Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

Đù me “công tích” (1)





Mấy đời bánh đúc có xương?
----------

Toàn quyền Đông dương Paul Doumer (1897 - 1902)
Thời Pháp thuộc, ba nước Việt, Miên và Lào nằm trong Liên bang Đông Dương  do người Pháp lập ra. Riêng nước ta bị chia thành ba kỳ với ba chế độ cai trị khác nhau, trong đó Nam kỳ là xứ trực trị, Trung kỳ và Bắc kỳ là xứ bảo hộ.
Đứng đầu Liên bang Đông Dương là một viên chức Pháp, được gọi là Toàn quyền Đông Dương (Gouverneur Général de l'Indochine). Tuy trên danh nghĩa ba nước còn có ba ông vua ngồi đó, nhưng quyền uy quan Toàn quyền còn lớn gấp ba lần ba vua cộng lại.
Trong số các Toàn quyền Đông dương thì Paul Doumer (giữ chức vụ từ 1897 đến 1902) để lại nhiều dấu ấn hơn cả. Dân ta gọi theo đúng giọng Parisiens là ông Đù me đại nhân.
Trước khi sang Đông Dương, Paul Doumer vốn là đương kim Bộ trưởng Bộ Tài chính của “nước mẹ” Đại Pháp. Lắm tài nhưng cũng nhiều tật, lại thuộc nhóm cấp tiến, Doumer hăng hái đòi chính phủ phải thu thuế lợi tức để bù vào ngân khố thâm thủng. Đề án lập ra, đám thượng viện, hạ viện và cả nội các đều soi ra “đối tượng” phải nộp thuế là chính mình nên hoảng hồn, bác đề án và mưu toan tống cục nợ đi cho khuất mắt. Đúng lúc viên Toàn quyền Đông Dương bấy giờ là Armand Rousseau vừa ngủm vì bịnh kiết, và Paul Doumer sau ít nhiều do dự cũng bằng lòng thế chỗ.
Được bổ nhiệm ngày 27-12-1896, ngày 13-2-1897, Paul Doumer đặt chân xuống Sài Gòn.
Sài Gòn bấy giờ đã là một đô thị sầm uất được quy hoạch theo kiểu Âu với một số công trình kiến trúc hoành tráng theo phong cách Pháp - Ý. Nhiều người Việt đến giờ vẫn còn ăn theo niềm tự hào “Hòn ngọc Viễn Đông” và muốn quên chuyện người Pháp đã mài xương máu dân Annam mà làm nên “ngọc”, duy kẻ thụ hưởng “hòn ngọc” thì khi ấy chỉ là các ông Tây. Xứ Nam kỳ là xứ trực trị, Sài Gòn được coi là một đơn vị hành chính thuộc Pháp (commune Francaise) mà người Việt dịch ra là “xã Tây”. Đứng đầu “xã Tây” là một Xã trưởng (maire) và dưới đó là một Hội đồng hơn 20 người, hầu hết là Tây (một vài người bản xứ có thể tham gia, nhưng phải là "dân có máu mặt", vì phải ký quỹ một khoản tiền lớn, như ông Trương Vĩnh Ký).
Dinh Xã Tây được thiết kế theo phong cách kiến trúc Pháp - Ý và bác culi xe có nên tự hào thái quá về "Hòn ngọc Viễn Đông" không nhỉ?
Cho đến khi đó, vì Sài Gòn là đất thuộc Pháp, là “con đẻ” nên được “ưu ái” tập trung “đầu tư” còn hai xứ bảo hộ Bắc kỳ và Trung kỳ, là “con nuôi, con ghẻ” thì dường như vẫn còn bị "ghẻ lạnh" trong sự thờ ơ của “nước mẹ”.
Thậm chí, khi biết Paul Doumer được bổ nhiệm chức vụ Toàn quyền Đông Dương, viên “xã trưởng” Sài Gòn và chủ tịch Hội đồng Thuộc địa là Paul Blanchy, (làm giàu nhờ việc thầu khoán các công trình công cộng tại thuộc địa) đã chạy đôn chạy đáo mở một cuộc vận động ngay tại chính quốc đòi ly khai xứ Nam kỳ ra khỏi Liên bang Đông Dương, đồng nghĩa là thoát ra khỏi ảnh hưởng của tân quan Toàn Quyền vốn có tiếng là độc tài. Doumer tuyên bố thẳng thừng, nếu Bộ Thuộc địa để cho điều đó xảy ra, ông sẽ từ nhiệm, còn với cương vị hiện có của mình thì ông, duy nhất là người đủ thẩm quyền quyết định về số phận của Sài Gòn. 
Paul Doumer không che dấu quan điểm của mình là nước Pháp sẽ không tiếp tục “biệt đãi” riêng với Sài Gòn như cũ, thậm chí là phải xiết chặt hơn nữa các nguồn chi “đặc quyền đặc lợi” của cái Hội đồng thành phố này. Hà Nội, Hải Phòng cần được ưu tiên hơn để phát triển thành các trung tâm có vai trò xứng đáng trong xứ Bắc kỳ và rộng ra, là toàn cõi Đông Dương. Đó mới là nơi đặt bàn đạp để nước Pháp thần thánh bành trướng sang thị trường Trung Quốc. Chính Trung Quốc mới là “giấc mơ” của người Pháp từ hàng nhiều chục năm nay, khi họ nhầm tưởng có thể thông thương tới Vân Nam qua ngả sông Hồng (và cả sông Mekong) và đó chính là lý do "cao quý" mà người Pháp viện ra khi đánh chiếm Bắc kỳ. (Nói về điều này, cụ Vương Hồng Sển có khôi hài chua chát rằng than ôi, giá như thời đó các ông Tây thực dân kém dốt địa lý hơn một tý, thì nước tôi đã không phải đeo cái ách thực dân ngót trăm năm).
Để làm được điều đó cần phải có một hệ thống đường sắt xuyên Đông Dương và sẵn sàng kết nối với Vân Nam. Không trông đợi vào thuộc hạ, Doumer quyền to hơn vua không quản gian khó hiểm nguy, đích thân cưỡi ngựa đi “phượt” xuyên Việt, khảo sát tìm hiểu địa bàn trước khi xét đồ án thiết kế.
Cùng đi với Doumer duy nhất có viên Thiếu tá cận vệ Nicolas. Hai thầy trò ròng rã vượt qua chặng đường dài trên 800 km từ Hà Nội vào đến Đà Nẵng trong vòng một tuần, trung bình mỗi ngày đi hơn trăm cây số. Hành lý gọn nhẹ bỏ không đầy một cái túi da (serviette) đeo hông ngựa. Không nghi lễ đón tiếp, không võng lọng, cờ xí, trống kèn và tiệc tùng, ngài Toàn quyền chỉ yêu cầu các quan Nam triều sắp đặt tại mỗi trạm dịch có sẵn đôi ngựa khỏe thay cho ngựa mỏi, vài tên quân lính biết săn sóc ngựa và rành rẽ đường xá để chỉ dẫn nếu cần. (Chỗ này các quan ta nên học).
Câu chuyện về chuyến đi đội nắng, dầm mưa, vượt lũ và ăn bụi nằm bờ này được ông ghi lại trong cuốn hồi ký L’Indochine Française (Souvenirs) Nhà xuất bản Vuibert & Nony, Paris in năm 1903. (Cuối tháng 12-2015 mới có bản dịch tiếng Việt do Công ty cổ phần sách Alpha và Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành)
Sau chuyến đi đó, trong suốt thời gian hơn 5 năm tại nhiệm, Paul Doumer xây dựng hoàn thành 1650km đường sắt xuyên Việt và từ Hà Nội vươn dài nối với Côn Minh - Trung Quốc, trong đó có những cây cầu đường sắt nổi tiếng đến nay là cầu Long Biên (Hà Nội), cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), cầu Tràng Tiền (Huế) và cầu Bình Lợi (Sài Gòn). Ngoài đường sắt ra, Doumer còn cho mở mang những con đường bộ từ Hà Nội đi Cao Bằng, Đà Nẵng – Huế, Phan Rang – Đà Lạt và từ Đông Hà sang Lào.
Riêng cây cầu thép vượt sông Hồng, được xây dựng trong hơn 3 năm (9/1898 – 2/1902) theo thiết kế của hãng Daydé et Pillé (không phải hãng G. Eiffel nổi tiếng như một số ít người vẫn lầm tưởng) là một trong số bốn cây cầu lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Cầu dài 1680m, gồm 19 nhịp sắt kiểu Cantilever, 20 trụ móng được đặt sâu dưới 30m nước với tổng chiều cao là 43,5m. Phía hữu ngạn còn thêm 800m cầu dẫn trên cao (cầu cạn) nằm vượt trên các mái nhà phố đường Phùng Hưng. Trước đó, từ 1893, chỉ có một đò máy chạy bằng hơi nước dành cho người Âu và người Annam giàu có qua sông.
Hãng Daydé et Pillé thiết kế và chế tạo, thợ Việt ráp và xây mố

Cầu Paul Doumer, giờ mang tên là cầu Long Biên
Ngày “tam nhị” 02-2-1902, cầu được chính thức khánh thành và mang tên Paul Doumer từ đó cho đến tháng 7-1945, Pháp bị Nhật đá đít, thị trưởng Hà Nội là bác sĩ Trần Văn Lai đổi tên thành cầu Long Biên như còn đến bây giờ. (Năm 1974, thầy Lạn, dạy tiếng Pháp tụi tôi giảng rằng, “Long” ở đây hoàn toàn không dính dáng gì đến con “rồng” xứ Việt, cái tên cầu tưởng là Việt hóa ra lại vẫn có xuất xứ từ chữ Tây, là “longe et bien”, nghĩa là “dài và tốt” được đọc Việt hóa thành “long biên”. Và nhắc đến cây cầu dài (longe) này, nay cũng xin ghi vào đây, là vào cái hồi còn bao cấp, thường vẫn thấy một đội công nhân duy tu bảo dưỡng cầu, quanh năm và hàng ngày chỉ làm mỗi việc cạo rỉ và sơn. Tốp cạo đi trước, tốp sơn nối đuôi, bắt đầu từ phía Hà Nội sang Gia Lâm và vừa khi các bác thợ sơn còn đang loay hoay bôi bôi nhịp cuối thì các chú thợ cạo đã trở về hì hục xóa xóa nhịp đầu. Cầu dài quá, nên sơn đầu kia còn chưa kịp khô thì đầu này đã kịp rỉ sét rồi).
Việc xuất thân là con trai của một bác cai đường sắt bên "mẫu quốc" cộng với sự quá nhiệt thành trong công cuộc xây dựng hệ thống đường sắt Đông Dương khiến cho báo chí Pháp thời đó mỉa mai gọi Doumer và thuộc cấp là “bọn theo chủ nghĩa đường sắt”.
Hà Nội cũng được Doumer quan tâm đặc biệt khi ông cho thành lập ở đây  trường Viễn Đông Bác cổ (École francaise d’ Extrême – Orioent, (EFEO), thành lập 15-12-1898) sau đó được nâng cấp thành cơ sở khoa học trực thuộc quan Toàn quyền. Trường trở nên nổi tiếng khi có nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc và góp phần không nhỏ trong việc phục hồi và bảo tồn các các cổ vật bản địa (đặc biệt là Khmer và Cham) khỏi chính sự cướp phá của những người Pháp thực dân.
Doumer cũng không ngần ngại khi ông chọn địa điểm xây dựng các trường cao đẳng đầu tiên trên xứ Đông Dương tại Hà Nội là trường Y và trường Công chánh (lần lượt vào tháng 1 và tháng 2 năm 1902). Đối tượng hướng tới là con cái các ông đồ ông bảng xứ Bắc vốn thừa chữ nhưng quá thiếu tiền, không đủ sở phí học xa như con các ông điền chủ Nam kỳ. Hơn thế, thấy xa hơn những người tiền nhiệm, Doumer biết rằng duy Hà nội mới là vị trí “đắc địa” cho việc “câu kéo” đám thanh niên bên Tàu qua học:
"Bắc Kỳ không chỉ cho phép nghiên cứu các bệnh của vùng nhiệt đới Viễn Đông mà còn cả các bệnh riêng cho mùa lạnh. Hơn nữa, Bắc Kỳ tiếp giáp với Trung Hoa là nơi mà ảnh hưởng của nền Y học chúng ta đang ngày càng tăng cường. Đó là sự xâm nhập hữu hiệu nhất và cũng vinh dự nhất” (Trích biên bản phiên họp Hội đồng Tư vấn Tối cao Đông Dương -1898, mà Doumer là chủ tịch).
Cùng với Hà Nội, Doumer còn mở mang cảng Hải Phòng và đích thân khảo sát cao nguyên Langbiang. Và theo đề nghị của bác sĩ Yersin, ông lập ra thành phố Đà Lạt, nơi nghỉ dưỡng cho người Âu để họ khỏi tiêu tốn ngân sách khi trở về nước Pháp hưởng chế độ nghỉ mát hàng năm.
Một cây cầu khác ở phố Cầu Đất - Hải Phòng từng mang tên Paul Doumer, bị tháo dỡ vào năm 1925 và đã bị quên lãng

Paul Doumer sang cai trị xứ Đông Dương năm ấy mới tuổi 38. Nghị lực lớn, quyết đoán, tầm nhìn xa và sức làm việc phải nói là phi thường, lại có tiếng là liêm khiết và không vụ lợi, hơn hẳn đám tiền nhiệm chỉ biết hùng hục hút máu dân bản xứ và tha của về chính quốc.
Cho dù với động cơ gì phía sau, khách quan mà xét, những cấu trúc hạ tầng hữu ích mà Paul Doumer để lại đã góp phần mở mang nước Việt về kinh tế, xã hội, văn hóa, chúng ta kế thừa và ghi nhận điều đó.
Nhưng đừng có ngủ mơ mà cho rằng Paul Doumer là một người bảo vệ một thứ “dân chủ” nào đó, vì cái thứ xa xỉ đó chưa bao giờ có mặt ở thuộc địa và cũng chẳng phải là Đù me Đại nhân quan tâm lo lắng cho những người dân bị bóc lột bởi chính nền bảo hộ mà ông là đại diện tối cao. Ông chỉ phụng sự cho quyền lợi tối thượng của nước Pháp của ông mà thôi.
-------

Tài liệu:
Người Pháp và người Annam – Bạn hay thù? - Philippe Devillers, Nhà Denoel xuất bản tiếng Pháp năm 1998, Ngô Văn Quỹ dịch, NXB tổng hợp Tp. HCM in và xuất bản năm 2006.

Dỡ mắm (Di cảo) – Vương Hồng Sển, NXB Trẻ in và xuất bản 2014.


6 nhận xét:

  1. Cảm ơn Cụ Lý!
    Những vấn đề thuộc về Lịch sử như này đâu phải ai cũng biết?

    http://googletienlang2014.blogspot.com/2015/12/u-me-cong-tich.html

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cô Tiên đừng quên, Locliec còn phần 2 (và 3) "tụng ca" "công đức" quan lớn Toàn quyền nữa đấy.

      Xóa
    2. Nhà em đã đọc phần 2! Tuyệt!
      Nóng lòng chờ phần 3!

      Xóa
  2. Vừa phục vụ quyền lợi của nước Pháp (dĩ nhiên là tối thượng vì lão ấy là người Pháp) vừa góp phần mở mang nước Việt về kinh tế, xã hội, văn hóa cho 90 triệu dân Việt kế thừa, bấy nhiêu đó đủ để đúc tượng chưa ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chưa. Gã ấy còn phải ở trần đóng khố, nói tiếng Việt và ăn thịt chó chấm mắm tôm nữa.

      Xóa
    2. Vâng, nếu thấy rằng "bấy nhiêu đó đủ để đúc tượng" quan lớn Toàn quyền Đu me thì bố con các bác cứ việc đúc tượng. Cho nó trọn vẹn cái nghĩa "khuyển mã chí tình" ạ.

      Xóa