Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Cái ơn con ... tự (4)






(Vài chuyện về chữ quốc ngữ)
------------

Tại sao người Pháp nhận vơ “công tích” cụ cố Rốt?

Như đã nói ở kỳ trước, từ thời thực dân đô hộ đến nay, các học giả Tây, ta đều thừa biết chữ “quốc ngữ” hình thành là do công tập thể của nhiều người, trong đó có "người Bồ Đào Nha và người Annam". Nhưng tại sao người Pháp lại dựng bia ghi công mỗi cụ cố Rốt mà không đả động đến những người khác? Nguyên do chỗ này vốn có một chút nhập nhằng khôn khéo của người Pháp. 
Đầu tiên là bởi trong số những người “có công”, chỉ có cụ cố Rốt là người sinh ra ở xứ Avignon, là xứ nói tiếng Pháp, tiếng “mẫu quốc” nên dễ “lập lờ đánh lận con đen” hơn cả. Lý do thứ hai là vì cụ chính là "ân nhân" của người Pháp khi lập ra Hội thừa sai Paris (M.E.P, mà mãi đến năm 1950 vẫn đóng đinh trên khắp các giáo xứ ở Việt Nam) và nhờ đó đưa lối dẫn đường cho người Pháp thực dân đặt chân vào Đông Dương sau này. Lý do thứ ba có vẻ hữu lý hơn cả là về mặt chứng tích văn bản, chỉ có 3 tài liệu của cụ Rốt, mà nổi tiếng nhất là cuốn Từ điển Việt- Bồ-La (dẫu rằng do cụ “đạo” từ một phần “công khó” của các cụ cố khác người Bồ) được Thánh bộ Truyền giáo đức tin La Mã cho in vào năm 1651. Và thế là quá đủ cho họ vơ nhằng, rằng cụ cố Rốt là người Pháp, có thế thì mới tôn được cái công lao “khai hóa”, truyền bá “văn minh” của họ đối với người Việt và xóa mờ ấn tượng về nền cai trị thực dân tàn độc của họ.
Từ điển Việt-Bồ-La - Nhờ "công khó" của các cụ cố đạo khác mà cụ Rốt viết ra được cuốn này và nhờ được in cuốn này mà cụ Rốt trở thành "ông tổ chữ quốc ngữ" (?)
Quả là cụ cố Rốt có sinh ra và lớn lên ở xứ Avignon, vùng giáp ranh Pháp Ý và xứ này nói tiếng Pháp thật, nhưng mẹ cụ là người Ý, vậy cứ theo nghĩa đen thì tiếng “mẹ đẻ” của cụ phải là tiếng Ý chứ không phải tiếng Pháp? Nhưng, cho dù tiếng “mẹ đẻ” của cụ có là tiếng Pháp đi nữa thì cũng chưa thể kết luận cụ là người Pháp, như những người Bỉ, người Canada, vẫn nói tiếng Pháp đó thôi hoặc người Singapore, chẳng lẽ lại là người Anh lai Tàu vì họ nói cả tiếng Anh lẫn tiếng Tàu.
Hơn nữa, là từ khi sinh ra cho đến lúc chết (1591-1660), cụ cố Rốt chưa bao giờ có “vinh hạnh” được là người của nước Pháp thần thánh. Thậm chí đến mười đời cụ Rốt, tức là từ cụ cao tằng tổ khảo cho tới các chắt chít nhà cụ Rốt cũng chẳng thể có cái "vinh hạnh" đó. Lý do thật đơn giản, là vì vùng đất Avignon, trong suốt 440 năm (từ 1348 đến 1789, thời gian này tương đương ít nhất là 10 thế hệ nhà cụ Rốt) không hề thuộc về nước Pháp. Nguyên tổ tiên Alexandre de Rhodes là người gốc gác Do Thái từng cư trú tại Tây Ban Nha. Năm 1624, ông theo tàu buôn của Bồ Đào Nha từ Macao đặt chân lên Đàng Trong với danh nghĩa là một giáo sĩ và là thần dân nước Bồ Đào Nha. Còn xứ Avignon thì mãi đến khi nổ ra Cách mạng Pháp, năm 1789 mới được sáp nhập vào nước Pháp. Tính xem, khi đó cụ cố Rốt đã về chầu Chúa được tới 129 năm còn gì (cụ mất tại Iran năm 1660). Trước Cách mạng Pháp, cụ thể là từ năm 1348, thì xứ Avignon vẫn là vùng nhượng địa thuộc về Giáo hội, được mua với giá 80.000 florin, và là nơi Giáo hoàng từng đặt Tòa Thánh, tương tự như Vatican ngày nay không thể gọi là thuộc Ý vậy.
Trước khi đến Phương Đông, cụ Rốt dĩ nhiên đã phải tuyên thệ trung thành với tư cách là nhà truyền giáo đặt dưới sự bảo trợ của triều đình Bồ Đào Nha, nhưng rồi vào năm 1653, cụ Rốt đã trở thành một kẻ phản phúc khi quay lưng lại những quyền lợi của Bồ Đào Nha và chạy sang nước Pháp, để nhờ nước Pháp thần thánh “cung cấp cho tôi nhiều chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Đông Phương” (me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout L’orient). Vì thế, lẽ đương nhiên là “ông bị triều đình Bồ Đào Nha coi như một kẻ thù của nước này”, như Jean Lacouture, nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng người Pháp cho biết.
Nhưng cứt trâu để lâu hóa bùn, vài trăm năm sau đó, khi cần thiết phải phục vụ cho các mục đích chính trị và mị dân của mình, người Pháp thực dân không bỏ lỡ cơ hội, nhận bừa cụ cố Rốt là người Pháp, để rồi tuyên bố: “Công lao phát minh ra chữ quốc ngữ chính là của người Pháp, Giám mục Alexandre de Rhodes” như học giả kiêm linh mục người Pháp là Léopold Cadière phát biểu năm 1912, trong một cuộc hội thảo ở Paris.
Từ đó, quan niệm cố Rốt là người “nước mẹ” được đưa vào sách giáo khoa bậc tiểu học và các học giả ta hầu như không bận tâm nghi ngờ điều đó, chẳng hạn năm 1927, học giả Phạm Quỳnh (báo Nam Phong, số 122) đã viết: Chữ Quốc ngữ là do các cố Tây sang giảng đạo bên Việt Nam đặt ra vào thế kỷ 17..., chắc cùng nhau nghĩ đặt, châm chước, sửa sang trong lâu năm, chứ không phải một người nào làm ra một mình vậy”.
Giáo sư Đào Duy Anh, cũng đã viết: “Thứ chữ này nguyên do các nhà truyền giáo Gia Tô đặt ra..., sau do hai nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha, rồi sau đến cố A.de Rhodes người Pháp tổ chức lại thành một thứ chữ thông dụng trong truyền giáo hội, tức là thủy tổ chữ quốc ngữ ngày nay".
Giáo sư Dương Quảng Hàm: “Việc sáng tác ra chữ Quốc-ngữ chắc là một công cuộc chung của nhiều người, trong đó có cả giáo sĩ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp Lan Tây (tiếng La-tinh là ngôn ngữ dùng để truyền đạo Ki-Tô). Nhưng người có công nhất trong việc ấy là cố đạo người Pháp Alexandre de Rhodes, vì chính ông là người đầu tiên đem in những sách bằng chữ Quốc-ngữ, thứ nhất là một cuốn tự điển khiến cho người sau có tài liệu mà học và nghiên cứu”.
Riêng nhà báo Đào Trinh Nhất, như trong bài viết đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn số 118, ngày 4-2 -1932 đã dẫn ở kỳ trước, chẳng những đã tuyên bố cụ Rốt “không phải là người đặt ra chữ quốc ngữ”, hơn thế, ông còn chỉ rõ cụ Rốt cũng cóc phải là người Pháp mà “là người Y-Pha-Nho” (tên gọi hồi đó của nước Tây Ban Nha).
Nhưng cho dù các học giả đáng kính nêu trên có chút nhầm lẫn ở chi tiết “cố Rốt là người nước Pháp”, có thể trước hết là vì uy tín học thuật của Léopold Cadière quá lớn, và sau nữa là bởi sự đặt điều và ràng buộc của chính quyền thực dân, chốt lại, họ đều đi đến cái kết luận việc chữ “quốc ngữ” ra đời là kết quả của một tập thể chứ chẳng riêng gì công ông cố Rốt.
Chẳng những dựng chuyện cụ Rốt là “người Pháp” và cấp bằng “độc quyền phát minh” ra chữ “quốc ngữ” cho cụ, rồi ghi vào sách giáo khoa dạy người Việt, những năm sau này (1941- 1944) để làm đối trọng với cường quốc Nhật Bản khi ấy cũng đang “giương cao ngọn cờ Đại Đông Á” nhằm lôi kéo người Việt ngả sang phe Trục, chính quyền Pháp còn mở hẳn một chiến dịch có quy mô lớn để tuyên truyền trong tầng lớp thanh niên học sinh về công lao “khai hóa” của cụ cố Rốt và người Pháp.
Chiến dịch tuyên truyền bao gồm: dựng bia và nhà bia ghi công Alexandre de Rhodes ở Bờ Hồ năm 1941 như đã nói, thành lập hội Alexandre de Rhodes (8-1942). Tổ chức in tem kỷ niệm và đặt ra các giải thưởng văn học (1943-1944), trong đó có giải mang tên Alexandre de Rhodes, giá trị 1000 đồng bạc Đông Dương (tương đương khoảng 17.000 franc Pháp), dành cho tác phẩm dịch từ tiếng Pháp sang chữ quốc ngữ và phát thưởng vào ngày quốc khánh nước Pháp 14-7. Đồng thời trong những năm đó, nhà cầm quyền thực dân còn đặt ra “tủ sách Alexandre de Rhodes” và tài trợ toàn bộ nguồn vốn cho việc xuất bản các cuốn sách thuộc “tủ sách” này.
Tem kỷ niệm cụ Cố Rốt in năm 1943 – Họa sĩ Bùi Trang Chước vẽ

Giải thưởng văn chương của Hội Alexandre de Rhodes -Tràng An báo, số 41, 28-7-1942 (nguồn Thư viện báo chí thuộc Thư viện quốc gia)
Tất nhiên người Việt khi ấy cũng chẳng mấy ai còn có hứng ca tụng cụ cố Rốt theo "định hướng" của người Pháp. Thế rồi, chiến dịch tuyên truyền về công lao “khai hóa” của người Pháp thực dân tại Việt Nam nhằm chạy đua và “cạnh tranh” với chính sách Đại Đông Á của người Nhật tự chấm dứt vào ngày 9-3-1945, khi quan toàn quyền Đông Dương Đờ cu (Decoux) dâng xứ Annam cho người Nhật. 

Bộ sậu Toàn quyền Decoux dâng xứ Annam cho người Nhật (ông Tây Đờ cu đứng giữa, hai ông Nhật đứng hai bên)

Trước khi sang phần sau, là phần sẽ “kể lể” “công ơn” của người Pháp thực dân trong việc “cho” người Việt cái chữ,  xin dẫn về đây nhận định của tác giả Bùi Kha (Hoa kỳ), trong bài viết Alexandre Rhodes – Đối luận với tác giả Hoàng Hưng, về  “công tích” của cụ cố Rốt, người từng được vinh danh là “khai sinh” ra chữ “quốc ngữ”:
“Công của ông cố đạo nầy thì đã quá rõ: Ông A. de Rhodes dứt khoát không phải là người đầu tiên sáng chế ra chữ Việt La-tinh hoá, nhưng ông đã cùng với các ông cố đạo Bồ Ðào Nha khác, cùng như cùng với những trí thức Việt Nam khác (thầy đồ, sư sãi, quan lại,...), góp phần chỉnh trang, hệ thống hoá và đặt nền móng cho tiếng Việt của chúng ta ngày nay. Và cái công tập thể đó thì chỉ giới hạn trong lãnh vực ngôn ngữ mà thôi, rõ ràng chưa xứng đáng để vì đó mà ta nâng chỉ mỗi mình ông cố đạo này lên thành công thần văn hoá, lại càng không xứng đáng để xây bia, đúc tượng, đặt tên đường như những vị danh nhân văn hoá khác của Việt Nam.

Huống gì khi mở rộng ra trên bình diện lịch sử dân tộc, tội của ông thì cũng đã quá rõ, và quá nặng: Ông Alexandre de Rhodes là ông cố đạo Pháp đầu tiên đã vận động chính quyền Pháp xâm chiếm nước ta với ý đồ làm cho hai chính sách truyền đạo của nhà thờ và đô hộ của nhà nước quấn quyện vào nhau trong một thế hỗ tương quyền lợi, dù ý đồ đó không thành tựu ngày ông nhắm mắt. Tuy nhiên chính vì “tiền lệ” đó mà sau này, những giáo sĩ Pháp như Pallu, De la Motte, Huc, Pellerin, Puginier,... đã triển khai để thành công trong việc thuyết phục, kế hoạch, và tiến hành cuộc xâm lăng nước ta và áp đặt nền đô hộ trên dân ta”.


------


4 nhận xét:

  1. Loạt bài này quá hay, làm sáng mắt cho tất cả chúng ta. Hỡi những nhà nghiên cứu Ca tô, hãy phản biện xem nào!

    Trả lờiXóa
  2. Kinh tế - xã hội be bét, tự do - dân chủ xếp hạng đáy của thế giới, triều đình tranh giành quyền lực cắn nhau như chó với mèo... Ở đây đổ cứt lên đầu ông Rhodes nào đó của 400 năm trước.

    Tôi chịu cô Lí hehe.

    Trả lờiXóa
  3. @ 4 teeth
    Có phản bẹn của cu Ca Tô hehe ngay dưới, trình người ta có vậy, bác còn đòi gì nữa?

    @ Nặc danh12:08 Ngày 12 tháng 01 năm 2016
    He he, anh có phải bố chú đéo đâu mà chú cứ đòi anh phải thế lọ thế chai hả chú?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hahaha vậy thì cô chuẩn bị cho loạt bài 'nghĩa tử Hoàng Sa' được rồi đấy hehe.

      Xóa