Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Những kẻ tòng phạm với Khmer đỏ liệu có phải ra toà?






-----------
Hôm 16/11/2018, Tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer đỏ tại Campuchia (ECCC), với sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, phán quyết rằng chính quyền Khmer đỏ đã phạm tội diệt chủng tại Kampuchea trong giai đoạn từ năm 1975-1979.
Hai trong số các thành viên cốt cán của Khmer đỏ là Nuon Chea và Khieu Samphan bị tuyên là đã phạm nhiều tội ác chống lại loài người - bao gồm giết người, nô lệ và tra tấn - và các vi phạm trong các Công ước Geneva. Trùm thủ lĩnh Pol Pot, kẻ chủ mưu, cùng các “đồ tể” như Ta Mok hay Ieng Sary đã… kịp chết trước khi tòa nghị án.
“Phán quyết lịch sử” này được các thẩm phán đưa ra sau tròn 4 thập kỷ và tiêu tốn hết 318,9 triệu USD
Dẫu có muộn, phiên tòa này vẫn là sự thừa nhận chính thức đầu tiên rằng chế độ Khmer đỏ đã thực hiện một sự diệt chủng như đã được luật pháp quốc tế định nghĩa.
Bản án lần này của ECCC cũng là minh chứng rõ nét việc Việt Nam đưa quân tình nguyện vào Kampuchea phải được coi là quyền tự vệ chính đáng đồng thời còn là sự can thiệp nhân đạo kịp thời, giúp nhân dân Kampuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
Nhưng nếu công lý quốc tế không phải là một tấn tuồng hài, thì ECCC sẽ phải tiếp tục lôi cổ những kẻ tòng phạm với Khmer đỏ ra trước tòa.
Luật sư biện hộ cho Ta Mok, tên “đồ tể” của Khmer đỏ, từng  chỉ đích danh: “Mọi người ngoại quốc liên quan phải được gọi ra trước tòa án, và sẽ không có những ngoại lệ… Madeleine Albright, Margaret Thatcher, Henry Kissinger, Jimmy Carter, Ronald Reagan và George Bush… Chúng tôi sẽ mời họ tới để nói cho thế giới biết rằng tại sao họ đã hỗ trợ cho Khmer đỏ”.
Những “tòng phạm” cần được đưa ra trước vành móng ngựa bao gồm Trung quốc, Mỹ, Anh, Thailand…, và trong một chừng mực nào đó, chính là Liên Hợp Quốc.
Năm 1979, Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, từng xác nhận chính sách của Hoa kỳ: “Tôi khuyến khích Trung Quốc hậu thuẫn Pol Pot. Tuy thể chế Pol Pot là đáng ghê tởm, chúng ta không thể ủng hộ thể chế này, nhưng (thông qua) Trung quốc thì có thể được”.
Với sự đồng lõa của Mỹ, Trung quốc đã hỗ trợ Khmer đỏ với 80 triệu dollar hàng năm còn Hoa kỳ viện trợ cho các phe đối lập khác.
Andrew Mertha, tác giả cuốn “Brothers in Arms: China's Aid to the Khmer Rouge, 1975-1979” nhận định: “Nếu không có sự hỗ trợ của Trung Quốc, chế độ Khmer đỏ không thể tồn tại được quá một tuần”.
Các khoản này gồm từ thực phẩm, vật liệu xây dựng cho tới xe tăng, máy bay, pháo và các chuyên gia quân sự.
Nhà báo Pháp John Pilger (Tạp chí Le Courrier International) viết năm 2000, rằng Pol Pot không thể nào lên nắm quyền nếu tổng thống Mỹ Richard Nixon và cố vấn  Henry Kissinger không mở chiến dịch tấn công vào Kampuchea (khi đó còn là một quốc gia trung lập). John Pilger kết luận mỉa mai là “Khmer đỏ đã hoàn tất những gì mà Nixon và Kissinger khởi đầu (chiến dịch dùng B52 ném bom hủy diệt Kampuchea từ năm 1970). Thế nhưng Kissinger sẽ không ngồi vào ghế bị cáo ở Phnom Penh vì ông đang bận cố vấn cho tổng thống Barack Obama về các vấn đề địa chiến lược”.
Năm 1979, Hoa kỳ và Anh áp đặt cấm vận đối với một nhà nước Kampuchea bị kiệt quệ. Là ân nhân giúp giải phóng nhân dân Khmer khỏi họa diệt chủng, nhưng Việt Nam phải chịu “phạt vạ” do bị Phương Tây coi là không đứng về “phe tốt”, và bị cấm vận kinh tế trong suốt gần hai thập kỷ. Các khoản viện trợ cho Việt Nam và chính quyền mới ở Phnom Penh đều bị cắt. Các Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng thế giới (WB) ngưng các khoản cho vay đối với Việt Nam và Kampuchea dưới áp lực của Mỹ và đồng minh.
Pilger còn viết rằng chưa bao giờ có một chiến dịch do bộ Ngoại giao Anh tổ chức lại trắng trợn như thế. Bằng cách cùng với Mỹ và Trung quốc bịa tạc ra một liên minh “không cộng sản”' lưu vong, nước Anh đòi hỏi chế độ diệt chủng được giữ “quyền” đại diện cho nạn nhân của nó ở Liên Hiệp Quốc.
Ở Thái Lan, các cơ quan tình báo Mỹ CIA và  DIA duy trì quan hệ mật thiết với Khmer đỏ. Tới năm 1985, CIA viện trợ cho các nhóm du kích đóng ở Thái Lan, trong đó chủ yếu là Khmer đỏ lên tới 12 triệu USD, cơ quan USAID cũng chuyển quân viện giá trị đạt 13 triệu USD năm 1989.
Năm 1983, huấn luyện cho các thành phần này, đặc biệt là các kỹ thuật gài mìn, là 250 sĩ quan thuộc lực lượng đặc biệt SAS của nước Anh. Khi bị nghị sĩ Neil Kinnock chất vấn, bà Margaret Thatcher hoàn toàn phủ nhận, thề thốt rằng chính quyền Anh không hề dính líu vào việc huấn luyện, trang bị, hay một hình thức hợp tác nào với lực lượng Khmer đỏ hay đồng minh của họ. Nhưng năm 1991, thủ tướng kế nhiệm là John Major thú nhận trước Quốc hội rằng lực lượng đặc biệt SAS đã thực sự tham gia huấn luyện cho tàn quân Pol Pot.
Một nhà báo Pháp khác, Francis Deron, đã viết trên Le Monde 2 rằng chính chiến dịch do Mỹ tiến hành ở Kampuchea (dựng lên chính quyền Lon Nol năm 1970) đã đẩy quốc vương Sihanouk đến với Khmer đỏ, lực lượng mà trước đó ông vẫn săn đuổi.
Trong bài báo của mình, Francis Deron chỉ ra thái độ “bẩn” của Henry Kissinger: “Khi Pol Pot lên nắm quyền ở Phnom Penh, các nhà phân tích của CIA đã cố cảnh báo về chế độ diệt chủng đang được thiết lập ở đây. Dường như chỉ có một người lắng nghe họ, đó là Henry Kissinger, nhưng không phải là để ngăn chặn”.
Tài liệu được giải mật ngày 27 tháng 7 năm 2004 cho biết: Ngày 26/11/1975, trong buổi chiêu đãi do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức tiếp các đại diện Thái Lan, Kissinger nói: “Chúng tôi nghĩ là mối đe doạ lớn nhất đối với Đông Nam Á hiện giờ, đến từ Bắc Việt Nam. Chiến lược của chúng tôi là lôi kéo Trung quốc đến Lào và Kampuchea để ngăn chặn Việt Nam. Hãy nói với những người Khmer rằng chúng tôi sẽ là bạn của họ. Họ là những tên côn đồ sát nhân, nhưng nói riêng giữa chúng ta thì điều đó không quan trọng. Chúng tôi sẳn sàng cải thiện quan hệ với họ. Hãy nói lại với họ phần cuối những gì tôi vừa nêu, đừng lặp lại phần đầu”.
Francis Deron nhận định là, do “cay cú bởi nỗi nhục thua trận tại Việt Nam”, Kissinger đã không ngại sử dụng các trò tiểu nhân bần tiện, trong đó việc Khmer đỏ thù ghét Việt Nam được xem là một “phương cách hay”. Mặt khác, với Kissinger, “cơ hội tốt” đã xuất hiện khi năm 1976, kế vị Mao ở Bắc Kinh chính là Đặng Tiểu Bình, người mà theo Deron, cũng thù hận Việt Nam chẳng kém Kissinger.
Trong bài báo “The Pol Pot dilemma”  ngày 29/5/2015, các tác giả Charles Parkinson, Alice Cuddy và Daniel Pye dẫn nguồn hồ sơ ngoại giao Mỹ (do WikiLeaks công bố) cho thấy nước Mỹ “quan tâm” vấn đề nhân quyền ở Kampuchea theo kiểu nào:
Điện của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi đến 6 đại sứ quán Mỹ tại châu Á vào ngày 11/10/1978:  “Chúng tôi tin rằng một nước Campuchia phải tồn tại ngay cả khi chế độ Pol Pot là chế độ vi phạm quyền con người tồi tệ nhất thế giới”.
Các bức điện tín cũng cho thấy sự dối trá của Trung Quốc và Mỹ về các vụ tàn sát do Khơme đỏ thực hiện. Tại một cuộc họp giữa một phái đoàn Trung Quốc và các thượng nghị sĩ Mỹ, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Chai Tse-Min đã nói với Thượng nghị sĩ John Sparkman rằng “báo cáo về các vụ giết người hàng loạt ở Kampuchea là không đúng sự thật”.
Một bức điện khác xuất phát từ Đại sứ quán Mỹ tại Lào đã báo cáo con số 2 triệu người đã chết dưới tay Khmer đỏ. Dẫu vậy, bộ Ngoại giao Mỹ vẫn tìm mọi cách để giữ ghế đại diện tại Liên Hiệp Quốc cho chúng. Ngoại trưởng Mỹ George Schultz chống lại việc mở một tòa án quốc tế xét xử tội phạm diệt chủng của Khmer đỏ. Đến năm 1989, người kế nhiệm ông ta là James A. Baker thậm chí còn mở cửa cho Khmer đỏ tham gia vào “chính phủ Campuchia”.
Trong phiên họp tại LHQ ngày 16/08/1989, Trung quốc và Singapore phủ nhận hành vi diệt chủng của Khmer đỏ. Cựu ngoại trưởng Singapore, Bilahari Kausikan sau đó thừa nhận Mỹ đã dọa Singapore rằng sẽ có “máu đổ trên sàn nhà” nếu Singapore không ủng hộ Khmer đỏ. Nói cách khác, Singapore thể hiện việc “bảo vệ lợi ích Mỹ” bằng cách đứng về phe Khmer Đỏ.
Thailand mở cửa biên giới cho Khmer đỏ thiết lập các căn cứ quân sự. Trung quốc và Thái cùng lập ra một hành lang tiếp tế cho Khmer Đỏ qua các  cảng Sattahip và Klong Yai trên đất Thái. Quân đội Thái được Trung quốc trả tiền để tuồn vũ khí, lương thực, thuốc men cho Khmer đỏ. Trung quốc cũng cho phép quân đội Thái giữ lại một phần vũ khí đồng thời chuyển giao công nghệ chế tạo vũ khí chống tăng cho Thái với thỏa thuận Khmer đỏ phải được hưởng một phần sản phẩm.
Trước nạn diệt chủng xảy ra ở Kampuchea, Liên Hiệp Quốc cũng là kẻ “đồng lõa” cùng với những chính sách và thái độ của các “nước lớn” trong suốt 20 năm.
Chương trình lương thực thế giới của LHQ đã cung cấp lương thực cho 20.000 đến 40.000 lính Khmer đỏ, góp phần nuôi sống những kẻ diệt chủng thay vì cứu giúp những nạn nhân khốn khổ của chúng.
Vào năm 1992, bản hợp đồng bán linh hồn cho quỉ đã lộ rõ hơn bao giờ hết khi Khmer đỏ, do Khieu Samphan dẫn đầu, công khai trở lại Phnom Penh và được Liên Hiệp Quốc tổ chức nghi thức dàn chào với “Lực lượng gìn giữ hoà bình” do tướng John Sanderson người Úc chỉ huy.
Mỉa mai thay, 26 năm sau, vẫn là chính Liên Hiệp Quốc, qua việc hỗ trợ ECCC mở ra “Phiên tòa lịch sử” ngày 16/11/2018, kết án Khieu Samphan phạm các tội ác chống lại loài người.
----------

1 nhận xét: