Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Tư liệu: Một bức thư của Võ Đại tướng gửi ông Lê Đức Thọ




Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng mùa Xuân 1975 và thống nhất đất nước, Thiên Lý xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một tư liệu quý: bức thư của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi ông Lê Đức Thọ, đề ngày 20-2-1988.
Bức thư gồm hơn bốn trang đánh máy, nội dung trao đổi một số vấn đề liên quan đến việc tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử quân sự, (lúc bấy giờ có tổ chức hội thảo tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước) thư này cũng được gửi cho ông Viện trưởng Viện lịch sử quân sự, để lưu.
Hy vọng qua bức thư này, bạn đọc có thể hiểu biết sâu sắc hơn về nhân cách, về  trí tuệ và tầm nhìn chiến lược của cố Đại tướng, đồng thời cũng có thể hiểu thêm về vài sự kiện lịch sử thú vị khác như Nghị quyết 15 được phôi thai ra sao, nguồn gốc chiến dịch Quảng Trị mùa Hè 1972 hoặc vấn đề lựa chọn điểm mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (Buôn Ma Thuột) đã được đặt ra từ năm nào? Qua mục đầu của bức thư này, ta cũng có thể biết thái độ của nước bạn (Trung Quốc) về vấn đề Hiệp định Giơ-ne-vơ (hoàn toàn không phải là “chủ chiến” như Trần Đĩnh nêu trong Đèn cù).
Tài liệu này nằm trong bộ sưu tầm các bài nói, bài viết của Đại tướng, do cụ Đại tá, tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan tập hợp, với mục đích là “lưu giữ trong tủ sách gia đình” để “tự nghiên cứu, học tập” (năm nay cụ Khoan cũng đã 86 tuổi hạc). Tuy vậy cụ cũng có hảo ý “không dám từ chối bạn đọc nào muốn tham khảo” và nhờ vậy, tôi may mắn được tặng một bản coppy. Nhân đây, xin cảm tạ sự ưu ái của cụ.
Do cái ipad của tôi không sạc được điện nên tạm thời chưa cung cấp được ảnh của tài liệu này, tôi sẽ chụp đưa lên bài viết sau(*).
Dưới đây gõ lại nguyên văn, kể cả những chỗ gạch dưới, từ bản chụp (coppy) của bản đánh máy. Tuy nhiên những đoạn tô màu đậm hơn là tôi cố ý nhấn mạnh.

"Ngày 20 tháng 2 năm 1988

Anh Sáu Thọ,
Tôi đã xem bài nói của anh về “Một số vấn đề tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử quân sự”. Anh đã nói rõ, đây là quan điểm cá nhân, không thể nói là của Bộ Chính trị mà cũng chưa phải là được tập thể tổng kết.
Cậu Nhân nói anh muốn tôi phát biểu ý kiến. Từ lâu, tôi đã suy nghĩ nhiều về vấn đề được nêu ra, nhưng nay muốn phát biểu thì phải bàn bạc và trao đổi thêm với một số đồng chí lãnh đạo và chỉ huy lúc bấy giờ. Mà hiện nay, thì công tác trước mắt quá bận, chưa có thì giờ làm được.
Vì vậy, tôi chỉ nêu một số ý kiến để anh tham khảo.
1)- Về vấn đề đánh giá tình hình và chủ trương của ta sau hội nghị Giơ - ne - vơ
Phải nói rằng tình hình bấy giờ khá phức tạp, tư tưởng hòa bình chủ nghĩa của bạn cũng khá mạnh.
Nhưng, Bác luôn nhắc nhở anh Trường Chinh và các đồng chí trong Bộ Chính trị phải theo dõi âm mưu thâm độc của kẻ thù, không được chủ quan. Tôi thấy sự sáng suốt của Bác và Bộ Chính trị biểu hiện rõ nhất là ở chỗ ngay lúc bấy giờ đã xác định kẻ thù cụ thể trước mắt của toàn dân là đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản hiệp định và bọn Ngô Đình Diệm, đế quốc Mỹ là kẻ thù đầu sỏ và nguy hại nhất.
Tôi nhớ lại trước khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đã có cuộc hội đàm giữa Bác và đồng chí Chu Ân Lai ở Liễu Châu. Trong cuộc hội đàm ấy, đồng chí Chu đã có bài phát biểu rất dài, dùng nhiều lý lẽ để thuyết phục ta cần dành cho được hòa bình, nói rất nhiều về những điều kiện thuận lợi đưa đến tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Sau cuộc hội đàm ấy, trên đường đi tàu hỏa về nước, Bác và chúng tôi đã trao đổi ý kiến về cục diện sắp tới. Tôi đã nói với anh Trần Văn Quang: ta có trên 30 vạn quân, còn địch thì có những 45 vạn (anh Quang tính là 47 vạn), thì làm thế nào có thể tổng tuyển cử, có hòa bình thống nhất đất nước được. Chúng tôi đã trình bày ý kiến ấy với Bác. Và khi về nhà, nghe báo cáo lại nội dung cuộc hội đàm thì Bác và các anh đều cho rằng lời phát biểu và cách phân tách và dự đoán tình hình của đồng chí Chu là một chiều.
Do vậy, sau khi Hiệp định được ký kết, ta đã nêu ra nhiệm vụ phải đấu tranh để củng cố hòa bình, đòi thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, nhưng đề ra 2 khả năng, có khi nói 3 khả năng, nhất là sau khi Mỹ lập ra khối SEATO, công nhiên phá hoại hiệp định.
Và rất sớm, Bác và Bộ Chính trị đã nhận định cuộc đấu tranh để thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ là một cuộc đấu tranh cách mạng, sự nghiệp đấu tranh thống nhất là một nhiệm vụ cách mạng: đó là sự nghiệp tiếp tục và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Lúc anh Ba ra, anh Ba tỏ ra rất đồng tình về điểm này và nói rất mừng về vấn đề xác định Mỹ là kẻ thù chính của cách mạng Việt Nam.
Bây giờ nhớ lại, tôi nghĩ rằng do có nhất trí ấy, cho nên vào cuối năm 1958, Bộ Chính trị đã giao cho tôi nhiệm vụ khởi thảo Nghị quyết 15 về cách mạng miền Nam. Tôi đã làm việc ấy với anh Hoàng Tùng và anh Trần Quang Huy trong khoảng 2 tuần lễ ở Đồ Sơn. Bản dự thảo đã được chuyển cho anh Ba xem lại, tôi nhớ về cơ bản không có thay đổi gì (nhất là về vấn đề bạo lực cách mạng, vấn đề về quan hệ giữa đấu tranh chính trị với khởi nghĩa và đấu tranh vũ trang trường kỳ) để trình ra Hội nghị Trung ương.
Trong cuộc thảo luận ở Hội nghị Trung ương, ý kiến của các anh trong Bộ Chính trị và phần lớn các đồng chí Trung ương đều nhất trí trên tất cả các vấn đề cơ bản, và Nghị quyết đã được thông qua với sự nhất trí cao.
Anh cũng nhớ rằng chính theo tinh thần đấu tranh cách mạng phải dùng bạo lực ấy, mà sau khi trao đổi ý kiến với đồng chi Kayson, Trung ương Đảng ta đã có Nghị quyết giúp cách mạng Lào chuyển từ đầu tranh chính trị lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, về sau từng bước đưa đấu tranh vũ trang lên vị trí chủ yếu.
2)- Về chiến dịch Trị Thiên. Vấn đề giải phóng được Huế hay không, không phải là suy diễn theo cục diện chiến trường lúc bấy giờ: Ta đánh chính diện, tình hình rất khó khăn, nhất là lúc anh đang ở Paris, mấy lần điện về: (lúc nào có dịp sẽ nói chuyện thêm).
Vấn đề là phải đặt câu hỏi: nếu ta cứ giữ vững quyết tâm lúc đầu, lấy Trị Thiên làm hướng chủ yếu, tấn công vào Quảng Trị kết hợp với đánh vu hồi vào Huế (tập trung trung đoàn công binh anh hùng mở đường phía Tây Huế) thì có thể giải phóng được Huế hay không?
Trên thực tế, ta đã thay đổi quyết tâm đúng đắn ban đầu, đề ra quyết tâm thứ hai lấy Tây Nguyên làm hướng chủ yếu. Tôi và một số đồng chí cho rằng thay đổi quyết tâm như vậy là sai. Do đó, đã phân tán chủ lực và phân tán lực lượng công binh vào hướng Tây Nguyên. Đến khi giải quyết hậu cần không được, điều động lực lượng cũng khó, thì mới bị động chuyển lại lấy Quảng Trị làm hướng chủ yếu, lâm vào thế phải đánh chính diện, còn hướng vu hồi thì không mở ra được vì kế hoạch làm đường ở phía Tây Huế đã bị bỏ dở, do lực lượng công binh một phần lớn đã điều đi Tây Nguyên.
3)- Về vấn đề Buôn Ma Thuột thì trong Quân ủy không hề có cuộc tranh luận nên đánh Đức Lập hay đánh Buôn Ma Thuột. Kế hoạch đánh Đức Lập đã được đề ra từ trước, nhằm mở đường cho bộ đội chủ lực ta tiến vào Miền Đông Nam Bộ khi cần, tránh không phải đi qua lãnh thổ Căm-pu-chia.
Sau khi ta giành thắng lợi ở Phước Long, nhược điểm của địch bộc lộ rõ, thì toàn thể Quân ủy đều hạ quyết tâm đánh Buôn Ma Thuột. Hôm anh đến, Quân ủy đang bàn là bàn về cách đánh như thế nào để đảm bảo thắng lợi, đề ra hai phương án: trường hợp địch còn sơ hở chưa tăng cường và trường hợp địch đã tăng cường, cả hai phương án đều nhằm mục đích tiêu diệt địch và giải phóng Ban Mê Thuột. Tôi cũng đã đề cập đến khả năng địch rút khỏi Tây Nguyên nếu ta giành được thắng lợi lớn.
Anh Dũng, anh Thái, anh Thảo đều nhất trí với kết luận của tôi.
Nhớ lại, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Nghị quyết 21 của Trung ương nói đến thời cơ lịch sử giải phóng miến Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Tôi đã đề ra với các đồng chí lãnh đạo khu V, khả năng giải phóng Tây Nguyên trước. Tôi cũng đã làm việc với anh Hoàng Minh Thảo về vấn đề này, xác định Buôn Ma Thuột là điểm yếu nhất, lại là địa bàn cơ động nhất ở Tây Nguyên (anh Thảo hiểu Tây Nguyên nên phân tách đúng và sắc) và từ lúc ấy đã có chỉ thị cho anh Thảo chuẩn bị chiến trường. Học viện quân sự cũng bắt đầu nghiên cứu phương án tác chiến.
4)- Một số điểm khác về trận Tổng tấn công mùa Xuân 1975 nếu đưa ra bàn thì cũng còn có ý kiến. Lúc này, nên cố gắng ghi lại sự kiện lịch sử cho chính xác. Nếu muốn bàn thì nên có đủ các đồng chí lãnh đạo và chỉ huy chủ chốt lúc bấy giờ. Rất tiếc là anh Thái và anh Tấn không còn. Nhiều anh khác hiện cũng rất bận. Hay là ai có ý kiến như thế nào thì cứ viết ra cũng được, nói rõ là ý kiến của cá nhân mình.

Thân,


Văn"
---------------------
(*)Bổ sung ảnh, ngày 18/3: 




12 nhận xét:

  1. Cám ơn bác Lý! Tư liệu hay, những đoạn tô đậm của bác cũng hay luôn. Mà bác đã tô đâm, thì mắc cỡ gì nữa mà bác không tán rộng cho vui cửa vui nhà. Tui mong bác phát quang hơn chút nữa về đoạn Nghị quyết 15. Nếu tôi nhớ không nhầm thì "Đề cương cách mạng miền Nam" do ông Lê Duẩn chấp bút mới chính là nền tảng của Nghị quyết 15 (Nghị quyết về đường lối cách mạng miền Nam)?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bác Đinh rỉ, bác dùng chữ “tán” rất hay, tôi ưng, nhưng bây giờ mới có thời gian để “tán”.
      Bác đề nghị tôi “phát quang” cái khúc Nghị quyết 15, tôi e rằng khó, vì cái khúc này khá rậm rịt. Thôi thì biết tới đâu ta “tán” tới đó.
      Trước hết thì Nghị quyết 15 và Đề cương (sẽ viết tắt là 15 và DC), anh trước, anh sau, như đều có một điểm then chốt: là ĐÁNH.
      Ngược lên một chút, hãy xem xét vài sự kiện trước khi có DC và 15. (1) Ngay sau trận thắng ĐBP, (khoảng 9/5/1954), kèm theo lời khen ngợi tướng Giáp cụ Hồ dặn với, “chú còn phải chuẩn bị ĐÁNH Mỹ”. (2) Trước khi ký Hiệp định Giơ neo, như cụ Giáp lăn tăn với cụ Quang trên tàu hỏa sau hội đàm với Chu, lực lượng họ lớn gần gấp rưỡi ta, làm sao có chuyện hòa được (nói cách khác, cũng là phải ĐÁNH, không có cách nào khác). (3) Khi thi hành Hiệp định, theo quy định về Tập kết, vũ khí bên nào bên ấy mang đi, nhưng, bên Việt Minh đã tổ chức chôn dấu tại chỗ. Để làm gì, nếu không chuẩn bị cho việc ĐÁNH?. (4) Các cán bộ tập kết, đặc biệt là tầm cỡ như ông Duẩn, được chỉ thị bí mật ở lại, đây là tầm nhìn thấu suốt của Cụ Hồ, để rồi chính ông là người viết ra chữ ĐÁNH, trong DC sau này.
      (5) Ngay trước khi ông Duẩn viết đề DC (tháng 8/1956), thì Nghị quyết của Bộ Chính trị (6-1956) đã xác định đấu tranh chính trị “không có nghĩa là tuyệt đối không dùng vũ trang tự vệ trong những hoàn cảnh nhất định...”.
      Tóm lại, các chi tiết, sự kiện từ 1- 5 đều hé cho thấy cái tư duy “ĐÁNH” là xuyên suốt đối với các cụ, tuy là bất đắc dĩ, nhưng làm gì còn cách nào khác để đạt tới mục tiêu thống nhất đất nước. DC hay 15 đều là những bước kế tiếp của cái tư duy này.

      Xóa
    2. Tán tiếp:

      Như vậy thì nói “"Đề cương cách mạng miền Nam" do ông Lê Duẩn chấp bút mới chính là nền tảng của Nghị quyết 15 (Nghị quyết về đường lối cách mạng miền Nam)” thì có thể không sai, nhưng chưa đủ. Vì nền tảng của 15, (ĐÁNH), bắt nguồn từ tư duy của cụ Hồ (toàn dân), của tướng Giáp (quân đội) và của Bộ Chính trị (Đảng), mà khi ấy ông Duẩn đứng đầu.
      Ngoại trừ một ông là ông Hoàng Minh Chính, và gần 60 năm sau, lại thấy cây nấm lùn Trần Đĩnh mọc lại.
      Thế còn về mặt văn bản, thì DC là do ông Duẩn khởi thảo, vạch ý, tôi nhớ ông Châu ... Tuấn là người chấp bút, ông này văn hay chữ xấu nên lại phải có người khác “dịch” lại ra tiếng Việt và chép lại. Đọc DC thì có thể thấy tư duy ông Duẩn thật không hổ với danh hiệu “Đèn 200 nến” mà các cụ khác đã khen.
      Còn 15 thì do tướng Giáp được chỉ định khởi thảo, như cụ đã kể. Một trong hai người chấp bút là ông Hoàng Tùng đã cũng đã kể rõ như vậy và còn nhiều chi tiết cụ thể hơn, khi trả lời phỏng vấn báo chí (PV Nhật Hoa Khanh, bác chịu khó tra mạng). Ông Hoàng Tùng cho biết, việc này hoàn toàn độc lập với DC (khi đó ông chưa được đọc) và khi trình ra hội nghị, thì ông Duẩn, với vai trò chủ trì và am hiểu hơn hết về miền Nam, góp nhiều ý kiến.
      Có điều đáng tiếc, là sau nay một vài vị vì quá đề cao ông Duẩn nên ghép luôn cái 15 cho ông. Tôi nghĩ là thừa, chỉ cần cái DC thì ông ấy cũng sáng chói rồi.

      Xóa
    3. Tưởng bác tán sơ sơ, ai dè bác làm thành một bài, hì hì! Bác Lý chu đáo quá, cám ơn bác rất nhiều!

      Xóa
    4. Nghị quyết T.Ư về giải phóng miền Nam ra đời như thế nào? (Hoàng Tùng kể - Nhật Hoa Khanh ghi - Tiền Phong)

      (...)
      Năm 1957, cách đây đúng nửa thế kỷ, hai ông Hoàng Tùng và Trần Quang Huy được Bác Hồ và Bộ Chính trị trao trọng trách chấp bút bản Dự thảo Nghị quyết Trung ương 15 (Khóa hai) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
      (...)
      Ngay sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tháng 5 /1954) chấn động toàn cầu, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về căn cứ địa Việt Bắc báo cáo chiến công với Bác Hồ và Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bác Hồ đã nói một câu có tầm nhìn xa và tầm chiến lược: NHÂN DÂN TA CÒN PHẢI TIẾP TỤC CHỐNG MỸ.
      (...)
      Tháng 5/1955, ngay sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, đường giải phóng mới đi một nửa, toàn dân Việt Nam ai nấy đều mong muốn giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước. Nhưng giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước theo đường lối nào và bằng phương pháp nào, đó là cả một vấn đề trọng đại và vô cùng phức tạp mà thực tế lịch sử đặt ra cho dân tộc Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, phải có trí tuệ tập thể, phải bàn luận thật kỹ lưỡng và thật thận trọng.

      Vì vậy, khoảng đầu năm 1957, Bộ Chính trị, đứng đầu là Bác Hồ, quyết định chuẩn bị hai việc lớn:

      Một: Triệu tập Hội nghị Trung ương 15 (Khóa hai) mở rộng để bàn luận và quyết định đường lối và phương pháp cách mạng giải phóng miền Nam.

      Hai: Triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng để bàn luận và
      quyết định đường lối xây dựng và phát triển miền Bắc làm cơ sở cho cuộc cách mạng giải phóng miền Nam.

      Việc chỉ đạo chấp bút bản dự thảo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 (Khóa hai) được Bộ Chính trị giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

      Hai người giúp anh Võ Nguyên Giáp chấp bút bản dự thảo đó, cũng do Bộ Chính trị chỉ định, gồm Trần Quang Huy (lúc ấy là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban Tuyên huấn Trung ương) và tôi (tức Hoàng Tùng, lúc ấy là Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó ban Ban Tuyên huấn Trung ương).

      Xóa
    5. Mùa hè 1957, từ Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tôi cùng Trần Quang Huy xuống Đồ Sơn (Hải Phòng), làm việc trong khu nghỉ mát Pa-gốt-đông nổi tiếng. Tại đây, chúng tôi làm việc mấy đợt, mỗi đợt gồm nhiều buổi.

      Mở đầu buổi làm việc đầu tiên, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đặc biệt nhắc nhở Trần Quang Huy và tôi phải thấm nhuần ý tưởng NHÂN DÂN TA CÒN PHẢI TIẾP TỤC CHỐNG MỸ và ý tưởng TRANH THỦ MỌI THỜI CƠ ĐỂ Hòa BÌNH THỐNG NHẤT NƯỚC NHÀ của Bác Hồ. Đó chính là ánh sáng chỉ đạo toàn bộ quá trình chấp bút bản dự thảo. Anh Võ Nguyên Giáp nhắc chúng tôi như vậy.

      Do phong cách làm việc dân chủ vốn có, anh Võ Nguyên Giáp thường chủ động mời hai chúng tôi phát biểu trước, rồi sau đó, anh mới trình bày ý kiến của mình. Chính vì vậy, tại Đồ Sơn, trong quá trình soạn thảo, khi hai chúng tôi được anh hỏi ý kiến thì tôi đã nêu lên hai vấn đề cơ bản của Dự thảo Nghị quyết 15 (Khóa hai).

      Thứ nhất: Sử dụng phương pháp đấu tranh vũ trang, đấu tranh bằng bạo lực cách mạng. Chúng ta buộc phải sử dụng phương pháp này bởi vì Mỹ _ Diệm ngày càng tăng cường lùng sục và giết hại những người kháng chiến cũ ở miền Nam và luôn miệng hô hào “Bắc tiến”.

      Về vấn đề thứ nhất, Trần Quang Huy cũng suy nghĩ như tôi.

      Thứ hai: Tập hợp sức mạnh toàn thể dân tộc để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

      Về vấn đề thứ hai, tôi trình bày với Đại tướng như sau: Ở Việt Nam, cần phải tập trung thực hiện nhiệm vụ thống nhất toàn thể dân tộc, đoàn kết toàn thể dân tộc hơn là thực hiện một cuộc đấu tranh giai cấp. Muốn giải phóng miền Nam, ngoài việc thực hiện phương pháp đấu tranh vũ trang, phải thống nhất toàn thể dân tộc, tập hợp toàn thể dân tộc, đoàn kết toàn thể dân tộc theo đúng tư tưởng Bác Hồ.

      Đồng chí Võ Nguyên Giáp hoàn toàn nhất trí với hai vấn đề cơ bản nêu ở trên.

      Tuy nhiên, cũng cần nói rõ: trước khi được biết ý kiến nói trên của tôi, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong những cuộc họp Trung ương hoặc Bộ Chính trị hoặc trong những cuộc trò chuyện với nhiều Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương Đảng vào những năm 1955 _ 1956 và đầu năm 1957 cũng đã từng khẳng định ý nguyện hoà bình của toàn dân, toàn Đảng, đồng thời căn cứ vào thực tiễn Việt Nam và thực tiễn quốc tế, kiên trì và chủ động đưa ra giải pháp đấu tranh vũ trang và giải pháp đoàn kết toàn thể dân tộc, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

      Dưới sự chỉ đạo của anh Võ Nguyên Giáp, tôi và Trần Quang Huy chấp bút thuận lợi bản Dự thảo Nghị quyết 15 (Khóa hai) vì cả ba chúng tôi, nhất là đại tướng Võ Nguyên Giáp, đều hiểu thấu ý tưởng tranh thủ mọi thời cơ để hoà bình thống nhất đất nước, ý tưởng đấu tranh vũ trang và ý tưởng đoàn kết toàn dân, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao của Bác Hồ.

      Xóa
    6. (...)
      tôi và Trần Quang Huy phải viết đi viết lại bản dự thảo nhiều lần. Lần nào, bản dự thảo, sau khi sửa chữa xong, cũng được sao thành nhiều bản gửi lên Bác Hồ và từng Ủy viên Bộ Chính trị để xin ý kiến. Lần nào cũng vậy, Bác Hồ và các thành viên khác của Bộ Chính trị cũng đều góp ý kiến chu đáo. Bác Hồ luôn luôn góp cho bản dự thảo ý tưởng hòa bình thống nhất nước nhà và ý tưởng đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, chỉ vũ trang đấu tranh khi tình thế bắt buộc.

      Tiếp nhận nghiêm túc ý kiến của Bác Hồ và của các Ủy viên Bộ Chính trị, càng về sau, bản dự thảo càng trở nên đầy đủ hơn; càng biểu hiện được rõ ràng hơn hai vấn đề cơ bản đấu tranh vũ trang và đoàn kết toàn dân, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao như trên đã nói.

      Khoảng cuối 1958, bản dự thảo cuối cùng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ đạo tôi và Trần Quang Huy chấp bút được hoàn thành.

      Như những lần trước, lần này, Văn phòng Trung ương Đảng tiếp tục sao thành nhiều bản trình lên xin ý kiến Bác Hồ và từng Ủy viên Bộ Chính trị. Sau đó, được tiếp tục sao gửi đến từng Ủy viên Trung ương.

      Trong Đề cương, anh Lê Duẩn sớm nêu lên ý tưởng sâu sắc sử dụng bạo lực cách mạng cùng với ý tưởng tập hợp toàn thể các tầng lớp nhân dân, ý tưởng tổng khởi nghĩa giành chính quyền để giải phóng miền Nam.

      Lúc này, từ miền Nam, anh Lê Duẩn đã ra tới Hà Nội. Sau một thời gian nghỉ ngơi, tìm hiểu tình hình thực tiễn miền Bắc và quốc tế, đồng chí Lê Duẩn được Bác Hồ cùng Bộ Chính trị trao cho cương vị tương đương Quyền Tổng Bí thư.

      Khi bản dự thảo cuối cùng nói trên được chuyển lên xin ý kiến Bác Hồ, Bác xem và cơ bản tán thành. Sau đó, Người chỉ thị: chuyển chú Ba xem. (Ba là tên gọi thân mật của anh Lê Duẩn).

      Chấp hành chỉ thị của Bác Hồ, đồng chí Lê Duẩn xem và cơ bản nhất trí. Sau đó, anh Lê Duẩn gọi tôi và Trần Quang Huy đến giúp anh viết một số ý kiến bổ sung vào bản dự thảo cuối cùng Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 (Khóa hai) nói trên. Trong quá trình bổ sung một số ý kiến vào bản dự thảo cuối cùng này, đồng chí Lê Duẩn chỉ đạo tôi và Trần Quang Huy làm việc nhiều lần ở Hà Nội, Đồ Sơn và lần cuối cùng ở Bãi Cháy (Quảng Ninh).

      Xóa
    7. Nhân đây, tôi cũng muốn nhấn mạnh: trong quá trình chấp bút dự thảo Nghị quyết 15 (Khóa Hai), cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hai chúng tôi đều hoàn toàn chưa được biết là tại cơ quan Xứ ủy Nam Bộ (số 290 Huỳnh Khương Ninh, Sài Gòn), từ khoảng cuối mùa khô 1955 đến tháng 8/1956, đồng chí Lê Duẩn đã chủ động viết và cơ bản hoàn thành bản Đề cương cách mạng miền Nam.

      Chúng tôi cũng không được biết tháng 12/1956 và mấy tháng đầu năm 1957, tại Nông Pênh, bản Đề cương cách mạng miền Nam được thảo luận kỹ (nhưng chưa được chính thức thông qua) trong Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ mở rộng. Do đó, cả anh Võ Nguyên Giáp và hai chúng tôi đều chưa được đọc bản Đề cương ấy.

      Trong Đề cương, anh Lê Duẩn sớm nêu lên ý tưởng sâu sắc sử dụng bạo lực cách mạng cùng với ý tưởng tập hợp toàn thể các tầng lớp nhân dân, ý tưởng tổng khởi nghĩa giành chính quyền để giải phóng miền Nam.

      Như vậy, giữa Đề cương cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn và dự thảo Nghị quyết 15 (Khóa hai) do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo tôi và Trần Quang Huy chấp bút có sự trùng hợp cơ bản về ý tưởng dùng bạo lực cách mạng và ý tưởng tập hợp toàn thể dân tộc để giải phóng miền Nam. Sự khác nhau giữa hai bản thuộc về lời văn và một vài vấn đề cụ thể.
      (...)
      http://www.tienphong.vn/xa-hoi/nghi-quyet-tu-ve-giai-phong-mien-nam-ra-doi-nhu-the-nao-82719.tpo

      Xóa
  2. Chờ bác Lý cho bản chụp lên.

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn bác Lý ! Đã thấy 2 trang trong sưu tập của cụ đại tá rồi.

    Nếu bác cho thêm, hay cho hết cái đoạn thư của cụ đại tướng, thì còn quí hơn nữa. Bằng không, thì cho thêm trang có chữ kí của cụ đại tướng nữa, bác ạ.

    Trả lờiXóa
  4. :v mới đọc qua đã biết là xuyên tạc, mấy con lợn ạ. Làm lợn thì khó giấu được mùi lợn lắm

    Trả lờiXóa
  5. Chú Lý có thể cho tôi biết nội dung của ĐIỀU 10 và ĐIỀU 12 của hiệp định Paris không ?

    Trả lờiXóa