XUYÊN TẠC LỊCH SỬ LÀ MANG TỘI.
Nguyễn
Văn Thịnh
Nội dung vở diễn được giới thiệu như sau: “Vì lý do tế nhị nên các nhân
vật chỉ được nêu danh tượng trưng như Phan Thượng thư, Hoàng thượng, Hoàng Thái
hậu nhưng với người Việt Nam nào yêu sử khi cánh màn nhung vừa mở ra ai cũng
biết ngay đó là những nhân vật lịch sử có thật như Thượng thư Phan Thanh Giản,
vua Tự Đức, Hoàng Thái hậu Từ Dũ. Cuộc đời viên Thượng thư này gắn liền với câu
chuyện lịch sử mất nước nổi tiếng: Năm 1862, Phan Thanh Giản đi sứ và ký vào
hòa ước dâng ba tỉnh Nam kỳ cho người Pháp. “Nợ non sông” khai thác nỗi đau của
Phan Thanh Giản trong tấn bi kịch ấy. Vừa đi sứ về, Phan Thanh Giản từ một
trọng thần trở thành tội thần. Cả gia đình ông lâm vào cảnh khốn đốn. Mối tình
con trẻ tan vỡ. Bọn quan tham thừa cơ chiếm đoạt ngôi vị. Phan Thanh Giản thì
sống trong lao tùlao tù với nỗi đau đớn vì giờ đây người
đời sao có thể hiểu hết được tấm lòng trong sáng luôn tận trung yêu nước thương
dân của ông. Bi kịch bao trùm không khí vở diễn. Nhiều khán giả lặng lẽ lau
nước mắt trước cảnh Phan gia tan tác, trước nỗi niềm của Phan phu nhân trách
chồng: “Trước lúc đi sứ ông đã nói rằng nếu công vụ bất thành thì sẽ tử tiết để
lưu danh muôn thuở. Vậy sao khi trở về ông lại mang cái tiếng Phan gia mãi
quốc?!”. Để rồi ân hận khi được chồng trao cho bản mật chiếu cầu hòa của hoàng
thượng thì bà mới vỡ lẽ ra sự thật. Dù phải sống trong tù ngục mà Phan Thượng
thư không có một lời nào oán thán giãi bày vậy mà ta thấy được cả tấm lòng
trong sáng của bậc tôi trung, hy sinh cả thể diện cá nhân mình để bảo toàn thể
diện cho đấng quân vương. Đặc biệt cảnh Hoàng Thái hậu Từ Dũ nghiêm khắc dặn
con đừng bạc tình bạc nghĩa với kẻ tôi trung và đau đớn quỳ xuống tạ tội với
non sông càng tôn lên giá trị cho Phan Thanh Giản”.
Trong lúc giới thanh niên đang dấy lên phong trào “Cùng thắp lên ngọn lửa yêu
sử”, nhắc lại lời dặn của Bác Hồ: “Dân ta phải biết sử ta / Cho tường gốc tích
nước nhà Việt Nam” thì những ai yêu sử nước nhà không thể không đau lòng và
công phẫn trước sự việc bóp méo lịch sử mà ngay cả dưới thời nước Việt Nam còn
thuộc Pháp cũng không một cá nhân hay thế lực nào dám công nhiên trắng trợn làm
như vậy. Đành rằng nghệ thuật được quyền hư cấu nhưng khi đề cập tới một nhân
vật lịch sử cụ thể phải tuyệt đối trung thực với bản chất những việc làm của
con người ấy và những sự kiện lịch sử ở thời đại ấy. Tạp chí Hồn Việt số 18
(tháng 12/2008) nhận định: “Phan Thanh Giản thì vẫn thế, vẫn còn đó nguyên vẹn
những sự kiện đời ông, quanh ông; nhưng cái nhìn của một số người về ông đã
khác. Lòng người thay đổi chứ không phải sự kiện lịch sử hay sử học phải thay
đổi”. Chẳng lẽ lòng người thay đổi đến thành đồng lõa với phường bán nước?!
Chẳng lẽ đạo đức xã hội xuống cấp tới mức mọi người đều “mắc kê nô” để cho công
chúng bị đầu độc bởi những món ăn tinh thần do cái gọi là tự do trong văn hóa
nghệ thuật đang táo tợn tác oai tác quái?
Về con người này,
những tư liệu lịch sử rất phong phú còn rành rành đây đó, đặc biệt thư tịch nằm
trong các kho lưu trữ ở mẫu quốc Pháp còn phong phú hơn trong các thư khố nước
bản xứ một thời vong
quốc.
Có thể lược sử Phan
Thanh Giản như sau: Lúc 30 tuổi ông là người Lục tỉnh Nam Kỳ đầu tiên đỗ Tiến
sỹ; làm đại quan hơn 40 năm (1826-1867), trải ba triều vua Minh Mệnh, Thiệu Trị
và Tự Đức. Ngược tới Gia Long, có thể coi bốn triều vua này là thời kỳ hưng
vượng nhất của vương triều Nguyễn – một nhà nước phong kiến tập quyền độc lập,
cai quản một quốc gia thống nhất từ Bắc vào Nam trong điều kiện tương đối yên ổn,
ngoại trừ những cuộc nổi dậy bởi những sự bất bình của nhân dân mà nhà nước
chính thống nào cũng coi là bất chính, như loài giặc cỏ gây rối xã hội. Thế
nhưng Phan Thanh Giản lại là người có công đầu với nước Pháp trong việc dối vua
lừa dân, tích cực triệt tiêu lực lượng kháng chiến và tinh thần yêu nước của
nhân dân ta. Ngay từ buổi đầu đã đứng về phái chủ hòa dẫn tới chủ hàng. Từ việc
lược quyền vua ký hàng ước nhục nhã 1862 để mất ba tỉnh miền Đông đến việc
thông đồng với giặc, năm 1867 mở rộng cửa thành Vĩnh Long dâng nốt ba tỉnh miền
Tây cho giặc, coi như xóa sạch công lao 300 năm các triều vua chúa Nguyễn mở
mang bờ cõi ở phía Nam, đẩy nhanh quá trình xóa quốc danh Việt Nam trên bản đồ
thế giới. Cái tội “mại quốc” cả trong sử sách và bia miệng lưu truyền không là
quá đáng và không sao xóa được.
Thế nhưng có một thế
lực từ sau khi nước nhà được thống nhất và hoàn toàn độc lập cứ âm mưu tái dựng
Phan như một tấm gương lớn xả thân vì nước vì dân. Người yêu sử không thể làm
ngơ trước một việc làm đổi trắng thay đen lịch sử tác hại tới truyền thống dựng
nước và giữ nước của nhân dân ta như thế. Cần phải làm rõ những việc làm khuất
tất của viên quan Thượng thư ấy trong lúc nước nhà nghiêng ngả.
Tháng 8 năm 1963 đã có
một hội nghị chuyên đề lớn với sự đồng thuận cao của những nhà cách mạng và văn
hóa, học giả lớn như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn
Giàu, Trần Huy Liệu, Nguyễn Khánh Toàn, Đào Duy Anh… đánh giá tổng quát: “Để
mất nước, các vua nhà Nguyễn là chính phạm, các triều thần trong đó có Phan là
đồng phạm. Riêng trong sự kiện hai lần dâng thành giao đất cho giặc để mất cả
Nam kỳ thì Phan là chính phạm bởi tính bạc nhược, hèn nhát, thỏa hiệp với giặc.
Chủ hòa thực chất là chủ nghĩa đầu hàng – Đó là bản chất của giai cấp phong
kiến cầm quyền lúc suy vi”. Thiết nghĩ đó là sự đánh giá rất độ lượng, có thể
tình đúng mức do yêu cầu lịch sử lúc đó.
Tuy
nhiên tháng 8/2008, trong hội nghị sử học tại Thanh Hóa với chủ đề đánh giá về
vương triều Nguyễn do các ông Phan Huy Lê và Dương Trung Quốc lèo lái, dưới cái
tinh thần gọi là đổi mới, nhiều nhân vật và sự kiện lịch sử được đưa ra bàn
luận và có những ý kiến trái hẳn với nhận định trước kia. Dù chưa phải là sự
đồng thuận của xã hội, hơn nữa của Nhà nước để được coi như là chính thống,
những ý kiến còn mang tính một chiều như thế đã được tức thời phổ biến
trên các phương tiện truyền thông, tung hỏa mù coi như lịch sử đã đổi chiều!
Người ta lợi dụng câu nói của ông Võ Văn Kiệt: “Mỗi người yêu nước theo cách
của mình. Đừng bắt Phan Thanh Giản yêu nước theo cách của Trương Định và ngược
lại” mà cố tình không nhắc lại câu nói của nhà cách mạng tiền bối cũng là nhà
văn hóa khả kính Phạm Văn Đồng trước đó: “Giá như triều đình lúc bấy giờ không
phải ở trong tay bọn vua chúa nhà Nguyễn phản bội và đầu hàng, mà ở trong tay
những người kế tục của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, kế tục sự nghiệp yêu nước và
anh dũng của Nguyễn Huệ, thì phong trào kháng Pháp lúc bấy giờ ở Nam bộ chắc
còn mạnh mẽ hơn nhiều”. Những nhận định trái chiều của hai nhà lãnh đạo quốc
gia không phải là vô hại cho văn hóa nước nhà! Số người cơ hội vội cho đúc
tượng đồng đại quan Phan đưa lại vào đền thờ các vị thánh sư (!), bày ra giữa
sân trường cho con trẻ học (!) và còn mưu dựng tượng quan đứng nghênh ngang
trên giải đất mà ông đã dâng hiến cho giặc còn thấm đẫm máu xương các anh hùng
nghĩa sỹ và những thế hệ con cháu họ. Có người hỉ hả: “Phan Thanh Giản đã được
minh oan”! Có vị viết sách hùng hồn: “Từ giờ trở đi nhân dân Việt Nam khỏi phải
mất công tranh cãi nhau dài dòng về tư cách tốt xấu của cụ Phan Thanh Giản
nữa”! Có ông nhà văn nói như đinh đóng cột: “Chúng ta đã trả lại đúng giá trị
cho Phan Thanh Giản”! Và bây giờ thì người ta đưa Phan lên sân khấu với diện
mạo khác hẳn để lợi dụng lòng trắc ẩn của người xem! Hẳn nhiên làm rối loạn
nhân tâm và bị dư luận công chính phản đối.
Hầu như cả năm 2009,
một số tờ báo, đặc biệt là tuần báo Văn nghệ TPHCM có
nhiều bài viết vạch ra bản chất tiêu cực của triều Nguyễn, trong đó chỉ rõ thực
chất phản dân hại nước của con người này. Kết cục là ngày 16/4/2009, Văn phòng
Ban chấp hành TWĐCSVN ra thông báo số 7098-CV/VPTW gửi Ban tuyên giáo Trung
ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, nêu rõ ràng:
“Ban Bí thư có ý kiến chỉ đạo như sau:
- Việc đánh giá về các chúa
Nguyễn và các vương triều Nguyễn trong lịch sử
Việt Nam phải theo các quan điểm trong
chính sử (các tài liệu lịch sử chính thức được sử dụng hiện nay); giao Ban
Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo Hội Sử học VN, các cơ quan thông tấn, báo chí
không trao đổi, tuyên truyền những vấn đề liên quan đến chúa Nguyễn và các
vương triều Nguyễn…
- Tỉnh ủy Bến Tre tạm
dừng các hoạt động, công trình liên quan đến cụ Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh
Ký”.
Tưởng rằng trong bộn
bề công việc rối ren, người ta dồn tâm sức làm những việc thiết thực ích nước
lợi dân mà trái lại càng làm rối thêm sự ổn định cần thiết của xã hội để đạt
những mưu đồ đen tối.
Nói về Phan Thanh Giản
mà chỉ khai thác góc bi ở giai đoạn đầu ký hòa ước Nhâm Tuất là chưa đủ vì càng
về sau bản chất hèn hạ của con người này càng bộc lộ không thể giấu ai nên nhà
đại ái quốc Phan Bội Châu có cơ sở để nói Giản là hạng người “gan dê lợn mà mưu
chuột cáo”! Những tình tiết trong kịch bản là hoàn toàn bịa đặt nhằm mục đích
duy nhất là bốc thơm viên quan phản trắc. Chỉ sau bốn năm quân Pháp với lực
lượng ít ỏi đánh chiếm Trung kỳ không được đành quay vào đánh chiếm mấy thành
lũy phía Nam. Giữa lúc bị mắc kẹt ở mặt trận nam Trung Hoa, tư lệnh quân viễn
chinh Pháp Bonard dùng kế hoãn binh, cho người ra Huế yêu cầu cử phái đoàn vào
Nam hội nghị với yêu cầu bàn chuyện giảng hòa và Nam triều bồi thường chiến
phí. Trong tình thế chính triều thối nát, loạn lạc khắp nơi, nhân tâm ly tán
lại thêm sự bành trướng của giáo hội Thiên Chúa cùng với đám vua quan triều
Nguyễn bạc nhược cầu an mà Tự Đức là ông vua nhu nhược chỉ quẩn quanh với mấy
vần thơ phú và chăm lo việc xây lăng tẩm cho mình, ngay từ đầu đã chao đảo
nghiêng về phái chủ hòa do Hiệp biện đại học sỹ Lễ bộ thượng thư kiêm quản Hộ
bộ sung Quốc sử quán tổng tài, kiêm lãnh Quốc tử giám Phan Thanh Giản cầm đầu.
Nên khi quân Pháp yêu cầu nghị hòa thì vua sung cho Phan chức Nghị hòa chánh sứ
cùng Binh bộ thượng thư Lâm Duy Hiệp làm phó sứ.
Trước khi đi thương
nghị, Phan-Lâm được vua Tự Đức ban ngự tửu và tuyên chỉ: “Phàm mọi chi tiết như
thù đáp giao ước về việc nghị hòa cần phải cẩn thận. Thêm nữa nên cố gắng đạt
đến việc đình chiến, ngõ hầu xứng đáng với nhiệm vụ khanh được giao phó”. Nhà
vua gửi gắm cả vận mệnh quốc gia với mệnh đế vương của mình vào tay viên cận
thần già tin cẩn: “Đất nước hôm nay đang bị dồn vào ngõ cụt khó khăn. Muốn đưa
nó thoát ra, chỉ có bàn tay của những người tôi trung tài năng tận tụy. Có hai
điểm cơ bản các khanh cần luôn ghi nhớ: Vấn đề nhường đất và vấn đề hành đạo Cơ
đốc giáo. Về hai điểm quan trọng hàng đầu ấy, các khanh đừng nhẹ dạ trong việc
ký kết. Đừng vì một sự yếu đuối hay vội vàng nào đó mà làm thiệt hại đến vận
mệnh và danh dự của cả giang san đang được giao phó vào tay các khanh. Các
khanh phải xác định đinh ninh như vậy và dù bất cứ vì lý do nào và bất cứ giá
nào cũng đừng đi trệch cái chương trình đã vạch. Các khanh đi! Và cầu cho những
lời ước nguyện của Trẫm luôn luôn theo bước các khanh. Cầu mong cho các khanh
được sớm trở về đầy vinh quang vì đã bảo vệ danh dự của non sông và giữ gìn
được sự vẹn tròn lãnh thổ. Đây là lời cầu chúc duy nhất của Trẫm cho các khanh
trước lúc lên đường”!
Một tháng sau, bầy tôi
trở về với bản hòa ước trong tay gồm 12 điều khoản, trong đó khoản 3 ghi rõ ba
tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định, Định tường và đảo Côn Lôn được nhượng đứt
cho nước Pháp cùng những điều khoản bồi thường bất công rất chi là nhục nhã!
Ngay lập tức nhân dân cả nước phẫn nộ kết tội “Phan-Lâm mại quốc” và các phong
trào yêu nước tiếp nhau nổi lên chống Pháp đều coi việc làm của Phan một như
vết nhơ lịch sử! Người phương Nam đương thời để lại câu ca dao lưu truyền trong
dân chúng: “Thà thua xuống láng xuống bưng / Kẻo ra đầu giặc lỗi chung quần
thần”. Vua Tự Đức than trời: “Ôi! Con dân mấy triệu, tội gì mà khổ thế? Thật là
đau lòng. Hai người không những chỉ là tội nhân của triều đình mà còn là tội
nhân muôn đời của hậu thế”!
Vậy là chính những
người đương thời từ triều đình tới thần dân đều đã công khai kết tội Phan-Lâm
bán nước! Chẳng thể gọi là bị ép oan để bày chuyện chiêu tuyết cho con người
ấy.
Trước sự đã rồi, vua
và triều thần đành vớt vát bằng việc giao cho Phan cai quản Vĩnh Long và Lâm
cai quản Khánh Thuận ở hai đầu giáp ranh ba tỉnh miền Đông để có điều kiện giao
tiếp với người Pháp ở Gia Định, ngõ hầu bắc mối giao lưu thân thiện Đông-Tây,
tiến tới có thể chuộc được lỗi lầm. Quan đô hộ thuộc quốc trở về chính quốc.
Phan lại được vua giao làm Chánh sứ qua Y-pha-nho và Balê xin chuộc lại những
gì đã mất với lời ủy thác: “Đất ba tỉnh này là xương máu của dân, chuộc lại là
chuộc tội cho ta để cho dân thỏa lòng nguyện vọng”. Phan hứa mập mờ: “Nếu có
thể đem đổi ngói lấy vàng thì lúc nào thần cũng sẵn sàng”! Sau nửa năm lênh
đênh trên biển, chầu trực Pháp hoàng Napoléon III, dâng nhiều cống vật mà vẫn
trở về trắng tay và bộc lộ ra tâm địa của viên quan bạc nhược trước sức mạnh
của quân cướp nước: “Sự giàu có, mạnh mẽ và các việc khôn khéo của nước Pháp
nói ra không hết”! Thì ra với Phan Thanh Giản “ngói” đây là mảnh đất ba trăm
năm nhân dân ta cùng tiền triều nhà Nguyễn đổ bao mồ hôi xương máu dày công
khai phá và “vàng” đây là sự yên ổn để vua tôi ngồi yên ghế vị mặc cho dân
chúng lâm vào cảnh nô lệ điêu linh! Vì việc thương lượng với Pháp xin hồi lại
đất không thành Phan Thanh Giản mới bị vua Tự Đức phạt tội “cách lưu”! Tuy
nhiên Phan không tỏ ra ăn năn chuộc lỗi tìm cách gỡ ra thế bí, trái lại rất
tích cực hỗ trợ cho quân chiếm đóng mau chóng bình định mảnh đất phương Nam
bằng những việc làm mà anh linh tiên tổ không thể dung tha như thẳng tay đàn áp
và khống chế những thủ lĩnh nghĩa quân bất phục tùng thi hành hiệp ước! Ông ta
một mặt chỉ điểm cho giặc về những người yêu nước, một mặt dâng sớ về triều xin
trị tội, thuyên chuyển khỏi nơi cứ địa hoặc cách chức những chủ soái nghĩa quân
như Trần Văn Thành, Trịnh Quang Nghị, Võ Duy Dương, Trương Định… Người Pháp dự
đoán dưới sức ép của phe chủ chiến, có khả năng Phan sẽ đào tẩu chạy về Sài Gòn
tị nạn!
Năm 1865, trong khi
đối phương “sắp đặt trước rất chu đáo” mà quan Tổng đốc Vĩnh Long đã mật tâu
với triều đình về tình hình nguy ngập ở ba tỉnh miền Tây và xin cử một người có
đủ “uy tín” với Pháp để trấn thủ nơi đây. Vua Tự Đức phục chức cho Phan Thanh
Giản và sung Kinh lược sứ trấn ba tỉnh miền Tây với lời căn dặn “không khuất
phục tình hình một cách thụ động”. Suốt mấy năm được giao trấn thủ tiền phòng
trong tình thế thịt treo trước miệng hổ vuốt mèo mà Phan chểnh mảng việc quân
ngoài một việc tích cực hợp tác với giặc đàn áp chế ngự phong trào kháng Pháp.
Phan đã bắn tin cho giặc: “Bản chức sẽ không ngăn cản sự xâm lược bằng một sự
kháng cự mà chúng tôi hiểu là vô ích” và nói hoạch toẹt ra: “Nếu quý quốc lấn
tới, quả nhân không chống cự”! Đến khi thấy đoàn tàu nhà binh Pháp đậu kín
trước thành Vĩnh Long “là một thành khá kiên cố, địa thế rất dễ phòng thủ” và
tướng giặc cho người mang thơ nói toạc ra ý họ “quyết định chiếm ba tỉnh miền
Tây Nam kỳ vì lý do các quan quân triều đình ở đây ủng hộ phong trào chống
Pháp”, Phan ra lệnh không kháng cự và dẫn đám thuộc hạ xuống tầu trách yêu giặc
“vin cớ nhỏ mọn mà làm tổn thương đại nghĩa” (!) và ngọt nhạt đẩy đưa: “Tôi có
quyền giữ đất chớ không có quyền giao đất. Xin cho tôi hỏi lại ý kiến triều
đình”! Ông Tiến sỹ đầy bụng chữ thánh hiền hẳn biết rõ trong binh thư tướng
ngoài biên ải được quyền “tiền trảm hậu tấu” đó sao? Và khi thầy trò trở lên bờ
thì lũ sài lang kia thừa dịp kéo vào chiếm thành mà không tốn một viên đạn! Thế
mà tin phao lên quan Kinh lược sứ bị giặc lừa cũng lọt được vào tai người nghe
mới lạ! Sau đó quan Khâm sai viết công thư – thực chất là thư dụ hàng như ông
đã từng làm mấy lần bất thành với Trương Định, gửi các quan tướng giữ thành An
Giang và Hà Tiên với lời lẽ không tìm thấy ở đâu trong lịch sử: “…Người nào
thuận theo lòng trời thì còn, người nào nghịch theo lòng trời thì chết mất.
Trời đã cho con người có lý trí. Con người phải sống tùy theo ý chí ấy. Chúng
ta yếu ớt không thể chống nổi người Phú-lang-sa, tướng soái lính tráng đều bị
đánh bại. Người Phú-lang-sa muốn đến đâu cũng đặng. Không người nào có thể
chống lại. Mình còn ngốc khi mình đánh người Phú-lang-sa bằng vũ khí, cũng như
con nai muốn bắt con cọp. Các quan văn cũng như các tướng võ hãy bẻ gãy giáo
gươm và giao thành trì khỏi chống lại”! Ông ta biện lẽ: “Bản chức tùy theo
thiên ý mà tránh đỡ giùm dân đen tai họa rớt trên đầu họ” và khuyên dụ dân hãy
tin vào giặc vì “những người này chỉ đáng sợ trong lúc chiến tranh mà thôi”! Đó
là sự dối trời lừa dân có một không hai. Thế là chỉ trong 5 ngày cả ba tỉnh
thành hừng hực khí thế chống ngoại xâm bỗng lọt vào tay giặc. Viên Đại tá
Thomazi hoan hỷ viết trong nhật ký: “Đến tháng 6/1867, binh lính ta đi chơi một
bữa thế là xong hết cuộc chinh phục toàn xứ Nam kỳ, công cuộc khó nhọc bắt đầu
từ năm 1858”. Có thật là viên quan già lọc lõi này bị lừa chăng? Để tránh họa
binh đao chết chóc lại đẩy dân đen con đỏ xuống hầm tai họa thì làm sao sống
được? Khi giặc đã hoàn toàn bội ước thì sao quan Khâm lược chẳng những đã dễ
dãi giao thành lại ngoan ngoãn lệnh cho thuộc hạ mở rộng cửa kho và ngân khố
lấy lúa gạo và tiền nộp thêm cho quân phản phúc gọi là thanh toán bồi thường 5
năm chiến phí theo cái gọi là hòa ước 1862! Người học chữ thánh hiền nào chẳng
biết lời dạy của Thánh nho: “Chữ tín mà bị ép thì không cần giữ”!
Rõ ràng là chủ mưu đầu
hàng đã thành ý thức chủ đạo trong tim óc viên đại thần lá mặt lá trái này và
các nhà sử học có đầy đủ tư liệu về tội ác của giặc Pháp trong gần một trăm năm
đô hộ nước ta, chúng có để dân ta sống yên mà làm ăn no ấm?
Bốn tháng sau, ngày
21/10/1867 vua Tự Đức ra chỉ dụ: “Đến như Phan Thanh Giản thì thủy chung đều
quanh quất, lời nói không theo được việc làm, đem học vấn danh vọng một đời
trút sạch ra bể Đông, thật là táng tận lương tâm, quá đỗi phụ ơn. Mặc dù đã lấy
cái chết tự phạt nhưng cũng chưa đủ đền bù cho trách nhiệm nên Trẫm đem giao cả
cho Tôn nhân Phủ và đình thần xem xét công tội để bàn định việc xử trí”. Và bản
án ngày 17/4/1868 của các triều thần nghị xử rằng: “ Viên Kinh lược sứ cũ là
Phan Thanh Giản khi việc xảy ra rồi tự thấy nghĩa vụ không thể sống được đành
tìm lấy một cái chết, còn thì ngoài ra chỉ thấy muối mặt với cái sống thừa, đợi
dịp trở về lấy làm hân hạnh! Đối với trách nhiệm giữ gìn đất đai mà lại ươn hèn
đến thế, sẽ phải phân biệt xử trị để răn khí tiết bề tôi và để nhân tâm có bề
phấn chấn mới phải. Trước hết cách chức và truy thâu lại phẩm hàm và ghép vào
tội xử trảm giam hậu”. Cùng năm đó vua Tự Đức bút phê “truy đoạt chức tước,
phẩm hàm và đục bia Tiến sỹ, để lại muôn đời cái án trảm hậu” với Phan Thanh
Giản!
Tuy nhiên bên sự đánh
giá chính thống như thế vẫn có những thế lực bênh vực thậm chí còn bốc thơm đơm
đặt đủ điều cho nên con người ông, việc làm của ông, cái chết của ông vẫn là đề
tài cho hậu thế tranh cãi dài dài. Vậy những ý kiến trái chiều kia có tự bao
giờ và xuất phát từ đâu? Thật ra khi người Pháp đem quân xâm chiếm Việt Nam thì
lực lượng họ không phải là quá mạnh, chiến trường xa lại rải quân phân tán trên
địa bàn rất rộng mà nội tình vương triều Paris cũng lắm chuyện rối ren. Thế
nhưng bối cảnh xã hội Việt Nam lúc đó cực kỳ bê bối. Triều đình thì hủ bại. Dù
khí thế yêu nước của dân chúng rất cao nhưng không có chỗ dựa và không hợp
thành một liên minh chặt chẽ. Trong khi bộ máy chiến tranh của Pháp dày dặn
kinh nghiệm đối phó, lợi dụng những yếu tố xã hội và con người ở các quốc gia
xa xôi lạc hậu thì những người như Phan Thanh Giản là tác nhân thúc đẩy mau
chóng quá trình mất nước, tất nhiên lọt vào tầm ngắm để đội quân viễn chinh ấy
khai thác và điều khiển bằng đủ những mưu mô thâm trầm xảo quyệt. Cuộc chiến
xâm lược xứ An Nam xa xôi không được triều đình Paris tập trung ủng hộ bởi quan
ngại chông gai chưa chắc thắng nhưng lại sớm thu được thắng lợi trọn vẹn mà ít
hao người tốn của. Đương nhiên những người như Phan được coi như có công đầu
với đội quân viễn chinh xâm lược Pháp. Khi ông ta chưa chết, Bộ chỉ huy quân sự
Pháp ở Sài Gòn đã cử thầy thuốc và cố đạo đến chăm cả phần xác lẫn phần hồn.
Sau khi Phan trút hơi thở cuối cùng thì Phó thủy sư Đề đốc Thống soái Nam kỳ De
Lagrandière lại chu đáo cho tàu kéo và một toán lính kèn và lính tiêu binh hộ
tống thi hài ông về tận nơi an táng ở cố hương đúng theo nghi thức truyền thống
nhà binh Pháp, đồng thời gửi thư chia buồn và hết lời khen: “Nơi triều đình Huế
trừ một mình ngài thấy rõ đâu là ích nước lợi dân. Người Pháp quốc hằng bền một
lòng tôn trọng quan lớn Phan Thanh Giản và gia đình của ngài. Bổn trấn hứa sẽ
hết lòng bảo bọc cho con cháu ngài hoặc muốn ra mà giúp việc nhà nước hay là
muốn tước lộc chi thì bổn trấn cũng vui lòng ban ơn theo như ý”. Và người Pháp
đã làm đúng như lời hứa. Ngay cả khi hai con ông là Phan Liêm và Phan Tôn có
cầm súng chống Pháp một thời gian nhưng thua trận và bị bắt, người Pháp cũng
rộng lòng tha và giao cho triều đình An Nam trọng dụng. Tất nhiên lại cầm binh
đi đánh những người Việt Nam “nổi loạn”! Tên tuổi ba cha con họ Phan đều được
nhà nước thực dân – tất nhiên là cả chính quyền bản xứ lệ thuộc “bảo tiết tôn
vinh” như những tấm gương lớn về lòng yêu nước thương nòi! Dù cho dân chúng bất
bình nhưng chính sử triều Nguyễn bù nhìn chẳng dám nói đó là sự sỉ nhục đối với
lịch sử nước nhà! Trải hàng trăm năm thân phận “thuộc quốc phiên bang” mấy ai
được săm soi góc cạnh ngọn ngành? Sự ngộ nhận đã thành nếp nghĩ, chỉnh sửa lại
không là điều dễ! Phải chăng đó là tàn dư của văn hóa thực dân?
Giáo sư Trần Văn Giàu
– nhà trí thức cách mạng nổi tiếng ở Nam kỳ, nhà sử học bậc thầy của nhiều thế
hệ và là nhân vật quan trọng tại Hội nghị sử học 1963 năm ấy, khi ở tuổi sắp
tròn trăm, nghe được những điều rối rắm, ông cho đăng lại mấy bài nghiên cứu
“Luận về những nguyên nhân mất nước về tay Pháp” và không khỏi phẫn nộ trước
việc ai đó bốc thơm Phan, đã khuyên: “Đừng bươi ra làm chi nữa”!
Vậy thì ai đã phục
chức cho Phan? Tự Đức chết năm 1883, sau đó 2 năm trải bốn triều vua liên tục
bất ổn thay ngôi, năm 1885 dưới sự bảo trợ của người Pháp, vua Đồng Khánh lên
ngôi. Đồng Khánh vốn sính Tây được coi như một “sản phẩm Pháp tại Việt Nam” và
là ông vua đầu tiên công nhận nền bảo hộ của nhà nước Đại Pháp. Để được lòng
người Pháp, tân vương ra sắc chỉ khôi phục hàm cũ là Hiệp tá Đại học sỹ cho
Phan Thanh Giản sau những lời khen: “Phẩm vọng ngươi cao như núi Thái Sơn, văn
chương ngươi như mây bay nước chảy, được xưng tụng cao nhất một đời”. Tất nhiên
bia được dựng lại sau hai thập niên bị đạp đổ! Năm 1924, vua Khải Định
sắc cho quan dân tỉnh Thủ Dầu Một thờ phụng Phan công như “thần hộ quốc an
dân”, ý để thưởng công đã giao ba tỉnh miền Đông cho Pháp! Kế đến năm 1933, vua
Bảo Đại cũng sắc cho quan dân tỉnh Vĩnh Long thờ phụng Phan công nội dung như
thế, ý để thưởng công đã giao nốt ba tỉnh miền Tây cho Pháp! Việc làm ấy có
nghĩa là triều Nguyễn hài lòng đã hoàn tất sứ mạng lịch sử chí ít cũng là giao
toàn bộ xứ Nam kỳ vào tay người Pháp! Vậy thì thực chất việc phục chức và tôn
vinh Phan Thanh Giản chính là ý đồ của chủ nghĩa thực dân. Điều cần lưu ý bạn
đọc là danh thần Nguyễn Trãi được vua Lê Thánh Tôn – là một trong số hiếm hoi
mấy vị vua anh minh nhất trong lịch sử ngàn năm phong kiến Việt Nam chủ vai
chiêu tuyết. Còn như những triều vua chiêu tuyết và khôi phục chức sắc cho Phan
đã bị chính Hội nghị sử học năm 2008 loại ra ngoài vòng lịch sử thì mọi việc
chiêu tuyết cho Phan Thanh Giản vào mọi thời điểm đương nhiên chẳng có giá trị
gì.
Thực ra càng xem xét
kỹ tư liệu lịch sử càng nhận ra con người này rất phức tạp và có nhiều khuất
tất.
Ông ta là người chưa
đánh đã chủ hòa. Dù biết rõ âm mưu của giặc được đằng chân sẽ lấn lên đằng đầu
mà ở cương vị lãnh đạo tối cao ông liên tiếp đi từ thỏa hiệp này tới thỏa hiệp
khác thì việc đầu hàng là hậu quả tất nhiên thôi. Xin tóm lược vài tư liệu lưu
trong thư khố Pháp cho thấy mối quan hệ bất chính giữa viên thủ lĩnh quân đội
triều đình Huế này với các tướng lĩnh quân viễn chinh xâm lược Pháp xảo trá thâm
sâu tới mức độ nào: Thư gửi cho Hải quân Trung tướng Bonard, Phan Khâm sai
viết: “Trương Định đã đóng quân “vi pháp”(!) trên đất Tân Hòa (Gò Công), tự đặt
vào vị thế chống lại chính phủ An Nam. Y đã tự xưng là “Tổng tư lệnh nghĩa quân
dũng cảm”. Ngày 18 tháng này (5/2/1863) có tên Quang do y sai đem tới một văn
thơ yêu cầu tôi tường lãm (Nội dung thơ bày tỏ sự phẫn nộ và thất vọng của nhân
dân về hòa ước 1862 và tuyên bố: Thà chết chứ không chịu làm tôi tớ cho giặc!
Kêu gọi tất cả các quan chức tham gia nghĩa quân và mộ binh khắp các nơi hoặc
đóng góp bằng công của vào diệt giặc. Mỗi lần đụng độ với giặc cả hai bên đều
có quân chết và bị thương, vì vậy chúng ta không sợ địch - NV). Quân đội thuộc
quyền Các hạ mà còn chưa diệt trừ được tên ấy thì lòng kiêu hãnh của y cứ gia
tăng. Tôi đã cho bắt giữ tên Quang và giam giữ ngặt để đưa ra xét xử. Tôi xin
đính theo mật văn này và bản Tuyên ngôn đã nhận được để Các hạ tri tường”! Và
trước lúc biết mình không thể nào sống được, viên đại thần Nam triều thổ
lộ hết tâm can: Ca ngợi “tình thân ái giữa các dân tộc bên hai bờ đại dương”!
Ca ngợi Hải quân Trung tướng Bonard với “những võ công hiển hách chinh phục xứ
này (!) là người đồng chung một ý tưởng từ lâu (!) về vấn đề lấy xứ Nam kỳ làm
thực dân địa”! “Trong 5 năm sau này (1862-1867) những đêm nằm mơ tôi thấy người
ấy (tướng Bonard – người ký chấp nhận hàng ước của Phan 1862) đã đến gần tôi”
và “rất tiếc là người đã ra đi trước, bây giờ tử thần sẽ cho hai ta gặp mặt
trong sự vĩnh cửu, sẽ sung sướng vô biên giới và tình huynh đệ không thể tan rã
được”! Ca ngợi Đề đốc Rigault De Genouilly “có tầm nhìn xa biết chiếm lấy Sài
Gòn để xây dựng thành trung tâm bền bỉ lâu dài”! Ca ngợi Đề đốc De Lagrandière
là người “tạo lập ra thuộc địa Nam kỳ”!... Rõ ràng rằng chủ mưu đầu hàng đã
thành ý thức chủ đạo trong viên đại thần lá mặt lá trái này. Vậy thì con người
ấy khác chi là tay trong của giặc?! Cớ sao người ta bày mọi mưu kế để bốc thơm
Phan về lòng trung quân ái quốc?!
Phan có là người liêm
chính thật không? Sử liệu ghi sau khi ký hòa ước 1862, dù bị quở trách nhưng
nhà vua vẫn sai ông lãnh Thống đốc Vĩnh Long để tiện việc giao lưu với Pháp
mong chuộc lại ba tỉnh miền Đông vừa mất. Cũng trong năm này ông Tiến sỹ Phan
Hiển Đạo làm Đốc học tỉnh Định Tường có ra hợp tác với giặc vì mơ hồ tin vào
“tình thân ái giữa các dân tộc bên hai bờ đại dương” của quan trên. Nhưng sau
nhận ra mình lầm lỡ nên lánh qua tỉnh Vĩnh Long (vì Định Tường không còn thuộc
Nam triều nữa). Ông đưa thơ xin diện kiến trình rõ sự tình, bị Phan xổ toẹt với
lời phê độc: “Thất thân chi nữ, hà dĩ vi trinh” (Con gái đã bị thất thân, sao
cho là trinh được). Ông Tiến sỹ Đạo hổ ngươi trở về quê Mỹ Tho, viết cáo trạng
tạ lỗi với dân chúng rồi uống thuốc độc mà chết! Trong khi quan Khâm lược dấu
kín nỗi lòng tới lúc lâm chung mới tỏ chân tình với viên quan giặc Ansart rằng
ông dành dụm được mấy ngàn quan (1.000 quan lúc bấy giờ tương đương với 700
lạng bạc) và mong muốn ký thác cho các quan Tây đưa mấy đứa cháu lên Sài Gòn
học thành tài! Vậy Phan có thanh bần như đời ca tụng? Cho đến cái chết của quan
Khâm sai đại thần thật ra cũng không bi tráng như nhiều người lầm tưởng. Ông ta
biết khi đặt bút ký chấp nhận yêu sách của giặc là xóa sạch đi công lao 300 năm
khai phá của các bậc tiên vương tiên chúa thật “đáng tội chết” rồi. Dù nói rằng
“lá cờ ba sắc không thể phất phới bay trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh
Giản còn sống” (!) nhưng không như Hoàng Diệu treo cổ chết ngay trong thành Hà
Nội, Võ Duy Ninh tự thương chết ngay trước thành Gia Định, Nguyễn Tri Phương
quyết chết theo Hà thành thất thủ. Trái lại, Phan thủng thẳng ra sống tại một
ngôi nhà tranh ở ngoại thành Vĩnh Long, tỉnh táo sắp xếp mọi việc chu đáo. Ông
gởi một lá sớ lên vua Tự Đức: “Việc cõi Nam kỳ một chốc đến thế này, không thể
ngăn cản nổi. Nghĩ tội đáng chết, không dám sống cẩu thả để cái nhục lại cho
Quân phụ. Đức Hoàng thượng rộng xét xưa nay, biết rõ trị loạn…” và gởi thư cho
các tướng giặc để trần tình với lời lẽ rất chi là hoan hỷ. Ông cũng ngỏ lòng
với cha Marc là muốn theo đạo Thiên Chúa! Ông căn dặn các con hãy qui phục nước
Pháp, sống hòa bình với họ và chăm chỉ cần lao, ráng học hỏi cho bằng người Tây
Âu để phò vua giúp nước may ra sau này làm vẻ vang cho Tổ quốc! Nghe ngóng động
tĩnh từ triều đình vẫn bặt tin. Biết rằng tội kia không thoát chết! Gần một
tháng sau thì ông “tuyệt cốc” (nhịn ăn). Nửa tháng không chết, ông uống á phiện
pha với dấm thanh. Trong thời gian ấy nhiều quan lại cả tây và ta đến thăm, cho
thuốc ông một mực từ chối. Theo thơ tường trình của Thiếu tá Ansart gởi lên
Tổng tham mưu trưởng kể về những giờ cuối đời của ông quan này: “… Lúc các ông
quan (Nam triều) còn lại ở Vĩnh Long, ông đã khăng khăng từ chối mọi thứ thuốc
men, chúng tôi đã phải gần như ép ông và lợi dụng một trong những lúc ông ngất
đi mới khiến ông nuốt được một chút giải độc. Nhưng ngay khi ông được biết là
các quan đã bỏ đi và chỉ còn có mình ông với chúng tôi (ba sỹ quan Pháp) thì
ông đã thuận mọi điều. Hai lần ông hỏi cha Marc: Tôi có thoát được chăng? Than
ôi, khi đó đã quá muộn”! Cái chết nào cũng bi. Chết bình thường thì thương.
Chết vì nghĩa thì tráng. Chết có toan tính thì hài!
Bây giờ chẳng lẽ con
cháu những người Việt Nam trải hàng trăm năm đấu tranh quyết liệt tổn hao bao
nhiêu xương máu mới giành được độc lập thống nhất non sông đang làm cái việc
phục dựng lại con người ấy như tấm gương tiêu biểu của lòng “ái quốc trung
quân”!
Ông đạo diễn Thanh Vân
nói: “Đây là tác phẩm đầu tiên nói về Phan Thanh Giản nên việc dàn dựng không
dễ dàng. Để đảm bảo tính chân thực của lịch sử, các diễn viên trau
chuốt kỹ càng về cả trang phục và diễn xuất”. Với nghệ sỹ thì tuồng nào “mùi”
là được đưa lên sân khấu. Người diễn nhập vai càng đạt thì càng nổi danh nghệ
sỹ, tới mức “siêu” thì nhân vật từ sân khấu nhập với đời thường. Đó là sự kỳ diệu
của nghệ thuật. Có điều là từ một nhân vật phản diện được chuyển thành chính
diện trước hết là làm hoen ố lòng tự hào dân tộc sau là tác hại tới việc giáo
dục lòng yêu nước cho lớp người sau!
Người chịu trách nhiệm
chủ yếu ở đây là soạn giả. Không hề có chuyện nhà vua giúi mật chiếu vào tay
viên hạ thần được cử đi thương nghị? Để làm sạch mặt Phan Thanh Giản thì ông
Phạm Quang Long lại bôi gio trát trấu vào mặt vua Tự Đức. Chẳng những soạn giả
đã mang tội xuyên tạc sự thật lại thêm cái tội vu oan giáng họa cho một ông vua
vốn đã là tội đồ của lịch sử. Cổ nhân nói: “Ngậm máu phun người miệng mình dơ
trước”! Thực ra bi kịch không phải ở phía Phan mà chính là ở phía nhà vua. Tự
Đức đã giãi lòng trong thơ: “Khí dân triều trữ cữu – Mại quốc thế gian bình –
Sử ngả chung thân điếm – Hà nhan nhập miếu đình” (Bỏ dân ta nhận lỗi – Bán nước
thế gian bình – Mai này ta nằm xuống – Mặt nào nhìn tổ tông)! Mà sao đại sự vẫn
dựa vào kẻ “mại quốc cầu vinh”? Đấy là mối oan nghiệt của người cầm quyền quốc
gia tối thượng khi đã xa dân thì không thể nhận ra kẻ ngay gian, chính tà, sẽ
là rước họa cho mình, cho nước!
Trước đây soạn giả Tào
Mạt đưa vở “Dương Vân Nga” dựa trên mẫu người có thật là Dương Hậu lên sân khấu
rất thành công mà vẫn bị nhận những điều trách cứ phiền hà của dư luận. Tuy
nhiên Dương thị chỉ có tội đa tình, ở ngôi đệ nhất phu nhân mà gian dâm là điều
chẳng hay nhưng vẫn bảo tồn được sơn hà xã tắc. Tuy vậy mà tượng đá Dương Hậu
vẫn phải đứng chầu lẻ loi lạnh lẽo ngoài cung và hàng năm vào ngày húy kỵ các
vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành vẫn bị trẻ con người lớn quất đòn doi vào đít
vì cái tội chẳng chính chuyên, nếu không thì bằng sự ngoảnh mặt khinh bỉ với
những lời phỉ báng của người đời. Trái lại, với Phan Thanh Giản thì chuyện đã
qua gần hai thế kỷ rồi. Nước mất thì đã đòi lại được. Nhà tan thì anh em quên
đi hờn oán cũ, hợp quần lại cùng nhau xây dựng cơ đồ. Tổ quốc như mẹ hiền rộng
lòng tha thứ bao dung. Cứ khui những tỳ vết ra để mà ân oán hơn thua sao không
thấy hổ lòng với mẹ! Ông bà ta nói: Làm thầy phải chính tâm mới dạy được người.
Làm quan phải nghĩa khí mới che chở được cho dân. Mấy người không có được hai
điều ấy thì có gì vinh để tôn lên? Người chết rồi là thoát tục, muốn được siêu
thoát. Chỉ người sống mới ham hố ganh đua. Coi chừng càng làm khổ người ta, nằm
xuống rồi mà mắt không nhắm được!
Thực ra đây là ý đồ
thâm hiểm của một thế lực bất minh, khi không thực hiện được việc dựng tượng
viên đại thần ấy lên thì họ thay đổi chiến thuật. Trước mắt là dùng các hình
thức văn học nghệ thuật không từ thủ đoạn nào dù là nhỏ nhen quay quắt miễn
nhằm tô son trát phấn bốc thơm con người ấy để đánh lạc hướng dư luận, tạo ra
những cái gọi là “góc khuất đáng thương” làm cho công chúng từ cảm thương đến
có cảm tình mà dễ dãi quên đi những tỳ vết đã hằn sâu trong lịch sử, sau đó họ
lấn dần từng bước tiến tới thực hiện bằng được mục đích cuối cùng.
Xuyên tạc lịch sử là
mang tội!
Đã là người trí thức
chân chính thì dù nói, viết hay làm đều suy nghĩ tới chuyện lớn nước nhà. Vào
giữa thế kỷ XIX, lũ giặc mắt xanh mũi lõ vượt trùng dương nửa vòng trái đất
trên chục chiếc tàu đồng với mấy ngàn quân qua cái xứ sở nhiệt đới khắc nghiệt
này, vũ khí là mấy khẩu đại bác cổ lỗ, vài ngàn tay súng kíp chọi với đội quân
nón mê chân đất, gươm giáo dao gậy cầm tay mà có cả rừng người sẵn sàng chết
không để nước mất vào tay giặc. Vậy mà có những ông vua, ông quan run rẩy không
dám cầm gươm, chỉ biết nhìn trước ngó sau mà đái trong quần thì làm sao không
mất nước! Hãy nhìn sức giặc hiện nay: Chỉ một bước chân đã vào tận ngõ. Sân
trước vườn sau, trên rừng dưới biển, ba bề bốn bên đâu đâu cũng thấy lũ đầu
trâu mặt ngựa. Toàn bộ đất đai, núi rừng, biển đảo của ta đều nằm trong tầm phủ
gần xa của đủ các loại vũ khí tối tân. Tàu thuyền đặc biển. Máy bay đầy trời.
Điều này hiển nhiên ai cũng biết. Thế mà không ít người nhân danh cái gọi là
“đổi mới” thi nhau trổ tài điêu toa quay quắt cố dựng dậy một lũ vua quan hèn
nhát, bạc nhược, phản phúc, dối trời lừa dân như Phan Thanh Giản nhằm dạy lớp
trẻ điều gì? Trong khi nước non đang cần những con người trung dũng.
Vấn đề là các nhà văn
hóa trước hết là các nhà sử học trước trách nhiệm với các thế hệ trẻ nước nhà,
đặc biệt đang trong thời điểm cả xã hội bức xúc yêu cầu phải chấn hưng nền giáo
dục? Và công luận chờ đợi ý kiến của Ban Tuyên giáo với một hệ thống rộng khắp
từ Trung ương đến các địa phương trong việc học tập và phát huy tư tưởng Hồ Chí
Minh làm nền tảng cho công cuộc bảo vệ và xây dựng tổ quốc Việt Nam văn minh
thịnh vượng?
Tuần báo Văn Nghệ TPHCM
Tuần báo Văn Nghệ TPHCM
Số 281+ 282 Thứ năm
ngày 21+28/11/ 2013.
Lớp trẻ chúng tôi cần được biết sự thật lịch sử!
Trả lờiXóaĐã viết về lịch sử thì phải chính xác
Trả lờiXóa