Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

Tư liệu: Thêm một ông Tây cùng thời nữa, viết về Phan Thanh Giản



---------------

Tư liệu mà locliec giới thiệu sau đây do Ernest Potteaux viết khoảng một năm sau ngày Phan Thanh Giản uống thuốc phiện tự sát. Điều đặc biệt là ông Tây này viết bằng chữ "quốc ngữ", nên khỏi cần phải dịch. 
Ernest Potteaux là ai? Đó là viên “Thông ngôn hạng nhất thuộc Soái phủ Lại bộ thượng thơ Nam kì”, ông cũng chính là “Chánh tổng tài” (Chủ biên, tổng biên tập) đầu tiên của tờ Gia Định báo, tờ báo đầu tiên viết bằng “tiếng Annam thông thường”, phát hành số đầu ngày 15-4-1865 cho đến khi “bàn giao” lại cho Trương Vĩnh Ký vào ngày 16-9-1869. Năm 1872, Ernest Potteaux lại trở lại thay Trương, nắm giữ chức vụ “Chánh tổng tài” của Gia Định báo (theo Trần Nhật Vy – Hồ Sơ Gia Định báo).
Ngoài công việc chính là thông ngôn cho Soái phủ Nam kì, quản lý và viết bài cho Gia Định báo, Ernest Potteaux còn biên soạn lịch và các sách dạy tiếng Annam cho người Pháp (như cuốn Conversations francaises et anamites, à l'usage des établissements d'instruction publique - Đàm thoại tiếng Pháp và An Nam, sử dụng trong các trường công). Có thể nói Potteaux là một trong những người đầu tiên đã dành ra nhiều thời gian và công sức để đem thứ chữ “viết bằng tiếng Annam thông thường” ấy vượt ra khỏi hàng rào các nhà thờ Thiên chúa giáo, đem nó thâm nhập vào đời sống xã hội Nam kì. Trong cuốn lịch in từ năm 1869 mà locliec giới thiệu ở đây, đã xuất hiện cái tên "chữ quốc ngữ" mà bây giờ ta đang dùng (*).
Cuốn Lịch Annam thuộc về sáu tỉnh Nam Kì tuế thứ Kỷ Tị (1869)  do “SAIGON – Bản in nhà nước” xuất bản năm 1869, in bằng ba thứ chữ: “chữ Langsa (Pháp), chữ quốc ngữ, chữ Annam (chữ Hán)” do Ernest Potteaux biên soạn. Vì việc làm lịch là để sử dụng cho năm Kỷ Tị 1869 nên việc biên soạn chắc chắn phải được Potteaux tiến hành vào cuối năm 1868 (Mậu Thìn) hoặc sớm hơn.
Trong cuốn sách trên, Potteaux đã dành 5 trang (từ trang 36 đến trang 40) để viết về sự kiện Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây năm Đinh Mão 1867, trong đó các trang 36 và 37 có những dòng đề cập đến nhân vật Phan Thanh Giản. Xin chép và trích lại những đoạn liên quan dưới đây, (vì lối hành văn thời đó có đôi chút khó hiểu nên locliec xin được giải nghĩa ở phần trong ngoặc) .
“Tháng năm, năm Đinh Mão quan Nguyên soái (Thống đốc De La Grandière) bỏ (rời khỏi) Mỹ Tho, lại có mười bốn chiếc tàu khói với một ngàn lính Phalangsa có dư (hơn một ngàn lính Pháp) và năm trăm lính Annam mạnh mẽ trung tín mà giúp nhà nước Phalangsa.
Khi tới Vĩnh Long thì quan Nguyên soái không cho lính bắn giết người ta, không cho phá giống (thứ) gì hết.
Lại quan kinh lược Phan Thanh Giảng (Giản) đã biết chống trả với Langsa (Pháp) không có ra gì (không ăn thua), vì nhà nước Annam (triều đình Huế) xui giục quan Nguyên soái mà làm cho người hờn (nổi giận), cho nên quan Kinh lược giao (giao nộp) tỉnh Vĩnh Long, lại cấm dân đừng có chống trả cho khỏi đổ máu những người vô tội.”
“Trong ba tỉnh mới Langsa xem ra Annam đều cũng như anh em bạn hữu, sự thương nhau làm vậy (như thế) thì là ưng ý quan Nguyên soái.
Khi ông Phan Thanh Giảng còn ở Vĩnh Long, thì người (ngài) quyết cho hai nước đều làm anh em bạn hữu.
Cách một tháng sau, ông Phan Thanh Giảng chết tại Vĩnh Long, là vì thấy còn có một hai người kiếm thể cho dân khỏi ở yên (kêu gọi chống Pháp), người lấy làm buồn quá chừng, cho nên phải chết.
Trước khi người (Phan) chết thì trối (trăng trối) với con cái người phải ở tử tế một lòng với Langsa cho được bình yên, lại người xin (sau đó lại xin) quan Langsa binh vực bà con (dòng họ) người.
Đến tháng mười Annam (tháng 10 âm) con ông Phan Thanh Giảng chẳng thèm nghe lời trối ấy, mà ham sự danh tiếng sang trọng, cho nên mới theo lời không phải (lời sai quấy) mà giục cả dân trong huyện Bảo an làm giặc”.
Vậy là, theo Potteaux thì: Chẳng những “quan Kinh lược giao nộp thành Vĩnh Long”, mà ngài còn “cấm dân không được chống trả, (ngài) quyết cho hai nước đều làm anh em bạn hữu”.

Cũng theo Potteaux, trước khi chết, Phan còn cầu xin người Pháp bảo vệ dòng họ của mình (và sau cuộc mặc cả này thì sự thực đã cho thấy Phan được lời hơn nhiều so với những gì mình yêu cầu, đó là sự cam kết của Đề đốc La Grandière rằng sẽ nỗ lực bằng mọi phương cách có thể để đảm bảo cho con cháu của ngài có được những quyền lợi và chức vị thích hợp trong tương lai- xem thư điếu của La Grandière ở entry kế trước).
Về lý do Phan Thanh Giản tự tử, Potteaux cho biết: vì “người lấy làm buồn quá chừng, cho nên phải chết”. Tại sao Phan lại “buồn quá chừng”? Potteaux chỉ rõ là vì Phan “thấy còn có một hai người kiếm thể cho dân khỏi ở yên”(tức là những người chống Pháp), mà như ta đã biết trong những người “kiếm thể cho dân khỏi ở yên”đó, lúc bấy giờ có chính hai người con trai của Phan Thanh Giản là Phan Tôn và Phan Liêm (**).
Tương truyền thời ấy vua Tự Đức có đôi câu đối:
Quân ân, thần khả báo
Phụ nghiệp, tử năng thừa
Chiếu vào quan Kinh lược Phan Thanh Giản, luân lý cương thường đảo lộn, việc nước việc nhà hỏng bét cả hai, ơn vua ngài đã chẳng báo đáp mà con ngài cũng chẳng thèm nghe lời ngài, phải chăng vì thế mà ngài “buồn quá chừng”, nên tự tìm đến cái chết?.

----------

(*) Một câu hỏi từng được đặt ra trong các nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển chữ “quốc ngữ” là: Ai là người đã đặt tên cho thứ chữ ghi âm theo chữ cái Latin mà ngày nay chúng ta đang dùng là “Chữ Quốc Ngữ”? Cho đến bây giờ, chưa thể khẳng định đích xác được người đó là ai. Nhưng nếu căn cứ trên văn bản cuốn Lịch Annam thuộc về sáu tỉnh Nam Kì tuế thứ Kỷ Tị (1869) ta có thể thấy Ernest Potteaux là ứng cử viên sáng giá nhất. 

(**) Phan Tôn và Phan Liêm sau này cũng "thừa" được "nghiệp" của cha. Sau khi bị bắt trong trận Pháp tấn công thành Hà Nội tháng 11 năm 1873, Tôn và Liêm được đưa sang Pháp. Trở về, Liêm được Khâm sứ Pháp ở Trung kì là Hector ban cho chức Khâm sai đại thần (theo thư ngày 7-7-1986 của Trương Vĩnh Ký cửi Paul Bert). Liêm trở thành tay sai đắc lực của Pháp trong việc đàn áp nghĩa quân, "cùng quan quân Pháp đến các phủ huyện chia đường đóng chặn, đánh dẹp nhiều lần, bắn chết hơn 150 người, bắt 36 người, chém 11 người và thu được các hạng súng ống khí giới". (Báo cáo tháng 10/1886 của Liêm, chép trong Quốc sử quán triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục chính biên).



1 nhận xét: