Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

TTP với cuộc chiến bản quyền dược phẩm của Mỹ




Cuộc chiến pháp lý để xác định chủ sở hữu đối với các bài thuốc cổ truyền đang diễn ra gay gắt giữa các quốc gia đang phát triển và các quốc gia phát triển, Người Ấn Độ ước tính rằng mỗi năm có khoảng 2.000 patent liên quan đến bài thuốc cổ truyền của họ đã được cấp do sai lầm của các cơ quan sáng chế trên toàn thế giới, trong đó chỉ tính riêng tại Brussels đã cấp 285 patent có liên quan.


---------
Tiền thầy bỏ túi
Trong cuộc chiến chống lại bệnh tật, nếu thầy thuốc được gọi là người chiến sĩ thì dược phẩm chính là vũ khí đạn dược của họ. Việc sản xuất và kinh doanh dược phẩm của người Mỹ mang lại siêu lợi nhuận có lẽ cũng chả kém mấy so với các anh lái súng xứ Cờ Hoa.
Thống kê từ 1995 – 2010, các hãng sản xuất dược phẩm tại Mỹ đã bỏ ra chi phí nghiên cứu khoảng 34,2 tỷ USD và thu về hơn 200 tỷ USD. Mỹ lại chiếm gần 1/2 thị trường dược phẩm toàn cầu với 289 tỷ USD doanh thu hàng năm, xếp sau Mỹ là EU và Nhật Bản.
Lợi nhuận khủng như thế nên không có gì là lạ khi Hoa kỳ đang dùng TPP để giành quyền kiểm soát thị trường dược phẩm thế giới.

Ơn Chúa, sau những FTAA và WTO thì Ngài đã mang lại cho chúng con TTP
Trong các cuộc đàm phán TTP, các hãng dược phẩm hàng đầu tại Hoa Kỳ đã vận động hành lang để chính phủ Mỹ đảm bảo thời gian bảo hộ độc quyền là 12 năm (12 năm là bớt nhiều rồi nhe, đáng nhẽ theo TRIPS - Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ thì phải 20 niên).
Có nghĩa là, các hãng dược này muốn được độc quyền bán thuốc của họ với giá cao ngất ngưởng trong vòng 12 năm nhằm thu hồi cả vốn lẫn lời khủng và nhanh chóng tái đầu tư nghiên cứu quay vòng, (cho dù các nước kém phát triển hơn hoàn toàn có thể sản xuất cũng thuốc đó, nhưng với giá rẻ hơn). Nghịch lý là họ, những thầy thuốc hàng đầu thế giới, rất giỏi nói về nhân quyền và nhân đạo, nhưng lại không hề bận tâm đến nhu cầu cấp thiết và chính đáng của số đông người bệnh nghèo trên thế giới là phải được nhanh chóng tiếp cận với thuốc giá rẻ.
Chưa hết, cũng trong đàm phán TTP, Mỹ còn đòi tám nước vùng Thái Bình Dương công nhận độc quyền sáng chế (cấp patant) cho các thuốc cũ của họ, nếu đã có thêm chút thay đổi về hình dáng, màu sắc, thành phần thuốc hay cả khả năng chịu nhiệt của thuốc. Một khi được coi là thuốc “mới”, thì họ lại được hưởng độc quyền thêm một giáp nữa.
Gặp sự phản đối quyết liệt từ các nước cùng đàm phán TPP, Hoa Kỳ đã chịu rút xuống còn 8 năm, nhưng với hầu hết các nước này thì thời hạn này vẫn quá dài. Ngay cả một quốc gia phát triển như Australia cũng đòi thời gian bảo hộ không vượt quá là 5 năm.
Một mặt, ngành dược phẩm Mỹ vẫn to giọng đòi kéo dài thời hạn bảo hộ độc quyền thuốc, mặt khác họ lại rất cao tay khi chôm chỉa các tri thức y học truyền thống của các nước nghèo.
Ăn cướp bằng bảo hộ sáng chế
Việc tranh chấp quyền sở hữu sáng chế (patent) đối với các bài thuốc cổ truyền vẫn diễn ra hàng ngày giữa Mỹ và các quốc gia đang phát triển. Cũng phải thôi, nước Mỹ với lịch sử ngắn ngủi của nó thì bới đâu ra dược phẩm cổ truyền, nên chỉ có cách là đi ăn cướp sao cho hợp pháp.
Ấy, cứ tưởng việc bảo hộ sáng chế (dược) là nhằm chống lại các ông ăn cướp, nhưng không hẳn thế. Thậm chí còn ngược lại!  
Điều 102 Luật Sáng chế Hoa Kỳ quy định về điều kiện để được cấp patent đặc biệt có lợi cho các hãng dược của họ, vì đa số trường hợp bài thuốc cổ truyền dù đã được sử dụng rộng rãi tại cộng đồng các nước đang phát triển, nhưng nếu chưa được xuất bản trong một ấn phẩm thì chúng vẫn có thể thuộc sở hữu của Hoa Kỳ. Cổ truyền ở đâu đâu, với người Mỹ rất có thể đó sẽ thành thuốc có yếu tố “mới”.
Chẳng hạn như cây Lô hội (Aloe Vera Linne) có nguồn gốc từ Bắc Phi rồi lan ra toàn thế giới, từ rất lâu đã được sử dụng để làm thuốc. Tài liệu cổ nhất viết bằng chữ hình nêm của người Sumeri trên đất nung, tìm thấy ở Nippur có niên đại 2200 (TCN) và bản viết trên giấy sậy của Ai Cập năm 1550 (TCN) đã nhắc đến nó. Nay thì chỉ người Mỹ mới được cấp các bằng sáng chế US 4178372 - thuốc bôi chống dị ứng ổn định từ cây lô hội và US 4725438 - thuốc mỡ chiết xuất từ cây lô hội. Cái “mới” ở đây là phương pháp chiết xuất dùng nước có pha chlor. Ông Devinder Sharma, chuyên viên về bản quyền người Ấn Độ, mỉa mai nhận xét: thời trước, nước rất sạch, cần quái gì phải tẩy bằng chlor như bây giờ. Chlor chỉ là một cái cớ để người Mỹ ăn cướp kiến thức y học cổ truyền của những nước khác!
Với cây Coca, người Mỹ đã cấp bản quyền sáng chế US 4696819 - về dược liệu chiết xuất từ lá cây coca, cho dù từ hàng nghìn năm nay, vùng núi cao Andes thuộc bờ Tây lục địa Nam Mỹ (trải dài qua 7 quốc gia: Achentina, Bolivia, Chile, Colombia, Ecuador, Pêdu và Vênêzueela), lá coca vẫn được dùng phổ biến như một loại trà thảo mộc. Tương tự, cũng tại Nam Mỹ, năm 1999, người Amazoni đòi nhà nghiên cứu Loren Miller (Mỹ) hủy bỏ bản quyền sử dụng cây ayahuas, một loại cây có tác dụng hướng thần vốn lâu đời đã được các pháp sư bản địa sử dụng trong phù phép và chữa bệnh.
Ấn Độ có cây neem (Azadirachta indica), một cây họ xoan, 5.000 năm trước vốn đã là một vị thuốc trị bách bệnh được ghi trong kinh Veda. Lá, rễ, vỏ, hạt đều được người Ấn sử dụng. Năm 1990, Hãng dược W.R. Grace ở New York đăng ký độc quyền sáng chế về một chất thuốc chiết ra từ hạt cây. Điều đó dẫn đến việc cực kỳ vô lý là dân Cà ri từ nay bị cấm, không được quyền sử dụng hạt neem làm thuốc nữa, vì sử dụng, tức là vi phạm bản quyền của người Mỹ.
Tất nhiên là người Ấn khăn gói quả mướp đi kiện. Sau 5 năm tập hợp chứng cớ, Văn phòng Bản quyền sáng chế châu Âu (European Patent Office, trụ sở tại Muenchen) xác nhận từ năm 1928, tại Ấn Độ đã có những văn bản lưu trong các ấn phẩm và hội thảo về tác dụng dược lý của cây neem, trong đó đã chỉ ra hơn 140 hợp chất dược liệu chiết xuất từ cây neem, gồm các chất kháng viêm, chống loét, kháng nấm, kháng khuẩn, kháng virus, chất chống oxy hóa và chống ung thư… European Patent Office kết luận chất thuốc mà hãng W.R. Grace chiết xuất không có gì “mới” so với chất thuốc mà người Ấn đã sử dụng mấy ngàn năm trước.
Điều trớ trêu là tuyên bố hủy patent do EPO phát hành chỉ có hiệu lực tại châu Âu, vô giá trị với Mỹ. Cho nên, với các tác dụng trị bệnh đa dạng của cây neem, đến nay vẫn có không dưới 54 bằng độc quyền về neem được đăng ký tại Mỹ mà phần lớn vẫn là do hai công ty W.R. Grace và Rohm and Haas đứng tên.
Người Ấn cũng chưa quên chuyện năm 1997, công ty Rice Tec của Mỹ đăng ký độc quyền một "loại gạo basmati mới" vốn là một loại lúa đặc sản được trồng từ lâu và trên diện rộng ở cả Ấn Độ lẫn Pakistan. Vô lý tương tự như chuyện nước mắm Phú Quốc lại do Thái Lan đăng ký nhãn hiệu độc quyền, Rica Tec nằng nặc đòi chỉ có gạo của hãng mới được độc quyền mang tên basmati, một cái tên Cà ri đặc sệt.
Năm 1995 Đại học Visconsin bên Hoa Kỳ xin một lúc bốn bằng sáng chế từ việc chiết xuất chất brazzein, một protein ngọt gấp 1.000 lần đường từ cây Pentadiplandra brazzeana. Người Gabon xứ Tây Phi chỉ còn biết ngơ ngác đứng nhìn, vì đây chính là cây “Tôi quên” mà nhiều đời nay họ đã trồng để nhâm nhi vị ngọt đặc biệt của nó. Quái ác hơn, là để tách rời sáng chế ra khỏi nguồn gốc “Tôi quên”, các nhà pha học Mỹ đã tiến hành pha gen tạo brazzein vào những cây ngô. Cây "tôi quên" của Gabon vì thế bị quên tiệt trên thị trường và người Gabon đành quên một nguồn lợi gần trăm tỷ USD mỗi năm, trong lúc khắp nơi trên thế giới vẫn còn đó nhu cầu thay thế những loại đường có thể gây tác hại.
Cũng tại châu Phi, xứ Madagascar (còn ở ta là các ông lang xứ Bình Định) mất toi bài thuốc từ cây Dừa cạn hồng (Catharanthus roseus) vào tay Hãng dược phẩm Lilly & Company của Mỹ. Công ty này đã chiết xuất từ Dừa cạn hồng ra các chất vinblastine và chất vincristin và thu lợi nhuận đến khó tin, khoảng 20 tỷ USD mỗi năm.
Quay lại Ấn Độ, làm sao có thể tưởng tượng món cari Ấn lại có thể thiếu bột nghệ? Tác dụng chữa bệnh đa dạng của Củ nghệ đã được người Ấn Độ biết đến từ nhiều ngàn năm nay. Nhưng năm 1995, Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (US Patent and Trademark Office – USPTO) đã cấp văn bằng số US 5401504 A cho hai đồng tác giả Hoa Kỳ (gốc Ấn) là Harihar Cohly và Suman K. Das. Người Ấn đã phải chi ra khoảng 12.000 USD cho các dịch vụ pháp lý để đòi lại quyền của mình và ngày 13-8-1997, USPTO đành phải hủy patent đã cấp.
Trước vụ việc này, giới khoa học Ấn Độ đã phản ứng quyết liệt và họ chỉ ra rất chính xác rằng các hãng dược phẩm Mỹ đang thực hiện một thứ “Chủ nghĩa thực dân trong khoa học và công nghệ” (Scientific and Technological Colonialism).
Sống chết mặc bay
Một vụ kiện khôi hài xảy ra năm 2001, khi bác nông dân Percy Schmeister xứ Canada, bị tuyên phải bồi thường cho hãng Monsanto 15.450 dolla Canada vì lý do cây trồng của ông ta đã hợp lai với các ruộng bên cạnh dùng giống biến đổi gen của Monsanto. Tòa tuyên, dẫu không cố ý, thì bác nông dân vẫn đã hưởng lợi từ giống của Monsanto do đó bác phải trả tiền. Ông này trả đũa bằng cách kiện lại Mosanto vì mày đã làm nhiễm bẩn ruộng của ông, vốn phát triển tốt từ 50 năm nay mà cóc cần biết đến biến đổi gen của mày.
Monsanto là tên của Tập đoàn công nghiệp hóa chất lừng danh từng mang thảm họa "chất độc màu da cam" đến Việt Nam. Hiện nay, Monsanto được xem là tập đoàn có thể lũng đoạn các chính sách của nước Mỹ thông qua việc lobby cả tổng thống lẫn quốc hội Hoa Kỳ. Hiện hãng này đang thực hiện một chương trình toàn cầu về cây biến đổi gen nhằm mục đích tạo ra các gống cây có khả năng tự chống sâu hại, tăng năng suất nhưng đồng thời cũng có thể làm cây “tiệt nọc” theo các phương thức sinh sản tự nhiên, nghĩa là sau này không thể dùng hạt cây làm giống được nữa và việc cung cấp giống hoàn toàn sẽ do họ độc quyền. Chương trình mang cái tên rất sống chết mặc bay, là: Kẻ hủy diệt (Terminator).
monsanto cartoon
Món quà của Kẻ hủy diệt dành cho người Việt:
 1 - Chất da cam và 2 - Cây trồng biến đổi gen
(Tranh biếm từ www.coprwatch.org)
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (OMS), từ 1975 đến 1995, trong số 1.233 nhãn thuốc nhân tạo tổng hợp bán ra thị trường mà phần lớn là của Mỹ, thì có đến 1.222 nhãn thuốc hướng đến các căn bệnh của người giàu, còn lại chỉ có 11 nhãn hiệu dành chữa trị các bệnh nhiệt đới là các bệnh vốn phổ biến ở các nước nghèo (khốn nạn thay, 5 trong số này lại là thuốc thú y).
Trong khi đó, ở Mỹ, rất nhiều tiền và công sức đã được đầu tư cho các cuộc nghiên cứu để làm giảm cân, mọc tóc, xóa vết nhăn, tẩy vết nám trên mặt hay chữa trị các chứng bệnh cho thú nuôi trong nhà như chó, mèo, .... Tờ báo The Nation đã đưa ra một so sánh hài hước nhưng lại có giá trị như một bài học luân lý: "Cùng là người bệnh cả, nhưng một anh giàu, già và béo, sói tóc và bất lực được ngành dược phẩm Hoa Kỳ coi trọng hơn nửa tỷ anh sốt rét".
Trước tình trạng thiếu thốn thuốc men ấy, người Ấn Độ, Thái Lan, Brazil, Argentina ..., vẫn phải mắt trước mắt sau đợi dịp các ông lớn Mỹ hết hạn độc quyền để chen nhau tung ra thị trường loại thuốc “ăn theo” được gọi chung là thuốc generic (generic drug) có giá rẻ hơn 40 lần thuốc tương đương của các ông kia. Hơn 10 năm qua, hàng triệu người mắc Sida trên thế giới vẫn phải chờ đợi để nhận được thuốc AIDS giá rẻ chỉ sau khi các ông lớn đã no xôi chán chè, ấy là lúc việc bản quyền sáng chế của họ hết hạn.
Việc ghi nhận bản quyền sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm nhằm bảo đảm quyền sở hữu của những đại gia trong lĩnh vực dược phẩm là hoàn toàn hợp pháp nhưng xét trên diện bảo vệ sức khỏe cộng đồng toàn cầu thì đó lại là một hành vi phi nhân.
Bệnh dịch nào biết phân biệt ai đại gia và ai người nghèo?
Nếu chứng bệnh chagas không chỉ hoành hành ở Bolivie, chứng sốt rét vàng không chỉ phá hoại ở Guinée, chứng buồn ngủ không chỉ tồn tại ở Ouganda, và các bệnh như ho lao, ung thư, sida, và sốt rét, không phân biệt ranh giới địa lý, xã hội, xâm nhập ngay cả các nước tân tiến, giàu có như Hoa Kỳ thì sao nhỉ?

Thuốc “hạng hai” (generic) ấy à? Hãy chờ khi nào chúng tao hết bản quyền nhá. 

1 nhận xét: