Thứ Hai, 21 tháng 7, 2025

Chương trình POW/MIA: Gian nan - những chuyện như đùa,

 


Năm nay là năm kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ (11/7/1995 - 11/7/2025). Trong 30 năm qua, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc, từ cựu thù trở thành bạn bè và đối tác, và nay là đối tác Chiến lược Toàn diện. 

Chương trình POW/MIA chính là then chốt mở ra mối quan hệ ấy.

POW là cách viết gọn của Prisioners Of War, MIA là viết gọn của Missing In Action. POW/MIA có nghĩa là Vấn đề tù binh, quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh.

Thực ra vấn đề POW/MIA ở Việt Nam bắt đầu từ thời Richard Nixon còn làm tổng thống. Khi phong trào phản đối chiến tranh ở Mỹ lên đến cao, Nixon đã cố gắng thuyết phục công chúng Mỹ tin rằng việc duy trì chiến tranh là cần thiết để giải cứu tù binh. Kết cục, chiến dịch Linebacker năm 1972 (dùng B52 ném bom Hà Nội) của Nixon chẳng những đã không "giải cứu" được thêm tù binh nào mà còn báo hại tiếp tục nối dài danh sách POW/MIA của nước Mỹ. Nixon buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris để thực hiện lời hứa đưa tù binh Mỹ về nước.

Sau Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, vấn đề POW/MIA trở nên có vai trò rất quan trọng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Trên thực tế, chính quyền Mỹ đã không ít lần dùng vấn đề POW/MIA để gây sức ép với Việt Nam trong quan hệ song phương.

Thời Ford (1974-1977) và Carter (1977-1981) đều cho rằng Việt Nam không “đưa ra được một thống kê đầy đủ và chính xác về người Mỹ mất tích”, và đó là một "lý do hoàn hảo" để tiến hành cấm vận. Đến thời Ronald Reagan (1981-1989), thì vấn đề POW/MIA mới trở thành “ưu tiên cao nhất của quốc gia”. Điều đó có nghĩa rằng POW/MIA đối với nước Mỹ là vấn đề hết sức nghiêm túc và cấp bách.

Thế nhưng, những chuyện như đùa vẫn cứ xảy ra.

Đầu tiên là sự nhảy múa của những con số: Năm 1973, người Mỹ thống kê có 1303 MIA (lính Mỹ mất tích) đến năm 1978 đã giảm xuống còn 224. Hai năm sau (1980), con số này lại tăng vọt lên tới 2500. Đến năm 1987, con số này lại được công bố là 269.

Khi mà các con số của chính quyền Hoa kỳ không thể thuyết phục các cựu chiến binh Mỹ và thân nhân họ, thì đó lại là thời cơ của Hollywood.

Trong thập niên 70 và 80, Hollywood đã khai thác đề tài POR/MIA bằng loạt phim gồm Good Guys Wear Black (1978); Uncommon Valor (1983); Missing in Action (1984) và Rambo: First Blood phần II (1985). Đây là loạt phim hoàn toàn hư cấu về các người hùng kiểu Rambo đi giải cứu tù binh chiến tranh bị chính quyền Mỹ bỏ rơi trong những nhà tù bằng tre trong các khu rừng nhiệt đới. 

Một số cựu binh Mỹ nắm bắt ngay cơ hội, họ biết cách biến cuộc tìm kiếm những tù binh ảo của Rambo thành một hoạt động kinh doanh có thật.

Cựu Trung tá Không quân Jack E. Bailey lập ra một dự án kêu gọi tài trợ mang tên Chiến dịch Giải cứu và mua con tàu SS Akuna cho mục tiêu của dự án. Tuy vậy, nhiều năm trôi qua Bailey chẳng đưa ra được thông tin về bất kỳ một tù binh nào và con tàu phục vụ dự án của y cũng chưa bao giờ rời bến Songkhla ở Thái Lan. Sau, người ta phát hiện ra Bailey đã khoác lác khi đã tự tặng cho mình những huân huy chương và tuyên bố rằng mình là phi công lái máy bay chiến đấu trong khi y chỉ là sĩ quan mặt đất. Các điều tra tài chính sau đó đã chỉ ra rằng 89% số tiền gây quỹ Chiến dịch Giải cứu đã được Bailey dùng vào việc... tiếp tục gây quỹ .

Một anh khác, Bo Gritz, cựu thành viên Lực lượng đặc biệt được cho là đã thực hiện một loạt các nhiệm vụ ở Đông Nam Á, dưới danh nghĩa tìm kiếm các tù binh chiến tranh Mỹ vẫn đang bị giam giữ ở vùng biên giới Lào và Việt Nam. Hóa ra nhiệm vụ đặc biệt mà anh ta thực hiện ở đó chỉ là bán áo phông giải cứu tù binh chiến tranh làm kỷ niệm. Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ cuối cùng đã tuyên bố: "Trong suốt những năm tham gia của mình, ông Gritz không đóng góp gì có giá trị cho vấn đề tù binh/người mất tích trong chiến tranh. Trên thực tế, các hoạt động của ông đã đã có tác dụng.. ngược lại." 

Phía châu Á cũng cơ hội không kém, người ta "sản xuất" và bán ra các “bằng chứng” về tù binh, chẳng hạn như các thẻ bài hay vòng tay kim loại, hài cốt và những bức ảnh. Rồi còn có cả tù binh giả nữa. 

Có khi “hài cốt lính Mỹ” được “phát hiện” ở đâu đó,  được mua bán qua tay nhiều lần trước khi đến được với thân nhân. Nhưng khi thuê chuyên gia kiểm tra, họ phát hiện ra đó là hài cốt của người châu Á hoặc thậm chí chỉ là xương động vật.

Một bức ảnh được đặt tên là “Ba người bạn” công bố vào tháng 7-1991 trên bìa tạp chí Newsweek cho thấy rõ ràng có 3 "tù binh Mỹ còn bị giam giữ". Con gái của một đại tá không quân bị mất tích đã khẳng định “đó là cha tôi” trong chương trình “Good Morning America”. Sau mới vỡ lẽ đó là hình ảnh đã được những kẻ lừa đảo ở Campuchia chỉnh sửa từ bức ảnh chụp ba lão nông dân Nga vào năm 1921.

Một bộ phim tài liệu của Canada mang tên "Unclaimed" công bố một người đàn ông tự nhận là John Hartley Robertson, cựu Trung sĩ Mũ nồi xanh thuộc Lực lượng đặc biệt. Trong hồ sơ của chính phủ Mỹ, Robertson được xác định là đã chết khi bị bắn ngày 20-5-1968. Bộ phim được trình chiếu tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Hot Docs Canada ngày 30-4-2013.

Nhưng chỉ ngay ngày hôm sau, ngày 1-5-2013, trên tờ The Independent đã xuất hiện nội dung của một báo cáo lập năm 2009 của Văn phòng POR/MIA-Bộ Quốc phòng rằng người đàn ông tự nhận là Robertson thực chất là Đặng Tấn Ngọc, "một công dân Việt Nam gốc Pháp 76 tuổi đã có "tiền sự" nhiều lần giả làm cựu chiến binh quân đội Hoa Kỳ", có lẽ từ những năm 1982 để kiếm tiền. Robertson-Ngọc "quên sạch" tiếng Anh, lấy vợ người thiểu số và đã từng được đưa đến đại sứ quán Hoa Kỳ tại Campuchia để lấy dấu vân tay. Dĩ nhiên dấu vân tay của Ngọc không khớp với dấu vân tay của Robertson trong hồ sơ lưu.

Nhưng tai ác nhất phải là bài báo đăng trên trang nhất tờ Times ra ngày 12-4-1993, do nữ phóng viên Celestine Bohlen "đưa tin từ Moscow" tung ra một tài liệu được cho là của tình báo Xô Viết.




Thực ra, đây là tài liệu của Stephen Morris, một học giả người Úc luôn thể hiện sự thù địch với Việt Nam cung cấp cho Bohlen.

Tài liệu này viết rằng chính quyền Việt Nam vẫn còn đang giữ 1205 tù binh Mỹ, nhiều gấp đôi số được thả (591) khi Hoa Kỳ rút quân theo Hiệp định Paris vào tháng 1 năm 1973. Công bố này đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận nảy lửa kèm theo những chỉ trích về sự giả dối của Việt Nam và cáo buộc chính quyền Hà Nội hoặc đã chuyển các tù binh sang giam giữ ở Nga hoặc đã sát hại các tù binh để che giấu.

Trong bài viết của Bohlen, tài liệu do Stephen Morris cung cấp được mô tả là "một báo cáo tuyệt mật (do "Trung tướng Trần Văn Quang - Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN") gửi đến Bộ Chính trị vào tháng 9-1972 cho thấy Bắc Việt Nam đã giam giữ 1.205 tù binh Mỹ".

Nhưng năm 1972 ông Trần Văn Quang chưa phải là Trung tướng và đang phụ trách Quân Khu Trị-Thiên, không phải là Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN.

Trong cái gọi là "báo cáo tháng 9-72 gửi tới Bộ Chính trị", "tướng Quang" nói về "các cuộc họp bí mật với một tướng ngụy Việt Nam Cộng hòa tên là Ngô Đình Dzu". Nhưng VNCH không có tướng nào mang tên đó, gần giống thì có tướng Ngô Dzu, năm 1972 đã từ chức tư lệnh quân đoàn 2, bỏ Kontum về Sài gòn chữa bệnh. Hay là Ngô Đình Nhu chăng? Nhưng ông Nhu đã bị nhóm đảo chính của VNCH giết chết vào năm 1963.

Một sự kiện khác mà "tướng Quang" nhắc đến vài lần trong “báo cáo tháng 9 năm 1972” là "Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam", nhưng đến tháng 12 năm 1974 Hội nghị đó mới diễn ra.

Các mô tả về "hệ thống nhà tù miền Bắc Việt Nam dành cho tù binh Mỹ" trong "báo cáo" của "tướng Quang" cũng khác hẳn với những gì các tù binh đã miêu tả sau khi được thả vào năm 1973. Các số liệu cũng không hợp lý, "báo cáo" cho biết tính đến tháng 9-1972, đã có 624 phi công bị bắt ở miền Bắc Việt Nam, trong khi đó thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết con số tối đa chỉ có thể là 467.

Một câu hỏi dễ dàng đặt ra là liệu các sĩ quan tình báo quân sự Liên Xô ở Hà Nội có "giỏi" tới mức không biết tướng Phùng Thế Tài mới là Phó Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam vào năm 1972, hay có thể tưởng tượng ra một Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng hai năm sau mới diễn ra, hoặc có thể công nhận những cuộc họp xuyên không giữa "tướng Quang" với "tướng Ngô Đình Dzu" ở bên kia chiến tuyến trong khi chiến dịch Quảng Trị 1972 vẫn cứ diễn ra suốt năm chứ không chỉ trong một "mùa hè đỏ lửa".

Dù đã rõ ràng "báo cáo của tướng Quang" là một tài liệu ngụy tạo nhưng "Sự kiện đó như quả bom nổ tung, làm tan nát hết các dự định giữa hai bên", đó là nhận xét của ông Lê Văn Bàng, sau này trở thành đại sứ đầu tiên của Việt Nam ở Mỹ.

Vì vậy, cả hai phía Việt Nam và Mỹ đều phải khẩn trương phối hợp với Moscow tiến hành điều tra về nguồn gốc tài liệu. Kết quả, phía Nga khẳng định báo cáo kia là giả mạo, không hề có trong kho lưu trữ và thực chất nó là sản phẩm ngụy tạo của một trong những nhóm cực hữu chống phá việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ .

Nhưng tiến trình bình thường hóa giữa hai nước vẫn vì vụ việc này mà bị trì hoãn thêm một thời gian. 

Hơn hai năm sau, ngày 11-7-1995, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Công việc tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) vẫn được cả hai nước tiến hành như là biểu tượng của sự hòa giải, hàn gắn vết thương chiến tranh trong lòng hai dân tộc và hướng đến tương lai.


----------------


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét