(Vài chuyện về chữ quốc
ngữ)
------------
Tiếp tục kể lể về “công tích” cụ cố Rốt
Trong nhiều năm qua, đã có rất nhiều các học giả và nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu về vấn đề “ai là ông tổ chữ quốc ngữ?” trong đó dĩ nhiên có phần "công tích" của cụ cố Rốt, và hầu hết đều có chung câu trả lời thỏa đáng. Điểm qua, đó là các chuyên luận hoặc bài viết của các ông: Linh mục Đỗ Công Chính, Võ Long Tê, GS Trần Chung Ngọc, học giả An Chi, GS Nguyễn Mạnh Quang, GS Phạm Văn Hường, các tác giả Bùi Kha, Charlie Nguyễn, BS. Nguyễn Văn Thịnh, Huỳnh Ái Tông ... mà bạn đọc có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng, nhất là qua trang Sachhiem.net.
Linh mục người Pháp, GS. Roland Jacques tặng sách |
Nhưng cho đến gần đây, thì cái
dấu hỏi to tướng mà nhà báo Đào Trinh Nhất đặt ra năm xưa lại được một ông người
Pháp tiếp tục trả lời một cách cặn kẽ và với những lý lẽ rất khó phản bác. Đó là linh mục Roland Jacques, một chuyên gia nghiên cứu về lịch
sử truyền giáo Phương Đông và Giáo luật Công giáo, Tiến sĩ Luật học tại Đại
học Paris XI và Học viện Công giáo Paris, hiện là Khoa trưởng Phân khoa Giáo luật
tại Đại học Saint-Paul, Ottawa, Canada. Trong cuốn Les missionnaires portugais et les débuts de l’ Église catholique au
Viet-nam (Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo
Việt Nam) xuất bản năm 2004, ông viết:
“Đến khi chữ quốc ngữ đã bắt đầu được
sử dụng chính thức tại Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, người ta cố truy tìm lịch sử
của nó, bấy giờ tên tuổi Alexandre de Rhodes đã sớm được công nhận như là người
khai sinh ra việc chuyển vần latinh vào tiếng Việt Nam. Rồi từ đó ông được nâng
lên tận mây xanh như một ngôi sao đứng một mình, soi sáng cho đêm tối của quá
khứ xa xưa, của những thời kỳ truyền giáo tiên khởi, trước khi các vị truyền
giáo Paris đến, trong đó Taberd và các đấng kế vị là những đại diện có tên
tuổi. Chính quyền thực dân và Giáo hội đều đã ca ngợi thiên tài truyền giáo và
ngữ học có một không hai của vị tu sĩ dòng Tên, tán dương những lợi ích đem lại
cho Việt Nam trong thời đại mới.”
Và,
“Dựa vào những tác phẩm được xuất bản nầy (Từ điển Việt-Bồ-La; Phép giảng
8 ngày...) mà nhân vật Alexandre de
Rhodes bắt đầu trở thành truyền thuyết, hầu như thần thoại đối với lịch sử của
các công cuộc truyền giáo tại Việt Nam cũng như đối với lịch sử tiếng Việt.”
“Chúng tôi thấy đây là một sự sai lầm về lịch sử. Hẳn nhiên, Rhodes là
một nhà truyền giáo lớn, nhưng không phải là một siêu nhân: khẩn thiết phải trả
lại thực trạng con người cho con người ấy, và đặt lại công trạng nầy trong bối
cảnh lịch sử thật của nó. Ngoài những vấn đề liên quan đến nỗ lực xây dựng cho ngữ
học Việt Nam, mà chúng ta sẽ bàn thảo, chúng ta nêu lên đây một vấn đề khác nữa”.
Vấn đề khác nữa mà Linh mục Roland Jacques muốn nêu lên đây là vấn đề “đạo văn”:
“...Chúng ta đưa ra đây hai thí dụ: Ta thấy
bản tường thuật về việc tử đạo của thầy giảng Anrê, mà bản gốc bằng tiếng Bồ
Đào Nha chắc chắn do chính linh mục Rhodes viết ra, nhưng đôi khi được lấy lại
từng chữ một dưới tên các tác giả Matias da Maia, Antônio Francisco
Cardim hoặc Manuel Ferreira. Ngược lại, Rhodes đã xuất bản dưới tên mình một bản tường thuật liên quan đến
các vị tử đạo Nhật Bản, mà tổng thể lại lấy lại những ký sự của các tu sĩ dòng
Tên. Như thế, khi người ta quyết định cho xuất bản hoặc tái bản
một bản văn được thuận nhận để phổ biến, thì người được đề cử làm công việc nầy
lại ghi tên mình vào đó, và mang trách nhiệm cá nhân về công tác của mình.
Trong trường hợp của linh mục Rhodes và các vị tử đạo của Nhật Bản, có lẽ đã
dựa vào danh tiếng đang lên của con người Avignon nầy để mang cho cuốn sách
được phổ biến rộng rãi hơn”.
Sách Les missionnaires portugais et les débuts de l’ Église catholique au Viet-nam (Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam) |
Đi xa hơn, với những lập luận sắc bén và xâu chuỗi một
cách có hệ thống những dấu vết
ảnh hưởng từ các ngữ âm Bồ Đào Nha lên chữ “quốc ngữ”, ông linh mục
người Pháp này còn đòi trả lại những “công khó” cho các cố đạo khác
người Bồ Đào Nha. Roland Jacques khẳng định: “Trước hết
cần thừa nhận tính có trước của công trình ngôn ngữ học thực hiện bởi người Bồ
Đào Nha Francisco de Pina. Sự ra đời của chữ Quốc ngữ trước hết là thành quả
của một cuộc gặp gỡ lịch sử giữa ngôn ngữ Việt Nam và ngôn ngữ Bồ Đào Nha”.
Francisco de Pina là ai? Đó chính là
vị linh mục Bồ Đào Nha đến Đàng
Trong từ năm 1617 và là người đầu tiên giảng đạo bằng tiếng
Việt và đã soạn ra các chuyên luận đầu tiên về "Từ vựng và các thanh" và “Ngữ pháp’’ tiếng An Nam. Mãi 7 năm sau, cố Rốt mới đặt chân
lên Đàng Trong và mau mắn trở thành một trong hai học trò vỡ lòng của
Pina về tiếng Việt. Tháng 12 - 1625, Francisco de Pina đột ngột qua đời vì đuối nước tại
Hội An và để lại các chuyên luận về tiếng An Nam của ông cho học trò.
Trong một lá thư viết đầu
năm 1623, (xem ở đây ), giáo sĩ Pina nói về việc học ngôn ngữ bản xứ
như sau: “Về việc học ngôn ngữ, thì Dinh Chiêm là nơi tốt nhất, vì dinh
Trấn thủ đặt nơi đây; người ta nói năng rất chuẩn và có nhiều thanh niên học
trò qui tụ về, nên những ai bắt đầu học ngôn ngữ thì tìm được sự giúp đỡ nơi
các học trò ấy... Ngôn ngữ này có cung điệu giống như cung
nhạc, cần phải biết xướng cho đúng thanh điệu trước đã, sau mới học các âm qua bảng chữ cái...".
“Về phần tôi, tôi đã soạn
một tập nhỏ về chữ viết và các thanh (cung điệu) của ngôn ngữ
này; tôi hiện đang bắt tay vào ngữ pháp. Tuy nhiên, mặc dù tôi đã thu thập được
các câu chuyện thuộc nhiều thể loại khác nhau để ghi trích dẫn các tác giả, hầu
xác định ý nghĩa của các từ và mẹo luật ngữ pháp, thì cho đến nay tôi vẫn phải
nhờ một người đọc (chữ Nôm) để ghi lại bằng mẫu tự Bồ Đào Nha, hầu cho người
của ta sau này có thể đọc và học thuộc lòng” .
Vì hiển nhiên phải "tạo ra" chữ
viết trước cái đã rồi sau đó mới có thể bắt tay
vào nghiên cứu về “mẹo luật ngữ pháp” của nó, lá thư này phần nào hé
lộ thời điểm ra đời của chữ “quốc ngữ” và việc "sinh nở" này rõ ràng không liên quan tẹo nào đến cụ cố Rốt, khi đó còn chưa có mặt ở Đàng Trong.
Một trang trong cuốn Các cuộc hành trình và truyền giáo của cố Rốt (được dịch ở ngay dưới) |
Chính cố Rốt thừa
nhận về khả năng ngôn ngữ của Francisco de Pina trong Các cuộc hành trình và truyền giáo
(Divers voyages et missions):
“Chúng tôi khởi hành từ Macao vào tháng 10 năm 1624 và sau 19 ngày thì
tới Đàng Trong, tất cả đều hồ hởi bởi hoạt động tốt. Ở đó chúng tôi gặp cha
Pina, ngài rất thông thạo tiếng xứ này, một thứ tiếng khác hẳn tiếng Tàu. Tiếng
mới này còn thông dụng ở Đàng Ngoài, ở Cao Bằng, ở Đàng Trong và người ta còn
nghe và hiểu ở ba xứ lân bang khác. Đối với tôi, thú thật vừa tới Đàng Trong và
nghe dân xứ này nói, nhất là phụ nữ, tôi tưởng như nghe chim hót và tôi không
bao giờ mong có thể học được…Vì thế mà tôi thấy cha Fernandez và cha Buzomi
phải dùng thông ngôn để giảng, chỉ có cha Francois de Pina không cần thông ngôn
vì nói rất thạo. Tôi nhận thấy bài ngài giảng có ích nhiều hơn bài các vị khác.
Điều này khiến tôi tận tuỵ học hỏi, tuy vất vả, thế nhưng khó ít mà lợi nhiều.
Tôi liền chuyên chú vào việc. Mỗi ngày tôi học một bài và siêng năng như khi
xưa vùi đầu vào khoa thần học ở Rôma”.
Và:
“Ngay từ đầu, tôi đã học với cha Francesco de Pina, người Bồ, thuộc Dòng
Tên nhỏ bé chúng tôi. Là thầy dạy tiếng , người thứ nhất trong chúng tôi am
tường tiếng Việt, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng ngôn ngữ
đó mà không dùng thông ngôn’’.
Ngoài ra, muốn cân đo "công tích" cụ Rốt tới đâu thì cũng phải nhớ đến điều "bất khả kháng" sau đây, là các cụ cố muốn “truyền”
Phúc Âm được cho người Việt thì buộc họ phải: a) hoặc
là học từ người Việt để mà biết tiếng Việt; b) hoặc là phải dạy
cho người Việt đọc được tiếng Latin. Chính vì thế các cụ cố mới buộc
phải dùng các ký tự Latin để phiên âm tiếng Việt, chứ chả có cụ
nào, nhất là cụ Rốt lại mơ tưởng đến chuyện nhờ vào những mẫu tự
Latin mà giúp cho người Việt tiếp xúc với nền “văn minh phương Tây” và “giúp cho Việt Nam đi trước đến ba thế
kỷ” như các thầy tu Dòng Tên chém gió mẹ hát con khen sau này.
Thậm chí, sau này, giám mục Puginier, người
phá chùa Báo Thiên, còn tỏ ra rất “thẳng thắn” khi nói về “công
dụng” của cái chữ “quốc ngữ”: “…tôi
xem việc tiêu diệt chữ Nho và thay thế dần dần ban đầu bằng tiếng An Nam (tức
chữ Quốc ngữ), rồi bằng tiếng Pháp như là
phương tiện rất chính trị, rất tiện lợi và rất hiệu nghiệm để lập nên tại Bắc
Kỳ một nước Pháp nhỏ ở Viễn Ðông”.
Và cũng như nhà báo Đào Trinh Nhất, tác giả Roland Jacques cho rằng không
thể không kể đến công lao của chính người Việt, những người vừa là trò
nhưng cũng lại có vai trò là thầy của các vị cố đạo người Âu trong quá trình “phát
minh” ra chữ “quốc ngữ”, ông đề nghị:
“Cần thiết phải đặt đúng đắn vị
trí của cá nhân Alexandre de Rhodes
trong một công trình tập thể mà ông chỉ
là một trong số nghệ nhân chủ yếu, mà trong đó những người Bồ Đào Nha và những người cạnh tranh ngang hàng
Việt Nam của họ đã giữ vai trò hàng đầu”.
Vậy thì đã rõ những
ai mới thật sự là người đáng được dựng tượng hơn là cụ Rốt. Và nếu có những ai
đó, như nhóm người theo đạo Thiên Chúa năm 1927, (đề xuất, ủng hộ nhưng
không thực hiện) hay các
nhà (lệch) sử
ngày nay, muốn dựng tượng cố Rốt để “tri cái ân” gì đó thì là
chuyện cá nhân hoặc phe nhóm của các vị và nhớ đừng moi đến tiền
nhà nước là được. Kệ thây các vị, nhưng xin bỏ ngay cái thói đánh bùn
sang ao và mượn uy danh ông nọ bà kia để đòi hỏi "người dân Việt Nam (ai ai cũng phải) nhớ ơn cụ cố Rốt".
-----------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét