rút mất cả thì sao? Huế đã giải phóng rồi. Mặc dầu pháo binh và hải quân địch có thể bắn phá, cứ cho bộ đội hành quân theo đường số 1 tiến công thẳng vào Đà Nẵng. Từ phía nam cũng theo đường số 1 tiến công lên. Không họp đảng uỷ, chỉ trao đổi bằng điện”.
Sau đó, như ta đã biết, tướng Tấn đã chấp hành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong vòng 3 ngày, quân đoàn 2 của tướng Tấn thổi bay hơn 100.000 quân địch, giải phóng Đà Nẵng (**).
Sau này, khi hoàn thành chiến dịch, lúc gặp lại tướng Tấn, tướng Giáp nói vui: “Lẽ ra mình cho cậu 5 điểm (***), nhưng vì chuyện “3 ngày” nên chỉ cho 3 điểm thôi”.
Cần nói thêm, ý tưởng ban đầu là sau khi giải phóng Buôn Mê Thuột, quân ta sẽ khẩn trương tiến dọc Tây Nguyên, tấn công Sài Gòn rồi sau đó mới trở ra “giải quyết” các tỉnh đồng bằng Duyên hải. Nhưng, quyết định mở mặt trận giải phóng Huế – Đà Nẵng của tướng Giáp là một thay đổi cực kì quan trọng.
Sau khi chỉ huy giải phóng Đà Nẵng, tướng Tấn được cử làm Tư lệnh cánh quân phía Đông gồm Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng Sài Gòn. Cánh quân này đã thần tốc theo đường ven biển tiến về phía Nam, nhanh chóng phối hợp với các cánh quân khác của quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Trong trận cuối cùng đánh vào Sài Gòn, một lần nữa, tướng Tấn lại “cãi”, nhưng lần "cãi" này thì ông hoàn toàn thuyết phục được tướng Giáp.
Hồi ký Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng của tướng Giáp cho biết: “Theo kế hoạch, 5h30 sáng 30/4/1975, các hướng đồng loạt đánh vào Sài Gòn. Riêng cánh quân phía đông, anh Lê Trọng Tấn đề nghị nổ súng từ 18 giờ ngày 29/4. Lý do là các lực lượng ta còn cách vùng ven từ 15 đến 20km, phải vừa đánh địch vừa tiến quân, lại phải vượt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, nếu cùng nổ súng sẽ không đến kịp”.
Tại Hội thảoTổng kết cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, tướng Giáp xác nhận: “Cánh quân phía Đông là sáng tạo của Bộ Tổng Tham mưu vì nó không có từ đầu trong kế hoạch giải phóng miền Nam”(****).
Kết quả là mặc dù cánh quân của tướng Tấn ở cách xa nội đô hơn các mũi khác, nhưng họ lại là những chiến sĩ đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập, bắt sống nội các cuối cùng của chính quyền VNCH.
Chiến công của sư 312 trong chiến dịch Điện Biên phủ và cánh quân phía Đông trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đều in đậm dấu ấn chỉ huy của vị tướng “hay cãi”, Đại tướng Lê Trọng Tấn.
Tướng Lê Trọng Tấn (người ngồi chính giữa) cùng cán bộ chiến sĩ quân đoàn 2 sau khi tiến vào Saigon

--------------
 (*) Hai ngày trước đó, trong cuộc họp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương (ngày 24/3), tướng Giáp phân tích: “Nếu chúng thoát được vào phía nam thì cuộc Tổng tiến công của ta ở chiến trường trọng điểm sẽ gặp khó khăn. Vậy ta cần nhanh chóng đánh chiếm Đà Nẵng, tiêu diệt sinh lực của địch ở đây, tạo thuận lợi phát triển tiến công trong các bước sau. Chúng có thể "tử thủ", cũng có thể rút, rút nhanh hay rút chậm, nhưng ta thì phải chuẩn bị đánh trong tình huống địch rút nhanh, nhất thiết phải đánh nhanh. Không chờ giải phóng xong Huế, mà ngay từ bây giờ, phải bắt đầu mở cuộc tiến công vào Đà Nẵng. Nhanh chóng đánh chiếm các điểm cao, cho xe tăng thọc sâu ngay, tận dụng tối đa khả năng của pháo binh để tiến công Đà Nẵng”.
(**)Theo tướng Cao Văn Viên, đại tướng, Tổng tư lệnh Quân đội VNCH (The final collapse), Quân đoàn I của phía VNCH đồn trú tại Đà Nẵng lúc ấy sở hữu một khối lượng binh lực, vũ khí, phương tiện chiến tranh và dự trữ hậu cần rất lớn gồm 134.000 sĩ quan và binh sĩ, trong đó có 84.000 quân chủ lực và 50.000 quân địa phương; 449 xe tăng, xe bọc thép; 418 khẩu pháo lớn có cỡ nòng từ 105mm đến 175mm; 27 xe bọc thép M-42 gắn cao xạ 40 mm 2 nòng; 37 xe cùng loại gắn súng máy 6 nòng loại Vulcan; 373 máy bay, trong đó có 96 máy bay chiến đấu; 165 tàu, xuồng các loại.
(***) Thang điểm hệ đại học bấy giờ, mức tối đa là 5 điểm.
(****) Bài viết: “Mãi mãi nhớ anh Tấn” của Trung tướng Lê Hữu Đức đăng trên Tạp chí Xưa và Nay.
------------- 



4 nhận xét:

  1. Chậc tướng xưa thế, không biết tướng giờ có biết bóp cò súng không nữa hic hic.

    Trả lờiXóa
  2. Tướng giờ thì chả quen ai, chứ bạn bè lon đại tá thì cả lo cả lốc, bóp chim giỏi phết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. phải phải cái khoản chim cò thì tá cũng ngon lắm rồi.

      Xóa
  3. Tướng giỏi cải soái tài, TẤN đó GIÁP đây, rồng hổ chung vai, nước Việt hai phen qua sóng dữ.
    Tớ hèn cương chủ nhát, LÝ kia CHUNG nọ, cáo chồn riêng bụng, dân Nam một thưở được trận cười.

    Quốc biến nảy rồng lân, Nam quốc ghi ơn, GIÁP - TẤN danh thơm đề thanh sử
    Gia vong lòi sâu mọt, Việt dân nguyền rủa, LÝ - CHUNG tiếng xấu để hồng trần
    VĂN
    (Vũng Chùa - Quảng Bình)
    P/s : Tau đánh giặc là giỏi còn văn chương thi phú thì thi thoảng múa rìu qua mắt quốc sư, Khiêu nhá !

    Trả lờiXóa