Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2016

Ông Phạm Văn Chi và vụ từ chối nhà máy thép tại Vân Phong



-----
Đã viết về ông Võ Kim Cự thì cũng nên viết về ông Phạm Văn Chi. 
Sau vụ Formosa xả thải độc ra biển, nếu ông Cự, người đặt bút ký cho Formosa thuê đất trong thời hạn 70 năm bỗng trở thành một “tội đồ” thì ông Chi, nguyên Chủ tịch Khánh Hòa nhiệm kỳ 1999-2004 lại trở thành một bậc “thánh nhân” dưới con mắt của giới truyền thông.
Ông Phạm Văn Chi đã mần chi?
Giờ người ta “nhớ đến ông Chi bởi ông là người đã quyết liệt, kiên trì đấu tranh loại dự án nhà máy thép có công suất, vốn đầu tư “khủng” ra khỏi khu vực Đầm Môn, vịnh Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cách đây chín năm với các nguy cơ môi trường có thể dẫn đến từ nó. Lúc đó, ông Chi đã rời cương vị chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhưng là người có tiếng nói mạnh mẽ nhất phản đối dự án nhà máy thép của Posco (Hàn Quốc)”.
Năm 2007, Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) đề xuất dự án đầu tư nhà máy thép liên hợp tại vịnh Vân Phong có tổng mức đầu tư đến 11,5 tỉ USD, được xem là dự án lớn nhất Việt Nam về sản xuất thép thời điểm đó.
Ông Chi kể lại:
“Lúc đó, toàn bộ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, hầu hết các bộ, ngành trung ương, trừ Bộ TN&MT đều thống nhất đề nghị cho xúc tiến triển khai dự án nhà máy thép của Posco. Chính vì thế, tháng 1-2008, Thủ tướng cũng đã đồng ý chủ trương cho lập dự án. Nhận thấy có quá nhiều hiểm họa đối với môi trường ở một dự án sản xuất thép lớn như thế, tôi kiên quyết đấu tranh, đề nghị không chấp nhận dự án này. Tôi nói Đầm Môn đẹp như thế mà cho san lấp, làm nhà máy thép thì còn gì môi trường. Thế nhưng trong các cuộc họp của tỉnh, tôi nói hầu như không ai nghe. Ngược lại, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn ra chủ trương quán triệt đến cấp chi bộ là mọi đảng viên phải có trách nhiệm ủng hộ dự án đó. Tỉnh đã cử nhiều đoàn cán bộ qua Hàn Quốc khảo sát, tham quan nhà máy thép của Posco, khi về ai cũng khen nức nở; riêng tôi dứt khoát không đi”.
Có vẻ như trong vụ này, tất cả đều u mê, chỉ một mình ông Chi là sáng suốt?
Sự thật thế nào?
Vào những năm 2007-2008, ông Chi đã rời khỏi chức vụ Chủ tịch tỉnh. Nghỉ hưu, “hạ cánh an toàn”.
Nói thế bởi vì trong thời gian giữ chức Chủ tịch Khánh Hòa, ông Chi từng để lại không ít tai tiếng trong các vụ ký các quyết định liên quan đến các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản.
Ngày 3-5-2006, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã triệu tập ông Chi để thẩm vấn về các liên quan đến một ông Chi khác là ông Nguyễn Đức Chi, chủ dự án Rusalka bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Chi nguyên Chủ tịch bị thẩm vấn về việc đã ký công văn yêu cầu cấp dưới xác định lại giá thuê đất dự án Rusalka; đặc biệt là đã quyết định miễn tiền thuê đất trong bảy năm cho toàn bộ dự án của Nguyễn Đức Chi. Ngoài ra, ông Chi cũng đã ký thông báo đồng ý giao 13ha đất cho Công ty cổ phần đầu tư thương mại Hoa Hồng do Nguyễn Đức Chi và hai em gái ruột thành lập thuê đất xây dựng tại khu Bãi Dài, Cam Ranh; ký thông báo đồng ý giao 12,4ha đất cùng địa điểm trên cho Công ty cổ phần Vạn Xuân của Nguyễn Đức Chi thuê làm khu du lịch.
Ông Chi cũng là người ký quyết định giao cho Công ty ICC đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật công trình dự án Khu dân cư Hòn Rớ II. Quyết định này được ông Chi ký chỉ ít ngày trước khi ông mãn nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh và chỉ sau 8 ngày (ngày 12-5-2004) khi ICC có đơn gửi UBND tỉnh xin giao đất. Theo quyết định này thì ICC nghiễm nhiên được hưởng lợi 37,4 tỷ đồng từ nguồn vốn do ngân sách đã bỏ ra giải phóng mặt bằng.
Giám đốc Công ty ICC là ông Hoàng Kim Đồng, một người từng có nhiều tiền án. Tháng 5-1980, Đồng bị Tòa án Quân khu 7 xử phạt 10 năm tù vì  liên quan đến một vụ án giết người cướp của. Tháng 11-1990, Đồng lại bị khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản công dân.
Ông Chi cũng bị Thanh tra Chính phủ “sờ gáy” trong vụ sang nhượng dự án Khu liên hợp khách sạn tại số 68 Trần Phú, con đường đẹp nhất Nha Trang. Tại dự án này, Công ty Alpha Ong đã “chuyển đổi hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài sang 100% vốn trong nước” cho Công ty Cinco để hưởng lợi trái pháp luật khoản tiền 1,7 triệu USD chênh lệch, thực chất là tiền bán đất như Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra. Tuy vậy, ngày 17-6-2004, ông Chi vẫn ký quyết định thu hồi đất của Alpha Ong, giao cho Cinco. Thanh tra Chính phủ kết luận: “Việc làm này đã hợp thức hóa những sai phạm của việc mua bán giữa 2 công ty này”  “trách nhiệm thuộc về ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa”.
Vậy thì vào năm 2008, có thể ông Chi cũng đã có những góp ý về việc không nên đầu tư nhà máy thép tại vịnh Vân Phong vì ảnh hưởng môi trường. Tuy nhiên, không thể "suy tôn" ông là “người từ chối dự án thép tỷ đô” được. Vì hiển nhiên ông Chi không phải là người có thẩm quyền “từ chối” vả lại ông cũng chẳng còn nhiều uy tín sau các vụ tai tiếng đã nói ở trên.
Không mấy tờ báo hồi đó nói đến sự “đấu tranh quyết liệt” của ông Chi, nhưng thực tế, đã đăng hàng loạt các ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học. Chỉ riêng báo Tuổi trẻ đã dành ra cả gần chục số viết về chuyên đề này. Liên tục xuất hiện trên báo chí các phát biểu của các chuyên gia uy tín như Lê Đăng Doanh, Bùi Kiến Thành, Phan Văn Trường, Chu Quang Thứ, Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Thiết Hùng, Phạm Văn Cương, Nguyễn Chính, Lê Vũ Khánh…
Ngày 4-2-2008, Hội Khoa học và kỹ thuật biển TPHCM đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Trung ương đề nghị xem lại chủ trương phát triển dự án nhà máy thép tại Vân Phong.
Ông Lê Kế Lâm, Chuẩn đô đốc, Chủ tịch Hội Khoa học và kỹ thuật biển TPHCM, dẫn chứng trường hợp nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin (liên doanh giữa Hyundai của Hàn Quốc và Vinashin) tại khu vực phía Nam Vân Phong. Ban đầu nhà đầu tư khẳng định dự án sẽ không gây ô nhiễm, nhưng bây giờ ô nhiễm từ hạt nix không thể giải quyết được. Ông Lâm cho rằng nhà máy thép của Posco với công suất 8 triệu tấn/năm lại kèm theo một nhà máy nhiệt điện sẽ gây ô nhiễm rất lớn.
Các ông Doãn Mạnh Dũng, Ngô Lực Tải, Huỳnh Vân Kha (Hội Khoa học và kỹ thuật biển TPHCM) cho rằng dự án của Posco chiếm tới 969 héc ta tại khu vực này khiến diện tích dành cho cảng bị thu hẹp, không đủ đáp ứng yêu cầu về cảng trung chuyển quốc tế trong tương lai.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng có công văn đề nghị Chính phủ và Bộ GTVT “ưu tiên phát triển cảng trung chuyển container quốc tế tại Vũng Đầm Môn, Vịnh Vân Phong theo đúng quy hoạch chung đã được phê duyệt".
Trước đó, Quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 51/2005/QĐ-TTg ngày 11-3-2005 với tính chất là khu kinh tế tổng hợp, trong đó Cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gồm du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành kinh tế khác. (Khác với quy hoạch Khu kinh tế Vũng Áng: trọng tâm số một là phát triển các ngành công nghiệp luyện kim). 
Và lý do chính yếu để Chính phủ từ chối dự án thép Posco là bởi dự án đó chồng lấn lên dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, phá vỡ quy hoạch tổng thể đã được duyệt. Vấn đề tiếp theo mới là chuyện môi trường.
Ngày 31-10-2008, Văn phòng Chính phủ ban hành công văn số 7461/VPCP-QHQT nêu ý kiến của Thủ tướng chính thức không chấp thuận việc Tập đoàn Posco đầu tư nhà máy thép liên hợp tại khu vực Đầm Môn, vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hoà.
Vì: 
Nội dung dự án đầu tư nhà máy thép liên hợp do tập đoàn Posco đề xuất cho thấy sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng, định hướng phát triển trong tương lai của dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong theo quy hoạch đã được phê duyệt. 
Thứ đến:
Bên cạnh đó, dự án nhà máy thép cũng không đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường sinh thái biển tại khu vực này.
Trong công văn này, Thủ tướng cũng giao UBND tỉnh Khánh Hoà trả lời nhà đầu tư và yêu cầu tập đoàn Posco nghiên cứu thực hiện dự án tại địa điểm khác.
Hiển nhiên, người “trả lời nhà đầu tư” cũng không phải là ông Phạm Văn Chi.

----


2 nhận xét:

  1. Cảm ơn cụ Lí đã kịp đọc lại tư liệu cũ, của riêng báo chí thôi, đã thấy như thế.

    Trả lờiXóa
  2. phải chăng ca ngợi ông Chi vì vấn đề gì khác

    Trả lờiXóa