Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

Bút… mắm. (phần I)




-----------

Vũ Khắm, tên khai sinh là Khối, người miệt Trúc Giang, nay gọi là Bến Tre, thuộc Cửu long châu thổ. Nguyên dòng họ phát tích ở miền duyên hải Nghệ Tĩnh, lưu lạc vào Nam Trung bộ lập nghiệp, kể đến đời Khối đã là năm sáu đời. Khối cất tiếng khóc chào đời tại nhà hộ sinh thị xã Phan Thiết, lúc sinh ra có điềm lạ là mùi nước mắm tỏa hương ngào ngạt quanh năm.
Năm Khối vừa tròn tuổi thôi nôi, gia đình tổ chức tiệc đầy năm. Nhân muốn dự định tương lai mà đặt Khối ngồi giữa chiếu rồi bày ra một mớ các vật dụng xung quanh để xem thằng bé chọn món gì. Khối bất ngờ quơ nhoằng một cái, mọi người chưa kịp định thần, thì đã thấy tay trái Khối quơ được cây bút, tay phải thủ được con dao đem giấu sau lưng. Lại gần hơn thì càng ngạc nhiên, vì không biết tự lúc nào Khối đã kịp vơ vào lòng mấy cái bánh, mà trên đầu thì đã cài được cả cái kẹp tóc. Ai cũng cho là lạ, cha mẹ hãi quá bèn đổi tên con thành Khắm để cho quỷ ma khỏi để ý.
Nhân khi ấy gặp thời li loạn, giặc Huỳnh Kì nhiễu nhương non nửa đất nước. Cha Khắm bị họ Ngô Đình đem giết, phu nhân sầu thảm mấy tháng liền, mất ăn mất ngủ lại thêm căn tạng yếu đuối nên lâm bệnh nặng, thần kinh hốt hoảng, luôn luôn giật mình, nằm mơ thấy toàn máu lửa, sọ xương. Liệu không sống được bao lâu bèn gọi người cậu ở Trúc Giang mang Khắm về, nuôi cho ăn học.
Khắm nổi tiếng thông minh dĩnh ngộ từ khi tóc còn để trái đào. Lên sáu đã tốt nghiệp Mẫu giáo, bẩy tuổi được tuyển thẳng vào lớp Một. Khắm nhanh tay lẹ mắt, mồm mép láo liên, ưa thơ ca, từ phú, trong nhà ai cũng ngợi khen là bậc thần đồng. Nghe kể lại cuối năm lớp Một, Khắm “sáng tác” được bài thơ năm chữ được bạn Tân Thái Bá vỗ tay tán dương lắm lắm, nhất là mấy câu:
Má Tí là nông dân
Ở cánh đồng Thạnh Phú
Vừa làm lại vừa hú
Trong buổi sáng mùa Xuân.
Ông cậu nuôi Khắm theo học trường làng đủ một con giáp, Khắm mỗi năm thăng một trật, đến năm Tây lịch thứ 1987 thì đỗ Tú Tài, nhưng kì thi Hương sau đó thì bị đánh trượt vì phạm trường quy. Khắm buồn bã ở nhà không thò mặt ra ngoài cả tháng, người cậu thương tình bèn lo lót cho y chức tuần đinh kiêm phó ban văn nghệ của Hợp tác xã.
Nhờ vậy, năng khiếu văn chương, từ phú của Khắm lại được dịp phát tác, ngày nào cũng sản xuất thơ ca hò vè đâm bị thóc chọc bị gạo, gặp ai cũng níu lại mời nghe, tự vỗ tay đồm độp rồi đòi thù lao. Càng ngày y càng bê trễ công việc tuần thú hương thôn, có ý chê việc ấy chỉ nên dành cho bọn vai u thịt bắp, không phù hợp với tạng thư sinh nho nhã như mình. Người cậu thấy thế bèn gọi lại mắng rằng:
- Mày trước giờ chỉ được cái nhanh mồm khéo miệng, lại có tính tắt mắt, hàng xóm ai cũng e ngại. Đã vậy còn không phân biệt được giả, chân, thiện, ác, thì làm sao có thể dự định tương lai? Mày nên nhớ việc giữ gìn an ninh nơi thôn xóm cũng là việc quan trọng không thể lơi là, mà vị tất thơ phú đã là thứ sạch sẽ, văn chương đã chẳng tạo oan khiên, ngòi bút mà ở tay mày biết đâu rồi cũng thành lưỡi dao hại người! Tao lâu nay được mẹ mày ủy thác, bây giờ, thế thôi là hết. Từ nay tùy mày định lấy đời mày, tao không nói nữa.
Nói xong múc gáo nước, ngửa mặt lên trời, súc miệng ba lần, nhổ toẹt ba lần rồi ra quán nhậu đến sáng hôm sau mới về.
Từ khi không còn bị kiềm tỏa, Khắm càng nung nấu hoài bão hái ra tiền bạc bằng từ phú văn chương. Một hôm, nhân có người của Nhân Xã Học hiệu nơi Sài Côn về tuyển môn sinh khoa Ngôn ngữ và Văn học hệ tại chức, Khắm bèn nộp đơn, nhờ chứng lậu là cán bộ văn xã đủ thâm niên, lại sẵn lí lịch ghi cha bị giặc giết, nên được đặc cách theo học hệ cử tuyển.
Người cậu bấy giờ cũng đã nguôi ngoai, đổi giận thành vui, cặm cụi cày bừa gặt hái chu cấp cho Khắm ăn học suốt 4 năm liền. Trong những năm học ở Nhân xã Học hiệu, Khắm không có thành tựu gì nổi trội. Tây lịch năm 1994, Khắm thi đỗ Cử nhân, kiến thức có được mở mang đáng kể nhưng tính tắt mắt mãi vẫn không bỏ được.
Tốt nghiệp Nhân xã Học hiệu, Khắm trốn ở lại Sài Côn, hủy cam kết, không về quê cũ, xin được làm chân Cộng tác viên của đôi tờ lá cải kiếm sống qua ngày. Vài năm sau, có tiền, lại thêm mở mang quan hệ, Khắm lo lót được làm chân ký giả tập sự của báo Thanh Liên.
Lại nói về tờ báo Thanh Liên lúc ấy. Thời buổi thương trường tựa chiến trường, nhiều doanh nghiệp đều tìm đến báo Thanh Liên, hoặc để khuyếch trương thanh thế, hoặc tìm cách hạ uy tín của đối thủ cạnh tranh. Thanh Liên cứ thế mà thu theo biểu giá vài triệu đồng cho một tin, bài quảng bá, còn muốn triệt hạ địch thủ thì cứ bỏ ra vài chục triệu đồng, tất sẽ được bao trọn gói. Nhiều doanh gia lừng lẫy nơi thương trường như Kiên đầu bạc, Diệu Hiền, Hoàng Yến…, lúc phải thời thường đem ngân lượng cỡ hàng chục tỷ, dưới danh nghĩa là tài trợ đến dâng tặng Thanh Liên. Ấy nhưng một khi sa cơ thất thế, thì chính họ lại bị bọn lâu la của tờ báo đánh vu hồi cho kì tán gia bại sản. Bởi vậy, bấy giờ doanh gia trong nước ai ai cũng vừa muốn cầu cạnh lại vừa khiếp sợ.
Nói về Khắm, khi về làm việc tập sự cho tờ Thanh Liên, ban ngày chịu khó cung phụng trà thuốc cho các đại ca để học lỏm thêm nghiệp vụ, ban đêm lại được các sư phụ cầm tay chỉ việc, mật truyền cho các bút pháp chưa từng công khai trong học viện. Miệt mài như vậy suốt mấy năm, y bỏ hẳn lối thi ca từ chương vớ vẩn, tập trung toàn lực luyện công phu Sinh sự điều tra. Bút lực dần trở nên có sức công phá bạo liệt, lại thêm huyền ảo khó lường. Từng chữ viết ra đều như có ám khí dấu bên trong, từng câu buông ra đều vọng tiếng loảng xoảng của kim tiền, thật vô cùng hiểm độc.
Chẳng những thế, Khắm còn tụ tập một đám thảo khấu trong làng ký giả chuyên phối hợp sách nhiễu các doanh nghiệp. Khi thì ép đăng quảng cáo, lúc thì dọa đăng bài, có khi sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ, cảnh tượng làm ăn nô nức xôm tụ cứ như đám cô hồn vào mùa tháng Bảy. Có câu thơ đề trước Tòa soạn làm chứng rằng:
Người xách bút, kẻ mang bao
Sớm đăng, chiều hạ ào ào như sôi.
Tiếng đồn loang ra khắp thiên hạ, khiến cho nhiều doanh gia phải kinh động mang lễ vật đến Khắm nhờ cậy, đồng nghiệp cũng phải nể sợ mà đặt cho y biệt danh là Khắm Khủng Khiếp. Dần dần Khắm được trên bỏ cho hai chữ tập sự, rồi lại được hai thầy Chánh, Phó Tổng tài báo Thanh Liên ưu ái bổ nhiệm vào chức Tổng quản của Tòa soạn vừa mới bị khuyết. Kể từ đó, cuộc đời Khắm thăng hoa như diều gặp gió, bước một bước vào phú quý sang giàu. Y lấy vợ, sinh con, sắm xe hơi, tậu một biệt thự ở Phú Mỹ Hưng làm nơi sinh hoạt cho thê tử, còn căn nhà mặt đường Cống Quỳnh thì y giữ lại để làm nơi giao du với các doanh gia và bồ nhí.

Lạ một cái là từ khi bước vào vòng vinh hoa phú quý, danh lợi lưỡng toàn, kim ngân châu báu thứ thì gửi Ngân hàng, thứ thì bỏ vung vãi trong nhà, không để đâu cho hết, thì về mặt tình cảm, Khắm lại có chiều sa sút, tinh thần mỗi ngày càng thêm đăm chiêu u uất. Ông cậu thuở hàn vi không một lần thăm cháu, nghe nói đã theo truyền nhân của ngài Đạo Dừa lên Thất Sơn tu luyện, bạn hẩu thì chỉ mặn nồng lúc trà dư tửu hậu, còn sểnh ra một cái là chửi đổng, nói xấu sau lưng. Dần dần đến vợ cũng tỏ thái độ lạnh nhạt, con cũng không chịu ở gần, đến mụ ô sin giúp việc nhà nhác thấy bóng y cũng cạnh khóe chửi mèo mắng chó. Khắm càng chán nản, bèn dọn hẳn ra ở nơi Cống Quỳnh để tiện việc đi đêm về hôm, ban ngày ăn uống nơi nhà hàng, tối đến lang thang quán nhậu, vũ trường, trác táng đến khuya mới nhờ đôi ba kĩ nữ dìu về bày trò hoan lạc.
(còn tiếp)
----- 

2 nhận xét: